Bà bầu làm thế nào để ngăn chặn chảy máu cam khi mang thai?

Khi mang thai chắc hẳn bà bầu sẽ vô cùng lo lắng khi mình bị chảy máu cam. Tuy nhiên, đây là hiện tượng khá phổ biến khi có bầu, đặc biệt là giai đoạn bước qua tháng thứ 4 của thai kỳ, nó xuất hiện với tỉ lệ 20% ở phụ nữ mang thai. Bài viết này sẽ giúp bà bầu biết cách khắc phục tình trạng chảy máu cam, đồng thời tìm hiểu cách ngăn chặn các đợt tái phát trong tương lai.

1. Cách làm ngưng chảy máu cam sai cách

Nếu bạn bị chảy máu cam khi mang thai, điều đầu tiên bạn cần biết là làm thế nào để ngừng việc chảy máu một cách đúng cách. Và khi đang rối bời, lo lắng vì bị chảy máu cam đột ngột bà bầu chắc chắn sẽ nhớ tới cách mà dân gian chỉ lại hay hình ảnh cầm máu cam từ các bộ phim đã xem, những việc làm đó có lẽ không đúng cách.

Trước đây khi có ai đó chảy máu cam đều sẽ được khuyên ngửa và nhét giấy vào mũi. Tuy nhiên:

  • Ngửa đầu ra sau làm máu xuống phía sau mũi, cổ họng và vào thực quản. Bà bầu có thể bị nghẹt thở, sặc, ho, thậm chí nôn ra máu.
  • Nhét khăn giấy lên mũi làm máu chảy ngược lên cổ họng của bà bầu, gây ra các vấn đề tương tự như khi ngửa đầu ra sau.

2. Vậy bạn nên làm gì để hết chảy máu cam khi mang thai?

  • Đừng hoảng sợ! Nếu bị chảy máu cam, mẹ bầu hãy thật bình tĩnh, điều này sẽ giúp bản thân biết cần làm gì tốt nhất để kiểm soát được tình trạng chảy máu cam.
  • Cúi người về phía trước hoặc giữ tư thế thẳng đứng, tốt nhất bà bầu nên ngồi xuống, hướng người ra phía trước.
  • Bịt chặt phía trên cánh mũi rồi thở bằng miệng, giữ chặt mũi trong vòng 10 phút.
  • Đừng nuốt máu vào miệng, thay vào đó hãy nhổ nó ra.
  • Nếu 20 phút trôi qua mà máu mũi vẫn chảy không ngừng thì bà bầu hãy gọi cho bác sĩ ngay.
Mẹ bầu hãy bịt chặt mũi trong 10 – 15 phút để cầm máu nhé!

Nếu bà bầu bị chảy máu mũi kèm chóng mặt thì thay vì ngồi hoặc đứng, hãy nằm nghiêng qua một bên.

Trong 24 giờ sau khi ngừng chảy máu cam, bà bầu không nhấc bất cứ vật gì nặng, không ngoáy mũi và không xì mũi quá mạnh. Bên cạnh đó, bà bầu cũng nên hạn chế uống bất cứ thứ gì nóng vì điều này có thể khiến các mạch máu giãn ra.

3. Chảy máu cam có phổ biến ở giai đoạn đầu mang thai không?

Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Northwestern, 20% phụ nữ mang thai  bị chảy máu cam khi mang thai, trong khi chỉ có 6% phụ nữ bị chảy máu cam khi không mang thai. Điều này cho thấy rằng, khi mang thai thì việc chảy máu cam ở phụ nữ sẽ tăng lên.

4. Nguyên nhân nào gây ra chảy máu cam khi mang thai?

Mặc dù sẽ thấy rất lo lắng và khó chịu khi bị chảy máu cam, nhưng bà bầu hãy yên tâm vì chảy máu cam khi mang thai là do những thay đổi bình thường của cơ thể và thường không có gì đáng lo ngại. Nguyên nhân xuất hiện việc này là do:

4.1. Nội tiết tố

Đây là nguyên nhân chính gây nên những thay đổi thể chất và tinh thần ở bà bầu. Các hormone thai kỳ, đặc biệt là  estrogen và progesterone làm tăng lưu lượng máu đến tất cả các màng nhầy của cơ thể.

  • Màng nhầy là lớp lót trong tử cung, estrogen duy trì và làm dày lớp niêm mạc để tạo môi trường cho thai nhi phát triển.
  • Progesterone giúp tử cung và ngực “nở” ra khi mang thai.

Hormone hoạt động quá mức khiến các thành mạch bị giãn ra nên dễ bị vỡ.

Hormone tăng mạnh trong quá trình mang thai là nguyên nhân khiến bà bầu bị chảy máu cam

4.2. Tăng lượng máu

Khi cơ thể tiết ra hormone chúng không chỉ tập trung một chỗ mà theo mạch máu đi khắp nơi trên cơ thể. Do đó nếu một loại hormone được tạo ra với số lượng tăng cao, nó sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể bà bầu. Sự kết hợp của các hormone tăng đột biến và lượng máu tăng lên của phụ nữ mang thai sẽ gây áp lực lên các mạch máu mỏng manh trong mũi, khiến chúng dễ bị vỡ hơn.

4.3. Mất nước

Chảy máu mũi cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy cơ thể bà bầu đang bị mất nước. Khi mang thai, cơ thể cần nhiều nước hơn trước. Khi cơ thể bị mất nước, màng nhầy trong mũi có thể bị khô và nứt ra, điều này có thể xuất hiện chảy máu cam.

5. Chảy máu cam khi mang thai có nguy hiểm không?

Chảy máu cam khi mang thai không phải là nguyên nhân đáng lo ngại. Tuy nhiên, bà bầu nên báo cho bác sĩ đang chăm sóc sức khỏe của mình nếu bị chảy máu cam thường xuyên, lượng máu nhiều, choáng váng… . Mặc dù những trường hợp này rất hiếm gặp, nhưng những bà bầu có huyết áp cao (dấu hiệu cảnh báo tiền sản giật ) hoặc rối loạn đông máu cũng là nguyên nhân gây chảy máu cam nhiều lần khi mang thai.

Bà bầu cũng nên liên hệ ngay với bác sĩ nếu:

  • Máu không ngừng chảy sau 30 phút bịt mũi
  • Máu chảy ra rất nhiều
  • Khó thở vì máu chảy ra
  • Chảy máu gây mệt mỏi, choáng váng hoặc mất phương hướng
  • Tái mặt vì chảy máu
  • Bị đau tức ngực
Nếu bà bầu chảy máu không ngừng  hoặc có những bất thường khác phải liên hệ ngay với bác sĩ 

6. Làm thế nào để ngăn ngừa chảy máu cam khi mang thai

Mặc dù thật tuyệt khi biết cách ngăn chảy máu cam khi mang thai, nhưng tốt hơn hết là bà bầu nên ngăn chặn ngay từ đầu. Bà bầu nên kết hợp áp dụng những điều đơn giản, dễ làm dưới đây mỗi ngày để ngăn ngừa chảy máu cam khi mang thai:

6.1. Giữ ẩm cho màng nhầy bên trong mũi

  • Cố gắng uống ít nhất 10 cốc nước mỗi ngày.
  • Thử thuốc xịt mũi dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.
  • Sử dụng máy phun sương tạo độ ẩm, không khí mát mẻ để chống lại thời tiết lạnh và hanh khô.

6.2. Chăm sóc, vệ sinh mũi

  • Xì mũi nhẹ nhàng.
  • Giữ miệng mở khi bạn hắt hơi (che lại bằng khăn giấy) để giảm áp lực lên mũi.
  • Không nên ngoáy mũi bằng tay hoặc các vật cứng.

6.3. Giữ một sức khỏe tốt

  • Ăn thực phẩm giàu vitamin C, có nhiều trong rau quả hằng ngày. Vitamin C củng cố các mạch máu, làm cho chúng ít bị vỡ hơn.
  • Ăn thực phẩm giàu vitamin K, giúp máu không bị loãng. Các loại rau xanh chứa nhiều vitamin K, ngoài ra chúng còn chứa nhiều folate, một loại vitamin cần thiết khác cho thai kỳ.

Tóm lại:

Chảy máu cam khi mang thai thường gây bất tiện trong sinh hoạt hơn là một vấn đề sức khỏe đáng báo động. Do đó bà bầu hãy bình tĩnh xử lý khi bị chảy máu cam.

Bà bầu hãy liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đi cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất nếu:

  • Nếu máu vẫn chảy dù đã cố gắng hết sức để cầm máu, bà bầu liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đến phòng cấp cứu gần nhất.
  • Chảy máu cam thường xuyên trong thời gian ngắn.

 

*Nguồn tham khảo:
  1. https://www.nhs.uk/pregnancy/related-conditions/common-symptoms/nosebleeds/#:~:text=Nosebleeds%20are%20quite%20common%20in,from%20one%20or%20both%20nostrils.
  2. https://www.mamanatural.com/nosebleeds-during-pregnancy/
  3. https://www.pregnancybirthbaby.org.au/nosebleeds-during-pregnancy