Tăng huyết áp thai kỳ là một tình trạng khá phổ biến nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ bầu hiểu rõ nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh hiệu quả.
1. Tăng huyết áp thai kỳ là gì?
Tăng huyết áp trong thai kỳ là tình trạng huyết áp của mẹ bầu cao hơn mức bình thường, thường được xác định khi chỉ số huyết áp vượt quá 140/90 mmHg.
Tăng huyết áp thai kỳ thường gặp ở 5-10% phụ nữ mang thai.
Có một số thể tăng huyết áp mà mẹ bầu có thể gặp phải:
- Tăng huyết áp mãn tính: Là tình trạng mẹ đã bị cao huyết áp từ trước khi mang thai hoặc được phát hiện trong 20 tuần đầu của thai kỳ, kéo dài sau sinh, có thể kèm protein niệu.
- Tăng huyết áp thai kỳ: Thường xuất hiện sau tuần thứ 20, không kèm protein niệu, thường tự hết sau sinh.
- Tiền sản giật: Tăng huyết áp kèm protein niệu, nguy hiểm, thường gặp ở mẹ bầu lần đầu, đa thai hoặc có bệnh nền.
- Tiền sản giật trên nền tăng huyết áp mãn tính: Khi mẹ bầu bị cao huyết áp từ trước và xuất hiện thêm protein niệu trong thai kỳ.
Dù là loại nào, tăng huyết áp cũng cần được theo dõi sát sao bởi bác sĩ chuyên khoa để tránh những rủi ro không mong muốn cho cả mẹ và bé.
2. Nguyên nhân gây tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai
Tăng huyết áp khi mang thai có thể xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó phổ biến nhất là:
- Chế độ ăn uống thiếu khoa học, đặc biệt là thói quen ăn mặn.
- Ít vận động, không chăm sóc thai kỳ đúng cách.
- Thời tiết thay đổi đột ngột, quá nóng hoặc quá lạnh cũng dễ ảnh hưởng đến huyết áp.
- Mang thai khi đã ngoài 35 tuổi.
- Mắc các bệnh lý nền như đái tháo đường hoặc rối loạn chuyển hóa, làm tăng nguy cơ biến chứng cao huyết áp trong thai kỳ.
3. Nguy cơ và biến chứng của tăng huyết áp thai kỳ
Tăng huyết áp khi mang thai là tình trạng đáng lo ngại vì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào thời điểm xuất hiện và mức độ huyết áp tăng cao. Huyết áp càng tăng sớm và càng cao thì nguy cơ xảy ra biến chứng càng lớn.
3.1. Đối với mẹ bầu
- Tiền sản giật: Khoảng 25% phụ nữ mang thai bị tăng huyết áp có nguy cơ tiến triển thành tiền sản giật (một biến chứng nghiêm trọng có thể gây co giật, tổn thương gan, thận, thậm chí đe dọa tính mạng).
- Ảnh hưởng sức khỏe sau sinh, hồi phục chậm, dễ mệt mỏi và thể trạng yếu sau khi sinh.
- Dễ bị cao huyết áp trong những lần mang thai sau.
- Có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, thận hoặc đột quỵ nếu không được kiểm soát tốt.
- Suy thận: Huyết áp cao kéo dài gây áp lực lên thận, dễ gây tổn thương chức năng thận lâu dài.
Huyết áp cao có nguy cơ gây suy thận.
3.2. Đối với bé
- Chậm phát triển trong tử cung: Huyết áp cao khiến việc truyền oxy và chất dinh dưỡng từ mẹ sang bé bị gián đoạn, làm bé chậm tăng cân, không đạt chuẩn phát triển.
- Nguy cơ thai chết lưu: Trong trường hợp nặng, nếu huyết áp không được kiểm soát tốt, thai nhi có thể không qua khỏi khi còn trong bụng mẹ.
- Sinh non: Mẹ bị tăng huyết áp hoặc sản giật có thể cần sinh sớm để đảm bảo an toàn. Trẻ sinh non thường yếu, dễ gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và có nguy cơ tử vong cao hơn.
4. Dấu hiệu nhận biết tăng huyết áp thai kỳ
Một điều đáng lo ngại là tăng huyết áp trong thai kỳ đôi khi không có triệu chứng rõ ràng, khiến nhiều mẹ bầu không nhận ra vấn đề cho đến khi đi khám.
Vì vậy, khám thai định kỳ là cách tốt nhất để phát hiện sớm. Tuy nhiên, mẹ bầu cũng nên chú ý đến một số dấu hiệu sau:
- Đau đầu kéo dài, không thuyên giảm ngay cả khi đã nghỉ ngơi
- Mờ mắt hoặc nhìn thấy đốm sáng
- Sưng phù bất thường đặc biệt là ở mặt, tay, hoặc chân, xuất hiện đột ngột và không giảm
- Đau bụng bên phải hoặc đau thượng vị
- Tăng cân đột ngột
- Buồn nôn ói mửa
Nếu mẹ bầu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, hãy liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra.
Ngoài ra, việc tự đo huyết áp tại nhà cũng là một biện pháp hữu ích, nhưng cần sử dụng máy đo đúng cách và ghi lại kết quả để báo cáo cho bác sĩ.
5. Cách điều trị tăng huyết áp thai kỳ
Việc điều trị tăng huyết áp thai kỳ sẽ được bác sĩ chỉ định dựa trên tuổi thai, mức độ nghiêm trọng của bệnh và tình trạng sức khỏe tổng quát. Có hai hướng chính: điều trị không dùng thuốc và dùng thuốc.
5.1 Điều trị không dùng thuốc
Với những trường hợp tăng huyết áp nhẹ, bác sĩ có thể hướng dẫn mẹ điều chỉnh lối sống thay vì dùng thuốc ngay. Dù hiệu quả có thể không rõ rệt, nhưng những thay đổi này vẫn giúp hỗ trợ kiểm soát huyết áp.
- Mẹ bầu nên tập thể dục nhẹ nhàng nếu không có chống chỉ định từ bác sĩ.
- Nếu bị thừa cân (BMI ≥ 30), cần kiểm soát việc tăng cân trong thai kỳ, không nên tăng quá 6,8kg.
- Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh: hạn chế muối, tăng cường rau xanh, trái cây.
5.2 Điều trị bằng thuốc
Nếu mẹ bầu bị tăng huyết áp thai kỳ nghiêm trọng hoặc có nguy cơ tiền sản giật, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để hạ huyết áp và hỗ trợ thai nhi phát triển nếu thai chưa đủ tháng.
Trong trường hợp này, mẹ có thể cần nhập viện để theo dõi chặt chẽ và được sử dụng thêm thuốc chống co giật, như magie sulfat.
Tùy theo tình trạng huyết áp và sức khỏe của mẹ, bác sĩ có thể chỉ định sinh sớm để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định kết thúc thai kỳ vào tuần thứ 37 để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Ngoài ra, trong một số trường hợp hiếm, tiền sản giật có thể xuất hiện sau khi sinh, gọi là tiền sản giật sau sinh. Tình trạng này có thể xảy ra ngay cả ở những mẹ không bị tiền sản giật trong thai kỳ, với triệu chứng tương tự.
Tiền sản giật sau sinh thường được phát hiện trong vòng 48 giờ sau sinh, nhưng đôi khi có thể khởi phát muộn đến 6 tuần sau đó.
Vì vậy, mẹ cần theo dõi sức khoẻ sát sao và tái khám khi có dấu hiệu bất thường.
6. Cách phòng ngừa và quản lý tăng huyết áp thai kỳ
Tăng huyết áp thai kỳ là một trong những biến chứng nguy hiểm, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Tuy nhiên, mẹ hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh nếu có kế hoạch chăm sóc sức khỏe từ sớm, ngay từ trước khi mang thai và trong suốt thai kỳ.
- Tránh mang thai quá muộn (tuổi mẹ càng cao, nguy cơ càng lớn).
- Giảm cân nếu thừa cân, duy trì chỉ số BMI hợp lý.
- Kiểm soát tốt bệnh lý nền như đái tháo đường, tim mạch…
- Hạn chế ăn mặn, tránh thực phẩm nhiều muối (mì gói, đồ hộp...).
- Tăng cường rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu kali (chuối, cam, khoai lang…).
- Uống đủ 8 - 10 ly nước/ngày để hỗ trợ tuần hoàn máu.
- Tập yoga hoặc đi bộ nhẹ 20 - 30 phút/ngày nếu không có chống chỉ định.
- Giảm stress bằng cách nghe nhạc, đọc sách, thiền…
- Ngủ đủ 7 - 8 tiếng/đêm, nên nằm nghiêng trái để máu lưu thông tốt hơn.
- Mẹ bị tiền sản giật vẫn nên vận động nhẹ, tránh nằm bất động quá lâu.
- Đo huyết áp thường xuyên tại nhà nếu có điều kiện.
- Khám thai đúng lịch để phát hiện sớm dấu hiệu bất thường.
- Không tự ý uống thuốc hạ áp khi chưa có chỉ định bác sĩ.
Hạn chế ăn mặn và các thực phẩm chế biến sẵn (như thịt nguội, đồ hộp) để phòng ngừa tăng huyết áp.
Tăng huyết áp trong thai kỳ là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng không phải là điều không thể kiểm soát. Chỉ cần mẹ bầu chú ý khám thai định kỳ, duy trì chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh, đồng thời tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, mọi rủi ro đều có thể được giảm thiểu.