Ngôi thai ngược: nguyên nhân, dấu hiệu và biến chứng

1. Ngôi thai ngược là gì?

Ngôi thai là phần trình diện thấp nhất của thai nhi với khung chậu của mẹ, là phần đầu tiên đi ra khỏi bụng mẹ khi chuyển dạ. Trong suốt thai kỳ (khoảng dưới 28 tuần tuổi) thai nhi thường sẽ di chuyển thường xuyên, thay đổi vị trí ở trong bụng mẹ. Càng đến những tuần cuối của thai kỳ, vị trí của thai nhi sẽ bình ổn hơn. Thường thì đến tuần 34 – 36 trở đi phần lớn ngôi thai sẽ ổn định, ít xoay hướng.

Ngôi ngược hay còn gọi là ngôi mông là phần mông hoặc chân của bé xuống phía dưới, vùng xương chậu của mẹ. Còn đầu của bé sẽ ở phía trên gần ngực của mẹ. Tỷ lệ ngôi mông khá thấp (chiếm từ 1 – 3%) trong các ca sinh nở. Tuy nhiên đây là những trường hợp sinh có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và con.

2. Phân loại ngôi thai ngược

Ngôi thai thuận và ngôi thai ngược (ngôi mông)

Ngôi thai ngược được chia thành 2 loại:

  • Ngôi ngược hoàn toàn: Đầu gối của bé co lại, đùi gập vào người giống tư thế ngồi xổm. Phần mông của bé sẽ đi ra ngoài cơ thể mẹ đầu tiên. Đây cũng là tư thế phổ biến nhất của ngôi thai ngược.
  • Ngôi ngược không hoàn toàn:
    • Kiểu mông: Mông của bé hướng xuống dưới khung chậu của mẹ, 2 chân duỗi thẳng chân vắt ngược lên đầu.
    • Kiểu chân: 2 chân duỗi thẳng.
    • Kiểu đầu gối: thai quỳ gối trong tử cung.

3. Nguyên nhân gây ra tình trạng ngôi ngược

Mẹ mang thai đôi, đa thai có khả năng bị ngôi thai ngược

Có những người mẹ mang thai ngôi ngược mà không có nguyên nhân gì, tuy rằng có một số yếu tố nguy cơ như:

  • Mẹ mang thai đôi hay đa thai: không gian trong bụng mẹ nhỏ hẹp khiến bé bị hạn chế hoạt động.
  • Quá nhiều hoặc quá ít nước ối: quá nhiều ối khiến bé có thể di chuyển thay đổi ngôi thai liên tục, ngược lại nước ối ít lại hạn chế không gian xoay trở.
  • Tử cung có hình dạng bất thường (tử cung đôi, tử cung hai sừng) hay có khối u (u xơ cơ tử cung)
  • Dây rốn ngắn hoặc quấn làm cản trở bé di chuyển.
  • Nhau thai lấp một phần hoặc toàn bộ đường ra của tử cung (nhau tiền đạo).
  • Sinh non: thường trên 30 tuần, bé mới “quay đầu”. Nếu mẹ chuyển dạ sinh non trước khi bé kịp xoay xuống ngôi thuận thì bé bị “ngôi ngược”.
  • Một vài trường hợp thai dị tật bẩm sinh sẽ không thể quay thuận ngôi khi sinh.  

4. Những dấu hiệu ngôi thai ngược

Ngày nay các mẹ bầu có thể dễ dàng phát hiện ngôi thai ngược hay ngôi thai thuận thông qua siêu âm để chuẩn bị tốt hơn cho quá trình vượt cạn. Tuy nhiên với những mẹ bầu không có điều kiện siêu âm thai thường xuyên, nhất là vào cuối thai kỳ thì bác sĩ có thể phát hiện dấu hiệu sinh ngôi ngược thông qua những biểu hiện đặc trưng sau:

  • Khi mẹ sinh thường sẽ thấy chân hoặc mông của bé ra trước.
  • Khi sờ phần bụng trên, mẹ sẽ dễ dàng thấy đầu của bé. Đó là khối hình tròn, cứng và di động được, còn phần mông thì mềm, không rõ hình khối gì và không di động được.
  • Cảm giác cứng ở ngay phía dưới sườn.
  • Màng ối vỡ và phân su trào ra cũng là biểu hiện cảnh báo ngôi thai ngược.
  • Sa dây rốn hay dây nhau.
  • Biểu đồ đo cơn gò – tim thai có sự bất thường.

5. Ngôi thai ngược có nguy hiểm hay không?

Khi chuyển dạ sinh thường, ngôi ngược thì sẽ tiềm ẩn những nguy cơ về sức khỏe cho mẹ bầu và em bé

Ngôi thai ngược không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của mẹ và phát triển của thai nhi. Tuy nhiên khi chuyển dạ sinh thường thì sẽ tiềm ẩn những nguy cơ nhất định sau:

5.1. Đối với mẹ bầu

  • Thời gian chuyển dạ có thể kéo dài hơn vài giờ đồng hồ: Trong giai đoạn đầu khi cổ tử cung mở, mẹ bầu sẽ cảm thấy cơ thể mệt mỏi nhiều hơn.
  • Gặp phải biến chứng sa dây rốn hay dây nhau, làm ngưng trệ quá trình cung cấp oxy cho em bé trong bụng mẹ. Khi gặp phải trường hợp này, bác sĩ Sản khoa sẽ mổ cấp cứu đưa em bé ra ngoài ngay lập tức.
  • Ngôi thai ngược có thể khiến đầu của em bé kẹt lại nếu mẹ bầu sinh thường. Lúc này, thai nhi có thể thiếu oxy và thời gian sinh em bé sẽ kéo dài. Trong trường hợp xấu nhất, bác sĩ sẽ phải mổ đẻ để cứu em bé.

5.2. Đối với trẻ

Bé có thể bị gãy tay chân do không thể ra khỏi cơ thể mẹ một cách thuận tiện.

  • Trẻ có thể sẽ bị bầm dập vùng mông do va chạm với khung xương chậu của mẹ. Cơ quan sinh dục của một số trẻ có thể bị phù, nhất là các bé trai có thể bị ứ nước trong tinh hoàn.
  • Những trẻ có ngôi mông thiếu có thể sẽ giữ tư thế duỗi chân liên tục trong vài ngày sau đó.
  • Nếu quá trình sinh nở diễn ra quá nhanh hoặc sinh non thì đầu của trẻ có thể bị tổn thương.
  • Ngôi ngược thai nhi dễ xảy ra vỡ nước ối trước và sau khi đau đẻ, cuống nhau thai sẽ theo nước ối đi ra ngoài. Dẫn đến tình trạng cạn ối, thai nhi thiếu oxy dễ gây ngạt và tử vong cho thai nhi.
  • Bé có thể bị gãy tay chân do không thể ra khỏi cơ thể mẹ một cách thuận tiện.

6. Khi mang thai ngôi ngược cần làm gì?

Các trường hợp ngôi thai ngược cần được khám xét thường xuyên và cẩn thận ở những tuần cuối của thai kỳ để tiên lượng kỹ càng và có phương án xử lý an toàn cho cả mẹ và bé.

Thông thường sẽ có 2 cách sinh khi mang thai ngôi ngược là sinh thường (sinh đường âm đạo) và mổ lấy thai nhi. Sinh mổ được coi là phương án tốt nhất cho các trường hợp ngôi thai ngược.

Chỉ cần có sự chẩn đoán sai lầm và lựa chọn phương pháp sinh không chính xác có thể trả giá bằng cả mạng sống của bé. Để lại sang chấn tâm lý nặng nề cho thai phụ. Bởi thế mẹ bầu cần thăm khám thai thường xuyên để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn, tham khảo phương pháp giúp thai nhi tự quay đầu về ngôi thuận. Điều quan trọng nhất vẫn là có sự chẩn đoán sớm và quá trình theo dõi thai kỳ an toàn.