Mẹo chuẩn bị tài chính trước khi quyết định mang thai và sinh con

1. Tìm hiểu kỹ về bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội:

Nhiều người thường quên mất việc tìm hiểu bảo hiểm y tế và các quyền lợi được hưởng khi sử dụng bảo hiểm y tế cho thai sản. Với gói bảo hiểm y tế khác nhau, ở nơi đăng ký và khám chữa bệnh khác nhau thì mức hỗ trợ được hưởng cũng sẽ khác nhau.

Ngoài các gói bảo hiểm y tế bắt buộc hiện nay thì bạn cũng có thể tham gia bảo hiểm thai sản nếu muốn để nhận được mức hỗ trợ lớn hơn khi thăm khám và sinh con. Bên cạnh đó, theo bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định, chỉ cần bạn tham gia bảo hiểm đủ 6 tháng liên tục trước khi sinh là sẽ được hưởng chế độ thai sản. 

2. Liệt kê các loại chi phí theo từng giai đoạn

Khi quyết định mang thai và sinh con, bạn sẽ cần chuẩn bị rất nhiều vật dụng cũng như sử dụng các dịch vụ thăm, khám trong quá trình mang thai. Việc liệt kê các loại chi phí theo từng giai đoạn sẽ giúp bạn có cái nhìn đầy đủ, hạn chế thiếu sót khi chuẩn bị.

Liệt kê các chi phí theo từng giai đoạn giúp các bậc cha mẹ có cái nhìn chi tiết và chính xác các khoản cần chuẩn bị.

a. Trước khi sinh (khi đang mang thai)

Trước khi sinh, bạn sẽ cần chuẩn bị các loại chi phí bao gồm:

  • Chi phí dinh dưỡng: trong quá trình mang thai, người mẹ sẽ cần một số nguồn dinh dưỡng cần thiết như sữa bầu, các loại thực phẩm chức năng, thức ăn có lợi cho thai nhi,…
  • Chi phí trang phục: nên mua các loại áo/đầm bầu rộng rãi để tiết kiệm chi phí 
  • Chi phí tham gia các lớp tiền thai sản, các lớp kỹ năng (nếu có)
  • Chi phí khám thai định kỳ
  • Chi phí vượt cạn: tùy nơi khám, chữa bệnh là công hay dịch vụ thì mức chi phí sẽ có sự chênh lệch

b. Sau khi sinh

  • Chi phí nằm viện sau sinh
  • Chi phí mua vật dụng cho trẻ sơ sinh: Thời điểm thích hợp nhất để chuẩn bị là vào khoảng tháng 7-8 của thai kỳ. Các loại vật dụng cần thiết cho trẻ bao gồm: quần áo, khăn, tã, sữa, bình sữa, nôi giường, đồ chơi,…
  • Chi phí cho thời gian hậu thai sản: Đây là khoảng thời gian bạn được nghỉ thai sản để chăm sóc cho bé cũng như hồi phục sức khỏe, vì vậy hầu như sẽ không thể kiếm được tiền trong khoảng thời gian này.

c. Khi con lớn

Khi con lớn lên và trưởng thành sẽ có sự phát sinh một số chi phí khác như:

  • Chi phí dinh dưỡng: các loại sữa, vitamin và các nguồn dinh dưỡng khác
  • Chi phí khám, chữa bệnh: Đây là chi phí dành cho cả bản thân bạn và trẻ trong giai đoạn còn nhỏ, sức đề kháng còn yếu, dễ nhiễm các bệnh vặt.
  • Chi phí giáo dục
  • Một số chi phí khác bao gồm sinh hoạt phí, xăng xe và chi phí dự trù cho các phát sinh khác.

Ngoài ra, trong trường hợp bạn sinh con lần 2 thì cũng cần cân nhắc các chi phí cho con đầu lòng, bao gồm các khoảng tương tự là chi phí dinh dưỡng, khám chữa bệnh và chi phí giáo dục. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cắt giảm ở một số chi phí không cần thiết khác (như cáp quang, truyền hình,…) nếu cần thiết để tiết kiệm thêm một khoảng tiền dành cho con.

Kế hoạch dự trù các chi phí phát sinh khi mang thai cần được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Việc lên kế hoạch kỹ càng để có được nền tảng tài chính vững chắc là vô cùng cần thiết trong quá trình mang thai để bạn và gia đình không bị xáo trộn các khoản chi phí hằng ngày, từ đó con sinh ra sẽ có đủ điều kiện để phát triển tốt nhất.

* Nguồn tham khảo:

  1. pkdkchithanh.com

http://www.pkdkchithanh.com/chuan-bi-tai-chinh-truoc-mang-thai

2. adayne.vn

https://adayne.vn/meo-chuan-bi-tai-chinh-truoc-khi-mang-thai-va-sinh-con-sao-cho-hop-li-nhat.html