Mẹ bầu ăn nhiều đồ ngọt có tác hại gì không?

1. Nguyên nhân khiến bà bầu thèm đồ ngọt khi mang thai

Việc thèm ăn đồ ngọt khi mang thai được hiểu đơn giản là do sự thay đổi hormone mạnh mẽ ở bà bầu. Lúc này, nhiều bà bầu bị nghén, đồ ngọt thường đặc biệt hợp khẩu vị hơn so với các món ăn khác. Việc ăn ngọt kích thích vị giác phát triển, từ đó giúp bà bầu có tinh thần sảng khoái và thoải mái hơn

Nhiều người hay nghĩ rằng, khi mang thai sẽ thèm chua là chủ yếu. Tuy nhiên, theo những nghiên cứu của các chuyên gia tại BabyCenter, số các mẹ thích chua chỉ đạt 10% trong khi các mẹ thèm ăn ngọt khi mang thai lại đạt ngưỡng 40%.

Việc thèm ăn ngọt là hết sức bình thường và cũng mang lại nhiều thú vị khi các mẹ thường dựa vào điều này để “tiên đoán” giới tính của bé ở những tháng đầu tiên thai kỳ. Thế nhưng, đối với các mẹ ăn ngọt quá đà – đây thực sự là một nguy hại đáng lo.

2. Bà bầu ăn nhiều đồ ngọt có ảnh hưởng gì đến thai kỳ?

Đồ ăn ngọt có khả năng cung cấp nguồn năng lượng lớn giúp cơ thể mẹ khỏe mạnh và kích thích vị giác rất tốt. Tuy nhiên, nếu thai phụ ăn quá nhiều đường sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho sức khỏe của bé.

Mẹ bầu ăn nhiều đồ ngọt dễ bị sưng phù chân, tay hơn

Các thai phụ, việc tiêu thụ quá nhiều đồ ngọt sẽ dẫn đến các tình trạng nguy hiểm như:

  • Tăng lượng đường tích lũy trong nước tiểu, cản trở hệ miễn dịch gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
  • Nguy cơ cao mắc chứng tiểu đường thai kỳ dẫn đến tăng tỷ lệ sảy thai, sinh non, thai lưu, tăng huyết áp thai kỳ, đa ối ở người mẹ và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
  • Ăn quá nhiều đường cùng với tinh bột sẽ làm tăng nguy cơ béo phì kéo theo hiện tượng sưng phù, huyết áp cao, tiểu đường, tiền sản giật, băng huyết khi sinh… và ảnh hưởng tiêu cực tới thai nhi như: thai nhi to bất thường, suy hô hấp, hạ đường huyết, suy dinh dưỡng…
  • Triệu chứng thai kỳ nghiêm trọng hơn. Những triệu chứng như nôn ói, ợ nóng hay tính tình thất thường sẽ càng nghiêm trọng hơn khi bạn bị dư đường trong cơ thể.
  • Gây mệt mỏi. Thức ăn nhiều đường sẽ chỉ cung cấp năng lượng rỗng cho cơ thể. Chúng có nhiều sucrose có thể khiến bạn bị hạ đường đột ngột, khiến bạn mệt mỏi và ngủ gật.
  • Thiếu dinh dưỡng. Bà bầu thèm ngọt là hiện tượng bình thường trong thai kỳ nhưng nếu thèm ngọt nhiều hơn những thức ăn khác, bạn sẽ ăn mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu nhiều dưỡng chất nhưng lại tăng cân và béo phì vì dư năng lượng.
  • Em bé thèm ngọt nhiều hơn. Khi bà bầu ăn nhiều đồ ngọt trong thai kỳ sẽ ảnh hưởng đến khẩu vị của em bé sau này. Con bạn có thể thèm ngọt khi lớn lên, gây béo phì ở trẻ và nguy cơ cho nhiều tình trạng sức khỏe khác.
  • Gan nhiễm mỡ cấp thai kỳ. Chế độ ăn nhiều đường fructose của mẹ bầu có thể gây nên hội chứng gan nhiễm mỡ. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự trao đổi chất ở thai nhi và dẫn đến béo phì hay đái tháo đường típ 2 sau này ở trẻ. 

3. Những lưu ý khi ăn đồ ngọt khi mang thai

Ở người bị nghén ngọt, đồ ăn ngọt chứa nhiều đường là thực phẩm hàng đầu họ thèm và muốn ăn. Vì thế không nên cắt bỏ hoàn toàn thực phẩm ngọt trong chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu, song cần kiểm soát lượng đường phù hợp vừa tốt cho sự phát triển của bé, vừa kích thích sự thèm ăn của mẹ.

Nên ăn hoa quả ngọt thay cho các loại thực phẩm ngọt chế biến sẵn chứa nhiều đường tổng hợp

Khi xây dựng chế độ ăn cho thai phụ bị nghén ngọt, thích và nghiện đồ ngọt  cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Thai phụ có thể ăn các món bánh quy, bánh kem, kẹo,… khi bị nghén ngọt nhưng lưu ý không ăn quá nhiều mỗi lần và mỗi ngày.
  • Nên ăn hoa quả ngọt thay cho các loại thực phẩm ngọt chế biến sẵn chứa nhiều đường tổng hợp, đường hóa học như bánh, kẹo, kem,…
  • Ăn nhiều hoa quả, rau xanh, thực phẩm tốt như: Sữa chua, táo xanh, nho, đậu nành, dâu,…
  • Chia nhỏ các bữa ăn chính trong ngày kể cả đồ ăn ngọt để đường huyết sau khi ăn không tăng cao đột ngột.
  • Cố gắng ăn kết hợp với nhiều loại thức ăn cung cấp đa dạng, đầy đủ chất dinh dưỡng khác nhau như đạm hay chất xơ, đường tự nhiên trong rau củ quả để giảm sự thèm ngọt
  • Chồng và gia đình nên động viên chia sẻ với mẹ bầu tránh căng thẳng, stress, việc giữ một tinh thần hạnh phúc, sảng khoái cũng giúp giảm nhu cầu ăn đồ ngọt. 

Ở phụ nữ mang thai bị béo phì, thừa cân thì cần thực hiện một chế độ ăn lành mạnh, kiểm soát tốt cả lượng đường và carbohydrate nạp vào cơ thể để ngăn ngừa tiểu đường thai kỳ. Nếu mẹ bầu bị “nghiện” đồ ăn ngọt từ trước, nhu cầu ăn đồ ngọt trong thai kỳ tăng gấp 2 – 3 lần không thể kiểm soát thì có thể liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và can thiệp kịp thời. Thai kỳ là quãng thời gian quan trọng giúp bé được chào đời khỏe mạnh và có một cuộc đời tốt đẹp, vì thế mẹ bầu nên thực hiện chế độ ăn uống, nghỉ ngơi nghiêm túc.