Những điều mẹ cần biết khi thai nhi bị giãn não thất

1. Giãn não thất là gì?

Nếu bác sĩ sản hoặc bác sĩ siêu âm thông báo rằng thai của bạn có não thất lớn hơn bình thường, tình trạng này được gọi là giãn não thất. Giãn não thất ở thai nhi là hậu quả gây ra do sự mất cân bằng giữa sản xuất và hấp thụ dịch não tủy. Thông thường, hoạt động sống của não bộ được thực hiện nhờ vào sự trao đổi các chất dinh dưỡng và oxy với thành phần dịch não tủy. Mặt khác, để dịch não tủy lưu thông được trong não thì cần đến hệ thống các mạch mạc não, lỗ, kênh và não thất (trong đó quan trọng nhất là não thất bên, não thất ba và não thất bốn).

Tuy nhiên, nếu vì một lý do nào đó khiến cho màng não tăng tiết dịch, giảm hấp thu (có thể do nhiễm trùng, nhiễm nấm, vi khuẩn lao) hoặc bị tắc nghẽn, dẫn đến không lưu thông được (khi hẹp ống não, u não) thì dịch não tủy sẽ bị ứ trệ lại, hậu quả khiến cho thai nhi bị giãn não thất.

Giãn não thất có thể gây bệnh não úng thủy ở trẻ

Trong siêu âm thai định kỳ, chiều rộng của phần sau (sừng sau) của 2 não thất bên sẽ được đo đạc. Hai khoang song song nhau này hẹp ở phía trước và rộng hơn ở phía sau. Sừng sau não thất bên có thể được thể hiện rõ trên siêu âm có dạng một vùng có màu đen (vì chứa dịch) với hình dạng gần giống như hình tam giác với một mảng mô trắng gọi là “đám rối mạch mạc”). Mảng này chứa nhiều mạch máu nhỏ, tiết ra dịch não tủy. Bề rộng của sừng sau não thất bên bình thường <10mm.

Kích thước từ 10-15mm gọi là giãn não thất. Từ 10-12mm gọi là giãn não thất nhẹ, nếu >15mm gọi là não nước. Thường não thất bên ở bé trai sẽ hơi lớn hơn so với bé gái. Giãn não thất có thể xảy ra trong khoảng 1% thai kỳ.

Não thất giãn quá mức sẽ gây chèn ép lên não bộ, dẫn tới thoái hóa nhu mô não. Giãn não thất có thể xuất hiện từ trong bào thai, khi sinh (bẩm sinh) hoặc cũng có thể xảy ra sau sinh và có nhiều cách xử trí khác nhau tùy theo nguyên nhân gây bệnh.

2. Nguyên nhân gây giãn não thất ở thai nhi

Có nhiều bất thường có thể dẫn đến tắc nghẽn tuần hoàn dịch não tủy. Đường dẫn nhỏ giữa não thất ba và não thất tư, được gọi là cống não, có thể bị tắc, dẫn đến tích tự dịch phía trên cống não và làm dãn não thất bên. Bất thường này có thể được thấy trên siêu âm qua hình ảnh khoang dịch (màu đen) bị dãn rộng phía trên mức tắc nghẽn.

Mẹ bị nhiễm trùng trong thời gian mang thai cũng có thể là nguyên nhân gây giãn não thất ở thai

Một số nguyên nhân có thể gây ra giãn não thất ở thai nhi:

  • Hệ thống thần kinh trung ương phát triển bất thường, làm cản trở dòng chảy của dịch não tủy.
  • Xuất huyết trong dịch não tủy, thường xảy ra khi sinh non.
  • Người mẹ bị nhiễm trùng tử cung khi mang thai, chẳng hạn như nhiễm rubella hoặc giang mai, hoặc cytomegalovirus (CMV), gây viêm trong các mô não của thai nhi.

3. Ảnh hưởng của giãn não thất đến thai nhi

Nếu thai nhi bị giãn não thất ở mức độ nhẹ (đường kính từ 10 – 12mm), có thể dẫn đến các trường hợp sau đây:

  • Rối loạn nhiễm sắc thể
  • Thai nhi tử vong trước và sau sinh 
  • Trẻ bị dị tật sau sinh 
  • Một số dị tật khác khó phát hiện qua siêu âm 

Tuy nhiên, một số trường hợp thai nhi bị giãn não thất nhưng sau khi sinh ra vẫn có thể phát triển bình thường. Đối với trường hợp thai nhi bị giãn não thất nặng (đường kính hơn 15mm) thì nhiều khả năng thai nhi sẽ bị não úng thủy, thậm chí sản phụ cần phải đình chỉ thai kỳ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. 

4. Chẩn đoán giãn não thất ở thai nhi

Để xác định thai nhi bị giãn não thất, các bác sĩ thường dựa vào kết quả xét nghiệm nồng độ AFP (1 trong 3 chất được kiểm tra trong triple test), siêu âm và chọc dò dịch ối để phát hiện các bất thường nói chung liên quan đến nhiễm sắc thể.

Tùy theo mức độ giãn não thất và não úng thủy mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp giãn não thất ở thai nhi rất khó để xác định chính xác được mức độ bệnh, nên không thể lựa chọn cách điều trị tốt nhất nếu chỉ dựa trên tình trạng bệnh.

Trong trường hợp não thất đã giãn quá to, kết hợp với nhiều dị tật khác hoặc có kết luận là rối loạn nhiễm sắc thể thông qua xét nghiệm sàng lọc trước sinh thì các bác sĩ sẽ tư vấn để người mẹ đình chỉ thai kỳ, nhằm đảm bảo sức khỏe cho mẹ vào những lần mang thai sau này.

5. Mẹ phải làm gì khi thai nhi bị giãn não thất?

Mẹ bầu không được bỏ qua các mốc khám thai quan trọng

Trong 3 tháng giữa của thai kỳ, nếu người mẹ siêu âm phát hiện não thất của thai nhi có kích thước không quá 10mm thì không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, mẹ cần thăm khám đúng theo lịch hẹn định kỳ để theo dõi thai kỳ, song không cần can thiệp nhiều đối với vấn đề giãn não thất ở thai nhi.

Khi phát hiện thai nhi bị giãn não thất nhẹ, rất có thể đó là sự thay đổi bình thường, hoặc do ảnh hưởng của những dị tật khác gây ra. Do đó, khi phát hiện dấu hiệu cận lâm sàng bất thường, cần kiểm tra thêm và thực hiện siêu âm kỹ lưỡng với tim và não của thai nhi. Tùy vào mức độ mà bác sĩ sẽ chỉ định mẹ bầu làm xét nghiệm nhiễm sắc thể hay các xét nghiệm khác để tìm nguyên nhân gây ra não úng thủy.

Nếu sau khi kiểm tra tình trạng của thai phụ cho thấy bé có nguy cơ bị não úng thủy thì thai phụ cần nhập viện để bác sĩ có thể theo dõi sát sao hơn, trường hợp nặng nên cân nhắc đình chỉ mang thai theo gợi ý của bác sĩ để đảm bảo cho những lần mang thai sau này.

Giãn não thất ở thai nhi là dị tật thai nguy hiểm và có thể phát hiện ở 3 tháng đầu của thai kỳ, đây là giai đoạn mang thai vô cùng nhạy cảm, vì vậy, trong giai đoạn này bà bầu cần thật sự chú ý những vấn đề sau:

  • Biết rõ dấu hiệu sớm khi mang thai, nhiễm độc thai nghén hay ra máu trong thai kỳ.
  • Khám thai lần đầu kịp thời, không khám thai quá muộn và luôn khám thai định kỳ, không qua những mốc khám thai quan trọng
  • Mẹ bầu cần làm các xét nghiệm sàng lọc dị tật thai nhi để có thể can thiệp sớm nếu có phát hiện bất thường
  • Biết cách phân biệt chảy máu âm đạo thông thường và chảy máu âm đạo bệnh lý để can thiệp giữ thai kịp thời.
  • Sàng lọc bệnh lý tuyến giáp trong 3 tháng đầu thai kỳ tránh những rủi ro nguy hiểm trước và trong khi sinh.

Giãn não thất là một tình trạng khá nguy hiểm có thể xảy ra với thai nhi và trẻ nhỏ. Hiện nay vẫn chưa có biện pháp can thiệp dành cho em bé còn trong bụng mẹ. Do vậy sản phụ cần tuân thủ siêu âm thai nghén định kỳ để phát hiện sớm bất thường của thai nhi.