1. Dấu hiệu thai 29 tuần khỏe mạnh
Tuần thai 29 thuộc tháng thứ 7, tam cá nguyệt thứ 3. Trong giai đoạn này, mẹ sẽ chứng kiến em bé tăng trưởng rất nhanh.
1.1. Kích thước và cân nặng thai 29 tuần
Chỉ số trung bình của thai 29 tuần như sau:
- Kích thước: Dài khoảng 36,6 cm tính từ đầu đến gót chân
- Cân nặng: Nặng khoảng 1,153kg
So với tuần 28, thai có thể cao thêm khoảng 1cm và tăng 100-200gram.
Để mẹ dễ hình dung thì hiện tại thai nhi của mẹ đang như 1 quả bí ngô trong bụng của mẹ.
Kích thước thai 29 tuần.
1.2. Sự phát triển của các bộ phận
Ngoài kích thước và cân nặng, mẹ cùng xem thai 29 tuần sẽ có những phát triển nào trong cơ thể nhé:
- Não: phát triển rất mạnh mẽ với hàng tỉ nơ-ron thần kinh được hình thành, kích thước của não cũng tăng lên từng ngày.
- Đầu: tăng kích thước tương ứng để phù hợp với não.
- Da: bớt nhăn nheo và trở nên mịn màng hơn nhờ hình thành một lớp mỡ trắng (white-fat) dưới da. Lớp mỡ này cũng có tác dụng dự trữ năng lượng cho cơ thể bé.
- Các cơ bắp: dầy lên và nhìn cơ thể em bé sẽ đầy đặn hơn trước.
- Mắt: bắt đầu có thể cử động nhắm và mở.
- Xương: hấp thụ rất nhiều canxi mỗi ngày và trở nên cứng cáp hơn.
- Hệ hô hấp: tiếp tục sản xuất chất hoạt động bề mặt, một chất lỏng giúp giữ cho phế nang mở và thai có thể hít thở. Quá trình này sẽ tiếp tục cho đến tuần 35, khi đó bé sẽ có đủ chất hoạt động bề mặt trong phổi để có thể hít thở ngoài không khí.
- Tủy sống: bắt đầu sản xuất hồng cầu.
- Cơ quan sinh dục: Nếu là bé trai thì vào thời điểm thai 29 tuần, tinh hoàn của bé đang sẽ từ bụng xuống bìu.
Hình ảnh thai 29 tuần.
1.3. Cử động đạp của thai nhi
Bước vào thời gian thai 29 tuần, thai nhi sẽ vận động nhiều hơn, đạp thường xuyên hơn, mẹ yên tâm nhé vì đó là dấu hiệu cho thấy thai nhi của mẹ đang phát triển rất tốt.
Thời gian này mẹ cũng có thể cảm nhận được bàn tay và bàn chân của thai nhi chạm vào bụng mẹ, mẹ hãy đón chờ những giây phút thiêng liêng này nhé.
2. Những thay đổi của mẹ bầu ở tuần 29
Cùng với sự phát triển của thai nhi trong tuần 29, mẹ bầu cũng có những thay đổi như sau:
2.1. Thay đổi về thể chất
- Bụng: Sau mỗi tuần, vòng bụng của mẹ sẽ lại lớn hơn một chút tương ứng với kích thước của thai nhi.
- Da sạm hơn và xuất hiện các vết nám
+ Nguyên nhân: Nội tiết tố trong cơ thể mẹ thay đổi, làm mất cân bằng melanin (sắc tố mang lại màu sắc cho da), dẫn đến tình trạng sạm, nám trên một số vùng da như nách, cổ, bẹn, mặt...
+ Giải pháp: Để tình trạng sạm nám không trầm trọng thêm, mẹ nên che chắn kỹ khi đi nắng. Ngoài ra không cần sử dụng phương pháp đặc biệt nào vì da sẽ sớm trở về như cũ sau khi sinh.
- Tóc: dày và bóng hơn do thay đổi hoocmon.
Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể bị sưng phù chân và xuất hiện các vết rạn da như đã giới thiệu ở bài viết về thai tuần 28.
Hình ảnh thai 29 tuần trong bụng mẹ.
2.2. Các vấn đề phát sinh
- Đau lưng:
+ Nguyên nhân: Phần trên của tử cung đã phát triển cao hơn rốn, khiến bụng mẹ nhô hẳn ra làm lệch trọng tâm của cơ thể.
+ Giải pháp: Mẹ nên hạn chế mang vác nặng hoặc đi/đứng quá lâu để tránh cột sống lưng phải chịu đựng áp lực trong thời gian dài. Mẹ cũng có thể nhờ người thân xoa bóp nhẹ nhàng ở vùng lưng để giảm cơn đau nhức.
- Các cơn co thắt nhẹ (cơn co thắt Braxton-Hicks): Cảm giác nặng bụng dưới khi mang thai tháng thứ 7 là hiện tượng bình thường khi mang thai. Đi kèm với đó là các cơn co thắt nhẹ trong khoảng 30 đến 60 giây, và đôi khi kéo dài đến 2 phút. Mặc dù chúng có thể gây khó chịu nhưng không gây đau nhiều và không diễn ra thường xuyên.
- Đi tiểu thường xuyên:
+ Nguyên nhân: Do thai nhi và tử cung tăng kích thước nhanh, chèn ép lên bàng quang khiến không gian chứa nước tiểu bị thu hẹp, mẹ đi tiểu thường xuyên hơn với lượng mỗi lần ít hơn.
+ Giải pháp: Mẹ nên xin chuyển vị trí ngồi làm việc hoặc phòng ngủ sang những nơi gần nhà vệ sinh để tránh phải đi lại xa.
- Mất ngủ:
+ Nguyên nhân: Thai lớn hơn khiến mẹ không có được tư thế nằm thoải mái, dễ dẫn đến mất ngủ.
+ Giải pháp: Mẹ hãy sử dụng gối ngủ chuyên dụng cho bà bầu và thay đổi tư thế nằm như hướng dẫn ở ảnh dưới đây:
Tư thế ngủ khi mang thai.
Mẹ yên tâm vì đây chỉ là những thay đổi phổ biến trong tuần tam cá nguyệt thứ 3, vì sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi mẹ hãy cố gắng lên nhé.
3. Lời khuyên cho mẹ bầu tuần 29
Mẹ cùng đón xem một số chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt trong thời gian thai 29 tuần này nhé:
3.1. Siêu âm thai tuần 29
Đây là giai đoạn tương đối ổn định của thai nhi nên nếu không có lịch hẹn định kỳ cùng bác sĩ hoặc không có dấu hiệu nguy hiểm nào, mẹ có thể không cần đi khám thai trong tuần này nhé.
3.2. Mang thai tuần 29 nên ăn gì?
- Uống 1,5-2l nước mỗi ngày để đảm bảo thai nhi có đủ nước ối.
- Ăn nhiều trái cây và rau xanh để hạn chế việc bị táo bón.
- Ăn thực phẩm chứa nhiều Sắt, Protein, Axit Folic, Vitamin K, Canxi. Đặc biệt giai đoạn này nhu cầu canxi của thai rất lớn, vì vậy mẹ nên uống thêm sữa hoặc viên uống bổ sung canxi hằng ngày nhé.
- Hạn chế ăn đồ ăn chế biến sẵn, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ và đồ ăn quá mặn để giảm nguy cơ tiền sản giật.
- Không hút thuốc lá, rượu bia, trà và những đồ uống có chứa caffein.
3.3. Chế độ sinh hoạt
Ngoài chế độ dinh dưỡng mẹ cũng nên quan tâm tới chế độ sinh hoạt để có thể đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi
- Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý.
- Tập những bài thể dục nhẹ nhàng cho bà bầu hoặc bơi.
- Theo dõi chuyển động của thai nhi hằng ngày.
- Luôn giữ tinh thần thoải mái, không để bị stress.
- Chọn trang phục thoải mái và phù hợp với chiếc bụng của mẹ nhé.
- Giảm các cơn đau đầu bằng cách chườm lạnh lên trán hoặc cổ.
- Kiểm tra huyết áp thường xuyên và nắm rõ mức huyết áp để có thể nhận ra những thay đổi bất thường.
- Nắm rõ kiến thức về dấu hiệu chuyển dạ, phân biệt các cơn gò sinh lý để đến bệnh viện kịp thời.
4. Các dấu hiệu nguy hiểm cần đến bệnh viện ngay
Trong quá trình thai 29 tuần nếu mẹ có những biểu hiện bất thường sau, đặc biệt tiền sản giật có nguy cơ cao xuất hiện trong khoảng thời gian này nên mẹ không được chủ quan mà hãy tới ngay cơ sở y tế gần nhất để tìm kiếm sự giúp đỡ của các bác sĩ:
- Huyết áp thay đổi bất thường.
- Chóng mặt buồn nôn kéo dài.
- Sưng phù bất thường.
- Ra máu âm đạo.
- Sốt, đau bụng dữ dội.