Thai 7 tuần phát triển thế nào và lời khuyên cho mẹ bầu

Thời điểm thai 7 tuần đánh dấu một nửa chặng đường tam cá nguyệt thứ nhất. Đây là giai đoạn có nhiều thay đổi quan trọng đối với cả mẹ và em bé. Mẹ hãy lưu tâm những thông tin quan trọng dưới đây nhé! 

1. Dấu hiệu thai 7 tuần khoẻ mạnh

Từ thời điểm thai 7 tuần trở đi, mẹ đã bước sang nửa sau của tháng thứ 2, mẹ ngày càng quen dần với sự hiện diện của bé con trong cơ thể mình, em bé đang lớn lên mỗi ngày và phát triển khỏe mạnh. 

1.1. Kích thước thai 7 tuần

Thai 7 tuần có chiều dài khoảng 1cm, tính từ đầu đến mông. Kích thước của thai đã lớn hơn nhiều so với chỉ 1 tuần trước đó. Lúc này, thai có kích thước tương đương với một quả nho.

Chiều dài thai 7 tuần
Chiều dài thai 7 tuần

1.2. Sự phát triển của các bộ phận

  • Mắt: phần giác mạc, mống mắt, đồng tử, thủy tinh thể và võng mạc bắt đầu phát triển trong tuần này. Mí mắt đang hình thành và che đi một phần mắt của em bé.
  • Tai của em bé hình thành cả trong lẫn ngoài. 
  • Đầu và mặt: của em bé đang phát triển, lỗ mũi xuất hiện và thấu kính mắt cũng được hình thành. 
  • Dạ dày, thực quản, gan, tuyến tuỵ: bắt đầu hình thành và phát triển từ tuần này.
  • Cột sống và não được hình thành từ ống thần kinh đã đóng lại ở cả hai đầu, với não của bé ở trên cùng. Phần xương đuôi đang co dần lại và sẽ sớm biến mất trong thời gian tới. 
  • Ngón tay, ngón chân: bắt đầu phát triển từ bàn tay, bàn chân, chúng được bao bọc trong lớp màng. 
  • Hệ thần kinh sơ khai: đang được tạo thành từ các tế bào thần kinh tích cực phân nhánh và kết nối lại với nhau.  
Hình ảnh thai 7 tuần
Hình ảnh thai 7 tuần

1.3. Thai 7 tuần đã có tim thai chưa?

  • Từ tuần 7, tim thai đã xuất hiện. Nếu mẹ đi khám thai ở giai đoạn này có thể nghe thấy nhịp tim thai của bé thông qua thiết bị siêu âm.
  • Ở tuần thứ 7, nhịp đập mỗi phút bắt đầu từ 90–110 nhịp/phút và sẽ tăng mỗi ngày

1.4. Thai 7 tuần đã bám chắc chưa?

Ở tuần 7, thai vẫn đang trong quá trình làm tổ và vẫn chưa bám chắc vào thành tử cung. Vì vậy mẹ vẫn cần chú ý kỹ lưỡng trong sinh hoạt, hạn chế vận động mạnh.

2. Mẹ bầu thay đổi thế nào khi mang thai 7 tuần?

Từ thời điểm thai 7 tuần, cùng với sự phát triển của em bé, cơ thể mẹ cũng liên tục có những thay đổi như sau: 

  • Chán ăn hay buồn nôn:
    • Nguyên nhân: đây tiếp tục là tác dụng phụ của việc tăng nhanh nồng độ estrogen.
    • Giải pháp: Mẹ bầu nên ăn những bữa ăn nhỏ và thường xuyên, chọn thức ăn dễ tiêu hóa và hạn chế đồ ăn nặng mùi. Nếu buồn nôn quá nghiêm trọng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Ợ nóng:
    • Nguyên nhân: Sự thay đổi hormone làm giãn van dạ dày khiến axit trào ngược lên thực quản
    • Giải pháp: Mẹ bầu nên ăn chậm, nhai kỹ và ăn những bữa ăn nhỏ hơn. Tránh ăn quá no và ăn đồ ăn gây kích thích dạ dày như đồ cay, nước ngọt hay thức ăn chứa nhiều chất béo.
  • Táo bón: chứng táo bón có thể xuất hiện ngay từ tuần này và sẽ khó chịu hơn vào các tuần tiếp theo.
    • Nguyên nhân: do sự tăng nồng độ progesterone làm chậm quá trình di chuyển của thức ăn trong ruột.
    • Giải pháp: Mẹ bầu nên tăng cường uống nước, ăn nhiều rau xanh, hoa quả và ngũ cốc nguyên hạt để cung cấp đủ chất xơ. Tập thể dục nhẹ nhàng cũng có thể giúp kích thích tiêu hóa.
  • Đi tiểu thường xuyên:
    • Nguyên nhân: do sự tăng sản xuất hormone, làm tăng lượng máu lưu thông và khiến tốc độ làm việc của thận nhanh hơn
    • Giải pháp: Mẹ bầu nên uống đủ nước vào ban ngày và giảm uống nước trước giờ đi ngủ để giảm số lần đi tiểu về đêm. Khi đi tiểu, hãy nghiêng người về phía trước để giúp bàng quang xả hết nước tiểu
Vị trí thai 7 tuần trong bụng mẹ
Vị trí thai 7 tuần trong bụng mẹ

3. Lời khuyên cho mẹ bầu tuần 7

3.1. Siêu âm thai 7 tuần

Tuần 5-7 là mốc siêu âm quan trọng đầu tiên mà mẹ không nên bỏ lỡ. Vì vậy nếu chưa đi khám thai ở hai tuần trước đó, mẹ hãy sắp xếp lịch để đi khám ngay trong tuần này nhé.

Bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm, đo tim thai, kiểm tra vị trí phôi thai và thực hiện các kiểm tra cơ bản như đo huyết áp, xét nghiệm máu… để tư vấn phù hợp cho mẹ bầu.

Hình ảnh siêu âm thai 7 tuần tuổi
Hình ảnh siêu âm thai 7 tuần tuổi

3.2. Mang thai 7 tuần nên ăn gì?

  • Từ thời điểm thai 7 tuần trở đi, mẹ nên bổ sung gấp đôi hàm lượng sắt cho cơ thể. Chú trọng các loại thực phẩm giàu hàm lượng sắt như các loại đậu, thịt đỏ, bí ngô…và có thể uống thêm thuốc bổ sắt theo chỉ định của bác sĩ. 
  • Nếu mẹ cảm thấy chán ăn hay gặp triệu chứng ốm nghén thì hãy cố gắng chia nhỏ các bữa ăn trong ngày thay vì ăn ba bữa chính.
  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
  • Tránh tuyệt đối: Rượu, bia, các chất kích thích, caffein và các loại hải sản sống, các loại cá nhiều thuỷ ngân

3.3. Chế độ sinh hoạt

  • Tập thể dục nhẹ nhàng, các bài tập yoga đơn giản
  • Giữ tinh thần luôn thoải mái, hạn chế suy nghĩ tiêu cực. 
  • Thay đổi sang các loại trang phục rộng rãi, thoải mái, mẹ có thể chọn sang các loại áo ngực sử dụng cho phụ nữ đang mang thai.
  • Không vận động nặng, bê vác quá sức, hạn chế tiếp xúc với các mùi độc hại.
  • Nếu ngồi làm việc với máy tính và các thiết bị điện tử ở cường độ cao thì mẹ nên dành thời gian nghỉ ngơi giữa giờ, đứng lên đi lại vận động. Tránh ngồi quá lâu không tốt cho hệ tuần hoàn máu
  • Hạn chế quan hệ tình dục trong ba tháng đầu thai kỳ, đặc biệt là đối với những mẹ sức khỏe yếu. 

4. Các dấu hiệu nguy hiểm cần đến bệnh viện ngay

Trong giai đoạn “nhạy cảm” của thai kỳ , từ thai 7 tuần  trở đi mẹ cần chú ý đến những thay đổi nhỏ nhất của cơ thể, chú ý những dấu hiệu nguy hiểm có thể dẫn đến sảy thai hoặc mang thai ngoài tử cung như:

  • Chảy máu âm đạo (dấu hiệu phổ biến nhất, có xu hướng nặng hơn đốm và có thể chứa cả cục máu đông)
  • Đau bụng, đau vùng chậu hoặc chuột rút
  • Chóng mặt ngất xỉu 
  • Huyết áp thấp
  • Đau lưng, đau vai

Hãy gọi ngay cho bác sĩ và đến bệnh viện nếu mẹ bầu đang gặp các triệu chứng này.

Bài viết là toàn bộ những thông tin cung cấp sự phát triển của thai nhi và sự thay đổi của mẹ bầu trong thời kỳ thai 7 tuần, hy vọng đây là thông tin hữu ích cho các mẹ bầu để sẵn sàng chào đón bé yêu chào đời.