Thai 23 tuần phát triển thế nào và lời khuyên cho mẹ bầu

Thai 23 tuần là tuần đầu tiên trong tháng thứ 6 của thai kỳ, các cơ quan trong cơ thể em bé đã phát triển đầy đủ nhưng vẫn chưa hoàn thiện hoàn toàn. Mặc dù đây là giai đoạn dễ chịu nhất trong thai kỳ, mẹ vẫn cần lưu ý nhiều vấn đề để thai phát triển tốt.  

1. Dấu hiệu thai 23 tuần phát triển tốt

1.1. Kích thước và cân nặng thai 23 tuần

Thai 23 tuần nặng trung bình 501 g, chiều dài đầu – gót chân khoảng 289 mm

Bắt đầu từ tháng thứ 6 trở đi, thai nhi sẽ bước vào giai đoạn tăng cân nhanh chóng. So với tuần 22, cân nặng của thai tăng khoảng 20%. Trong khi đó, chiều dài cơ thể tăng trưởng chậm lại.

kích thước thai 23 tuần

Mẹ có thể hình dung thì hiện tại em bé có kích thước bằng một quả xoài lớn. Thai nhi trong bụng mẹ giờ đây đã rất có dáng vẻ của một em bé rồi đấy. 

1.2. Sự phát triển của các bộ phận

Tại thời điểm thai 23 tuần, em bé gần như đã phát triển đầy đủ các cơ quan, bộ phận quan trọng, “ra dáng” một em bé sơ sinh dù vẫn còn khá nhỏ với lớp da nhăn nheo. Mẹ hãy cùng xem con đã phát triển thế nào khi hai mẹ con đã cùng nhau đi một chặng đường dài nhé:

  • Lanugo (lông tơ) lớp lông mềm mịn bao sẽ phủ hầu hết cơ thể em bé. Lanugo là lớp lông đầu tiên mọc ra từ từ nang lông của bé con từ quá trình “trưởng thành” trong bụng mẹ. Lớp lông tơ này có thể có màu vàng nhạt, trắng hoặc hơi đậm màu một chút tùy vào gen của em bé. 
  • Phổi: Các mạch máu trong phổi đang được mở rộng và phát triển hoàn thiện. Khi thai 23 tuần, lỗ mũi của thai nhi đã thông, bé con bắt đầu tập thở bằng cách hít vào nước ối. Các tế bào phổi sản xuất ra surfactant (chất hoạt động bề mặt) giúp bé có khả năng hô hấp độc lập khi chào đời
  • Hệ tuần hoàn: Hình thành động mạch, tĩnh mạch làm cho da bé có màu đỏ, và khi sử dụng ống nghe thì mẹ có thể nghe được nhịp đập của tim thai nhi.
  • Hệ tiêu hóa: Các nhu động ruột của bé bắt đầu hình thành (quá trình tiêu hóa diễn ra theo ống tiêu hóa)
  • Hệ thần kinh: Não và các bộ phận cảm giác như thính giác phát triển rất nhanh, bé có thể nghe rất rõ các âm thanh có âm vực thấp ở bên ngoài. Thai 23 tuần đã có thể nghe thấy âm thanh từ bên ngoài cơ thể mẹ và phân biệt được giọng nói của mẹ cùng những người xung quanh.
Hình ảnh thai nhi 23 tuần
Hình ảnh thai nhi 23 tuần

1.3. Cử động đạp của thai nhi

Bắt đầu từ thai 23 tuần, em bé sẽ di chuyển, cử động nhiều hơn. Những chuyển động này được thiết lập riêng theo lịch trình của bé con.

Em bé ở tuần này có thể nằm theo nhiều tư thế khác nhau: như tư thế ngôi mông, nằm nghiêng một bên, nằm ngang, nằm chéo trong tử cung. Tử cung của mẹ còn khá nhiều không gian rộng rãi để em bé có thể khám phá và lựa chọn những vị trí nằm, chuyển động thoải mái nhất. 

2. Mẹ bầu thay đổi như thế nào khi mang thai 23 tuần?

Vào thời điểm 23 tuần, cùng với sự lớn dần của em bé, cơ thể mẹ cũng có nhiều thay đổi.

  • Xuất hiện “đường thai kỳ” Linea nigra trên bụng: đây là một đường thẳng đứng, sẫm màu xuất hiện ở hầu hết phụ nữ mang thai
    • Nguyên nhân: Nồng độ hormone cao hơn bình thường tác động lên các tế bào có chứa sắc tố khiến xuất hiện vùng da sậm màu này.
    • Giải pháp: Đây là hiện tượng bình thường trong thai kỳ và thường sẽ biến mất sau khi sinh. Mẹ bầu không cần làm gì đặc biệt
đường thai kỳ
Đường thai kỳ Linea nigra
  • Giãn tĩnh mạch trên chân
    • Nguyên nhân: Do sự tăng lượng máu lưu thông trong cơ thể và sức ép từ tử cung lên các tĩnh mạch ở chân
    • Giải pháp: Mẹ bầu nên nâng chân lên khi nghỉ ngơi, tránh đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu, tập luyện thể dục nhẹ nhàng và mặc tất chống giãn tĩnh mạch nếu cần.
  • Đi tiểu nhiều lần
    • Nguyên nhân: Do sự gia tăng kích thước tử cung làm giảm dung tích chứa nước của bàng quang.
    • Giải pháp: Mẹ bầu nên đi tiểu đều đặn, không chịu đựng quá lâu, giảm uống nước vào buổi tối trước khi ngủ để giảm đi tiểu đêm
  • Đau lưng, đau vùng xương chậu
    • Nguyên nhân: do vòng bụng của mẹ bầu ngày càng lớn, gây áp lực lên cột sống và vùng xương chậu
    • Giải pháp: Mẹ bầu nên chú ý tư thế ngồi, đứng và nằm phù hợp, sử dụng gối chống đỡ khi ngủ, tập luyện thể dục nhẹ nhàng.

 

 

Vị trí thai 23 tuần
Hình ảnh thai nhi 23 tuần trong bụng mẹ

3. Lời khuyên cho mẹ bầu tuần 23

Trải qua hơn một nửa thai kì, từ thai 23 tuần trở đi là khoảng thời gian mẹ có thể cân nhắc lên kế hoạch cho em bé chào đời. Đó có thể là về công việc, kế hoạch sinh đẻ, nuôi con và đừng quên duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh để luôn có được thai kỳ khỏe mạnh, em bé chào đời đủ ngày đủ tháng nhé. 

3.1. Khám thai

Mẹ vừa trải qua mốc khám thai quan trọng ở tuần 18-22. Nếu mẹ mới khám thai trong 3 tuần gần đây và không có hiện tượng bất thường, không có chỉ định riêng từ bác sĩ thì mẹ có thể không cần đi siêu âm thai trong tuần 23 này nhé.

3.2. Mang thai 23 tuần nên ăn gì

  • Mẹ vẫn tiếp tục duy trì chế độ ăn đa dạng các nhóm chất, nhiều rau xanh để hạn chế táo bón. Trong các tháng giữa thai kỳ, mỗi tuần mẹ bầu nên tăng khoảng 0.5 kg
  • Trong đó, ở giai đoạn này, thai nhi phát triển rất mạnh về cơ bắp, trí não và hoàn thiện chức năng các bộ phận, mẹ nên lưu ý bổ sung thêm các nhóm thực phẩm sau:

Thực phẩm giàu Protein (trứng, thịt bò, cá, sữa chua, yến mạch…) giúp phát triển mô và các cơ quan của thai nhi

– Thực phẩm giàu sắt (thịt bò, lợn, các loại rau xanh đậm, trứng, lòng đỏ trứng, các loại hạt…) để đề phòng thiếu máu

Thực phẩm giàu Omega-3 (hạt óc chó, macca, hạt chia, đậu nành,…) giúp thai nhi phát triển trí não

  • Ngoài ra, mẹ cần uống nhiều nước hàng ngày. Mẹ có thể uống xen kẽ nước lọc và các loại nước ép trái cây, rau củ, sữa hạt… Uống đủ nước giúp mẹ tránh được chứng đau đầu, co thắt tử cung và nhiễm trùng đường tiết niệu. 

3.3. Chế độ sinh hoạt

  • Thay đổi tư thế ngủ: mẹ có thể nằm nghiêng về bên trái thay vì nằm ngửa khi ngủ để giảm cảm giác khó thở. Nếu có điều kiện mẹ có thể mua các loại gối cho bà bầu để có giấc ngủ sâu hơn trong giai đoạn này

tư thế ngủ cho bà bầu

  • Tập các bài thể dục co giãn cơ xương sườn, vận động nhẹ nhàng như: đi bộ, bơi lội, yoga,…
  • Theo dõi cử động của thai nhi để kịp thời phát hiện các bất thường và tìm hỗ trợ kịp thời
  • Thai giáo mỗi ngày: Ở thời điểm này, mẹ và bé có thể giao tiếp với nhau hằng ngày. Hãy bật những bài nhạc nhẹ nhàng, đọc những cuốn sách thai giáo, kể những câu chuyện hay để thai nhi có thể được phát triển trí tuệ ngay từ khi còn trong bụng mẹ

4. Các triệu chứng bất thường cần đến bệnh viện ngay

Khi mang thai 23 tuần, nếu mẹ có các dấu hiệu sau cần đến bệnh viện ngay! Đây là các dấu hiệu thai yếu, có nguy cơ sinh non hoặc lưu thai:

  • Chảy máu âm đạo hoặc rỉ dịch bất thường
  • Sốt
  • Đau đầu, ngất hoặc mờ mắt.
  • Bụng xuất hiện các cơn gò hoặc đau bụng dữ dội
  • Có bất thường trong cử động đạp của thai (chẳng hạn 1-2 ngày không thấy thai đạp như các ngày trước đó)
  • Mờ mắt, chóng mặt
  • Đau bụng dưới đột ngột, kéo dài, cường độ tăng dần (là dấu hiệu của chuyển dạ)

Bài viết là toàn bộ những thông tin cung cấp sự phát triển của thai nhi và sự thay đổi của mẹ bầu trong thời kỳ thai 23 tuần, hy vọng đây là thông tin hữu ích cho các mẹ bầu để sẵn sàng chào đón bé yêu chào đời.