Mẹ bầu cần làm gì khi quá ngày dự sinh mà vẫn chưa sinh?

1. Ngày dự sinh là gì?

Ngày dự sinh là ngày mà bác sĩ dự đoán em bé sẽ chào đời, ngày dự sinh được xác định dựa trên ngày đầu tiên trong chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng của sản phụ. Ngày dự kiến sinh được xem như một hướng dẫn để bác sĩ kiểm tra quá trình mang thai và theo dõi sự phát triển của thai nhi. Thai quá ngày dự sinh có thể dẫn đến vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở thai nhi.

2. Khi nào gọi là thai qua ngày sinh?

Thông thường ngày dự sinh được tính là ngày thai nhi được 280 ngày (hay 40 tuần), nếu một thai kỳ bình thường và thai nhi khỏe mạnh sẽ kéo dài trong khoảng thời gian từ 37 đến 41 tuần, nếu trẻ được sinh ra trong thời gian này được xem là trẻ sơ sinh đủ tháng.

Thai quá ngày sinh là thai ở trong bụng mẹ quá 294 ngày (quá 42 tuần) tính từ ngày đầu của kỳ kinh cuối cùng hoặc xác định ngày sinh qua siêu âm 3 tháng đầu nếu không nhớ chu kỳ kinh cuối hoặc kinh nguyệt không đều.

Trên thực tế chỉ có số ít trong các trường hợp thai phụ được chẩn đoán thai qua ngày là quá ngày thật sự, do một số phụ nữ có thai tính vòng kinh không đúng.

3. Những dấu hiệu của thai quá ngày sinh

Khi đến ngày dự sinh, thai phụ sẽ có các dấu hiệu chuyển dạ như: bụng tụt, đau bụng dưới, ra dịch nhầy lẫn máu, các cơ khớp ở vùng chậu lỏng lẻo hơn, cơ thể mệt mỏi, vỡ ối,… Tuy nhiên, nếu đã đến ngày dự sinh mẹ không có các biểu hiện như trên thì cho thấy thai đang quá ngày dự sinh. Cụ thể:

Qua 42 tuần mà mẹ không thấy thai tụt xuống xương chậu thì có thể bé đã quá ngày sinh.
  • Thai không tuột xuống dưới xương chậu: thai tụt xuống xương chậu là dấu hiệu cho biết sản phụ sắp sinh, mẹ bầu có thể cảm nhận được bụng bầu tụt thấp xuống, không còn cảm thấy khó thở do thai chèn lên phổi nữa. Nếu đã qua 42 tuần mà không thấy những hiện tượng trên thì rất có thể bé đã quá ngày sinh.
  • Sản phụ lần đầu sinh con: hiện tượng thai quá ngày dự sinh thường rất phổ biến ở các bà mẹ sinh con lần đầu. Vì thế, cần theo dõi thai nhi qua việc siêu âm như: nhịp tim, tình trạng nước ối, cũng như đo monitoring sản khoa để chắc chắn bé vẫn khỏe mạnh. Thai nhi nếu để quá 42 tuần cần thực hiện các biện pháp giục sinh vì có thể nguy hiểm đến bé và cả mẹ.
  • Lần mang thai trước cũng quá ngày dự sinh: dựa vào lần mang thai trước các mẹ bầu có thể phán đoán được tình trạng của thai nhi. Nếu lần mang thai trước quá ngày thì khả năng cao lần mang thai này cũng sẽ bị như thế.
  • Thai nhi ít chuyển động: nếu thai nhi trong bụng gần đến ngày sinh nhưng không cử động nhiều như bình thường mẹ cần đến gặp bác sĩ để thực hiện những xét nghiệm sức khỏe thai nhi.

4. Thai quá ngày dự sinh có nguy hiểm không?

Câu trả lời cho câu hỏi này là có. Khi bắt đầu bước sang tuần thứ 41, nước ối bắt đầu có dấu hiệu giảm dần. Lúc này, các chức năng cung cấp oxy và chất dinh dưỡng của nhau thai và dây rốn cũng bắt đầu suy giảm nên sẽ có những ảnh hưởng không tốt đến lẫn mẹ và thai nhi.

4.1. Đối với thai nhi
Thai quá ngày dự sinh có thể nuốt phải phân su lẫn trong nước ối gây vấn đề về hô hấp sau này
  • Tăng nguy cơ đẻ mổ do thai quá ngày dự sinh thường có trọng lượng thai lớn hơn thai đúng ngày dự sinh.
  • Gần đến ngày dự sinh nước ối sẽ cạn dần, lúc này nếu chưa chuyển dạ sẽ gây ảnh hưởng đến nhịp tim của bé, dây rốn bị chèn ép có thể khiến trẻ bị thiếu oxy, nguy hiểm đến tính mạng trẻ, thậm chí là suy thai.
  • Bé có thể nuốt phải phân su lẫn trong nước ối, từ đó gây ra các vấn đề về hô hấp sau khi sinh.
4.2. Đối với người mẹ
  • Mẹ có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn thai phụ sinh đúng ngày.
  • Tăng nguy cơ băng huyết sau sinh.
  • Khó sinh do thai to và làm tăng nguy cơ sinh mổ.

5. Thai quá ngày phải làm sao?

5.1 Thực hiện các xét nghiệm

Khi bà bầu quá ngày dự sinh chưa đến 1 tuần thì chưa cần xét nghiệm. Đến thời điểm thai nhi được 41 tuần tuổi, bác sĩ sẽ đề nghị thai phụ làm xét nghiệm để kiểm tra tình trạng thai. Các xét nghiệm theo dõi khi thai quá ngày dự sinh gồm:

Khi thai quá ngày sinh, mẹ bầu cần đến bác sĩ để được thăm khám và có hướng xử trí kịp thời
  • Monitor theo dõi đáp ứng của thai nhi: Sử dụng máy monitor để theo dõi đáp ứng của thai nhi, giúp kiểm tra tình trạng sức khỏe của thai quá ngày dự sinh, đôi khi sẽ kết hợp với siêu âm.
  • Thử nghiệm Non-stress Test: đo nhịp tim của thai nhi trong một khoảng thời gian thường là 20 phút. Kết quả được ghi nhận là có phản ứng (kết quả tốt) hoặc không có phản ứng (kết quả xấu). Kết quả xấu không kết luận được thai nhi không khỏe mạnh, cần thực hiện thêm các xét nghiệm khác mới để chẩn đoán chính xác tình trạng thai quá ngày dự sinh.
  • Trắc đồ sinh vật lý: là một quan trắc toàn diện thai nhi trong buồng tử cung, liên quan đến theo dõi nhịp tim của thai nhi cũng như siêu âm thai. Xét nghiệm này xác định tình hình sức khỏe hiện tại của thai nhi dựa trên nhịp tim, hơi thở, chuyển động, trương lực cơ.
  • Xét nghiệm CST: theo dõi đáp ứng của tim thai với các cơn gò tử cung. Bác sĩ sẽ tiêm hormone oxytocin vào cơ thể sản phụ qua đường tĩnh mạch để gây cơn co thắt cơ tử cung giống như khi đang sinh thật. Kết quả xét nghiệm giúp bác sĩ biết được tình hình sức khỏe của em bé như thế nào khi xuất hiện những cơn gò tử cung khi sinh.
5.2. Biện pháp giục sinh
Bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn các phương pháp sau để giục sinh khi thai quá ngày dự sinh

Khi thai phụ quá ngày dự sinh mà vẫn chưa chuyển dạ, bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn các phương pháp sau để giục sinh:

  • Lóc ối: Bác sĩ đeo găng tay, dùng ngón tay để tách màng ối ra khỏi thành tử cung.
  • Phá vỡ túi nước ối: tạo một lỗ nhỏ trên túi nước ối để làm vỡ ối, qua đó kích thích chuyển dạ.
  • Tiêm oxytocin: loại thuốc giúp tạo ra các cơn co thắt chuyển dạ, được tiêm theo đường tĩnh mạch vào cánh tay thai phụ. Liều lượng có thể tăng dần theo thời gian nhưng phải theo dõi cẩn thận.
  • Sử dụng các chất tương tự Prostaglandin: những loại thuốc này được đặt trong âm đạo để làm chín muồi (làm mềm) cổ tử cung.
  • Làm giãn nở cổ tử cung: Bác sĩ đặt ống thông có gắn 1 quả bong bóng rất nhỏ vào cuối cổ tử cung của thai phụ. Sau đó, nước được bơm vào quả bóng đến khi căng, nó gây ra tác động áp lực giúp cổ tử cung mở ra và khơi mào quá trình chuyển dạ.

Những phương pháp giục sinh này có thể gây một số rủi ro cho mẹ và em bé như: thay đổi nhịp tim thai, co bóp tử cung quá mạnh, nhiễm trùng, khởi phát chuyển dạ không có tác dụng…

Vì  vậy, khi thai quá ngày dự sinh mà vẫn chưa chuyển dạ, mẹ bầu nên sớm tới khám tại các cơ sở y tế để được các bác sĩ chẩn đoán, đưa ra biện pháp can thiệp phù hợp. Theo đó, để cuộc chuyển dạ diễn ra thuận lợi, an toàn, mẹ cần chuẩn bị tâm lý tốt và trang bị những kiến thức về một số vấn đề như các phương pháp giảm đau trong khi sinh, cách rặn đẻ và thở khi sinh thường đúng cách, chăm sóc vết khâu tầng sinh môn, cũng như chăm sóc trẻ trong giai đoạn chu sinh,…