Những vật dụng cho bé khi mẹ đi sinh

Gần tới ngày sinh chắc chắn người mẹ nào cũng sẽ sắp xếp đồ dùng, vật dụng cần thiết để dùng cho những mới sinh trong bệnh viện. Tuy nhiên, nhiều mẹ vẫn chưa biết rõ cần phải mang những gì để tiện cho việc chăm sóc con những ngày đầu, đặc biệt là với những mẹ lần đầu đi sinh. Dưới đây là danh sách 20 vật dụng cần thiết cho bé cần phải mang theo khi đi sinh được bác sĩ Lê Ngọc Diệp bệnh viện Từ Dũ khuyên dùng.

1. Vớ tay, vớ chân

Số lượng: 6 bộ

Ngày xưa khi em bé được sinh ra sẽ được đeo vớ tay, vớ chân để giữ ấm cơ thể, cũng như tránh việc em bé làm xước mặt do móng tay dài. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây việc đeo vớ tay cho em bé không được khuyến khích ngay cả em bé sinh non hay em bé sinh đủ tháng. Mẹ chỉ cần nhớ cắt ngắn móng tay cho em bé để tránh việc em bé cào lên mặt gây xước da, chảy máu.

Việc không đeo bao tay nhằm giúp em bé được thoải mái cử động, tăng khả năng tiếp xúc giữa bé và các vật dụng xung quanh. Thông qua những tiếp xúc ban đầu đó, con yêu sẽ khám phá được bản thân cũng như thế giới xung quanh bằng chính cảm nhận của mình. Thêm vào đó, khi chạm, cầm nắm các vật xung quanh giúp kích thích được các hoạt động trí não của con. Tuy nhiên trong trường hợp thời tiết lạnh, hoặc ra ngoài mẹ cũng nên mang vớ tay cho con mẹ nhé! Vớ chân được khuyến khích mang thời gian nhiều hơn vì chúng sẽ giúp con giữ ấm, tránh bị lạnh sau khi ra khỏi bụng mẹ.

Vớ tay, vớ chân là những vật dụng đầu tiên con cần có khi mới chào đời.

2. Nón sơ sinh

Số lượng: 3 cái

Khi con mới sinh ra, thóp trên đầu của con vẫn chưa được đóng lại nên nếu trời mát hoặc se lạnh mẹ nên đội nón cho con để giữ ấm. Còn nếu trong môi trường ấm hoặc nóng thì mẹ không cần đội để tránh con bị nóng quá.

3. Tã vải hoặc tã giấy

Số lượng: 20 cái

Đây là vật dụng không thể thiếu của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên sau khi sinh, mẹ và bé chỉ ở lại bệnh viện ít ngày nên số lượng khoảng 20 cái là đã đủ dùng.

4. Khăn sữa

Số lượng: 20 cái

Em bé mới sinh khi ăn hay ợ, trớ, đi vệ sinh liên tục nên cần dùng khăn sữa thường xuyên để giữ sạch cho bé. Tuy nhiên sau khi lau cho con xong, cần phải giặt ngay và phơi dưới ánh nắng mặt trời. Tránh trường hợp để khăn lâu sẽ khiến vi khuẩn phát triển, thêm việc phơi không có ánh nắng hoặc đang ẩm làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tới em bé.

Những ngày ở bệnh viện con cần dùng khoảng 20 cái khăn sữa mẹ nhé!

5. Khăn lớn

Số lượng: 6 cái

Kích thước phù hợp: 100cm x 50cm

Nhiều mẹ khi thấy thời tiết lạnh hoặc rét sẽ mua những chiếc khăn rất to và rất dày cho bé. Tuy nhiên, khi dùng khăn giày rất bất tiện vì thời gian phơi khô lâu hơn, đôi khi là chưa kịp khô em bé đã phải dùng tới. Thêm vào đó dùng khăn giày sẽ chiếm nhiều vị trí khi sắp xếp đồ chuẩn bị đi sinh. Do đó, khi mua khăn lớn, mẹ nên lựa những khăn bản mỏng để dễ cho việc giặt giũ, phơi khô và dọn hành lý. Nếu sợ con ra ngoài lạnh mẹ có thể quấn 2 khăn cho bé. Sau khi con lớn hơn, mẹ có thể dùng khăn mỏng bản lớn này để làm gối cho con hoặc chỉnh hướng nằm cho con rất tiện.

Khi mua khăn lớn mẹ nên chọn những khăn có độ dài vừa phải 

6. Tấm lót chống thấm

Số lượng: 4 – 6 cái

Nhiều mẹ dùng tã vải mà không dùng tã giấy thấm hút nên việc dùng tấm lót chống thấm là vô cùng cần thiết. Như tên của nó thì tấm lót này sẽ giúp chống thấm nước xuống dưới nệm giường, cũng như tránh mất vệ sinh cho bé. Vì có thể giặt đi giặt lại nên mẹ không cần mua quá nhiều mà chỉ cần từ 4 tới 6 cái là đã đủ cho con dùng.

7. Bông gòn bản lớn

Mục đích dùng bông gòn bản lớn sau đó cắt ra từng miếng nhỏ là để vệ sinh, lau khô cho con sau khi ăn hoặc đi ngoài. Những năm gần đây, có rất nhiều mẹ dùng khăn ướt trong việc vệ sinh cho bé. Tuy nhiên, những sản phẩm này thường chứa chất tẩy rửa dễ gây kích ứng cho em bé. Bông gòn khi cắt nhỏ lau sẽ  rất tốt vì bông êm và thấm rất nhanh, mẹ có thể dùng cho bé tới khi 2,3 tháng vẫn khá phù hợp.

Những bông gòn êm, khô, không tẩm hóa chất sẽ phù hợp cho con khi mới chào đời 

8. Nước muối sinh lý

Một số bệnh viện sẽ phát sẵn nước muối để vệ sinh mắt, mũi cho em bé khi mới sinh. Nhưng một số bệnh viện sẽ không có dịch vụ này nên tốt nhất mẹ nên sắm sẵn những chai nước muối nhỏ để dùng cho bé.

Nước muối có thể nhỏ thường xuyên: mắt con mỗi bên có thể nhỏ một giọt, mũi cũng mỗi bên một giọt, không nên nhỏ nhiều quá sẽ không tốt cho bé. Mỗi ngày có thể nhỏ nước muỗi vào mắt, mũi cho bé từ 4 tới 6 lần.

9. Gạc y tế tiệt trùng

Một số em bé sinh ra vùng rốn không được khô, nên khi vệ sinh cho con nên sử dụng gạc tiệt trùng để lau, thấm dịch, tránh gây nhiễm khuẩn cho con.

10. Tăm bông vô trùng

Số lượng: 1 gói

Tăm bông cũng là vật dụng cần để thấm dịch cho con ở trong rốn, do đó mẹ cũng nên chọn mua loại vô trùng.

11. Khăn giấy sạch

Số lượng: 1 cuộn

12. Thau nhỏ

Số lượng: 1 cái

Dùng để dành riêng cho việc giặt khăn sữa nhỏ cho con, tránh giặt sang thau khác để hạn chế nhiễm khuẩn cho bé.

13. Bình sữa

Mẹ nên nhớ mang bình sữa đi không phải dùng để pha sữa công thức cho con, mà mang theo để dự phòng trong trường hợp em bé không trực tiếp bú mẹ được mà phải vắt sữa ra bình. Có nhiều mẹ không thấy sữa về nên đã dùng sữa công thức cho con. Tuy nhiên, trong những ngày đầu đời của con cần một lượng sữa rất ít vì khi này dạ dày con rất nhỏ, chỉ bằng một trái nho thôi rồi lớn lên theo từng ngày. Do đó mẹ đừng thấy mình không ra sữa mà không cho con bú, thay vào đó mẹ hãy tập cho con ngậm ti từ từ. Khi da kề da, mẹ hãy cho con ngậm ti ít nhất 90 phút để kích thích não mẹ tiết ra nhiều oxytocin, điều này giúp cả mẹ và tốt cho cả bé, mẹ co rút tử cung giảm nguy cơ băng huyết hơn, tinh thần mẹ và con được trấn an đi nhiều. Đặc biệt sữa đầu có nhiều kháng sinh tự nhiên, giúp tăng cường hệ miễn dịch cho con.

Quay lại vấn đề mang bình sữa theo khi đi sinh: nếu mẹ bị tắc sữa hoặc con không bú bằng vú mẹ được thì mẹ sẽ vắt sữa vào bình và cho con bú. Ngoài ra, mẹ có thể mua cốc cao su nhỏ cho con ăn sữa thay thế cho bình, vì nhiều nghiên cứu cho thấy  những ngày đầu nếu dùng bình nhiều, con có xu hướng bỏ bú mẹ.

Bình sữa là một vật dụng dự phòng khi em bé không bú trực tiếp được sữa mẹ 

14. Dụng cụ rơ lưỡi

Nếu con bú sữa mẹ hoàn toàn thì con không cần dùng thêm nước. Tuy nhiên, có nhiều bé không bú được thì lưỡi của con có bợn trắng, điều này sẽ làm giảm vị giác của con, do đó nếu con không được bú mẹ hoặc lưỡi có bợn trắng thì cần rơ lưỡi cho con.

15,16. Kem chống hăm, phấn rôm

Số lượng: 1 bình

Mẹ nên hạn chế sử dụng phấn rôm để giảm hăm cho con vì:

  • Bột phấn rôm rất nhỏ, rất mịn, dễ bay trong không khí nếu dùng con dễ dàng bị hít phải gây ảnh hưởng tới hệ hô hấp của con.
  • Khi bôi vào vùng dễ bị hăm, phấn rôm sẽ hút dịch hoặc mồ hôi vùng đó, nhưng mặt trái là sau khi hút xong phấn vẫn ở đó bám vào da con gây tắc tuyến mồ hôi.

Do đó nếu phải dùng thì mẹ nên thấm vào bông gòn ở xa chỗ con nằm, sau đó dặm vào da con để tránh bụi phấn bay ra nhiều khiến con hít phải.

17. Dung dịch tắm bé

Một số bệnh viện sẽ có sữa tắm cho bé nhưng để đầy đủ mẹ nên chuẩn bị sẵn một chai sữa tắm nhỏ mang theo. Những sản phẩm này rất đa dạng trên thị trường, mẹ dễ dàng chọn cho con những chai tắm có nguồn gốc từ thảo dược như trà xanh, khổ qua… để hạn chế rôm sảy cho con. Mẹ nên nhớ chỉ được mua loại dành riêng cho em bé sơ sinh, không dùng chung sữa tắm với người lớn.

18. Ly nước nhỏ

Như đã nói ở trên khi con không trực tiếp bú được sữa mẹ vì núm vú mẹ bị tụt hoặc quá ngắn, hay con không chịu bú mẹ thì một ly nước nhỏ là vô cùng cần thiết. Khi này mẹ sẽ phải vắt sữa vào ly rồi dùng thìa nhỏ mớm cho con để con có thể dùng sữa mẹ ngay từ những ngày đầu. Mẹ đừng sợ rằng đút bằng thìa con không biết uống nhé vì đây là bản năng của con, khi đưa muỗng chạm vào môi bé sẽ chép chép miệng để uống sữa.

19. Thìa inox nhỏ

Số lượng: 1 cái

Thìa nhỏ giúp con uống sữa trong những ngày đầu nếu con không bú mẹ được.

20. Bình thủy

Đây là vật dụng vô cùng cần thiết cho mẹ và bé trong những ngày đầu sau sinh:

  • Em bé cần lau bằng nước ấm,
  • Lau người cho mẹ,
  • Làm ấm sữa mẹ,
  • Pha sữa cho mẹ hay cho bé,…
Bình thủy- vật dụng không thể thiếu khi mẹ đi sinh 

Tuy những vật dụng trên số lượng không nhiều, nhưng khi đi sinh ngoài đồ của bé, còn có thêm đồ của mẹ, giấy tờ… nên khá cồng kềnh. Do đó, mẹ nên sắp xếp những vật dụng trên vào một vali kéo để tới khi cần dùng tới sẽ dễ dàng để lấy ra mà không bị thất lạc.