Cẩm nang ốm nghén: triệu chứng và cách khắc phục

9thang10ngay xin chào mẹ bầu! Em bé đã được mấy tháng rồi mẹ nhỉ, mẹ bầu đã bắt đầu có những biểu hiện “ốm nghén” chưa ? Đừng quá lo lắng nếu cơ thể bắt đầu cảm thấy đầy hơi hay buồn nôn nhé. Cùng 9thang10ngay bổ sung kiến thức về giai đoạn này để mẹ tự tin chăm sóc cơ thể và thai nhi nào!

 

1. Ốm nghén là gì?

Trước hết, ốm nghén là gì nhỉ?

Ốm nghén là tập hợp những hiện tượng khó chịu xảy ra với mẹ bầu như đầy hơi, buồn nôn, nhạy cảm với mùi vị,…

Theo thống kê, có đến 80% mẹ bầu gặp phải một trong những biểu hiện này trong những tháng đầu của thai kỳ.

Tình trạng ốm nghén sẽ xuất hiện vào khoảng tuần thứ 6, đạt đỉnh điểm vào tuần thứ 7 đến tuần thứ 11, sau đó thuyên giảm dần vào khoảng tuần thứ 13, 14.

2. Triệu chứng ốm nghén

Thông thường, mỗi mẹ bầu sẽ có một những biểu hiện nghén khác nhau, nhưng những biểu hiện sau đây là thường gặp nhất:

2.1. Buồn nôn, nôn ói

Trong thời gian ốm nghén, mẹ bầu rất dễ cảm thấy buồn nôn, thậm chí là gặp tình trạng nôn ói ngay sau khi ăn. Bên cạnh đó, nhiều thay đổi khác liên quan đến hệ tiêu hóa có thể xuất hiện, như: ợ nóng, chán ăn, cảm giác khó chịu trong bụng… 

Những triệu chứng này có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, kể cả ngày hay đêm. 

biểu hiện của ốm nghén
Nôn ói là biểu hiện ốm nghén thường gặp nhất ở các mẹ bầu

2.2. Buồn ngủ, mệt mỏi

Do ảnh hưởng của sự thay đổi hoóc môn trong thời kỳ đầu thai kỳ, cảm giác buồn ngủ, mệt mỏi sẽ đặc biệt trở nên rõ rệt. Mẹ bầu thường cảm thấy lúc nào cũng buồn ngủ bất kể sáng tối và cơ thể rất uể oải, mệt mỏi, thiếu năng lượng.

2.3. Mẫn cảm với một số mùi

Mùi thức ăn, mùi nước hoa hay một loại mùi nào khác mà trước đây không có vấn đề gì, nhưng trong giai đoạn ốm nghén lại có thể đặc biệt gây khó chịu cho mẹ bầu. Đi kèm với đó là cảm giác buồn nôn bất ngờ khi ngửi thấy những mùi này. 

Sự mẫn cảm với mùi vị xuất hiện với mẹ bầu do sự rối loạn thần kinh thực vật hoặc do khứu giác trở nên nhạy cảm hơn trong thời gian đầu thai kỳ.

2.4. Thay đổi khẩu vị

Khẩu vị của mẹ bầu có thể thay đổi một cách bất ngờ trong thời gian ốm nghén. Những món ăn mà trước khi mang thai từng là khoái khẩu thì bỗng nhiên lại gây ra sự khó chịu. Ngược lại, những món trước đây mẹ không hề yêu thích thì nay lại có thể ăn rất nhiều. 

Nhiều mẹ bầu còn có khuynh hướng chỉ ăn duy nhất một loại thức ăn nào đó như: hoa quả chua, đồ ăn dầu mỡ, thức ăn được nêm nêm nếm cay hoặc mặn…

3. Ốm nghén có gây nguy hiểm cho thai nhi không ?

thai nhi
Đứng trước những sự thay đổi trên của cơ thể, nhiều mẹ bầu thường lo lắng không biết tình trạng ốm nghén có gây ra nguy hiểm gì cho thai nhi hay không.

Trước hết, ốm nghén là những “phản ứng” bình thường của cơ thể trước sự hình thành của em bé trong bụng mẹ. Vì vậy, về bản chất, ốm nghén sinh lý hoàn toàn không gây ra nguy hiểm cho thai nhi. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng những triệu chứng như nôn ói, nhạy cảm với mùi vị là những cơ chế để cơ thể bảo vệ các thai nhi khỏi các mầm bệnh hay hóa chất từ thực phẩm. Mẹ bầu đừng quá lo lắng nhé.

4. Cách giảm triệu chứng ốm nghén khi mang thai

Mặc dù ốm nghén sinh lý không gây nguy hiểm cho thai nhi, nhưng lại gây rất nhiều phiền toái và mệt mỏi cho cơ thể người mẹ. Vì vậy, nếu cảm thấy quá khó chịu với các triệu chứng, mẹ bầu có thể tham khảo một số cách biện pháp giảm nghén sau đây:

4.1. Ăn các loại ngũ cốc, thực phẩm khô

Ngũ cốc nguyên hạt, các loại thực phẩm khô như bánh mì, bánh bao, ruốc, bánh quy…. có nhiều carbohydrate và ít chất béo, có khả năng hấp thụ axit dạ dày, giúp hệ tiêu hóa của mẹ  hoạt động tốt hơn, từ đó giúp mẹ bầu giảm cơn buồn nôn, ợ nóng, trào ngược dạ dày.

4.2. Sử dụng gừng

Theo nhiều nghiên cứu, gừng an toàn với phụ nữ mang thai và có hiệu quả trong việc ngăn ngừa chứng buồn nôn. Mẹ bầu có thể thêm gừng vào khi chế biến các món ăn hoặc nhâm nhi một tách trà gừng mỗi khi buồn nôn cũng mang lại hiệu quả rất tốt.

4.3. Chia nhỏ bữa ăn và bổ sung nước từng chút một

Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ và uống nước từng chút một sẽ giúp cơ thể dễ hấp thụ hơn. Đồng thời, tăng “tần suất” ăn uống giúp bù lại lượng dinh dưỡng bị mất đi do tình trạng nôn ói.

Mẹ bầu hãy luôn mang theo trong người một chút đồ ăn khô và nước uống để dùng bất kỳ khi nào có thể nhé.

4.4. Ngửi những mùi hương ưa thích

Sử dụng những mùi hương yêu thích để lấn át những mùi gây khó chịu là một bí quyết nhỏ để mẹ bầu cảm thấy dễ chịu hơn. Mẹ bầu có thể sử dụng đèn đốt tinh dầu trong phòng hay nhỏ vào khăn tay, cổ tay để nhẹ nhàng thưởng thức.

Tuy nhiên, cần tuyệt đối tránh xa những loại mùi hương gây ra các cơn co tử cung, không tốt cho phụ nữ mang thai như: quế, nhài (lài), xô thơm, thì là, sả chanh… Hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của tinh dầu hoặc hỏi lại bác sĩ trước khi sử dụng nhé.

4.5. Tập yoga, thực hiện các động tác kéo dãn cơ bắp

Thực hiện các động tác yoga, kéo giãn cơ kết hợp với hít thở nhịp nhàng sẽ giúp máu huyết toàn thân lưu thông tốt hơn, cảm giác khó chịu do bị ốm nghén cũng sẽ giảm bớt. 

Mẹ bầu có thể tập hằng ngày vào buổi sáng mới thức dậy hoặc buổi tối trước khi đi ngủ để có giấc ngủ ngon hơn nhé.

4.6. Mặc quần rộng rãi, thoải mái

Quần áo hay đồ lót bó chặt có thể khiến cho mẹ cảm thấy khó chịu và lưu thông máu kém hơn. Vì vậy, mẹ hãy đổi sang các loại quần áo, váy bầu rộng rãi hay áo ngực không dây nhé.

cách giảm ốm nghén
Biện pháp giảm ốm nghén

5. Khi nào mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ?

Nếu đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng tình trạng nôn ói vẫn xảy ra với tần suất cao, rất có thể mẹ bầu đã gặp hội chứng nôn nghén hay ốm nghén bệnh lý

Theo thống kê, tình trạng này xuất hiện ở khoảng 1% – 1.5% số phụ nữ mang thai, khiến cơ thể người mẹ bị mất nước, thiếu dinh dưỡng, ảnh hưởng sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi. 

Vì vậy, nếu xuất hiện những dấu hiệu của hội chứng nôn nghén, mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ ngay. Dấu hiệu của hội chứng nôn nghén bao gồm: 

  • Nôn ói nhiều lần trong ngày, hầu như không ăn và uống được gì
  • Nước tiểu sẫm màu, lượng nước tiểu ít đi thấy rõ
  • Cơ thể mỏi mệt, thường chóng mặt hoặc dễ choáng váng khi đứng lên.
  • Da và môi bị khô
  • Bị sút 1-2kg trong một tuần

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ đưa ra những chỉ định y khoa giúp mẹ bầu giảm tình trạng nôn, bù nước và điện giải. Mẹ bầu cần tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và không tự ý thực hiện truyền nước hay sử dụng các loại thuốc chống nôn nghén tại nhà.

6. Tổng kết

Ốm nghén là hiện tượng thường gặp ở hầu hết các phụ nữ mang thai. Mặc dù không gây nguy hiểm cho thai nhi nhưng các triệu chứng như nôn ói, chán ăn lại khiến cơ thể người mẹ gặp nhiều mệt mỏi. Đây cũng là thử thách đầu tiên mẹ bầu cần vượt qua trên hành trình đón bé yêu chào đời.

Trong thời gian ốm nghén, mẹ bầu hãy cố gắng chia nhiều bữa nhỏ để nạp thêm dinh dưỡng, ăn các loại ngũ cốc, thức ăn khô, sử dụng gừng để giảm bớt triệu chứng nôn, đồng thời tập thêm các bài tập dãn cơ nhẹ nhàng.

Mẹ bầu hãy kiên trì áp dụng những lời khuyên từ 9thang10ngay để vững vàng vượt qua giai đoạn này, đồng thời chú ý quan sát những biểu hiện nặng để kịp thời đến các cơ sở điều trị khi cần thiết nhé.