Những trường hợp mẹ bầu sinh thường phải chuyển sang sinh mổ

Hầu hết các bà bầu luôn được khuyến cáo nên sinh thường để con sinh ra được khỏe mạnh, người mẹ cũng mau chóng được phục hồi hơn. Những trường hợp mẹ bầu được chẩn đoán là sẽ gặp khó khăn khi sinh, từng sinh mổ, thai to… các bác sĩ đành phải chỉ định mẹ bầu sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

1. Những trường hợp sinh thường chuyển sinh mổ?

Các trường hợp đang sinh thường chuyển sang sinh mổ bao gồm:

1.1. Từ phía người mẹ:

  • Mẹ đủ sức khỏe sinh thường nhưng bị cạn ối. Điều này sẽ làm giảm hoạt động của thai nhi trong quá trình ra ngoài, đồng thời sẽ làm giảm khả năng co bóp của cơ tử cung. Cần chuyển sinh mổ ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho bé.
  • Sản phụ bị kiệt sức do quá trình chuyển dạ xảy ra trong thời gian quá dài. Đang trong quá trình chuyển dạ thì đột nhiên ngừng các cơn co tử cung, cơn đau đẻ chấm dứt. Nếu để kéo dài tình trạng này sẽ gây ngạt cho trẻ nên cần chuyển sinh mổ ngay.
  • Có dấu hiệu xuất hiện của các tai biến sản khoa như: tiền sản giật, tăng huyết áp thai kỳ, vỡ tử cung…

1.2. Từ phía thai nhi:

Trường hợp thai nhi bị dây rốn quấn cổ có thể từ sinh thường chuyển sang sinh mổ
  • Bé bị ngạt do dây rốn quấn cổ. Có những trường hợp thai nhi bị dây rốn quấn cổ 1-2 vòng có thể sinh thường được nhưng trong quá trình chuyển dạ, do sự chuyển động của bé có thể khiến dây rốn bị xiết chặt lại ở cổ làm tăng nguy cơ bị ngạt do thiếu oxy. Cần chỉ định mổ kịp thời để giữ an toàn cho đứa trẻ.
  • Thai suy trong chuyển dạ là tình trạng thai nhi không nhận được đủ oxy trong quá trình chuyển dạ có thể dẫn đến thai lưu hoặc các biến chứng về thần kinh sau sinh như chậm phát triển, động kinh… Nếu phát hiện có dấu hiệu suy thai trong quá trình chuyển dạ hãy chỉ định sinh mổ ngay để đảm bảo tính mạng cho cả hai mẹ con và hạn chế tối đa biến chứng sau này.
  • Đầu hoặc thai quá to: trong quá trình sinh ngã âm đạo, sự giãn nở tầng sinh môn là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc đưa trẻ ra ngoài. Tuy nhiên sự giãn nở này cũng chỉ có giới hạn nhất định, đối với những thai nhi nặng trên 4kg hoặc đầu của thai nhi quá to, việc sinh thường sẽ vô cùng khó khăn, gây rách tầng sinh môn, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và nếu quá trình chuyển dạ kéo dài có thể khiến trẻ bị ngạt. Vậy nên chuyển sinh mổ là lựa chọn tối ưu nhất.

2. Ưu nhược điểm sinh mổ

Sinh mổ có những ưu nhược điểm nhất định

2.1. Ưu điểm của sinh mổ

  • Mổ như một phương pháp cứu cánh có thể cứu được mạng sống của cả sản phụ và thai nhi khi không thể sanh thường.
  • Mẹ sẽ không phải chịu cơn đau chuyển dạ, không bị mất sức trong suốt quá trình rặn.
  • Có thể sinh đúng như kế hoạch đã định trước, vì vây chủ động về thời gian và sẵn sàng tâm lý tốt hơn.
  • Sinh mổ giúp em bé chào đời một cách an toàn mà không lo bị thương, đặc biệt trong trường hợp thai nhi có kích thước lớn.

2.2. Nhược điểm của sinh mổ

  • Người mẹ mất nhiều máu hơn đẻ thường, dẫn đến chậm phục hồi sau sinh.
  • Người mẹ ăn uống không thoải mái (trong tuần đầu sau sinh) nên sự điều tiết, ảnh hưởng đến sự phân tiết bình thường của tuyến sữa.
  • Nếu những lần mang thai sau gần nhau, sản phụ có nguy cơ vỡ tử cung, gây nguy hiểm trực tiếp đến mẹ và bé.
  • Hệ miễn dịch hoàn thiện chậm hơn so với sinh thường.
  • Trẻ sinh mổ dễ mắc bệnh hơn trẻ sinh thường, đặc biệt là hen suyễn, bệnh về hô hấp, bệnh về đường tiêu hóa và dị ứng.

3. Quá trình sinh mổ

Sinh mổ là quá trình lấy con ra khỏi người mẹ bằng cách phẫu thuật

Với phương pháp sinh mổ hay đẻ mổ, em bé sẽ chào đời không qua đường âm đạo của người mẹ như thông thường mà được các bác sĩ đưa ra khỏi tử cung của người mẹ thông qua một cuộc phẫu thuật. Sinh mổ có thể được lên kế hoạch trước khi bắt đầu có cơn đau chuyển dạ (trường hợp này gọi là “chọn” mổ, hay mổ chủ động) hoặc có thể là không hề có kế hoạch cho đến khi có rắc rối xảy ra trong quá trình chuyển dạ và bác sĩ buộc phải quyết định một ca “mổ cấp cứu”.

Sinh mổ hay đẻ mổ thường được thực hiện sau khi gây tê tủy sống, với phương pháp này người mẹ vẫn có thể nhận biết được sự ra đời của con mình nhưng không cảm thấy đau đớn trong quá trình phẫu thuật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các bác sĩ gây mê có thể quyết định chọn biện pháp gây mê toàn thân.

Bác sĩ sẽ thực hiện một đường cắt vào vùng bụng dưới (thường là ngang đường ngang trên xương mu), vào trong phần dưới của tử cung để lấy em bé đưa ra ngoài vết mổ. Các thao tác đưa em bé ra ngoài diễn ra khá nhanh, trong khoảng 5 đến 10 phút. Sau đó, nhau thai được lấy ra và bạn sẽ được tiêm oxytocin để giúp tử cung co lại và hạn chế mất máu. Phần lớn thời gian của ca mổ là dành cho giai đoạn khâu vết mổ ở tử cung và các lớp khác nhau của mô bụng, cơ và da.

4. Kết luận

Trong những trường hợp không thể sinh thường, mẹ bầu mới cần cân nhắc lựa chọn sinh mổ

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mổ lấy thai nhi không phải là phương pháp an toàn mà làm tăng nguy cơ tử vong mẹ cao gấp 2 – 10 lần so với đẻ thường và tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong trong ba tháng đầu sau sinh cao gấp 3 lần so với trẻ sinh tự nhiên. Nguyên nhân là do các vết mổ đòi hỏi thời gian hồi phục lâu hơn và việc phẫu thuật, gây mê cũng có nhiều khả năng gây ra một vài rắc rối cho cả mẹ lẫn bé. Với những vết mổ cũ thì nguy cơ càng tăng. Vì vậy, trong những trường hợp không thể sinh thường, mẹ bầu mới cần cân nhắc lựa chọn sinh mổ.