Tiểu đường thai kỳ là tình trạng đường huyết cao xảy ra trong thời gian mang thai, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Việc phát hiện sớm tiểu đường thai kỳ rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho cả hai, giúp giảm nguy cơ biến chứng trong thai kỳ.
1. Tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng mẹ bầu có lượng đường trong máu cao hơn bình thường trong suốt thời gian mang thai.
Nguyên nhân chính là do các hormone thai kỳ cản trở hoạt động của insulin (một hormone giúp kiểm soát đường huyết) khiến cơ thể không thể điều hòa lượng đường trong máu một cách hiệu quả.
Nếu insulin hoạt động không tốt, đường sẽ bị tích tụ lại trong máu, dẫn đến tiểu đường thai kỳ.
Tại Việt Nam, tỉ lệ tiểu đường thai kỳ ngày càng tăng, nhất là ở khu vực thành thị do chế độ ăn nhiều tinh bột và lối sống ít vận động.
Phát hiện sớm tình trạng này rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé. Vì vậy, nếu mẹ có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào, đừng ngần ngại chia sẻ với bác sĩ để được tư vấn kịp thời nhé!
2. Dấu hiệu mắc tiểu đường thai kỳ
Bệnh tiểu đường thai kỳ thường không có biểu hiện rõ ràng, nhưng mẹ bầu sẽ gặp một số biểu hiện giống những người mắc bệnh đái tháo đường như:
- Luôn cảm thấy khát nước và đi tiểu nhiều
- Vùng kín bị nấm men, ngứa ngáy, khó chịu...
- Khó lành các vết trầy xước, vết thương
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Cơ thể cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng và kiệt sức.
3. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ
Mẹ bầu thuộc vào những trường hợp sau đây có nguy cơ mắc phải bệnh tiểu đường thai kỳ cao hơn những thai phụ bình thường khác:
- Thừa cân, béo phì.
- Tiền sử gia đình: Có người bị đái tháo đường, đặc biệt là người đái tháo đường thế hệ thứ nhất.
- Tiền sử sinh con ≥ 4000g.
- Tiền sử bất thường về dung nạp glucose bao gồm tiền sử đái tháo đường thai kỳ trước, glucose niệu dương tính.
- Tuổi càng cao thì nguy cơ càng tăng, ≥ 35 tuổi là yếu tố nguy cơ cao của đái tháo đường thai kỳ.
- Tiền sử sản khoa bất thường: thai chết lưu không rõ nguyên nhân, sảy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân, sanh non, thai dị tật.
- Chủng tộc: Châu Á là chủng tộc có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ cao.
- Hội chứng buồng trứng đa nang.
Thừa cân trước khi mang thai làm tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ.
4. Tiểu đường thai kỳ nguy hiểm như thế nào đối với mẹ bầu và thai nhi?
Nếu tiểu đường thai kỳ không được phát hiện và kiểm soát tốt, sẽ gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng cho cả mẹ và bé.
4.1. Đối với mẹ
- Tăng nguy cơ phát triển thành tiểu đường type 2 sau này.
- Nguy cơ cao bị tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật – một biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng mẹ và bé.
- Dễ gặp phải các biến chứng khi sinh như sinh non, sảy thai, nhiễm trùng đường tiết niệu.
4.2. Đối với bé
- Nguy cơ sinh ra với cân nặng quá lớn (macrosomia), làm tăng nguy cơ gặp khó khăn khi sinh thường.
- Dễ bị hạ đường huyết ngay sau sinh do tuyến tụy vẫn tiết nhiều insulin. Nếu không phát hiện kịp thời, bé có thể bị co giật, hôn mê hoặc tổn thương não.
- Tăng khả năng bị béo phì hoặc tiểu đường type 2 khi trưởng thành.
- Bé cũng có nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh về hệ tiết niệu, thần kinh, tim mạch và dễ bị hội chứng suy hô hấp nếu sinh non.
5. Quy trình xét nghiệm tiểu đường thai kỳ
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là bước quan trọng trong lịch khám thai, thường được thực hiện từ tuần 24 - 28.
Quy trình xét nghiệm bao gồm 2 phần chính để đánh giá chính xác khả năng rối loạn đường huyết ở mẹ bầu:
5.1. Xét nghiệm đường huyết lúc đói
- Mẹ bầu cần nhịn ăn hay uống (trừ nước lọc) ít nhất 8 - 12 tiếng trước khi xét nghiệm.
- Vào buổi sáng hôm sau, bác sĩ sẽ lấy máu để đo mức đường huyết lúc đói.
- Kết quả xét nghiệm lúc đói giúp bước đầu đánh giá nguy cơ tiểu đường thai kỳ.
5.2. Xét nghiệm dung nạp glucose
- Sau khi lấy máu lúc đói, mẹ sẽ được uống một dung dịch chứa 75 gam glucose. Bác sĩ sẽ lấy máu xét nghiệm 2 lần sau khi uống:
+ Lần đầu sau 1 giờ.
+ Lần thứ hai sau 2 giờ.
- Trong thời gian chờ xét nghiệm, mẹ không được ăn thêm, hạn chế vận động mạnh, chỉ nên ngồi nghỉ ngơi.
Mẹ bầu cần uống nước đường glucose chậm trong 3 - 5 phút và không ăn uống trong thời gian chờ đợi xét nghiệm.
Các ngưỡng chẩn đoán tiểu đường thai kỳ:
- Đường huyết lúc đói ≥ 92 mg/dL.
- Đường huyết sau 1 giờ uống glucose ≥ 180 mg/dL.
- Đường huyết sau 2 giờ uống glucose ≥ 153 mg/dL.
Nếu một trong các chỉ số này vượt ngưỡng, mẹ bầu sẽ được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ.
6. Phác đồ điều trị và chế độ ăn của thai phụ
6.1. Mục tiêu kiểm soát đường huyết và phác đồ điều trị
a/ Mục tiêu đường huyết
+ Lúc đói, trước ăn và trước ngủ: 3,9–5,5 mmol/L
+ Sau ăn 1 giờ: < 7,8 mmol/L
+ Sau ăn 2 giờ: < 6,7 mmol/L
+ HbA1c < 6%
b/ Phác đồ điều trị ban đầu
- Điều chỉnh chế độ ăn (giảm đồ ngọt, tinh bột), theo dõi đường huyết 6 lần/ngày.
- Sau 2 tuần nếu đường huyết vẫn vượt ngưỡng, bác sĩ sẽ chuyển sang tiêm insulin.
c/ Sử dụng insulin
- Insulin là thuốc chính cho đái tháo đường thai kỳ.
- Dùng insulin bữa ăn (trước mỗi bữa) kết hợp insulin nền (một mũi vào buổi tối).
- Liều khởi đầu khoảng 0.4-0.5 đơn vị/kg/ngày, chia 40 - 50% insulin nền (buổi tối) và 50-60% insulin trước bữa ăn.
- Điều chỉnh liều dần cho đến khi đạt mục tiêu đường huyết.
d/ Thuốc uống
Metformin hoặc glyburide có thể được dùng trong một số trường hợp, nhưng insulin được ưu tiên sử dụng do ít rủi ro hơn.
6.2. Chế độ ăn uống mẹ cần tuân thủ
- Hạn chế ăn đường bột: 35-45% tổng số năng lượng. Chọn loại có chỉ số tăng đường máu thấp như gạo lứt, khoai lang, ngũ cốc nguyên cám, bún tươi…
- Chia bữa ăn thành 3 bữa chính và 2 - 3 bữa phụ.
- Chọn thức ăn nhiều chất xơ, rau tươi, ít chất béo bão hòa. Tránh ăn thức ăn nhiều đường (bánh kẹo, nước ngọt, trái cây nhiều đường như xoài, nho...).
- Đảm bảo đủ 5 nhóm dinh dưỡng: rau củ, ngũ cốc, đạm, sữa, trái cây, cùng multivitamin (sắt, acid folic, canxi) theo chỉ định bác sĩ.
Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn rau trước bữa chính để hạn chế tăng đường huyết, vì rau cung cấp chất xơ và ngăn ngừa hấp thu tinh bột sau đó.
Với việc tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị và chế độ ăn, mẹ bầu sẽ dễ dàng kiểm soát đường huyết, giảm nguy cơ biến chứng và bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ lẫn bé.
Tiểu đường thai kỳ có thể kiểm soát hiệu quả nếu mẹ bầu thực hiện đúng quy trình xét nghiệm và tuân thủ phác đồ điều trị. Việc phát hiện sớm giúp mẹ kịp thời điều chỉnh chế độ ăn, theo dõi đường huyết và dùng thuốc khi cần. Đừng quên khám thai định kỳ và trao đổi với bác sĩ để có kế hoạch chăm sóc phù hợp. Chúc mẹ một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh!