Thai 24 tuần phát triển thế nào và lời khuyên cho mẹ bầu

Vào thời điểm thai 24 tuần, cả mẹ và bé đều đang có những thay đổi rõ rệt, em bé phát triển nhanh chóng, mẹ cũng sẽ cảm nhận được những thay đổi của cơ thể. Cùng tìm hiểu xem tuần này, mẹ cần lưu ý những vấn đề gì nhé!

1. Dấu hiệu thai 24 tuần khoẻ mạnh

Tuần thứ 24 là tuần giữa của tháng thứ 6 thai kì. Thời điểm này cũng đánh dấu mẹ đã hoàn thành giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa). Thai nhi phát triển rất nhanh và đã có hình dáng giống một trẻ sơ sinh.

1.1. Kích thước và cân nặng thai 24 tuần

Chỉ số trung bình của thai 24 tuần như sau:

  • Chiều dài đầu – gót chân: 300mm
  • Cân nặng: 600g

Thai vẫn duy trì tốc độ tăng cân nặng khoảng 20% mỗi tuần. Trong khi đó, chiều dài tăng chậm hơn, chỉ khoảng 5-10%.

kích thước thai 24 tuần

Mẹ có thể hình dung thì thai 24 tuần kích thước như một bắp ngô.

1.2. Sự phát triển các bộ phận 

Thai 24 tuần có hình thể khá gầy, nhưng cơ thể của bé con đang đầy đặn dần, và sẽ ngày càng bụ bẫm vào những tuần cuối của thai kỳ.

Từ tuần thứ 24 trở đi, các cơ quan nội tạng, não bộ trong cơ thể em bé đang phát triển ngày càng phức tạp hơn tiến tới sự hoàn thiện vào những tuần cuối của thai kỳ. 

  • Da: của em bé vẫn còn mỏng và mờ, những nếp nhăn này đang được lấp đầy và làm mờ đi khi mỡ tích tụ bên dưới da phát triển.
  • Não: phát triển nhanh chóng. Các dây thần kinh đang phân nhánh, kết nối não với các chi và các cơ quan.
  • Phổi: Các tế bào và nhánh chính của phổi hình thành nên các chất hoạt động trên bề mặt (surfactant) giúp bé có thể hít thở. Các túi hô hấp ở đầu các nhánh nhỏ nhất trong phổi của em bé đang phát triển và nhân lên, tăng thêm diện tích bề mặt để trao đổi khí oxy và carbon dioxide.
  • Tai trong đạt kích thước và hình dạng tiêu chuẩn.
  • Thị giác tiếp tục hoàn thiện, bé đã có thể cảm nhận được ánh sáng.
  • Lông mi và lông mày mọc rậm hơn, bé còn có thể vận động cơ mặt bằng cách nhướn lông mày
hình ảnh thai 24 tuần
Hình ảnh thai 24 tuần

1.3. Cử động đạp của thai 24 tuần

  • Em bé chuyển động nhiều hơn trong bụng mẹ. Từ tuần 24, mẹ có thể cảm nhận rõ những chuyển động của thai, tần suất của những cú “đạp”, “hích” hay “nhào lộn” của bé có có xu hướng gia tăng.
  • Tư thế nằm của em bé cũng thay đổi liên tục, do không gian trong bụng mẹ vẫn còn khá rộng rãi. 

2. Mẹ bầu thay đổi như thế nào khi mang thai 24 tuần?

Mặc dù còn khoảng 4 tháng nữa mới đến ngày dự sinh, nhưng cơ thể mẹ đang trải qua một số “cuộc tập dượt” cho sự chào đời của bé con: 

  • Nám da trên má, má, trán, môi, cẳng tay:
    • Nguyên nhân: do sự thay đổi nội tiết tố kích hoạt sự gia tăng sản xuất melanin trong thai kỳ
    • Giải pháp: Mẹ bầu nên bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời trực tiếp để hạn chế các vết nám sẫm màu hơn, đeo khẩu trang và mũ rộng vành.
  • Các cơn co thắt Braxton – Hicks (chuyển dạ giả) bắt đầu xuất hiện, không đau, cảm giác như tử cung bị bóp chặt
    • Nguyên nhân: Cơn co thắt này là do cơ tử cung chuẩn bị cho quá trình sinh nở sắp tới
    • Giải pháp: Nếu các cơn co thắt không gây đau đớn, không có quy tắc và không đi kèm với các dấu hiệu sinh sớm, mẹ bầu không cần lo lắng. Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu bất thường thì hãy liên hệ ngay với bác sĩ nhé.
  • Bị đau quanh xương sườn, lưng, ngực, mông, bụng,…
    • Nguyên nhân: Điều này một phần là do hormone thai kỳ làm lỏng dây chằng và cơ bắp của mẹ, đồng thời em bé đang lớn dần “chèn ép” lên các bộ phận khác nhau trên cơ thể người mẹ.
    • Giải pháp: Mẹ bầu nên tập luyện thể dục nhẹ nhàng giúp cơ thể linh hoạt hơn và giảm đau nhức; sử dụng gối chống đỡ khi ngủ và thư giãn cơ thể bằng cách massage nhẹ nhàng hoặc tắm nước ấm.
  • Tâm trạng ổn định hơn so với các tháng đầu thai kỳ do cơ thể bắt đầu thích nghi với sự thay đổi nội tiết và sản xuất hormon
vị trí thai 24 tuần
Vị trí thai 24 tuần trong bụng mẹ

3. Lời khuyên cho mẹ bầu tuần 24

3.1. Khám thai tuần 24

  • Tầm soát tiểu đường thai kỳ

Từ tuần 24 – 28, mẹ cần thực hiện xét nghiệm sàng lọc glucose theo chỉ định của bác sĩ để sớm phát hiện tiểu đường thai kì.

Đây là bệnh liên quan đến tăng glucose máu của mẹ với mức độ thấp hơn đái tháo đường và làm xuất hiện nhiều vấn đề nguy hiểm khi mang thai. 

  • Siêu âm thai

Nếu lần siêu âm thai trước đó là 3-4 tuần thì mẹ có thể tiếp tục siêu âm thai định kỳ ở tuần 24 này. Bác sĩ sẽ giúp mẹ kiểm tra:

  • Tình trạng nhau thai, nước ối, cân nặng.
  • Các bất thường về hình thái và tim thai của con.
  • Các dị tật bất thường
Hình ảnh siêu âm thai 24 tuần
Hình ảnh siêu âm thai 24 tuần

3.2. Mang bầu 24 tuần nên ăn gì?

  • Uống nhiều nước hàng ngày, nước lọc là tốt nhất nhưng mẹ cũng có thể uống xen kẽ các loại nước ép trái cây, rau củ, sữa hạt… Uống đủ nước giúp mẹ tránh được chứng đau đầu, co thắt tử cung và nhiễm trùng đường tiết niệu. 
  • Ăn nhiều các thực phẩm giàu sắt, protein, vitamin C, vitamin B, B12 như rau xanh, các loại cá (cá hồi, cá mòi), thịt đỏ, sữa,…
  • Nếu có điều kiện, mẹ có thể sử dụng thêm các viên uống bổ sung sắt và axit folic theo chỉ định của các sĩ. 
  • Để kiểm soát cảm giác thèm đồ ăn nhẹ mặn và ngọt, mẹ phải luôn có cho mình một chế độ ăn uống đa dạng với đầy đủ trái cây và rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein mỗi ngày. Thay vì ăn 3 bữa chính, mẹ có thể chia làm nhiều bữa ăn nhỏ. Cố gắng ăn từ từ và nhai kỹ.

3.3. Chế độ sinh hoạt

  • Mẹ lưu ý đừng đi ngủ sau khi vừa ăn sau, thay đổi tư thế ngủ, tránh mặc các loại quần áo ôm sát người để có một giấc ngủ ngon hơn. 
  • Tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng, bơi, tập yoga cho bà bầu hoặc đi bộ quãng ngắn
  • Giữ tinh thần luôn thoải mái, hạn chế suy nghĩ tiêu cực
  • Bôi kem chống nắng khi ra ngoài để hạn chế nám da. Bôi kem dưỡng, kem chống rạn da. Tuy nhiên cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo sản phẩm đó an toàn cho phụ nữ mang thai.
  • Thai giáo đều đặn hàng ngày

4. Các dấu hiệu nguy hiểm cần đến bệnh viện ngay

Từ thai 24 tuần, nếu các cơn gò Braxton – Hicks xuất hiện với tần suất dày và khiến mẹ cảm thấy đau nhiều hơn thì mẹ cần liên hệ ngay với bác sĩ và đến bệnh viên. Rất có thể đó là những dấu hiệu của chuyển dạ sớm và sinh non. 

Ngoài ra mẹ cần lưu tâm một số dấu hiệu nguy hiểm sau:

  • Tiết dịch bất thường 
  • Chảy máu âm đạo, đau bụng, áp lực vùng chậu, đau thắt lưng hoặc rò rỉ chất lỏng (có thể là nước ối của bạn đã bị vỡ).
  • Mờ mắt, chóng mặt, ngất xỉu

Bài viết là toàn bộ những thông tin cung cấp sự phát triển của thai nhi và sự thay đổi của mẹ bầu trong thời kỳ thai 24 tuần, hy vọng đây là thông tin hữu ích cho các mẹ bầu để sẵn sàng chào đón bé yêu chào đời.