Cách xử trí khi mẹ gần sinh nhưng thai không quay đầu

1. Thai ngôi ngôi mông là gì?

Ngôi thai là phần trình diện thấp nhất của thai nhi với khung xương chậu của mẹ, cũng là phần đầu tiên ra khỏi bụng mẹ khi chuyển dạ. Trong suốt thai kỳ khoảng dưới 24 tuần tuổi thì thai nhi thường sẽ di chuyển thường xuyên, thay đổi vị trí ở trong bụng mẹ. Càng đến những tuần cuối của thai kỳ, vị trí của thai nhi sẽ bình ổn hơn. 

Thường thì đến tuần 36 trở đi phần lớn ngôi thai sẽ ổn định, ít xoay hướng hơn ngôi ngược hay còn gọi là ngôi mông – phần mông hoặc chân của bé xuống phía dưới, vùng xương chậu của mẹ. Còn đầu của bé sẽ ở phía trên gần ngực của mẹ. Tỷ lệ ngôi mông khá thấp trong các ca sinh nở. Tuy nhiên đây là những trường hợp có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con.

Thai ngôi mông gồm có 3 loại:

  • Thai ngôi mông hoàn toàn: Mông của thai nhi hướng xuống đường dẫn sinh, hai đầu gối gập lại như đang ngồi bắt chéo chân.
  • Thai ngôi mông không hoàn toàn – kiểu mông: Mông của bé hướng xuống đường dẫn sinh, hai chân duỗi thẳng ở ngay trước mặt của em bé, hai bàn chân rất gần nhau.
  • Thai ngôi mông không hoàn toàn – kiểu bàn chân: Có nghĩa là một hoặc cả hai bàn chân của bé hướng xuống đường dẫn sinh.

2. Thai ngôi mông có gây nguy hiểm cho việc sinh nở không?

Thai nhi ngôi mông có nguy cơ bị thiếu oxy do mẹ vỡ ối trước khi chuyển dạ

Các bác sĩ sản khoa cho biết việc sinh thai nhi ngôi mông được cho là nguy hiểm, vì sẽ có thể xảy ra các biến chứng nguy hiểm phải kể đến như:

  • Khó khăn trong việc đưa thai nhi ra khỏi bụng mẹ. Trong trường hợp xấu nhất là thai nhi bị thiếu oxy do mẹ bị vỡ nước ối trước khi có cơn đau chuyển dạ và cuống nhau sẽ theo nước ối ra ngoài.
  • Nguy cơ kẹt đầu hậu sẽ xảy ra vì đầu của thai nhi là phần to và cứng nhất lại sinh ra cuối cùng, có thể làm thai chết hoặc chấn thương.
  • Trong trường hợp ngôi mông không hoàn toàn – kiểu chân, sinh thai ngôi mông thai phụ dễ có nguy cơ bị sa tử cung, thai nhi có thể gây áp lực lên rốn, từ đó dẫn đến việc hạn chế lưu lượng máu đến bé. Nếu sinh thường thai nhi có nguy cơ bị dị tật ở chân rất cao.
  • Đối với trường hợp ngôi mông không hoàn toàn – kiểu mông và ngôi mông hoàn toàn có nhiều khả năng có thể sinh thường một cách an toàn. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa những biến chứng bạn cần sự trợ giúp, tư vấn từ các bác sĩ.

3. Xử trí khi phát hiện thai ngôi mông

3.1. Đối với mẹ bầu

Mẹ đặt tai nghe vào phần dưới của bụng để khuyến khích em bé quay đầu xuống dưới.

Khi phát hiện thai nhi ngôi mông, người mẹ nên thử một số kỹ thuật để khuyến khích thai nhi di chuyển. Dù em bé không dịch chuyển thì bài tập này cũng không ảnh hưởng gì đến sự an toàn của thai nhi.

Một bài tập được gọi là độ nghiêng ngôi mông có thể có lợi trong trường hợp này. Bà bầu nên nằm xuống, nâng cao hông lên khoảng 3-4 cm so với sàn nhà và sử dụng gối êm để hỗ trợ phía dưới mông. Giữ nguyên ở vị trí này trong khoảng 10-15 phút mỗi ngày. Ngoài ra, âm nhạc cũng có thể giúp kích thích thai nhi di chuyển. Hãy đặt tai nghe vào phần dưới của bụng và khuyến khích em bé quay đầu xuống dưới.

3.2. Hướng xử trí của bác sĩ

Trong các trường hợp xác định ngôi thai mông, bác sĩ thường sẽ chỉ định thai phụ phải sinh mổ có chọn lọc vì muốn an toàn cho cả mẹ và con, tức là không phải tất cả các trường hợp phải mổ.

Trường hợp ngôi mông đủ và mông thiếu kiểu mông, thai phụ có thể sẽ được chỉ định sinh thường. Điều này còn tùy theo sức khỏe của mẹ, sự xoay trở của thai nhi trong quá trình chuyển dạ, bác sĩ sẽ có giải pháp phù hợp cho sản phụ. Cụ thể, thai ngôi mông có thể được chỉ định sinh thường khi:

  • Trường hợp là thai nhi ngôi mông đủ hoặc thiếu kiểu mông.
  • Khung chậu của người mẹ rộng, cổ tử cung mở lớn.
  • Đầu thai nhi cúi tốt.
  • Thai nhi có cân nặng nhỏ hơn hoặc bằng 3.200g.

Trong trường hợp kèm theo các bất thường như sau thì các bác sĩ buộc phải tiến hành mổ lấy thai:

  • Trường hợp thai nhi ngôi mông thiếu kiểu chân.
  • Quá trình chuyển dạ kéo dài.
  • Khung chậu của người mẹ hẹp.
  • Đầu thai nhi cúi không tốt.
  • Vết mổ cũ trên tử cung.
  • Sinh con lần đầu và trọng lượng thai nhi lớn hơn 3.200g.

Ngoài ra, một số bác sĩ sẽ cố gắng xoay em bé trong tử cung người mẹ bằng một thủ thuật gọi là ngoại xoay thai. Nếu phương pháp này thành công và em bé sẽ xoay về ngôi đầu, có thể theo dõi sinh thường qua ngả âm đạo. Đây là thủ thuật mà trong đó, các bác sĩ sẽ dùng tay nâng và xoay thai nhi từ bên ngoài thành bụng của mẹ bầu, để xoay em bé về ngôi thuận. 

Thủ thuật “ngoại xoay thai”

Để tiến hành thủ thuật này, bác sĩ cần kiểm tra và  đánh giá sức khỏe, tình trạng thai, cũng như theo dõi chặt chẽ suốt quá trình thực hiện. Thủ thuật có thể sẽ không được thực hiện nếu như:

  • Mẹ mang thai đôi hay đa thai
  • Tử cung mẹ có bất thường
  • Nhau tiền đạo.
  • Bé có một số vấn đề về sức khỏe

Ngoại xoay thai thành công đối với khoảng 50% mẹ bầu. Những mẹ bầu đã từng sinh thường trước đó có khả năng thành công cao hơn. Nhưng ngay cả khi “ngoại xoay thai” đã đưa bé về ngôi đầu, vẫn có khả năng bé của bạn sẽ xoay trở lại vị trí ngôi ngược như trước. Tuy nhiên ngoại xoay thai ít được bác sĩ lựa chọn hơn cả vì khả năng thành công của thủ thuật này thấp, có nguy cơ nhau bong non và vỡ tử cung.

Các trường hợp ngôi thai ngược (ngôi mông) cần được thăm khám thai thường xuyên và định kỳ, mẹ cần cẩn thận hơn ở những tuần cuối của thai kỳ. Tiên lượng cần kỹ càng để có phương án xử trí chính xác an toàn cho cả mẹ và bé.