Thủ thuật nội xoay thai

1. Nội xoay thai là gì?

Xoay thai là một thuật ngữ chuyên ngành sản khoa. Bác sĩ sẽ thực hiện một thủ thuật với mục đích là chuyển vị trí thai nhi trong lòng tử cung từ ngôi bất thường mà khó hay không sinh thường được thành ngôi có thể sinh thường được qua đường âm đạo.

Trong thực tế, xoay thai được chia ra làm hai loại, dựa vào cách thức thực hiện là ngoại xoay thai (còn gọi là xoay thai ngoài) và nội xoay thai (còn gọi là xoay thai trong). Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai loại xoay thai này là nếu như xoay thai ngoài thường tiến hành khi thai gần đủ tháng, nội xoay thai lại là xoay thai trong buồng tử cung, ngay trong quá trình chuyển dạ.

Trường hợp thường áp dụng nội xoay thai nhất là đối với thai thứ hai trong cuộc đỡ sinh thai đôi qua ngã âm đạo. Lúc này, mục đích của nội xoay thai là chuyển thai còn lại từ ngôi vai thành ngôi mông hay ngôi chỏm cho dễ sinh thường, với điểm thuận lợi là cổ tử cung và phần phụ của mẹ đã giãn rộng sau lần sinh thứ nhất.

2. Những trường hợp được chỉ định và chống chỉ định nội xoay thai

2.1. Trường hợp được chỉ định

Trường hợp thai đôi thường được chỉ định dùng thủ thuật nội xoay thai
  • Nội xoay thai là kỹ thuật thực hiện ngay trong lòng tử cung, kỹ thuật này thường có chỉ định cho thai cuối cùng có ngôi vai nằm ngang khi đỡ đẻ đa thai. Trong thực hành lâm sàng, đó là thai thứ hai trong đỡ song sinh.
  • Nội xoay thai cũng có thể xem xét thực hiện để giúp sản phụ sinh thường trong trường hợp sinh một thai, nhẹ cân, ngôi vai nhưng là thai lưu, thai dị tật nặng mà tiên lượng thai khó có khả năng sống được nhằm tránh cho mẹ một cuộc mổ lấy thai không cần thiết.

Để thực hiện kỹ thuật nội xoay thai, bên cạnh việc có chỉ định sinh ngả âm đạo, sản phụ còn phải cần có đầy đủ các điều kiện sau đây: 

  • Cổ tử cung mở hết
  • Còn dịch ối
  • Tuyệt đối loại trừ bất tương xứng đầu – chậu và thai phải còn khỏe mạnh, không suy thai.
  • Thai phụ cần phải thực hiện thủ thuật này ở cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị y tế, có thể chăm sóc sức khỏe của sản phụ và thai nhi.

2.2. Trường hợp chống chỉ định

Các trường hợp bị chống chỉ định khi thực hiện nội xoay thai:

  • Sản phụ sinh con so
  • Tử cung có sẹo mổ cũ
  • Đã hết ối trong buồng tử cung. 

Đồng thời, không nên bất chấp tiến hành nội xoay thai ở những nơi không có phòng mổ, thiếu thốn các phương tiện theo dõi, hồi sức cho sản phụ, cấp cứu sơ sinh nói chung.

3. Các bước tiến hành nội xoay thai

Người thực hiện nội xoay thai phải là bác sĩ chuyên ngành sản khoa đã có nhiều kinh nghiệm. Người thực hiện phải tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn và phải chuẩn bị đầy đủ các bước rửa tay theo trình tự các bước rửa tay ngoại khoa, mặc áo vô khuẩn chuyên dụng và mang găng, khẩu trang, đội nón trong suốt quá trình làm.

Thai phụ cần kiểm tra kĩ sức khỏe trước khi thực hiện nội xoay thai

Các bước thực hiện nội xoay thai như sau:

  • Kiểm tra xem sản phụ có đủ điều kiện để thực hiện nội xoay thai chưa: Còn ối, cổ tử cung mở, khung chậu rộng, ngôi cao lỏng, thai nhỏ
  • Kiểm tra tình trạng thai: Sức khỏe thai nhi, ngôi thai, vị trí đầu thai nhi, vị trí mông thai nhi
  • Bác sĩ bấm ối và đưa tay vào buồng tử cung, hướng về phía mông thai nhi để tìm vị trí chân thai nhi. Nắm lấy chân thai nhi và kéo xuống. Bước này được gọi là bấm ối và kéo thai
  • Thai nhi đã được chuyển từ ngôi ngang thành ngôi mông. Sản phụ có thể đẻ tự nhiên. Thông thường, bác sĩ sẽ tiến hành kéo từ từ thai nhi ra luôn.
  • Sau khi thai sổ, tiến hành bóc rau thai và kiểm tra tình trạng tử cung, xác định tử cung có ổn định không, có bị vỡ hay tổn thương không
  • Kiểm tra tình trạng cổ tử cung
  • Kiểm tra tình trạng âm đạo và âm hộ.

Trường hợp tử cung co cường tính, thai nhi sẽ bị bóp chặt, trước khi thực hiện xoay thai phải kiểm soát cơn co bằng cách giảm co. Trường hợp thai xuống thấp, nước ối đã vỡ, tay thai nhi sa xuống… khi đó không đủ điều kiện xoay thai thì phải tiến hành mổ lấy thai.

4. Rủi ro khi thực hiện kĩ thuật nội xoay thai

So với ngoại xoay thai, nội xoay thai sẽ có nhiều rủi ro có thể xảy ra hơn. Quan trọng nhất là các biến chứng cơ học như vỡ tử cung và các tổn thương chảy máu, choáng mất máu…Vì thế, sau khi thực hiện sinh thường xong, sản phụ vẫn được tiếp tục theo dõi tại khoa nhằm mục đích đo mạch, huyết áp, co hồi tử cung, theo dõi tình trạng ra huyết âm đạo hoặc biểu hiện chảy máu trong. 

Sản phụ sau khi thực hiện nội xoay thai cần nằm lại để theo dõi sức khỏe

Nếu nội xoay thai không đúng chỉ định và kỹ thuật sẽ dễ xảy ra tai biến như vỡ tử cung, thai bị sang chấn, bong nhau, suy thai…Ngoài ra, tử cung vốn là một môi trường vô khuẩn. Vì vậy, mọi trường hợp sau khi can thiệp vào buồng tử cung phải dùng kháng sinh toàn thân đề phòng nhiễm trùng hậu sản sau đó.

Tóm lại, nội xoay thai giúp điều chỉnh tư thế thai trong quá trình chuyển dạ luôn đem lại lợi ích và đi kèm với những rủi ro nhất định. Việc thăm khám kỹ lưỡng, đánh giá đúng chỉ định của chuyển dạ sinh đường âm đạo kèm với tuân thủ nguyên tắc chuẩn xác sẽ giúp kỹ thuật đạt hiệu quả cao, đảm bảo cuộc sinh an toàn cho cả mẹ và con.