Phù nhau thai và những điều mẹ bầu cần biết

Phù nhau thai là một biến chứng nghiêm trọng trong thai kỳ, có thể ảnh hưởng đến tim, phổi và các cơ quan của thai nhi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Vậy mẹ bầu cần biết gì để nhận biết và xử lý phù nhau thai đúng cách?

1. Phù nhau thai là gì? 

Phù nhau thai là một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng trong thai kỳ, khi nhau thai bị sưng to do tích tụ quá nhiều dịch bên trong. 

Nhau thai đảm nhận nhiệm vụ cung cấp oxy và chất dinh dưỡng từ máu mẹ sang máu thai nhi, đồng thời giúp loại bỏ các chất thải từ cơ thể bé. 

Khi nhau thai bị phù, chức năng của nó có thể bị suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ bầu.

Phù rau thai là tình trạng thai tích dịch từ 2 khoang cơ thể trở lên hoặc tích dịch 1 khoang kèm với phù da. 

Tình trạng này được chia thành hai loại chính: phù nhau thai miễn dịch và không miễn dịch.

- Phù nhau thai không miễn dịch: là dạng phổ biến hơn, thường do thiếu máu nặng, xuất huyết thai kỳ, dị tật tim phổi, rối loạn di truyền, nhiễm virus, bất thường mạch máu hoặc khối u.

- Phù nhau thai miễn dịch: xảy ra khi mẹ và thai có nhóm máu không tương thích (ví dụ mẹ Rh- mang thai con Rh+), khiến hệ miễn dịch mẹ tấn công hồng cầu thai nhi, dẫn đến thiếu máu.

2. Nguyên nhân gây ra phù nhau thai 

- Nhiễm virus, vi khuẩn, bất thường nhiễm sắc thể hoặc tiếp xúc hóa chất độc hại là nguyên nhân chiếm tỉ lệ cao nhất. 

- Tuổi mẹ bầu: Phụ nữ trên 35 tuổi có nguy cơ cao gặp biến chứng thai kỳ, trong đó có phù nhau thai, do chức năng cơ thể và hệ tuần hoàn suy giảm.

- Bệnh lý nền: Các bệnh như tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp hay bệnh thận làm rối loạn tuần hoàn, khiến nhau thai dễ tích tụ dịch và bị phù.

- Mang thai đôi hoặc đa thai: Nhau thai phải hoạt động nhiều hơn để nuôi dưỡng nhiều thai nhi, dẫn đến quá tải và tăng nguy cơ phù.

- Nhiễm trùng khi mang thai: Các bệnh nhiễm trùng, nhất là qua đường tình dục hoặc đường tiết niệu, có thể gây viêm nhau thai và tích tụ dịch.

- Các nguyên nhân khác:

+ Thiếu máu nặng làm giảm oxy đến thai nhi, ảnh hưởng đến chức năng nhau thai.

+ Rối loạn đông máu cản trở lưu thông máu ở nhau thai.

+ Thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu, dùng chất kích thích gây tổn thương nhau thai.

Mẹ bầu hút thuốc, uống nhiều rượu bia có nguy cơ cao bị phù nhau thai. 

3. Triệu chứng nhận biết phù nhau thai

Nếu thai nhi bị phù nhau thai, mẹ bầu có thể gặp các dấu hiệu như:

- Đa ối (nước ối nhiều)

- Bánh nhau dày (trên 4 - 5 cm trong tam cá nguyệt thứ hai)

- Thai nhi có lá lách, tim hoặc gan to bất thường

- Có dịch bao quanh tim hoặc phổi khi siêu âm

Trẻ sơ sinh mắc phù nhau thai thường có các biểu hiện:

- Da nhợt nhạt, dễ bầm tím

- Bụng sưng to

- Gan và lá lách phì đại

- Khó thở

- Vàng da nghiêm trọng

4. Biến chứng của phù nhau thai 

4.1. Đối với thai nhi

Khi bị phù nhau thai, nhau thai mất khả năng nuôi dưỡng thai nhi nên cần chấm dứt thai kỳ càng sớm càng tốt. Nếu không xử lý kịp thời, thai nhi có thể chết lưu do thiếu oxy và dưỡng chất.

Ngay cả khi sinh ra được, trẻ vẫn có nguy cơ suy dinh dưỡng, sinh non và mắc nhiều bệnh lý, ảnh hưởng đến sự phát triển sau này. Vì vậy, việc đình chỉ thai là cần thiết khi phát hiện phù nhau thai.

4.2. Đối với người mẹ 

Nguy cơ băng huyết sau sinh rất cao do tử cung phải chứa thai nhi và bánh rau bị phù to. Nếu không được cấp cứu kịp, sản phụ có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng.

5. Chẩn đoán và điều trị phù nhau thai 

5.1. Chẩn đoán

Phù nhau thai thường được phát hiện qua siêu âm trong các buổi khám thai định kỳ. 

Siêu âm sử dụng sóng âm tần số cao để tạo hình ảnh bên trong tử cung, giúp bác sĩ nhận thấy dấu hiệu tích tụ dịch bất thường ở thai nhi. 

Nếu mẹ bầu có các dấu hiệu bất thường như thai máy yếu hoặc gặp biến chứng thai kỳ (ví dụ: huyết áp cao), bác sĩ cũng có thể chỉ định siêu âm để kiểm tra kỹ hơn.

Qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ có thể quan sát kích thước, cấu trúc và mức độ sưng to của nhau thai, từ đó xác định xem có phù hay không. 

5.2. Điều trị 

Hiện nay, phù nhau thai gần như không thể điều trị dứt điểm trong thai kỳ. 

Tuy nhiên, tùy vào nguyên nhân và tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể áp dụng một số phương pháp hỗ trợ nhằm kéo dài thời gian thai nhi tồn tại trong bụng mẹ hoặc tăng khả năng sống sót sau sinh.

Một số trường hợp có thể cần truyền máu trực tiếp cho thai nhi trong tử cung để cải thiện tình trạng thiếu máu. 

Tuy nhiên, giải pháp phổ biến là chấm dứt thai kỳ sớm bằng cách kích thích chuyển dạ hoặc mổ lấy thai khẩn cấp để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé.

Sau khi sinh, điều trị sẽ tập trung vào các biến chứng như hút dịch thừa quanh các cơ quan, hỗ trợ hô hấp và dùng thuốc điều trị suy tim, giúp thận loại bỏ chất lỏng dư thừa. 

Nếu phù do nguyên nhân miễn dịch, bé sẽ được truyền hồng cầu phù hợp nhóm máu. Trong trường hợp nhiễm trùng, bác sĩ sẽ điều trị theo nguyên nhân cụ thể như dùng kháng sinh.

Tuy đã có phương pháp hỗ trợ, tỷ lệ sống sót của thai nhi mắc phù nhau thai vẫn khá thấp. Nếu chẩn đoán sớm (trước 24 tuần) hoặc có dị tật bẩm sinh, tiên lượng càng xấu. 

Khi được chẩn đoán phù nhau thai, phụ nữ thường phải ngừng thai kỳ vì không thể tiếp tục nuôi dưỡng thai nhi.

Với thai nhi đủ tháng hoặc có khả năng sống khi sinh non, mổ lấy thai sớm là cần thiết. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể đối mặt với nguy cơ băng huyết sau sinh, vì vậy cần theo dõi chặt chẽ tại cơ sở y tế uy tín để phòng ngừa biến chứng.

6. Biện pháp phòng ngừa phù nhau thai 

Mặc dù không thể hoàn toàn ngăn ngừa phù nhau thai, nhưng các biện pháp sau có thể giúp giảm nguy cơ:

- Tránh thuốc lá, bia rượu và tiêm phòng vắc - xin như cúm, sởi, và Rubella trước khi mang thai.

- Nếu mẹ có các bệnh nền như tiểu đường hay huyết áp cao, hãy kiểm soát bệnh thật tốt trước và trong suốt thai kỳ.

- Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý và lối sống lành mạnh giúp bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé.

- Tuân thủ lịch khám thai định kỳ. Việc khám thai đều đặn giúp phát hiện sớm bất kỳ dấu hiệu bất thường nào (bao gồm cả phù nhau thai) để có biện pháp can thiệp kịp thời. 

Phù nhau thai tuy nguy hiểm nhưng có thể phát hiện sớm qua siêu âm định kỳ. Mẹ bầu cần theo dõi sát sao các dấu hiệu bất thường và tuân thủ chỉ định bác sĩ để bảo vệ thai nhi. Chủ động tầm soát và can thiệp kịp thời giúp tăng cơ hội mang thai an toàn.

Tags: