Dấu hiệu thai 10 tuần tuổi phát triển khỏe mạnh

Tuần thứ 10 sự chuẩn bị cho đánh dấu kết thúc của thời kỳ phôi thai, từ giờ trở đi bé được gọi là thai nhi. Thai 10 tuần tuổi có nhiều sự phát triển hơn và mẹ bầu cũng có sự thay đổi cả về thể trạng và cảm xúc. Cùng 9thang10ngay tìm hiểu nhé

 

1. Dấu hiệu thai 10 tuần khỏe mạnh

Tuần 10 thuộc thai kỳ tháng thứ 3 của tam cá nguyệt đầu tiên (3 tháng đầu). Nhìn chung, bé có hình dạng giống với con người hơn và đang trải qua một giai đoạn triển vượt bậc.

1.1. Kích thước thai nhi 10 tuần

Chỉ số của thai nhi 10 tuần tuổi như sau:

  • Cân nặng: khoảng 4g
  • Chiều dài đầu – mông: khoảng 3.1 cm

Lúc này, thai nhi lớn bằng với kích thước một quả quýt nhỏ.

Kích thước thai 10 tuần tuổi

1.2. Thai 10 tuần nhịp tim bao nhiêu ?

Nhịp tim thai nhi 10 tuần sẽ dao động tương tự với tuần 9, thường khoảng từ 140 – 170 nhịp/phút ở cả bé trai và bé gái. Nếu nằm ngoài các mốc này, bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ hơn để xem có bất thường nào không.

Với một số mẹ bầu, do chu kỳ kinh nguyệt thay đổi hoặc do sự phát triển của phôi thai, đến tuần thứ 10 mới nghe được tim thai. Tuy nhiên, đây cũng không phải là điều cần lo lắng.

1.3. Thai 10 tuần đã biết là trai hay gái chưa?

Ở tuần thứ 10, bộ phận sinh dục của thai mới đang trong những bước hình thành đầu tiên, vì vậy khi siêu âm, chưa thể quan sát được giới tính thai.

1.4. Các phát triển khác

  • Não: phát triển nhanh chóng
  • Phần đầu: vẫn khá to so với cơ thể nhưng khuôn mặt đã cân đối hơn 
    • Đôi mắt: gần như đã hình thành đầy đủ các bộ phận như giác mạc, mống mắt, thủy tinh thể, đồng từ và võng mạc. Mí mắt đã hình thành nhưng còn khép hờ, tuy vậy bé vẫn có thể cảm nhận được với ánh sáng. 
    • Tai: đang bắt đầu hình thành, xương hàm đang hình thành và chứa những mầm răng sữa
    • Miệng: đã hình thành môi trên, thấy được 2 lỗ mũi của bé. 
  • Chi và xương: 
    • Xương và sụn ở chân phát triển thành đầu gối, mắt cá chân, bàn tay và khuỷu tay được hình thành
    • Màng nối giữa các ngón tay, ngón chân dần tiêu biến, các ngón bắt đầu tách rời, móng tay, móng chân hình thành.
  • Các cơ quan nội tạng: bắt đầu hoạt động, chẳng hạn như dạ dày bắt đầu tạo ra dịch vị, thận lọc nhiều nước tiểu hơn
  • Nếu thai nhi là bé trai thì tinh hoàn của bé sẽ bắt đầu sản xuất hormone testosterone.
Hình ảnh thai 10 tuần tuổi
Hình ảnh thai 10 tuần tuổi

Thai nhi 10 tuần tuổi đã có thể xoay người, đạp, trườn,…trong bụng. Tuy nhiên, vì thai còn quá nhỏ nên mẹ bầu còn chưa cảm nhận được các cử động thai máy này.

1.5. Thai 10 tuần đã an toàn chưa?

Ở tuần thứ 10, nhau thai đang dần hoàn thiện và vẫn chưa đảm nhận vai trò cung cấp chất dinh dưỡng cho bé. Đồng thời, tuần 10 cũng vẫn nằm trong 3 tháng đầu nhạy cảm, vì vậy mẹ bầu vẫn cần rất cẩn thận để giữ thai an toàn.

2. Mẹ thay đổi như thế nào khi mang thai 10 tuần?

Khi mang thai 10 tuần, bụng mẹ đã bắt đầu nhô ra một chút. Mẹ bầu có thể cảm thấy vòng eo tròn trịa hơn do tử cung đã tăng kích thước hơn đáng kể so với lúc chưa mang bầu. Tuy nhiên, kích thước vòng eo lúc này sẽ phụ thuộc vào từng cơ địa mẹ bầu. 

Một số mẹ bầu giảm tình trạng ốm nghén hơn so với tuần trước. Tuy nhiên vẫn còn cảm giác buồn nôn trong ngày và nhạy cảm với mùi lạ. Ốm nghén vẫn sẽ tiếp tục cho đến tuần từ 12-14 của thai kỳ. 

Các triệu chứng mang thai tuần thứ 10 sẽ bao gồm sự tiếp tục của các tuần trước đó như mệt mỏi, ngực căng tức, tiết dịch âm đạo, tiểu tiện nhiều. 

Ngoài ra mẹ còn gặp phải một số triệu chứng khác như:

  • Nhạy cảm, dễ bị xúc động:
    • Nguyên nhân: do sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể, gây ra tình trạng dao động tâm trạng và nhạy cảm hơn.
    • Giải pháp: Thực hành các phương pháp thư giãn như hít thở sâu, thiền định, yoga hoặc nghe nhạc nhẹ nhàng. Trò chuyện và chia sẻ cảm xúc với người thân, bạn bè hoặc chuyên gia tư vấn cũng rất quan trọng. 
  • Bị loét miệng:
    • Nguyên nhân: Do sự thay đổi hormone trong cơ thể, sự giảm sút hệ miễn dịch, thiếu vitamin và khoáng chất hoặc do căng thẳng.
    • Giải pháp: Mẹ bầu nên chú ý vệ sinh miệng đúng cách, chải răng ít nhất hai lần mỗi ngày và súc miệng bằng dung dịch muối nhẹ. Tránh các thức ăn cay, nóng, quá ngọt hoặc quá lạnh để giảm kích ứng với niêm mạc miệng.
  • Tê các đầu ngón chân, tay:
    • Nguyên nhân: do sưng tấy, giãn mạch máu hay chèn ép dây thần kinh do thay đổi cân nặng và sự phát triển của thai nhi
    • Giải pháp: Mẹ bầu nên thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như vận động các ngón tay, chân và vung tay, chân để cải thiện lưu thông máu. Đeo giày thoải mái và giữ cho tay chân ấm áp cũng có thể giúp giảm triệu chứng.
  • Bắt đầu xuất hiện những đốm nám da 
    • Nguyên nhân: Nám xuất hiện trên da do sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể, dẫn đến sự gia tăng sản xuất melanin, gây ra nám trên da.
    • Giải pháp: hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, đeo mũ rộng vành và kính râm khi ra ngoài.
Vị trí thai 10 tuần
Vị trí thai 10 tuần trong bụng mẹ

3. Lời khuyên cho mẹ bầu tuần thứ 10

3.1. Siêu âm thai 10 tuần 

Nếu chưa khám thai ở tuần 8,9, mẹ bầu có thể đi khám thai ở tuần này. Các bác sĩ sẽ sử dụng siêu âm thai 2D để đánh giá tổng quan cấu trúc của thai nhi: kích thước, cân nặng, tim thai, ối,… Riêng việc xác định giới tính thai là trai hay gái thì chưa thể xác định được ở tuần 10.

Mặc dù sóng siêu âm không gây hại gì cho trẻ nhưng các mẹ không nên quá lạm dụng. Hãy tuân thủ các chỉ định của bác sĩ và lựa chọn địa chỉ khám thai uy tín để theo dõi đồng hành cùng con lớn lên. 

3.2. Mang thai 10 tuần nên ăn gì?

Ngoài việc ăn đầy đủ, đa dạng các nhóm thực phẩm, mẹ bầu lưu ý bổ sung thêm một số thực phẩm chứa: 

  • Vitamin nhóm B, đặc biệt là B6: giúp giảm cảm giác buồn nôn đồng thời tạo ra các tế bào hồng cầu. 
  • Bổ sung vitamin B12 đầy đủ giúp mẹ giảm cảm giác mệt mỏi, bị loét miệng hoặc ngứa ran hoặc tê ở các ngón tay và ngón chân. Các loại thực phẩm chứa nhiều Vitamin nhóm B như: Chuối, gạo lứt, thịt nạc, thịt gia cầm, cá, bơ, ngũ cốc nguyên hạt, ngô, lòng đỏ trứng,…
  • Tăng cường chất xơ từ các loại rau, củ, các loại trái cây giàu chất xơ giúp kích thích tiêu hóa, phòng ngừa tình trạng táo bón cho mẹ.  
  • Uống đủ nước từ 2-2,5 lít nước, bao gồm cả nước lọc, sữa, nước canh và các loại nước ép trái cây.
bầu 10 tuần nên ăn gì
Bổ sung thực phẩm chứa vitamin nhóm B đặc biệt là B6 và B12

Ngoài thực phẩm, mẹ nên bổ sung đều đặn các viên uống vitamin và khoáng chất như viên sắt, acid folic và canxi theo hướng dẫn của bác sĩ. 

3.3. Chế độ sinh hoạt

  • Thay đổi quần áo rộng rãi thoải mái hơn như quần cạp chun, váy suông, áo sơ mi rộng rãi,… và chọn đồ lót phù hợp và ngực đang lớn dần.
  • Hạn chế tuan hệ tình dục: tốt nhất mẹ vẫn nên thận trọng vì thai 10 tuần tuổi vẫn chưa ổn định. 
  • Không tự ý sử dụng thuốc hay thực phẩm chức năng, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ. 
  • Nâng cao thể chất: bằng cách duy trì tập luyện các bài tập dành cho phụ nữ mang thai.
  • Nghỉ ngơi, thư giãn: mẹ đừng để tâm trạng nặng nề, hãy giải tỏa cảm xúc bằng cách nghỉ ngơi thư giãn, nghe nhạc hoặc một số việc nhẹ nhàng ưu thích.

4. Dấu hiệu nguy hiểm cần đến bệnh viện ngay

Đặc biệt, nếu mẹ xuất hiện một trong số các triệu chứng sau hãy đến gặp bác sĩ ngay: 

  • Tiết dịch âm đạo bất thường hoặc có mùi
  • Ra máu âm đạo màu đỏ tươi
  • Đau bụng dữ dội
  • Sốt
  • Tiểu buốt, tiểu rắt hoặc không đi tiểu được
  • Nôn nhiều không ăn uống được

Đây đều là các dấu hiệu viêm nhiễm hoặc có nguy cơ sảy thai nguy hiểm.

Chúc mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh để đón bé yêu chào đời!