1. Dấu hiệu của thai nhi tuần thứ 13 khoẻ mạnh
Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng tuần đầu tiên hoặc thứ hai của thai kỳ thực sự không có sự mang thai nào cả. Điều này là do cách tính ngày dự sinh.
Theo quy ước, ngày dự sinh được tính sau 40 tuần kể từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối. Điều này có nghĩa là thời gian của kỳ kinh cũng được tính vào thời gian mang thai, mặc dù thực tế là sự thụ tinh có thể chưa xảy ra.
Vì vậy, 3 tháng đầu của thai kỳ (tam cá nguyệt thứ nhất) thực sự kết thúc ở tuần thứ 13.
Vào thời điểm này, một đặc điểm sinh trắc học quan trọng xuất hiện và tồn tại vĩnh viễn, không bao giờ thay đổi, đó chính là vân tay của em bé.
1.1. Kích thước thai tuần thứ 13
Chỉ số trung bình của thai tuần thứ 13 như sau:
- Cân nặng: khoảng 23g
- Chiều dài đầu mông (CRL): khoảng 7.4cm
Có thể thấy chỉ trong vòng 1 tuần, thai nhi đã có sự phát triển rất nhanh, gấp 1,5 lần cân nặng ở tuần 12. Bé có kích thước của một quả đào.
Kích thước thai tuần thứ 13.
1.2. Tim thai
Giai đoạn này, nhịp tim của bé dao động trong khoảng từ 120 – 160 nhịp/phút. Những lúc bé vận động hoặc cựa quậy nhịp tim bé có thể tăng lên đến 180 nhịp/phút.
1.3. Bộ phận sinh dục của thai tuần thứ 13
Giới tính của trẻ đã được ấn định từ lúc thụ tinh, nhưng bộ phận sinh dục của bé trai và bé gái phát triển giống nhau cho đến 9 tuần mới mới bắt đầu có những thay đổi.
Ở tuần thứ 13, buồng trứng hoặc tinh hoàn của bé đã phát triển đầy đủ và dần dần hoàn thiện hơn. Tuy nhiên vẫn khó để phát hiện chính xác giới tính của bé qua siêu âm ở tuần 13 này.
1.4. Sự phát triển của các cơ quan khác
- Tay, chân: Trên những ngón tay bé nhỏ của thai nhi, vân tay xuất hiện và dần hoàn chỉnh.
- Xương: đang bắt đầu cứng lại, đặc biệt là xương hộp sọ và các xương dài.
- Các mầm răng sữa cũng phát triển hơn và có sự kết nối hài hòa với phần xương hàm.
- Ruột: được kết nối với dây rốn và đang phát triển bên trong ổ bụng của bé.
- Da: vẫn còn mỏng và có thể nhìn thấy mạch máu cùng các cơ quan nội tạng, da sẽ dày lên theo sự phát triển của bé.
- Hệ bài tiết:
+ Thai nhi bắt đầu uống nước ối và bài tiết nước tiểu vào khoang ối, rồi lại uống, tạo thành một chu kỳ.
+ Khi em bé uống nước ối, chúng cũng tạo ra phân su. Chất dính, màu đen này tích tụ trong ruột và trở thành phân đầu tiên (phân su) khi bé được sinh ra đời.

Hình ảnh thai nhi tuần thứ 13.
2. Sự thay đổi của mẹ khi mang thai tuần thứ 13
Bắt đầu từ tuần 13, mẹ bầu có thể bắt đầu gặp phải các vấn đề sau:
- Tĩnh mạch nổi rõ: đặc biệt là vùng bụng, ngực, chân.
+ Nguyên nhân: Do khi mang thai, cơ thể mẹ bầu sản xuất nhiều máu hơn từ 30-50%, nên các tĩnh mạch của mẹ sẽ to ra và dễ nhìn thấy hơn.
+ Giải pháp: Mẹ nên vận động nhẹ nhàng hoặc tập các bài tập dành cho phụ nữ để lưu thông tuần hoàn tốt hơn.
- Tiết dịch âm đạo: khí hư (dịch âm đạo) sẽ tiết ra nhiều hơn, loãng, không màu hoặc ngả vàng.
+ Nguyên nhân: Đây là điều hoàn toàn bình thường vì nồng độ estrogen trong cơ thể mẹ tăng cao hơn.
+ Giải pháp: Nếu khí hư của mẹ bầu không mùi hoặc có mùi nhẹ và màu trắng sữa thì không cần lo lắng. Mẹ chỉ cần vệ sinh vùng kín hàng ngày để ngăn ngừa viêm nhiễm. Nhưng nếu khí hư có màu xám, vàng hoặc xanh lá cây, có mùi, gây đau ngứa thì mẹ bầu có thể bị nhiễm trùng. Mẹ hãy đi khám để được hướng dẫn điều trị đúng cách.
- Táo bón: Mẹ bầu cảm giác rất khó chịu, đại tiện đau rát có thể ra máu vùng hậu môn.
+ Nguyên nhân: Dưới tác dụng của nội tiết tố, sự chèn ép của tử cung đối với ruột, giãn tĩnh mạch trực tràng có thể gây nên tình trạng táo bón ở mẹ bầu.
+ Giải pháp: Mẹ hãy cố gắng ăn nhiều thức ăn giàu chất xơ (như rau xanh, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt) và uống đủ nước mỗi ngày.
- Chuột rút: nhất là khi mới đi vào giấc ngủ.
+ Nguyên nhân: Có thể do tử cung tăng kích thước gây áp lực tới các cơ bắp ở chân.
+ Giải pháp: Mẹ hãy tập các bài tập kéo dãn chân trước khi đi ngủ, tắm nước ấm hoặc ngâm chân nước ấm và massage cơ bắp. Nếu cơn đau chuột rút vẫn kéo dài sau kèm theo cơn đau bụng dữ dội, đó có thể là một dấu hiệu nguy hiểm ảnh hưởng đến thai nhi, mẹ hãy liên hệ ngay với bác sĩ.
- Chảy máu cam
+ Nguyên nhân: Do lượng máu trong cơ thể tăng lên nhanh chóng trong thai kỳ. Điều này tạo áp lực lên các mạch máu nhỏ trong mũi, khiến chúng giãn nở và dễ vỡ. Các mao mạch này trở nên nhạy cảm hơn và có thể vỡ ra, gây chảy máu cam
+ Giải pháp: Mẹ bầu nên ngồi thẳng người, nghiêng về phía trước, bóp chặt hai cánh mũi trong 10-15 phút và chườm lạnh. Sau khi máu ngừng chảy, có thể dùng nước muối sinh lý hoặc gel dưỡng ẩm mũi.
Để phòng ngừa, mẹ bầu cần uống đủ nước, sử dụng máy tạo độ ẩm, tránh xì mũi quá mạnh, hạn chế ngoáy mũi, bổ sung vitamin C và K và tránh các tác nhân gây kích ứng.
Tuy nhiên, nếu chảy máu cam kéo dài, kèm theo các triệu chứng khác, xảy ra thường xuyên hoặc do chấn thương, mẹ bầu cần đến bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Vị trí thai tuần thứ 13 trong bụng mẹ.
3. Lời khuyên cho mẹ bầu tuần thứ 13
3.1. Siêu âm thai tuần thứ 13
Từ tuần 11 đến tuần 14 là mốc thời gian khám thai bắt buộc, không được bỏ qua. Trong thời gian này, mẹ sẽ được siêu âm đo độ mờ da gáy để sàng lọc trẻ bị bệnh Down. Nếu tuần thứ 12 bạn chưa đi khám thai thì bắt buộc nên sắp xếp đi khám thai trong tuần này nhé!

Hình ảnh siêu âm thai tuần thứ 13.
3.2. Mang thai tuần thứ 13 nên ăn gì?
Tương tự như tuần 12, mẹ cần nhiều chất đạm và chất béo lành mạnh, cũng như nhiều loại vitamin và khoáng chất nhất định (như axit folic, sắt, DHA và canxi).
Mẹ cũng có thể bổ sung từ viên uống để đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng.
Ngoài ra, từ tuần thứ 13 này, mẹ bầu cũng nên cắt đầu tăng cường ăn rau củ quả để giảm tình trạng táo bón.
>>Xem thêm: Có nên sử dụng viên Sắt, DHA, Canxi chuyên biệt không?

Ăn rau củ quả đầy đủ sẽ giúp mẹ bầu giảm thiểu tình trạng táo bón.
3.3. Chế độ sinh hoạt
- Tập luyện: đi bộ, bơi lội, chạy bộ, yoga và tạ nhẹ đều là những lựa chọn tuyệt vời khi mang thai. Tuy nhiên, mẹ không nên tập các bài tập bụng như gập bụng, siết bụng.
- Lựa chọn áo ngực phù hợp để tránh bị căng tức ngực do kích thước ngực phát triển.
- Tư thế nằm ngủ: tư thế nằm ngủ nghiêng được khuyên dùng cho các mẹ bầu bước vào thai kỳ 3 tháng giữa. Ngủ nghiêng sẽ tạo ít áp lực nhất lên tĩnh mạch và các cơ quan nội tạng của mẹ.
- Quan hệ vợ chồng: Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, mẹ bầu có thể giảm ham muốn do mệt mỏi vì ốm nghén và thai nhi chưa ổn định. Sang tuần thứ 13, nếu mẹ đã hết nghén thì vẫn có thể quan hệ tình dục lại bình thường nhưng tránh quan hệ bạo lực và chọn tư thế phù hợp.
>> Xem thêm: Hướng dẫn tư thế ngủ tốt cho bầu trong suốt thai kỳ
4. Các dấu hiệu bất thường cần đến bệnh viện ngay
- Đau bụng hoặc thắt lưng dữ dội.
- Chuột rút thường xuyên đi kèm với các cơn đau bụng dữ dội.
- Ra khí hư có màu đen hoặc xanh, nâu.
- Chảy máu bất thường.
- Xuất hiện nhiều vết thâm bầm kéo dài.
- Sốt và các dấu hiệu nhiễm trùng.
- Ốm nghén trầm trọng: nôn mửa nhiều lần trong ngày, không ăn uống được gì, không tiểu tiện được, mệt mỏi lờ đờ.
Trên đây là những lời khuyên cho mẹ bầu khi mang thai tuần 13. Mẹ đã bước sang 3 tháng giữa của thai kỳ nhẹ nhàng hơn, hãy tận dụng để chăm sóc cơ thể thật tốt, mẹ nhé!