Thai 8 tuần tuổi phát triển ra sao và lời khuyên cho mẹ bầu

Thai 8 tuần tuổi là mốc quan trọng sự phát triển của em bé trong bụng và sự thay đổi của cơ thể người mẹ. Tuần thứ 8 vẫn nằm trong giai đoạn mang thai 3 tháng đầu nhạy cảm, vì vậy mẹ bầu hãy lưu ý các vấn đề sau.

 

1. Dấu hiệu thai 8 tuần tuổi phát triển khỏe mạnh

Tuần 8 là tuần cuối cùng trong tháng thai kỳ thứ 2. Lúc này em bé trong bụng mẹ có sự phát triển rõ rệt, các bộ phận trên cơ thể đã bắt đầu tách biệt rõ ràng.

1. Kích thước thai 8 tuần tuổi 

Chỉ số trung bình của thai 8 tuần tuổi như sau:

  • Cân nặng: Khoảng 1g
  • Chiều dài đầu – mông (CRL): 1.6cm 

Vì kích thước thai còn quá nhỏ, chỉ tương đương với một hạt đậu, vì vậy bụng bầu của mẹ chưa nhô ra rõ, mẹ cũng chưa cảm nhận được các cử động “thai máy” (các cử động của thai nhi trong bụng).

kích thước thai 8 tuần tuổi

1.2. Tim thai

Ở tuần thứ 8, tim của thai nhi đã phân thành 4 ngăn, nhịp tim khoảng 140 – 170 nhịp/phút ở cả bé gái và bé trai

Khi siêu âm ở tuần thứ 8, nếu bác sĩ không phát hiện ra tim thai thì có thể do thai nhi phát triển chậm nên tim thai chưa hình thành. Lúc này mẹ bầu sẽ được chỉ định làm lại xét nghiệm đo nồng độ hCG hoặc đợi 1-2 tuần sau siêu âm lại.

Tuy nhiên, nếu siêu âm không thấy tim thai kèm theo các triệu chứng như đau bụng, ra máu,… thì có thể rơi vào tình trạng thai ngừng phát triển hoặc chết lưu trong bụng mẹ, mẹ bầu cần nhập viện ngay.

1.3. Các phát triển khác của thai 8 tuần tuổi

  • Hệ tuần hoàn đang hoàn thiện dần, có thể thấy mạng lưới mạch máu nhỏ dưới lớp da trong suốt của bé.
  • Chân, tay: Các tế bào xương thay thế sụn ban đầu, tay chân dài ra và bắt đầu phân chia các ngón dù vẫn còn màng dính. 
  • Các đặc điểm trên khuôn mặt dần rõ ràng hơn: hàm trên và mũi bắt đầu hình thành, xuất hiện vành tai và miệng, mắt hình thành, có lớp da phủ lên trên sau này sẽ phát triển thành mí mắt. 
  • Não: Các tế bào thần kinh trong não đang dần hình thành. 
  • Nhau thai: đã khá trưởng thành nhưng chưa thể thay thế noãn hoàng để cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi. 
Hình ảnh thai 8 tuần
Hình ảnh thai 8 tuần tuổi

1.4. Thai 8 tuần tuổi đã bám chắc chưa?

Ở thời điểm 8 tuần, quá trình làm tổ của thai chưa hoàn thiện, nhau thai còn chưa tham gia vào quá trình nuôi dưỡng thai, vì vậy, thai vẫn chưa bám chắc vào thành tử cung. Mẹ bầu vẫn nên hạn chế hoạt động mạnh và kiêng quan hệ tình dục.

2. Mẹ bầu thay đổi thế nào khi mang thai tuần thứ 8?

Mang thai tuần thứ 8, bụng mẹ vẫn chưa nhô lên nhưng kích thước tử cung đã to ra đáng kể và có thể chèn ép một số cơ quan khác. Những người xung quanh có thể chưa nhận ra nhưng bản thân mẹ bầu sẽ cảm nhận rõ các thay đổi như:

  • Ốm nghén: Cảm giác buồn nôn và nôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, mẹ bầu cũng bị chán ăn và khó chịu hơn
    • Nguyên nhân: chưa xác định được chính xác nguyên nhân của ốm nghén và mức độ khác nhau ở từng thai phụ. Có thể do sự tăng cao nồng độ hormone ở những tháng đầu gây ra.  Ở hầu hết mẹ bầu, tình trạng ốm nghén sẽ biến mất sau tuần thai 12-14.  
    • Giải pháp: Mỗi khi thấy buồn nôn, hãy thử một chút trà gừng, kẹo gừng… có thể giúp mẹ cảm thấy dễ chịu hơn. 
  • Tăng tiết dịch âm đạo: khi mang thai dịch âm đạo (khí hư) tiết ra nhiều hơn mà còn loãng và dễ dính hơn so với những ngày bình thường. Sự thay đổi này cũng khiến mẹ bầu cảm thấy rất khó chịu.
    • Nguyên nhân: nồng độ estrogen trong cơ thể mẹ bầu cao hơn dẫn đến dịch âm đạo tiết ra nhiều hơn giúp làm sạch, chống nhiễm trùng cho ống sinh dục.
    • Giải pháp: Mẹ nên thay quần lót thường xuyên và chú ý vệ sinh sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn, đặc biệt là nấm candida.
  • Thay đổi ở vùng ngực: Ngực căng tức, núm vú sẫm màu hơn. 
    • Nguyên nhân: do nhu mô tuyến vú tăng sinh, ảnh hưởng bởi các hormone estrogen và progesteron. 
    • Giải pháp: Mẹ tránh sử dụng áo ngực chật chội, hãy sử dụng áo ngực rộng rãi cho bà bầu, có lớp đệm mềm mại. 
vị trí thai 8 tuần trong bụng mẹ
Vị trí thai 8 tuần trong bụng mẹ

3. Lời khuyên cho mẹ bầu mang thai 8 tuần

3.1. Siêu âm ở tuần thứ 8

Nếu mẹ chưa đi khám thai ở tuần 5-7 thì đừng bỏ lỡ tuần 8 này nhé. Đây là cột mốc siêu âm đầu tiên và rất quan trọng.

Lúc này, thai nhi đang ở bước đầu phát triển, siêu âm cho phép đánh giá được tình trạng chung của thai cũng như đưa ra độ tuổi chính xác nhất của thai nhi. 

Mẹ bầu có thể được bác sĩ chỉ định siêu âm thông qua 2 phương pháp: siêu âm qua thành bụng hoặc siêu âm đầu dò. Dựa trên tình trạng của mẹ bầu mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp.

ảnh siêu âm thai 8 tuần

Ngoài siêu âm, khi khám thai 8 tuần, mẹ sẽ được thăm khám, kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, làm xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu và nhận được những lời khuyên từ bác sĩ. 

3.2. Mẹ bầu 8 tuần nên ăn gì để thai phát triển khỏe mạnh?

Giai đoạn 3 tháng đầu, mẹ bầu cần bổ sung thêm +50Kcal mỗi ngày so với khi chưa mang thai, tổng năng lượng mỗi ngày khoảng 1800-2100 Kcal.

Mẹ bầu không nên kiêng khem quá mức, hãy ăn đa dạng các nhóm thực phẩm và uống viên bổ sung sắt và acid folic theo chỉ dẫn của bác sĩ. 

3.3. Cách giảm ốm nghén

Mang thai tuần thứ 8 là thời kỳ mẹ gặp nhiều khó chịu do ốm nghén. Nếu nôn nghén quá nhiều, mẹ có thể thử một vài biện pháp sau:

  • Lựa chọn thực phẩm cẩn thận, tránh lựa chọn các thực phẩm có mùi nồng, mùi lạ hoặc đồ ăn nhiều dầu mỡ khiến mẹ dễ nôn ói. 
  • Thay đổi cách chế biến để món ăn vừa miệng hơn. 
  • Chia nhiều bữa nhỏ. Luôn chuẩn bị một số đồ ăn vặt như trái cây, bánh quy, bánh mì,… bên người để thỉnh thoảng ăn.
  • Bổ sung nước từng chút một, bổ sung sữa, nước ép trái cây… 
  • Thử uống một chút trà gừng hoặc kẹo gừng sẽ có tác dụng giảm buồn nôn đáng kể.
  • Tập luyện một số bài tập kéo giãn cơ kết hợp với hít thở nhẹ nhàng để lưu thông máu huyết, có thể giảm căng thẳng mệt mỏi và cảm giác khó chịu khi ốm nghén. 

>> Xem thêm: Cẩm nang ốm nghén: triệu chứng và cách khắc phục 

4. Dấu hiệu sảy thai 8 tuần tuổi

Lưu ý khi mẹ xuất hiện một số triệu chứng sau, mẹ phải đến gặp bác sĩ ngay để kiểm tra và điều trị kịp thời:

  • Sốt trên 38 độ C
  • Đau bụng hoặc đau lưng dữ dội
  • Ra máu đỏ tươi số lượng nhiều
  • Ốm nghén nghiêm trọng (nôn ói nặng tần suất liên tục, không ăn uống được gì, lờ đờ mệt mỏi,…)

Tuần thứ 8 của thai kỳ là lúc thai nhi phát triển nhanh chóng nhưng cũng rất nhạy cảm. Mẹ hãy chú ý lắng nghe cơ thể mình để giữ thai an toàn và cố gắng vượt qua sự khó chịu của tình trạng ốm nghén nhé.