1. Vai trò của Magie đối với thai kỳ
Nhu cầu Magie (Magnesium) tăng lên khi mang thai. Magnesium là một khoáng chất thiết yếu và có nhiều chức năng khác nhau trong thai kì.
Magnesium còn có nhiều tác dụng khác lên thai phụ và thai nhi:
- Tác động hiệp đồng với Canxi: Cả hai loại khoáng chất này hoạt động phối hợp rất tốt. Trong khi Magnesium làm giãn cơ thì Canxi kích thích sự co cơ. Nồng độ phù hợp của Magnesium có thể giữ cơ tử cung không gò cho tới tuần thai thứ 35.
- Giảm nguy cơ loãng xương: Nồng độ thích hợp của Magnesium và Canxi giúp quá trình phá hủy xương xảy ra chậm hơn bình thường.
- Giảm chuột rút: Chuột rút là triệu chứng rất phổ biến trong thai kì. Magnesium giúp làm giảm chuột rút, làm giảm cường độ cơn gò Braxton Hicks và góp phần điều trị táo bón.
- Giảm căng thẳng: Magnesium là lựa chọn tốt nhất để làm giảm căng thẳng và mất ngủ - những triệu chứng khá phổ biến trong thai kỳ. Bác sĩ thường kê Magnesium như một chất được bổ sung riêng biệt bên cạnh các loại vitamin.
- Hỗ trợ sinh đẻ: Khoáng chất này giúp huyết áp ổn định và cải thiện ngưỡng chịu đau, giúp quá trình sinh diễn ra nhẹ nhàng hơn.
- Giảm buồn nôn: Magnesium có thể điều trị buồn nôn, là một trong những triệu chứng hay gặp nhất của ốm nghén.
- Điều trị đau đầu: Việc bổ sung Magnesium có thể làm giảm triệu chứng đau nửa đầu trong thai kỳ. Magnesium giúp giãn mạch máu não, dự phòng tăng axit lactic, chất có thể gây căng thẳng và đau nửa đầu.
- Giảm nguy cơ bại não: Theo một nghiên cứu được công bố ở Úc, bổ sung Magnesium sulfat cho những phụ nữ có nguy cơ sinh non có thể bảo vệ thai nhi khỏi chứng bại não.
- Magnesium đóng vai trò tương tự insulin giúp duy trì nồng độ glucose máu ổn định. Magnesium tác dụng hiệp đồng với Canxi giúp xương và răng chắc khỏe. Magnesium cũng giúp điều hòa lượng cholesterol và các rối loạn nhịp tim. Sự căng thẳng về thể chất lẫn tinh thần cũng làm tăng nhu cầu Magnesium.
- Sự thiếu hụt Magnesium trầm trọng trong thai kì có thể dẫn tới tiền sản giật (huyết áp cao và co giật), sinh non, tử vong sơ sinh và các dị tật bẩm sinh.
2. Cần cung cấp bao nhiêu Magnesium trong quá trình mang thai?
Khuyến cáo cung cấp Magnesium hằng ngày trong thai kì là từ 350-360mg. Nếu thai phụ từ 19-30 tuổi thì nên dùng liều 350mg, còn nếu từ 31 tuổi trở lên thì dùng liều 360mg.
Hàm lượng Magnesium cần trong thai kì là từ 350-360mg/ngày.
Nôn, buồn nôn và khó chịu với thức ăn trong thai kì có thể dẫn tới thiếu Magnesium. Vì vậy, việc bổ sung là cần thiết bên cạnh các thức ăn giàu Magnesium trong chế độ ăn khi mang thai. Thay vì khi bổ sung một chất nào đó thì ta nên quan sát chế độ ăn hằng ngày. Nhưng liệu bổ sung Magnesium có phải là ý tưởng tốt? Mọi thứ đưa vào dư thừa đều có thể gây hại cho cơ thể. Thai phụ chỉ nên bổ sung Magnesium nếu khẩu phần ăn không cung cấp đủ Magnesium. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc. Phải luôn hỏi ý kiến bác sĩ và chỉ bổ sung khi có chỉ định từ bác sĩ.
3. Những loại thức ăn giàu Magnesium cho phụ nữ có thai
Để cung cấp cho cơ thể đủ lượng Magnesium theo khuyến cáo, thai phụ nên có chế độ ăn phù hợp. Nhiều loại động thực vật, rau xanh, hạt ngũ cốc, đậu, ngũ cốc ăn sáng, thực phẩm nhiều chất xơ, các thực phẩm bổ sung, đều là những chất giàu Magnesium. Mẹ bầu không nên chọn thực phẩm chế biến sẵn.
Ngoài ra, Magnesium trong nước dao động từ 1-120mg/L. Các loại thực phẩm chứa nhiều Magie như: hạnh nhân, hạt điều rang khô, ngũ cốc, lúa mì thái nhỏ, sữa đậu nành 1 chén, đậu phộng, đậu đen , bơ đậu phộng, bánh mỳ lúa mỳ nguyên chất, khoai tây, đậu nành, bông cải xanh, thịt bò, táo, chuối,...
Mẹ bầu có thể bổ sung Magie cho cơ thể thông qua thực phẩm ăn hàng ngày.
4. Bổ sung Magnesium có thể có các tác dụng phụ không?
Ít có khả năng sử dụng Magnesium quá nhiều thông qua thức ăn trong thai kỳ. Nhưng những mẹ bầu đã bổ sung Magnesium bằng viên uống, có khả năng sẽ nạp quá liều Magnesium. Điều này mẹ bầu cần phải thận trọng và chú ý.
Dưới đây là một số tác dụng phụ khi bổ sung Magnesium:
- Tiêu chảy và mất nước
Bổ sung Magnesium có thể gây kích thích nhu động ruột ở một vài phụ nữ mang thai, từ đó dẫn tới tiêu chảy, đau quặn bụng và giảm ngon miệng. Tiêu chảy không được điều trị có thể dẫn tới mất nước – một triệu chứng nghiêm trọng của thai kỳ. Nếu thai phụ đang bổ sung Magnesium và bị tiêu chảy liên tục từ 2-3 ngày thì cần báo ngay cho bác sĩ.
Mẹ bầu có thể bị tiêu chảy đi nạp quá nhiều Magie cho cơ thể.
- Đau dạ dày
Những triệu chứng hay gặp trong thai kỳ là buồn nôn và nôn. Việc bổ sung Magnesium quá nhiều thay vì làm giảm tình trạng này, thì nó có thể dẫn tới tình trạng ốm nghén nặng hơn. Các triệu chứng sẽ giảm trong vài giờ sau điều trị nhưng nếu nó vẫn kéo dài nên báo ngay cho bác sĩ.
- Tương tác với thuốc khác
Bổ sung Magnesium có thể tương tác với một số thuốc nhất định. Nếu đang sử dụng kháng sinh, thuốc điều trị huyết áp, thuốc đái tháo đường,... thì mẹ bầu nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung Magnesium.
- Sử dụng quá liều
Nếu thai phụ có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây sau khi bổ sung Magnesium, đến ngay phòng cấp cứu. Quá liều Magnesium có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng cần lưu ý như: nôn liên tục, rối loạn nhịp tim, khó thở, yếu cơ, hạ huyết áp, lơ mơ,..
Trong thai kỳ, cơ thể sản phụ cần được chăm sóc và nuôi dưỡng. Nhưng không phải lúc nào cũng cần dùng thuốc và các chất bổ sung để đáp ứng nhu cầu Magie cho cơ thể. Hãy ăn uống hợp lý và liên lạc thường xuyên với bác sĩ để có được chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn của thai kỳ.