Sinh thường và sinh mổ: lựa chọn là tốt hơn?

1. Quá trình sinh thường và ưu nhược điểm của sinh thường

1.1. Quá trình sinh thường

Sinh thường là quá trình thai nhi được ra ngoài qua ống sinh sản của người mẹ. Chỉ định sinh thường khi không có bất kỳ cản trở nào trong quá trình sinh như:

  • Mẹ có sức khỏe tốt đảm bảo có thể rặn, hít thở để cung cấp oxy dưỡng chất cho trẻ trong quá trình chuyển dạ.
  • Không bất kỳ cản trở nào trên đường thoát của thai nhi
  • Thai nhi đủ sức khỏe để có thể vượt qua ống sinh sản: không bị sa dây rốn, không suy thai…
  • Thai không quá to (>4000g).
Một cuộc chuyển dạ gồm có 3 giai đoạn:
  • Giai đoạn 1:  Giai đoạn xóa mở cổ tử cung

Trung bình một cuộc chuyển dạ con so (con đầu tiên) khoảng 16 – 20 giờ, con rạ (con ở những mang thai sau) khoảng 8 – 12 giờ. Trong đó giai đoạn xóa mở cổ tử cung là giai đoạn dài nhất, lâu nhất và khó khăn nhất. Các biện pháp thông thường để hỗ trợ trong quá trình chuyển dạ là rất có ích để giúp sản phụ giảm bớt cơn đau. Động viên tinh thần sản phụ, tập hít thở mỗi khi có cơn co tử cung gây đau. 

  • Giai đoạn 2: Giai đoạn sổ thai (thai sổ ra ngoài âm đạo)

Khi cổ tử cung mở hết và sản phụ ở trong thời kỳ sổ thai của giai đoạn 2, khuyến khích sản phụ chọn tư thế sinh phù hợp và động viên sản phụ rặn. Chỉ được rặn đẻ khi cổ tử cung đã mở hết, đầu lọt thấp. Lúc này bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ hướng dẫn cho sản phụ cách rặn đẻ, Sau khi đứa bé sổ ra ngoài. Đặt đứa trẻ trên bụng người mẹ, lau khô toàn thân bé, và để bé da kề da với mẹ. 

  • Giai đoạn 3: Giai đoạn sổ nhau

Giai đoạn này bắt đầu khi em bé đã đã được lấy ra khỏi âm đạo người mẹ, đây là giai đoạn ngắn nhất, thông thường chỉ kéo dài 15 – 20 phút. Lúc này cơn co thắt đã yếu dần, nhau thai sẽ được đẩy ra ngoài, mẹ không cần phải làm gì giai đoạn này, chỉ cần tận hưởng cảm giác con nằm trên ngực mẹ và da kề da với mẹ. 

1.2. Ưu và nhược điểm của sinh thường

1.2.1. Ưu điểm
Sau khi sinh thường, người mẹ có thể hồi phục sức khỏe nhanh
  • Sau khi sinh người mẹ hồi phục nhanh, có thể đi lại, ăn uống và chăm sóc con ngay sau sinh. Sau 2 giờ đầu mẹ có thể cho con bú, điều này giúp bảo vệ được nguồn sữa mẹ.
  • Sinh thường giúp tử cung co hồi tốt hơn, giảm lượng máu mất sau sinh và hạn chế ứ sản dịch.
  • Trẻ sinh thường được bú sữa mẹ sau những giờ đầu giúp bé không bị hạ đường huyết, thuận lợi cho quá trình tăng trưởng và phát triển của bé.
  • Trẻ sinh thường, khi đi qua âm đạo của mẹ, cơ thể bé sẽ tiếp xúc với các vi sinh vật có lợi, điều này sẽ kích thích hệ miễn dịch của trẻ.
  • Trong quá trình sinh, áp lực ép của đường sinh giúp cho trẻ đẩy các dịch trong phổi ra ngoài nhiều hơn so với trẻ sinh mổ, hạn chế nguy cơ mắc phải các bệnh về đường hô hấp.
1.2.2. Nhược điểm
Một số sản phụ không thể chịu đựng được cơn đau chuyển dạ
  • Sinh thường tạo ra áp lực về tâm lý cho sản phụ, vì mẹ phải chịu cơn đau và không biết đến khi nào việc chuyển dạ mới kết thúc
  • Mẹ phải chờ đợi ngày sinh của mình, thường bị lệch so với ngày dự sinh nên tâm trạng luôn trong tình trạng thấp thỏm lo lắng
  • Sinh thường có thể gây ra một số ảnh hưởng đến vùng sàn chậu, khiến mẹ mắc phải chứng đi tiểu không tự chủ sau sinh.
  • Có một số sản phụ không thể chịu đựng được cơn đau chuyển dạ.
  • Trong quá trình sinh nở, nếu xảy ra sự cố sẽ khó xử lý hay mẹ không đủ sức rặn lúc đó thai nhi đã tụt xuống cổ tử cung, không sử dụng những phương pháp sinh nở khác thay thế được. Để tránh những nguy cơ xấu đối với tính mạng thai nhi, bác sĩ phải sử dụng một số biện pháp hỗ trợ sinh sản, tuy nhiên điều này có thể gây chấn thương cho thai.

2. Quá trình sinh mổ và ưu nhược điểm của sinh mổ

2.1. Quá trình sinh mổ

Trên thực tế, có những trường hợp không thể đẻ thường qua đường âm đạo mà phải mổ lấy thai. Với phương pháp sinh mổ, em bé sẽ chào đời không qua đường âm đạo của người mẹ như thông thường mà được các bác sĩ đưa ra khỏi tử cung của người mẹ thông qua một cuộc phẫu thuật. Sinh mổ có thể được lên kế hoạch trước khi bắt đầu có cơn đau chuyển dạ (trường hợp này gọi là “chọn” mổ, hay mổ chủ động) hoặc có thể là không hề có kế hoạch cho đến khi có rắc rối xảy ra trong quá trình chuyển dạ và bác sĩ buộc phải quyết định một ca “mổ cấp cứu”.

Sinh mổ thường được thực hiện sau khi gây tê tủy sống, với phương pháp này người mẹ vẫn có thể nhận biết được sự ra đời của con mình nhưng không cảm thấy đau đớn trong quá trình phẫu thuật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các bác sĩ gây mê có thể quyết định chọn biện pháp gây mê toàn thân.

Bác sĩ sẽ thực hiện một đường cắt vào vùng bụng dưới (thường là ngang đường ngang trên xương mu), vào trong phần dưới của tử cung để lấy em bé đưa ra ngoài vết mổ. Các thao tác đưa em bé ra ngoài diễn ra khá nhanh, trong khoảng 5 đến 10 phút. Sau đó, nhau thai được lấy ra và sản phụ sẽ được tiêm oxytocin để giúp tử cung co lại cũng như hạn chế mất máu. Phần lớn thời gian của ca mổ là dành cho giai đoạn khâu vết mổ ở tử cung và các lớp khác nhau của mô bụng, cơ và da. 

Người mẹ sức khỏe không bảo đảm có thể sẽ được chỉ định sinh mổ
Mẹ bầu trong các trường hợp sau thường được chỉ định mổ lấy thai:
  • Mổ lấy thai chủ động (trước khi có chuyển dạ)
  • Bất thường khung chậu người mẹ như hẹp, méo
  • Đường ra của thai bị cản trở: Nhau tiền đạo, u buồng trứng nằm sâu trong tiểu khung, u xơ tử cung ở thân hay ở cổ tử cung…
  • Tử cung có sẹo xấu ở lần sinh mổ trước.
  • Người mẹ sức khỏe không bảo đảm, mẹ bị cao huyết áp, nhiễm độc thai nghén.
  • Âm đạo bị chít hẹp bẩm sinh hay mắc phải hoặc bị rách trong các lần đẻ trước không được khâu phục hồi tốt hoặc do mổ sa sinh dục, do dị dạng sinh dục như tử cung đôi, tử cung 2 sừng
  • Suy thai cấp, đứa bé không thể ở lâu trong bụng mẹ được, thai bị suy dinh dưỡng nặng, bất đồng nhóm máu.
  • Mẹ bị chảy máu âm đạo như trong trường hợp nhau tiền đạo, dọa vỡ tử cung, nhau bong non, sa dây nhau.
  • Thai nhi bị dây rốn quấn cổ, thai to, ngôi thai bất thường, thai già tháng, đa thai

2.2. Ưu và nhược điểm của sinh mổ

2.2.1. Ưu điểm
Sinh mổ mẹ bầu sẽ không phải chịu cơn đau chuyển dạ
  • Mẹ sẽ không phải chịu cơn đau chuyển dạ, chỉ sau 30 phút lên bàn sinh là mẹ bầu có thể nhìn thấy con mình.
  • Mẹ có thể sinh đúng như kế hoạch đã định, không phải thấp thỏm chờ đợi.
  • Sản phụ và gia đình có thể lên kế hoạch trước, chủ động về thời gian và tâm lý tốt.
  • Sinh mổ giúp em bé chào đời một cách an toàn mà không lo bị chấn thương, đặc biệt trong trường hợp thai nhi có kích thước lớn.
  • Trong những trường hợp nguy cơ cao của mẹ và bé thì chọn sinh mổ an toàn cho mẹ và bé hơn.
  • Khi có sự cố xảy ra dễ khắc phục hơn, đặc biệt với những thai nhi đang trong tình trạng nguy hiểm, vì mổ đẻ có thể lấy thai nhi ra khỏi cơ thể người mẹ nhanh chóng.
2.2.2. Nhược điểm
Sinh mổ có thể để lại vết sẹo mổ gây mất thẩm mỹ
  • Sinh mổ có thể có tác dụng phụ hay tai biến có thể ảnh hưởng đến tính mạng: Những tai biến khi gây tê, gây mê cho mẹ và bé.
  • Sinh mổ nguy cơ mất máu nhiều hơn sinh thường làm tăng nguy cơ băng huyết sau sinh.
  • Tử cung có sẹo mổ sẽ ảnh hưởng lên lần mang thai sau và vết mổ bên ngoài da có thể gây mất thẩm mỹ. Có nguy cơ bị những tai biến trong lúc mang thai và chuyển dạ lần sau cao hơn một sản phụ không có vết mổ cũ.
  • Bất cứ một cuộc mổ nào ở ổ bụng cũng có nguy cơ dính các cấu trúc trong ổ bụng, xuất huyết, nhiễm trùng vết mổ.
  • Thời gian hồi phục khi sinh mổ kéo dài hơn so với sinh thường. Chăm sóc mẹ bầu sau khi sinh mổ cũng phức tạp hơn so với sinh thường, vết mổ âm ỉ kéo dài và cần thời gian để hồi phục.
  • Trẻ sinh mổ không được tiếp xúc với các vi khuẩn có lợi ở mẹ nên chậm phát triển hệ miễn dịch, chậm hình thành các vi khuẩn đường ruột có lợi.
  • Trẻ sinh mổ sẽ chậm hấp thu dịch phổi hơn so với trẻ sinh thường, và dễ mắc các bệnh hô hấp hơn vì vậy trẻ sinh mổ thường hay bị khò khè
  • Tiết sữa ở sản phụ sinh mổ sẽ chậm và ít hơn so với sản phụ sinh thường nên trẻ sinh mổ được bú mẹ chậm hơn so với trẻ sinh thường.

3. Nên lựa chọn sinh thường hay sinh mổ

Tùy vào tình trạng sức khỏe của mẹ bầu, bác sĩ sẽ chỉ định cách sinh phù hợp

Trong những tháng cuối thai kỳ, bác sĩ sẽ đánh giá tình hình sức khỏe của mẹ và bé. Trường hợp sức khỏe mẹ và bé đảm bảo cho một cuộc sinh thường thì bác sĩ sẽ tư vấn để gia đình chọn sinh thường. Mặt khác, trong một số trường hợp cần đảm bảo an toàn cho mẹ và bé, sinh mổ vẫn thật sự là lựa chọn ưu tiên.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên hiểu rằng sinh mổ vẫn không thể an toàn bằng sinh thường. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mổ lấy thai nhi không phải là phương pháp an toàn, nó làm tăng nguy cơ tử vong mẹ cao gấp 2 – 10 lần so với sinh thường và tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong trong ba tháng đầu sau sinh cao gấp 3 lần so với trẻ sinh tự nhiên. Nguyên nhân là do các vết mổ đòi hỏi thời gian hồi phục lâu hơn và việc phẫu thuật, gây mê cũng có nhiều khả năng gây ra một vài rắc rối cho cả mẹ lẫn bé. Với những vết mổ cũ thì nguy cơ càng tăng. 

Việc xác định sinh thường hay sinh mổ, mẹ bầu cần thăm khám với bác sĩ sản khoa trước sinh. Bác sĩ sẽ đánh giá các nguy cơ và đưa ra phương pháp sinh phù hợp cho sản phụ.