U xơ tử cung khi mang thai

1. U xơ tử cung là gì?

U xơ tử cung là khối u xơ hình thành từ các mô và sợi cơ ở tử cung. Chúng có kích thước khác nhau, chúng  phát triển bên ngoài, bên trong thành tử cung hoặc ở trong khoang tử cung.

U xơ tử cung là một bệnh lành tính và bệnh có thể được xử lý dễ dàng nếu như phát hiện sớm. Kiểm tra về vị trí cũng như kích thước của khối u chính là cách cần thiết và hiệu quả để xác định mức độ bệnh, từ đó đưa ra phương pháp điều trị hợp lý. 

Đối với những khối u nhỏ, chưa xâm lấn vào buồng tử cung, thường sẽ ít gây triệu chứng và chị em vẫn có thể mang thai bình thường. Tuy nhiên, đối với những khối u có kích thước lớn hơn hoặc nằm ở phần dưới niêm mạc tử cung sẽ gây khó mang thai, dễ gây sảy thai hơn. Các bác sĩ sẽ dựa vào nhiều yếu tố để tư vấn mang thai cho người bệnh, bao gồm vị trí, kích thước của khối u, độ tuổi, thể trạng của người bệnh,…

Một số trường hợp cần phải phẫu thuật để điều trị u xơ tử cung cũng cần lưu ý không nên mang thai quá sớm. Việc mang thai quá sớm sẽ khiến cho tử cung chưa phục hồi đã phải chịu áp lực lớn và gặp phải nhiều nguy cơ trong thai kỳ. Thông thường khoảng 1 năm sau mổ, người bệnh có thể mang thai. Nhưng từng trường hợp cụ thể sẽ có thể khác nhau và nên nhờ đến sự tư vấn chi tiết của bác sĩ chuyên khoa.

2. Nguyên nhân dẫn đến u xơ tử cung khi mang thai

U xơ tử cung được chia thành 3 loại

Nguyên nhân chính gây ra bệnh u xơ tử cung khi mang thai vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng đa số các chuyên gia sản phụ khoa đều cho rằng nội tiết tố estrogen trong cơ thể con người có liên quan đến sự hình thành và phát triển của khối u. Estrogen là hormone sinh sản nữ được sản xuất bởi buồng trứng (cơ quan sinh sản nữ). Và trong thời gian thai kỳ, nồng độ estrogen cơ thể con người tăng có thể là lí do dẫn đến sự phát triển của u xơ.

Có ba loại u xơ:

  • Intramural: dạng u xơ phổ biến nhất và thường nằm trong thành tử cung
  • Submucosal: dạng u xơ hình thành và phát triển trong niêm mạc tử cung
  • Subserosal: dạng u xơ hình thành và phát triển bên ngoài tử cung.

3. Dấu hiệu nhận biết u xơ tử cung

Thai phụ có thể cảm giác bị đè nặng ở lưng, bàng quang hoặc ruột khi bị u xơ tử cung

Nhiều phụ nữ thậm chí không biết họ bị u xơ bởi vì bệnh ban đầu thường không có triệu chứng. Bên cạnh đó, những trường hợp u xơ nghiêm trọng sẽ xuất hiện một vài dấu hiệu sau đây:

  • Kinh nguyệt kéo dài, có huyết đặc, luôn gây đau đớn mỗi khi đến kỳ
  • Cảm giác đau đớn mỗi khi quan hệ
  • Cảm giác bị đè nặng ở lưng, bàng quang hoặc ruột
  • Xuất hiện các đốm máu dù chưa đến kỳ kinh
  • Gặp các vấn đề về sinh sản, bao gồm vô sinh, sảy thai và sinh non
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Gặp khó khăn khi đi vệ sinh.

Bạn có thể được chẩn đoán u xơ tử cung thông qua việc kiểm tra vùng xương chậu. Nếu bác sĩ nghi ngờ có khối u bất thường nhưng chưa hẳn ung thư, bạn sẽ cần phải dùng hình thức siêu âm nhằm xác định chắc chắn đây chỉ là u xơ tử cung chứ không phải mối nguy hại nào khác.

4. Ảnh hưởng của thai kỳ lên u xơ tử cung

Trong thai kỳ, nội tiết tố estrogen sẽ tăng cao. Điều này gây ra tác động đối với u xơ tử cung, làm thay đổi kích thước và mật độ của khối u xơ:

  • U xơ tử cung sẽ trở nên mềm hơn. Do đó, u sẽ ít cản trở đường ra của bé trong quá trình mẹ chuyển dạ vì khi đó u xơ dễ bị ép dẹp lại trong trường hợp u nằm ở vị trí thấp
  • Kích thước khối u thường to ra do sự tăng sinh của sợi cơ, kể cả những tế bào mô cơ ở thành tử cung. Điều này cũng lý giải vì sao nhiều trường hợp chỉ có thể phát hiện ra u xơ tử cung trong khi đang mang thai, vì sau thời kỳ hậu sản, khối u xơ sẽ teo trở về như kích thước lúc đầu
  • Khi mắc u xơ tử cung trong thai kỳ, dưới phúc mạc có cuống có thể bị đầy lên cao đến ổ bụng, dễ bị xoắn hay kẹt lại tại đây.

5. Ảnh hưởng của u xơ tử cung đối với thai kỳ

Mẹ bầu có thể gặp một số nguy cơ do u xơ tử cung to lên trong thời gian mang thai và chuyển dạ.

5.1. Trong thời kỳ có thai

Thai phụ bị u xơ tử cung có thể gây sảy thai sớm
  • Sảy thai sớm: Khi khối nhân xơ chưa chiếm hết toàn bộ buồng tử cung, phôi thai vẫn trong giai đoạn làm tổ và phát triển được một thời gian. Khi thai lớn lên, tử cung bị kích thích do u xơ tử cung và thai nghén, xuất hiện những cơn co, dẫn đến thai bị tống ra ngoài. Hiện tượng sảy thai sớm thường xảy ra trong 3 tháng đầu thai kỳ.
  • Sảy thai muộn: Khối nhân xơ chỉ chiếm một phần trong buồng tử cung, khi thai to đến mức nào đó sẽ gây kích thích và bị đẩy ra ngoài. Hiện tượng sảy thai muộn thường xảy ra trong 3 tháng giữa.
  • Sinh non: Thường xảy ra khi tuổi thai từ 7 tháng trở lên. Lúc này, thai đã phát triển quá to, tử cung căng, gây kích thích, dẫn đến sinh non. Cũng có khi khối u xơ tử cung to khi đang mang thai chèn ép vào tử cung người mẹ, gây sảy thai hoặc sinh non.
  • Xoắn cuống nhân xơ: Thường gặp trong trường hợp u xơ dưới phúc mạc. Triệu chứng xoắn cuống nhân xơ gần giống như xoắn cuống của u nang buồng trứng và thường bị chẩn đoán nhầm. Hậu quả của xoắn cuống nhân xơ làm kích thích tử cung co bóp. Nhiều trường hợp phải mổ cấp cứu cho thai phụ vì dễ gây sảy thai hoặc sinh non.

5.2. Trong thời kỳ chuyển dạ

  • Rối loạn cơn co khi chuyển dạ: Tình trạng này do nhân xơ phát triển to, ngăn cản sự dẫn truyền của cơn co, làm cho cơn co có chiều hướng đảo ngược trở lại, hậu quả gây ra chuyển dạ kéo dài, dễ dẫn đến suy thai;
  • Khối u tiền đạo: Xuất hiện những khối u xơ nhỏ, nằm ở đoạn eo của tử cung, hoặc khối nhân xơ có cuống dài, đã phát triển to, rơi xuống eo tử cung tạo thành khối u tiền đạo. Chúng ngăn cản sự tiến triển bình thường của ngôi thai, dẫn đến sinh khó.
  • Cản trở bong rau do rối loạn cơn co: Bị u xơ tử cung trong thời gian mang thai có thể khiến cho rau bong không hoàn toàn, gây sót rau. 
  • Rối loạn cơn co, tử cung co hồi không tốt, dẫn đến tình trạng đờ tử cung, gây xuất huyết trong thời kỳ bong rau
  • Hoại tử nhiễm khuẩn: Thường xảy ra trong thời kỳ hậu sản đối với loại nhân xơ dưới niêm mạc.

Trong thời kỳ hậu sản, thường u xơ tử cung sẽ thu bé lại, nguy cơ xảy ra biến chứng không cao. Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt cần theo dõi đặc biệt vì có nguy cơ gặp biến chứng nhiễm khuẩn, nhất là với loại u xơ dưới niêm mạc. Trường hợp khối u xơ có cuống, dễ dẫn đến biến chứng xoắn bởi ổ bụng rỗng đột ngột. Nhân xơ tử cung hiếm khi dẫn đến biến chứng thuyên tắc mạch.

6. Điều trị u xơ tử cung khi mang thai

Vấn đề u xơ tử cung thường không được điều trị trong khi mang thai, trừ khi xuất hiện các biểu hiện nghiêm trọng, ví dụ như chảy máu quá mức hoặc đau mạn tính. Phụ nữ bị u xơ tử cung khi mang thai, điều duy nhất có thể làm là chú ý theo dõi kỹ, tái khám theo định kỳ bác sĩ đã dặn. Bà bầu nên dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn để giữ gìn sức khỏe. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy liên hệ đến bác sĩ hoặc đến viện kiểm tra càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không được dùng bất kỳ loại thuốc hay sản phẩm hỗ trợ nào khác khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ. 

Thăm khám thai thường xuyên là cách duy nhất để kiểm soát ảnh hưởng của u xơ tử cung lên thai kỳ

Thông thường, nếu những khối u này có kích thước nhỏ những trường hợp bị bệnh u xơ tử cung khi mang thai không có chỉ định mổ bóc tách, mà chỉ cần theo dõi sau sinh. Nhưng bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp cần thực hiện phẫu thuật này, cụ thể như sau: 

  • Những trường hợp u xơ tử cung có biến chứng hoại tử, nhiễm trùng.
  • Những khối u nằm ngay đường rạch cơ tử cung trong ca mổ lấy thai.
  • U xơ gây cản đường thoát sản dịch.
  • U xơ nằm dưới niêm mạc, lấn sâu vào buồng tử cung và có nguy cơ rong huyết.

7. Những cách làm chậm sự phát triển của u xơ tử cung khi mang thai

Hiện nay vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh u xơ tử cung. Nhưng theo các chuyên gia, một số yếu tố nguy cơ gây bệnh có thể được xác định đó là do gen di truyền, rối loạn nội tiết, tình trạng thừa cân béo phì, môi trường sống không lành mạnh, thói quen ăn uống không khoa học,…

Dưới đây là một số biện pháp giúp bạn làm chậm lại sự phát triển của u xơ tử cung: 

  • Nên tiêu thụ những loại thực phẩm có chứa nhiều chất xơ, giàu vitamin và các loại khoáng chất, đặc biệt là những chất chống oxy hóa chẳng hạn như các loại rau xanh, trà xanh và trái cây. Những loại thực phẩm này giúp giảm cân và giúp chị em cân bằng nội tiết tố. 
  • Nên bổ sung một số loại thực phẩm có chứa nhiều kali như bơ, chuối, các loại cam, dưa hấu, bột cám yến mạch,…
  • Một số loại thực phẩm chứa nhiều vitamin D sẽ giúp những khối u xơ tử cung phát triển chậm lại. 
  • Cần tránh những loại thực phẩm có hàm lượng estrogen cao, bao gồm thịt đỏ và các loại nội tạng động vật, hay các loại thực phẩm có hàm lượng muối cao bao gồm những thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp, thịt muối,… 
  • Tránh xa những loại đồ uống có chứa chất kích thích và không nên hút thuốc lá.

U xơ tử cung khi mang thai là tình trạng không hiếm gặp, do đó chị em phụ nữ cần trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức cần thiết để sẵn sàng đối mặt và xử lý căn bệnh này nếu không may xảy ra.