Những quyền lợi dành cho lao động nữ khi mang thai từ năm 2021

1. Được tạm hoãn hợp đồng lao động

Điều 138 BLLĐ năm 2019 quy định, lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Khi tạm hoãn hợp đồng, lao động nữ mang thai phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh. Thời gian tạm hoãn sẽ do các bên tự thỏa thuận nhưng không ít hơn thời gian mà cơ sở khám chữa bệnh chỉ định tạm nghỉ.

2.  Được đơn phương chấm dứt hợp đồng

Cũng theo khoản 1 Điều 138 BLLĐ năm 2019, lao động nữ mang thai nếu tiếp tục làm việc sẽ có ảnh hưởng xấu tới thai nhi và phải có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh thì có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Trường hợp này được coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng hợp pháp. Khi đó, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc nếu đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên theo quy định tại Điều 46 BLLĐ năm 2019.

3. Không bị xử lý kỷ luật lao động

Người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật đối với người lao động đang trong thời gian mang thai; nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi (căn cứ điểm d khoản 4 Điều 122 BLLĐ năm 2019).

Do đó, nếu lao động nữ mang thai vi phạm kỷ luật sẽ không bị xử lý. Tuy nhiên, hết thời gian mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng thì lao động nữ vẫn có thể bị xử lý kỷ luật do thời hiệu xử lý kỷ luật lao động có thể kéo dài.

Tại Điều 123 BLLĐ năm 2019, thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp đặc biệt là 12 tháng. Khi hết thời gian người lao động mang thai; nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng, nếu hết thời hiệu hoặc còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày thì được kéo dài thời hiệu nhưng không quá 60 ngày.

4.  Không bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ

Bên cạnh việc trao cho lao động nữ mang thai quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, BLLĐ năm 2019 cũng đồng thời cấm người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi tại khoản 3 Điều 137, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.

Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động đang mang thai

Nếu lao động nữ bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì mang thai thì người sử dụng lao động buộc phải nhận người lao động trở lại làm việc, đồng thời bồi thường tổn thất về vật chất và tinh thần cho người lao động theo quy định tại Điều 41 BLLĐ năm 2019.

Trường hợp sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động vì lý do có thai, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền lên đến 20 triệu đồng (theo điểm e khoản 2 Điều 27 Nghị định 28/2020/NĐ-CP)

5. Không phải làm đêm, làm thêm giờ, đi công tác xa

Khoản 1 Điều 137 BLLĐ năm 2019 quy định:

  • Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây:
  • Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;

Với quy định này, người lao động mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 (nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo) sẽ không phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa.

Thai phụ công tác ở vùng sâu, vùng xa sẽ không phải làm việc ban đêm, thêm giờ và đi công tác xa

Đồng nghĩa với đó, lao động nữ mang thai dưới 07 tháng hoặc dưới 06 tháng (đối với công việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo) vẫn có thể phải làm đêm, đi công tác xa theo sự sắp xếp của người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, tại điểm a khoản 2 Điều 107 BLLĐ năm 2019, người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động làm thêm giờ nếu người đó đồng ý. Vì vậy, lao động nữ mang thai hoàn toàn có quyền từ chối làm thêm giờ.

6. Được chuyển công việc nhẹ hơn hoặc giảm giờ 01 giờ làm việc hằng ngày

Theo BLLĐ năm 2012, lao động nữ làm công việc nặng nhọc mà mang thai phải chờ tới tháng thứ 07 mới được giảm giờ làm hoặc chuyển công việc nhẹ hơn.

Với BLLĐ 2019, người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con nếu mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì sẽ được chuyển làm công việc khác an toàn hơn hoặc giảm 01 giờ làm việc.

Lao động nữ trong trường hợp này sẽ được làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi (căn cứ khoản 2 Điều 137 BLLĐ năm 2019).

7. Được nghỉ trước khi sinh tối đa 2 tháng

Để chuẩn bị tốt cho kỳ sinh nở và nuôi con, BLLĐ 2019 đã có quy định về việc cho phép lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 139 BLLĐ năm 2019, lao động nữ được nghỉ trước sinh tối đa không quá 02 tháng. Thời gian này sẽ được trừ vào thời gian nghỉ thai sản.

Nữ lao động được nghỉ trước sinh tối đa 2 tháng

Ngoài những quyền lợi theo BLLĐ năm 2019 đã nêu ở trên, lao động nữ mang thai còn được hưởng những quyền lợi tương ứng trong chế độ thai sản của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 như: Nghỉ khám thai được hưởng trợ cấp; Được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sảy thai, thai chết lưu,…

*Nguồn tham khảo:

  1. congdoantuyenquang.vn

http://www.congdoantuyenquang.vn/DetailView/6944/8/Quyen-loi-cua-lao-dong-nu-thay-doi-the-nao-tu-nam-2021?.html

2. luatvietnam.vn

https://luatvietnam.vn/lao-dong-tien-luong/quyen-loi-danh-cho-lao-dong-nu-khi-mang-thai-562-27402-article.html