Cách theo dõi đường huyết tại nhà dành cho bà bầu

Kiểm tra đường huyết tại nhà là một trong những cách hiệu quả để mẹ bầu chủ động bảo vệ sức khỏe của mình và thai nhi. Bài viết này sẽ hướng dẫn mẹ bầu từng bước thực hiện, một cách đơn giản và dễ hiểu.

1. Tiểu đường thai kỳ là gì? 

Đây là tình trạng tăng glucose trong máu do thiếu hoặc kháng insulin. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tăng đường huyết trong thai kỳ được chia làm 2 loại: 

- Đái tháo đường mang thai (Over Diabetes): Đây là tình trạng mẹ bầu đã mắc bệnh tiểu đường trước khi mang thai hoặc được phát hiện trong 3 tháng đầu thai kỳ và bệnh không biến mất sau sinh.

- Tiểu đường thai kỳ (GDM): Đây là tình trạng đường huyết tăng cao được phát hiện từ tháng thứ 4 của thai kỳ trở đi, thường nhất là từ tuần 24 đến 28, và thường tự khỏi sau khi sinh. GDM chiếm khoảng 5% số ca mang thai.

Những mẹ bầu có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ. 

2. Tại sao bà bầu cần theo dõi đường huyết tại nhà?

Nếu được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ, việc kiểm soát đường huyết ở mức ổn định là vô cùng quan trọng. Nếu không được kiểm soát tốt, tiểu đường thai kỳ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. 

Chính vì vậy, việc theo dõi đường huyết thường xuyên tại nhà là rất cần thiết. Việc này mang lại những lợi ích sau:

- Kiểm soát đường huyết hiệu quả: Theo dõi đường huyết thường xuyên giúp mẹ bầu nắm bắt được sự thay đổi của đường huyết theo thời gian, từ đó đánh giá được hiệu quả của quá trình điều trị và có những điều chỉnh kịp thời theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Tiện lợi và tiết kiệm thời gian: Thay vì phải đến bệnh viện thường xuyên để xét nghiệm, mẹ bầu có thể tự kiểm tra đường huyết tại nhà một cách dễ dàng và nhanh chóng. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho mẹ bầu, đặc biệt là trong giai đoạn cuối thai kỳ.

- Chủ động trao đổi với bác sĩ: Kết quả đo đường huyết tại nhà sẽ là thông tin quan trọng để mẹ bầu trao đổi với bác sĩ trong những lần tái khám, giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.

Bà bầu cần thường xuyên theo dõi đường huyết tại nhà nếu được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ. 

3. Cách theo dõi đường huyết tại nhà cho bà bầu

Sử dụng máy đo đường huyết cầm tay là phương pháp phổ biến, tiện lợi và dễ thực hiện tại nhà. Đây là quy trình cơ bản mà mẹ bầu có thể tham khảo:

Đồ dùng cần chuẩn bị

- Máy đo đường huyết: Chọn máy đo có thương hiệu uy tín, dễ sử dụng và có que thử phù hợp.

- Que thử: Kiểm tra kỹ hạn sử dụng và mã code (nếu có) trên hộp que thử. Đóng nắp hộp que thử ngay sau khi lấy que ra để tránh làm ẩm các que còn lại.

- Bút lấy máu (bút chích máu): Đảm bảo bút đã được lắp kim chích mới.

- Bông gòn và cồn 70 độ (hoặc nước sạch và xà phòng): Để vệ sinh vị trí lấy máu.

- Sổ theo dõi đường huyết: Để ghi lại kết quả đo.

- Hộp đựng vật sắc nhọn (hộp đựng rác thải y tế): Để bỏ kim chích đã qua sử dụng.

Bước 1: Vệ sinh tay sạch sẽ 

Rửa sạch tay bằng xà phòng và nước ấm, sau đó lau khô hoàn toàn. Nếu có cồn, sát trùng nhẹ nhàng vị trí lấy máu ở đầu ngón tay. Việc giữ ấm ngón tay sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn, giúp việc lấy máu dễ dàng và ít đau hơn.

Bước 2: Lắp que thử 

Lấy que thử ra khỏi hộp, cắm vào máy đo đường huyết và đóng nắp hộp lại ngay để tránh làm hỏng que thử còn lại.

Bước 3: Lấy máu 

- Vuốt nhẹ nhàng từ gốc ngón tay về phía đầu ngón tay để máu dồn xuống.

- Dùng bút chích máu đặt vào cạnh bên đầu ngón tay (tránh chích vào giữa đầu ngón tay hoặc gần móng tay vì sẽ đau hơn). Nên luân phiên các ngón tay để tránh chai cứng. Tránh chích vào ngón trỏ và ngón cái vì đây là hai ngón tay hoạt động nhiều.

- Ấn nút trên bút chích máu để kim đâm vào ngón tay.

- Nhẹ nhàng nặn để lấy một giọt máu vừa đủ. Không nên nặn quá mạnh vì có thể làm lẫn dịch mô vào máu, ảnh hưởng đến kết quả đo.

Bước 4: Đo đường huyết

- Nhỏ giọt máu lên đầu que thử đã lắp vào máy.

- Lau khô vết máu bằng bông gòn thấm cồn.

- Chờ kết quả hiển thị trên máy (khoảng 5 - 45 giây).

Bước 5: Ghi chép và xử lý dụng cụ

- Ghi kết quả đo được (đơn vị mmol/l hoặc mg/dl) vào sổ theo dõi, kèm theo thời gian đo.

- Dùng bông gòn sạch lau khô vết máu trên ngón tay.

- Đặc biệt quan trọng: Bỏ que thử và kim chích đã qua sử dụng vào thùng rác, tuyệt đối không tái sử dụng đầu kim để tránh nguy cơ nhiễm trùng.

4. Tần suất kiểm tra tiểu đường thai kỳ 

Tần suất kiểm tra đường huyết ở mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và mức độ kiểm soát đường huyết. Theo khuyến cáo của bác sĩ, mẹ bầu cần kiểm tra từ 4 đến 6 lần mỗi ngày, cụ thể:

- Trước bữa ăn sáng (lúc đói): Đo đường huyết vào buổi sáng, ngay sau khi thức dậy và trước khi ăn hoặc uống bất cứ thứ gì. Mục đích là để đánh giá khả năng kiểm soát đường huyết qua đêm khi mẹ bầu nhịn ăn.

- Trước mỗi bữa ăn chính (trưa và tối): Đo đường huyết trước khi bắt đầu bữa ăn. Việc này giúp đánh giá mức đường huyết trước khi thức ăn tác động đến đường huyết.

- Sau các bữa ăn chính (trưa và tối): Đo đường huyết 2 giờ sau khi bắt đầu bữa ăn. Đây là thời điểm đường huyết thường đạt đỉnh sau ăn, giúp đánh giá hiệu quả kiểm soát đường huyết sau bữa ăn.

- Trước khi đi ngủ: Đo đường huyết trước khi đi ngủ giúp đánh giá khả năng kiểm soát đường huyết trong suốt đêm.

- Đôi khi vào ban đêm: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu mẹ bầu kiểm tra đường huyết vào giữa đêm (ví dụ: 2-3 giờ sáng) để phát hiện hạ đường huyết ban đêm.

Việc kiểm tra đều đặn không chỉ giúp mẹ bầu kiểm soát tốt đường huyết mà còn giảm nguy cơ biến chứng, bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

Hy vọng bài viết trên đã giúp mẹ bầu hiểu cách theo dõi đường huyết tại nhà một cách đơn giản và hiệu quả. Để có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn, chị em hãy thường xuyên kiểm tra sức khỏe của mình nhé.

Tags: