Có nên sơn móng tay khi mang thai hay không?

Trong giai đoạn mang thai mẹ bầu cần kiêng cữ rất nhiều thứ để đảm bảo thai nhi được phát triển khỏe mạnh nhất. Nhiều mẹ bỉm sữa thích làm đẹp luôn có chung thắc mắc là sơn móng tay khi mang thai có nên hay không? Những loại sơn móng tay nào an toàn cho bà bầu? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây!

1. Có bầu sơn móng tay được không

Đối với các mẹ bầu thích làm nail từ thời con gái thì sơn móng tay khi mang thai có an toàn không là một câu hỏi lớn. Chưa có nhiều nghiên cứu về việc có được sơn móng tay khi mang thai hay không. Thực tế, bà bầu vẫn có thể làm móng và sơn móng tay nếu có sức khỏe tốt và thai kỳ khỏe mạnh, nhưng bà bầu cần hiểu rõ về những mối nguy hại tiềm ẩn, chẳng hạn như các hóa chất độc hại có trong sơn móng tay và nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng về da.

2. Phơi nhiễm với các hóa chất độc hại

Sơn móng tay thông thường có chứa thành phần chủ yếu được chiết xuất từ Nitrat hóa Cellulose. Kết hợp với một vài chất liệu hóa học như Acetone và các chất tạo màu khác sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nữ giới bình thường nếu lạm dụng, đặc biệt là mẹ bầu với nhiều biến đổi của cơ thể trong suốt thai kỳ. Cụ thể:

  • Theo một nghiên cứu tại Columbia đã chỉ ra chất Phthalates có trong sơn móng tay có khả năng gây ảnh hưởng đến trí não của thai nhi. 
  • Một nghiên cứu khác dựa trên việc khảo sát hơn 300 phụ nữ và con của họ theo mẫu nước tiểu cùng bài kiểm tra IQ lúc 7 tuổi. Kết quả là mẹ bầu có nồng độ Phthalates là 25% trong nước tiểu sẽ dẫn đến IQ của con thấp hơn các trẻ bình thường khác từ 6-8 điểm.
  • Nồng độ Phthalates cao trong cơ thể mẹ còn gây tác động đến khả năng lý luận, nhận thức, trí nhớ và cách tiếp cận cùng xử lý thông tin của trẻ sau này. Bởi Phthalates làm rối loạn hormone tuyến giáp của mẹ bầu, một yếu tố quan trọng giúp phát triển toàn diện não bộ của trẻ.
  • Một số chất có trong sơn móng tay như Dibutyl Phthalate, Toluen và Formaldehyde gây ảnh hưởng xấu đến cả sức khỏe của mẹ và thai nhi. Khả năng gây biến chứng cho trẻ sau này cũng cao hơn nếu mẹ bầu không chọn đúng loại sơn móng tay thích hợp. Đặc biệt là sơn móng tay gel với các thành phần đặc thù để tạo độ bám chắc trên móng tay.
Trong sơn móng tay có nhiều hóa chất độc hại nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và em bé

Ngoài ra, khi sử dụng những dụng cụ làm móng không được khử trùng, mẹ bầu có nguy cơ mắc các bệnh về nhiễm trùng da hoặc móng tay.

3. Các bệnh nhiễm trùng da có thể mắc phải khi sơn móng tay

Ngoài tác động của hóa chất trong sơn móng tay và các chất tẩy rửa, mẹ cần lưu ý nguy cơ có thể mắc phải các bệnh nhiễm trùng da. Các bệnh này có thể biểu hiện ngay lập tức hoặc có thể xuất hiện sau vài tuần hoặc vài tháng sử dụng:

Viêm quanh móng: Tình trạng này đi kèm các triệu chứng như sưng, đỏ hoặc nóng xung quanh móng tay hoặc móng chân. Để điều trị, bạn có thể uống thuốc kháng sinh hoặc nếu có tụ mủ quanh móng, bác sĩ có thể rạch ra để điều trị. Bạn nhất thiết phải đến bác sĩ và khai rõ tình trạng mang thai của mình để được chỉ định loại kháng sinh phù hợp, không ảnh hưởng tới thai nhi.

Nhiễm nấm: Có thể làm móng tay có màu vàng. Khi nhiễm nấm, có thể khiến móng tay bị bong ra. Bạn có thể điều trị nấm móng tay bằng thuốc dạng uống hoặc thoa, nhưng khi mang thai các thuốc này có thể ảnh hưởng tới em bé trong bụng. Vì vậy, bạn cần liên hệ với bác sĩ để nhận được sự hỗ trợ cần thiết.

Nhiễm virus: Dấu hiệu là xuất hiện mụn cóc và cả các vết chai ở chân. Khi bị mụn cóc, vùng da bị mụn cóc sẽ xơ chai và hình thành các mô xơ. Việc này khiến bạn phải điều trị bằng thuốc bôi ngoài da.

Trong quá trình làm móng các thao tác của kỹ thuật viên có thể khiến mẹ bị nhiễm một số bệnh về da

4. Lưu ý cho mẹ bầu khi sơn móng tay

Khi mang thai có nên sơn móng tay hay không? Như đã nói ở trên thì câu trả lời là bạn vẫn có thể làm đẹp đôi tay của mình nếu bạn có một sức khỏe tốt và một thai kỳ khỏe mạnh. Bên cạnh đó, trong quá trình mang thai bạn cần lưu ý một số điều sau:

  • Khi sơn móng tay chân hay sơn gel mẹ bầu nên làm ở những nơi có không gian thoáng đãng, có nhiều cửa thông thoáng để tránh hít mùi sơn.
  • Chỉ nên sơn một lớp và để nó khô tự nhiên. Hạn chế tiếp xúc phần đã sơn móng lên các vị trí khác của cơ thể.
  • Mẹ bầu muốn tẩy nail cũng cần chọn không gian rộng rãi và thoáng mát. Sau khi tẩy móng thì rửa sạch lại bằng xà phòng để khử trùng tốt hơn.
Khi làm móng mẹ bầu nên chọn làm ở những nơi có không gian thoáng đãng, sạch sẽ và uy tín.
  • Mẹ bầu nào là fan của các món như gỏi cuốn, các món trộn thì sau khi làm móng tay hãy nhớ đeo bao tay để tránh việc sơn móng tay bong tróc ra lẫn vào thức ăn.
  • Khi làm móng tay ở tiệm các mẹ bỉm sữa nên mang theo dụng cụ làm móng của riêng mình, nhất là các dụng cụ cắt tẩy móng cần được tiệt trùng đầy đủ. Mẹ bầu cũng nhắc nhở thợ làm nóng không được cắt lớp biểu bì da chết vì có thể gây nhiễm trùng.
  • Nếu bạn đang có bất cứ vết cắt, vết rách, vết trầy xước hay vết thương hở khác trên chân tay, hãy tránh làm móng cho đến khi vết thương lành.
  • Không nên sơn móng nhiều lần trong thai kỳ.

Sơn móng tay là một phương pháp làm đẹp cho mẹ cảm yêu bản thân hơn, tạo một niềm vui nho nhỏ trong thai kỳ nhiều biến động của mình. Tuy nhiên, mẹ nên lưu ý tới những hóa chất mà mình tiếp xúc và các bệnh có thể mắc phải khi sơn móng. 

*Nguồn tham khảo:

  1. hellobacsi.com

https://hellobacsi.com/mang-thai/thai-ky/cham-soc-me-bau/co-bau-son-mong-tay-duoc-khong/

2. inil.vn

https:/a/inil.vn/son-mong-tay-cho-ba-bau-tt.html