Mang thai tháng thứ 3: Mẹ bầu thay đổi như thế nào?

Khi mẹ bầu mang thai tháng thứ 3, các cơ quan quan trọng của em bé đã bắt đầu được hình thành. Lúc này, cơ thể của mẹ bầu cũng sẽ có nhiều thay đổi, gây ra không ít cảm giác khó chịu. Hãy lưu ý những điều sau đây để thuận lợi vượt qua giai đoạn khó khăn và giúp thai nhi được phát triển khoẻ mạnh mẹ nhé.

 

1. Ở tháng thứ 3, thai nhi đang phát triển ra sao?

Thai kỳ tháng thứ 3 được tính bắt đầu từ tuần thứ 9 đến tuần thứ 12. Nếu như ở giai đoạn trước, bé được gọi là phôi thai thì từ tháng thứ 3 trở đi, bé sẽ chính thức được gọi là thai nhi vì đã cơ bản mang dáng hình con người.

Đây là giai đoạn phân hóa các bộ phận và hình thành não, hệ thần kinh của bé, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình bé phát triển sau này, vì vậy mẹ phải thật cẩn thận nhé.

Sự phát triển của thai nhi từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 3

So với giai đoạn trước, bé có những bước phát triển như sau:

  • Thân dài ra, có thể thấy được sự khác biệt giữa đầu và thân. 
  • Các xương dài ra và cứng lại, đuôi tiêu biến
  • Cơ bắp phát triển nhanh chóng, có sự phân chia ngón tay và ngón chân. 
  • Các nội tạng như tim, gan, phổi, thận đã cơ bản được hình thành. 
  • Bắt đầu phát triển cơ quan sinh dục và hình thành mí mắt, môi, trồi răng sữa. 
  • Não hình thành, hệ thần kinh phát triển nhanh chóng, trung khu thần kinh dần được phân hóa thành thục và có các điều kiện phản xạ. 

Từ tháng thứ 3 trở đi, bé đã bắt đầu cử động được tay chân rồi đó. Tuy nhiên, mẹ vẫn chưa cảm nhận được đâu ạ. 

Cũng vào giai đoạn này, bác sĩ có thể đo chiều dài đầu – mông để tính lại tuổi thai và tính toán ngày dự sinh của mẹ. 

2. Cơ thể mẹ bầu thay đổi như thế nào?

Trước sự phát triển nhanh của em bé trong bụng, cơ thể mẹ bầu cũng sẽ có nhiều điểm thay đổi theo. Những biểu hiện thường gặp nhất ở mẹ bầu trong tháng thứ 3 thai kỳ bao gồm:

2.1. Bụng bầu bắt đầu to lên

Nếu như ở 2 tháng đầu, kích thước bụng của mẹ gần như chưa thay đổi thì từ tháng thứ 3 trở đi, bụng bắt đầu nhô cao lên, có thể thấy rõ bằng mắt thường

2.2. Ốm nghén

Các triệu chứng của ốm nghén thường gặp như: buồn nôn và nôn ói, buồn ngủ, mệt mỏi, mẫn cảm với mùi, thay đổi khẩu vị,…. Tháng thứ 3 thai kỳ cũng là lúc những triệu chứng này lên đến đỉnh điểm.

Mặc dù ốm nghén rất khó chịu nhưng nhìn chung không nguy hiểm. Các triệu chứng nghén sẽ thuyên giản dần sau tháng thứ 3 nên mẹ bầu không cần quá lo lắng. Chỉ cần chú ý dưỡng sức và gắng bổ sung đầy đủ dinh dưỡng là được mẹ nhé.

2.3. Chóng mặt

Mang thai tháng thứ 3, mẹ bầu cũng dễ choáng váng, chóng mặt, xây xẩm mặt mày do máu trong cơ thể tập chung về tử cung. Tình trạng này càng rõ hơn khi mẹ bầu đứng lên hay ngồi xuống đột ngột. Vì vậy, hãy tránh làm điều này mẹ nhé. 

Bất kỳ khi nào chóng mặt, hãy nằm xuống và nghỉ ngơi ít nhất một vài phút.

2.4. Đau thắt lưng

Trong giai đoạn mang thai tháng thứ 3, tử cung của mẹ bầu đã có thể phát triển to đến bằng quả bưởi, cùng với kích thước, trọng lượng của em bé trong bụng tăng lên khiến mẹ bầu có thể dễ bị đau thắt lưng. 

Cùng với những sự biểu hiện trên, mẹ bầu có thể luôn cảm thấy mệt mỏi hơn thời gian trước. Nhưng mẹ hãy yên tâm, những thay đổi này là “tín hiệu” cho thấy thai nhi vẫn đang phát triển tốt và cơ thể mẹ đang giúp bảo vệ con của mình. 

 

Mang thai ở tháng thứ 3 mẹ thường ốm nghén nặng

3. Chăm sóc mẹ bầu ở thai kỳ tháng thứ 3

Vậy chăm sóc mẹ bầu ở giai đoạn quan trọng này cần chú ý những điều gì? Mẹ bầu hãy ghi chú lại nhé:

3.1. Về dinh dưỡng

Đối với mẹ mang thai tháng thứ 3 dinh dưỡng rất quan trọng vì đây là giai đoạn mà các tế bào phôi đang phân hóa cũng như hình thành chức năng cơ bản của cơ thể. Mẹ bầu nên có chế độ ăn uống phù hợp để vừa cung cấp đủ dưỡng chất cho mẹ, vừa đảm bảo nhu cầu cho thai nhi. 

 3.1.1. Các nhóm thực phẩm mẹ bầu nên ăn:

  • Thực phẩm giàu vitamin B6: bao gồm họ cam quýt, trứng, rau xanh lá, khoai tây… giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi và đặc biệt là những cơn buồn nôn, nôn ói.
  • Thực phẩm giàu acid folic: như các loại đậu, súp lơ, bơ, cam, lòng đỏ trứng,… giúp cho sự phát triển trí não của bé, đặc biệt quan trọng trong giai đoạn tháng thứ 3, khi hệ thần kinh của bé được hình thành. 
  • Thực phẩm chứa sắt: như củ cải đường, bột yến mạch, cám, cá ngừ, đậu và thịt, bông cải xanh,… cần thiết cho mẹ bầu để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu. 
  • Thực phẩm giàu canxi: bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa giúp phát triển hệ xương ở thai nhi, nếu thiếu hụt còn có thể gây ra tình trạng loãng xương ở mẹ. 
  • Thực phẩm giàu protein: như các loại thịt gà, thịt bò, cá, trứng,… cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho thai nhi phát triển khỏe mạnh. 

3.1.2. Các loại thực phẩm mẹ bầu nên tránh: 

  • Thức ăn chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp không có giá trị dinh dưỡng cao, lại có thể không đảm bảo vệ sinh,, chứa nhiều đường, muối, chất bảo quản không tốt cho mẹ bầu
  • Hải sản tái, sống chứa hàm lượng thuỷ ngân cao rất nguy hiểm. Ngoài ra mẹ bầu có thể bị nhiễm ký sinh trùng từ loại thực phẩm này. 
  • Tránh các chất kích thích có hại như rượu, bia, thuốc lá. 

Mặc dù ốm nghén gây khó chịu và giảm cảm giác thèm ăn nhưng thai nhi vẫn cần chất dinh dưỡng. Do vậy, mẹ bầu nên ăn bất cứ lúc nào có thể ăn được, dù chỉ một lượng nhỏ cũng hãy cố gắng ăn mẹ nhé.

mang thai thứ 3 nên ăn gì
Chăm sóc mẹ bầu ở thai kỳ tháng thứ 3

3.2. Về chế độ sinh hoạt 

Đối với mẹ bầu tháng thứ 3 cũng là thời điểm nguy cơ sảy thai cao nhất. Vì vậy, trong sinh hoạt hàng ngày hãy chậm rãi và từ tốn tránh ảnh hưởng đến thai nhi. Ngay cả đối với những mẹ bầu không bị ốm nghén và có sức khoẻ tốt cũng không nên giảm cường độ công việc xuống chỉ còn 70% – 80% so với lúc trước. 

Mẹ nên tránh hoạt động mạnh hay mang vác nặng quá sức, thay vào đó mẹ có thể nhờ bố hoặc những người xung quanh. Mẹ cũng nên tránh các cảm xúc tiêu cực như cáu kỉnh, khó chịu, …gây ảnh hưởng đến thai nhi. 

Về vấn đề sinh hoạt vợ chồng, thời kỳ đầu, thai kỳ chưa ổn định, tử cung còn co thắt và có thể gây xuất huyết nhẹ. Vì vậy, bố mẹ nên kiêng sinh hoạt vợ chồng đến khoảng hết tháng thứ 3 này. 

Đặc biệt, đối với mẹ bầu có chỉ thị an dưỡng thai do nguy cơ dọa sảy thai, dọa sinh non thì không nên sinh hoạt vợ chồng. 

Ở tháng thứ 3, Mẹ bầu vẫn nên nghỉ ngơi tránh hoạt động mạnh

4. Các xét nghiệm và siêu âm quan trọng ở tháng thứ 3

Mẹ mang thai tháng thứ 3 có mốc thời gian khám thai quan trọng từ tuần thai thứ 10 đến tuần thai thứ 12. Các xét nghiệm và siêu âm sẽ giúp kiểm tra dị tật sớm ở thai nhi. Vì vậy, có thể nói đây là thời điểm khám thai quan trọng nhất mà mẹ bầu tuyệt đối không thể bỏ qua. 

Các siêu âm và xét nghiệm nên làm ở tháng thứ 3:

4.1. Siêu âm kiểm tra tình trạng thai nhi

Cụ thể, các bác sĩ sẽ kiểm tra dị tật chi, kiểm tra thoát vị cơ hoành… thông qua hình ảnh siêu âm.

4.2. Siêu âm đo độ mờ da gáy

Siêu âm này giúp đánh giá nguy cơ bị bệnh Down của thai nhi.

Trong trường hợp kết quả siêu âm đo độ mờ da gáy cho thấy thai nhi có nguy cơ mắc các bệnh di truyền, bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm thêm xét nghiệm sinh thiết gai nhau(CVS). Đây là một phương pháp xét nghiệm xâm lấn nhằm phát hiện các bất thường về hình thái hay những bất thường về nhiễm sắc thể. Rủi ro gây sảy thai do phương pháp CVS tỷ lệ rất thấp chỉ dưới 1%.

siêu âm tháng thứ 3
Mẹ bầu nhớ đi khám thai đúng lịch nhé

4.3. Xét nghiệm Thalassemia

Hay còn gọi là xét nghiệm gen tan máu bẩm sinh, để xác định xem có nguy cơ bị thiếu máu di truyền hoặc tình trạng hồng cầu bị vỡ sớm dẫn đến thiếu oxy hay không.

4.4. Xét nghiệm Double Test

Phương pháp này được thực hiện bằng cách kiểm tra định lượng β-hCG tự do và PAPP-A (là hai chất có trong máu người mẹ khi mang bầu). Cùng với chỉ số độ mờ da gáy (NT), chiều dài đầu mông (CRL) của thai nhi và một số thông số khác…, bác sĩ sẽ đánh giá phát hiện dấu hiệu của một số bệnh bất thường nhiễm sắc thể gây ra dị tật bẩm sinh như: Hội chứng Down, Edwards và Patau

Ngoài khám thai định kỳ, mẹ bầu hãy đến ngay các cơ sở y tế nếu xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết, đau bụng dưới, ốm nghén nặng không tiếp được nước hay sụt cân trên 5% trọng lượng trong 2 tuần nhé.

Chúc mẹ và thai nhi khỏe mạnh để cùng đón chờ những mốc phát triển mới trong các tháng tiếp theo.

>> Đọc tiếp: Mang thai tháng thứ 4: Top những điều mẹ bầu phải nằm lòng