Phù chân là một phần khá phổ biến của thai kỳ. Tuy nhiên, hiểu rõ về nó sẽ giúp mẹ cảm thấy yên tâm hơn và biết cách chăm sóc bản thân tốt nhất. Bài viết này sẽ cùng mẹ tìm hiểu thật cặn kẽ về tình trạng phù chân, từ A đến Z, giúp mẹ vững tâm hơn trong suốt thai kỳ.
1. Phù chân khi mang thai là gì?
Phù chân là hiện tượng sưng ở chân, mắt cá chân hoặc bàn chân do cơ thể mẹ tích tụ nhiều nước hơn bình thường.
Hiện tượng này khá phổ biến, mẹ có thể bắt đầu nhận thấy từ khoảng tuần thứ 22 - 28 của thai kỳ, và thường rõ rệt hơn vào những tháng cuối cùng, khi bụng bầu đã lớn hơn nhiều.
1.1. Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị phù chân
a/ Sự thay đổi Hormone
Khi mang thai, cơ thể mẹ sản sinh nhiều hormone progesterone. Hormone này tuy cần thiết cho thai kỳ nhưng lại có tác dụng làm giãn các thành tĩnh mạch (mạch máu đưa máu về tim).
Khi tĩnh mạch bị giãn ra, việc đưa máu từ chân trở về tim trở nên khó khăn hơn một chút, dẫn đến máu có thể bị ứ đọng lại ở phần dưới chân, gây sưng phù.
Sự rối loạn của các nội tiết tố cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng phù chân ở bà bầu.
b/ Áp lực từ tử cung
Thai nhi lớn dần khiến tử cung chèn ép các tĩnh mạch vùng chậu, làm máu lưu thông về tim chậm hơn.
c/ Cơ thể giữ nước nhiều hơn
Cơ thể mẹ bầu luôn tự điều chỉnh để nuôi dưỡng thai nhi tốt nhất.
Một trong những điều chỉnh đó là giữ lại nhiều nước và muối hơn bình thường để đáp ứng nhu cầu tăng cao về thể tích máu và chất lỏng cho cả mẹ và bé. Lượng chất lỏng dư thừa này cũng góp phần gây ra tình trạng phù chân.
d/ Các nguyên nhân khác
Do đứng lâu, chế độ ăn ít kali (Kali giúp duy trì chất lỏng và chất điện giải trong tế bào cơ thể), tiêu thụ nhiều caffeine, ăn nhiều natri (muối), làm việc quá sức, thời tiết nóng bức cũng góp phần làm phù nề chân ở mẹ bầu.
1.2. Dấu hiệu phù chân mẹ dễ nhận biết
- Chân sưng nhẹ: Đặc biệt là ở vùng mắt cá và bàn chân. Mẹ sẽ thấy rõ hơn vào cuối ngày, sau khi đứng hoặc ngồi lâu một chỗ. Buổi sáng ngủ dậy, tình trạng sưng có thể giảm đi đáng kể.
- Cảm giác nặng nề, căng tức: Đôi chân trở nên khó chịu, đi lại có thể không còn thanh thoát như trước, mang giày dép cũng cảm thấy chật hơn.
- Da căng bóng: Vùng da ở chỗ bị sưng có thể trông căng và bóng hơn bình thường.
- Dấu hiệu ấn lõm (Pitting edema): Đây là một dấu hiệu khá điển hình. Khi mẹ dùng ngón tay ấn nhẹ vào vùng da bị sưng (thường là ở mắt cá chân hoặc mu bàn chân) trong vài giây rồi thả ra, mẹ có thể thấy một vết lõm nhỏ lưu lại trên da trong giây lát trước khi đầy trở lại.
2. Phù chân khi mang thai có nguy hiểm không?
Phù chân là hiện tượng phổ biến ở hầu hết mẹ bầu, đặc biệt vào những tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, mẹ không nên xem nhẹ nếu tình trạng sưng phù đi kèm với các dấu hiệu bất thường, vì đó có thể là cảnh báo của một số bệnh lý nguy hiểm.
Nếu có những triệu chứng bất thường khi kèm phù chân, thai phụ cần đến bác sĩ để khám kịp thời.
Các dấu hiệu cần lưu ý:
- Sưng phù kéo dài, không giảm dù đã nghỉ ngơi
- Phù lan sang tay và mặt
- Tình trạng sưng ngày càng nặng hơn
- Đau đầu dữ dội
- Nhìn mờ, thị lực kém
- Đau nhiều dưới vùng xương sườn
- Buồn nôn liên tục, không rõ nguyên nhân
Đây là những dấu hiệu cảnh báo cho tiền sản giật. Tiền sản giật là hội chứng huyết áp cao do thai kỳ, đi kèm với sự tăng protein trong nước tiểu.
Chứng bệnh này thường xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến sản giật (co giật) và ảnh hưởng nghiêm trọng đến mẹ và bé.
Để phòng ngừa, mẹ cần theo dõi huyết áp thường xuyên và kiểm tra nhịp tim thai định kỳ.
Ngoài ra, nếu chỉ một bên chân bị sưng to bất thường, mẹ cũng cần lưu ý. Đây có thể là dấu hiệu của huyết khối tĩnh mạch sâu (tình trạng máu đông trong tĩnh mạch), thường gặp ở chân và dễ xảy ra ở phụ nữ mang thai.
3. Cách giảm và phòng ngừa phù chân khi mang thai
Mặc dù tình trạng này thường tự biến mất sau sinh, nhưng mẹ bầu có thể áp dụng các biện pháp sau để giảm thiểu hoặc phòng ngừa phù chân:
3.1. Thay đổi thói quen sinh hoạt
- Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu. Mỗi 30 phút, mẹ nên đổi tư thế hoặc đi lại nhẹ nhàng để máu lưu thông tốt hơn.
- Không nên ngồi vắt chéo chân vì sẽ cản trở sự lưu thông của máu. Tốt nhất nên duỗi thẳng chân khi ngồi hoặc dùng gối kê chân cao bằng đầu gối khi nằm.
- Không nên mang vớ nhiều, đặc biệt không mang những đôi vớ có phần bo ở mắt cá chân hoặc bắp chân. Nếu sử dụng vớ, các mẹ bầu nên lựa chọn những đôi vớ y khoa dành riêng cho phụ nữ mang thai nhé!
- Tập yoga bầu hoặc đi bộ nhẹ 15 - 20 phút mỗi ngày giúp máu lưu thông.
- Không mang giày cao gót hoặc giày có quai hậu quá chật. Những đôi dép bệt sẽ giúp mẹ bầu dễ dàng đi lại hơn.
- Tránh mặc những quần áo quá chật, quá ôm vào người vì chúng sẽ khiến quá trình lưu thông máu bị cản trở.
- Không mang vác vật nặng hoặc tập thể dục quá sức.
- Khi ngủ nên nằm nghiêng sang trái giúp giảm áp lực tĩnh mạch, cải thiện tuần hoàn.
- Có thể dùng máy đo huyết áp tại nhà để theo dõi và kiểm tra huyết áp.
- Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc lợi tiểu vì chúng có thể gây hại đến sự phát triển của thai nhi.
Thuốc lợi tiểu khiến thận đào thải nhiều nước và muối, làm giảm thể tích chất lỏng trong cơ thể mẹ, bao gồm cả máu, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
3.2. Điều chỉnh chế độ ăn uống
- Mẹ bầu cần hạn chế những thức ăn mặn, giảm hàm lượng muối trong đồ ăn.
- Nếu nguyên nhân dẫn đến hiện tượng phù chân khi mang thai là do thiếu kali thì có thể bổ sung chất này bằng các nguồn thực phẩm giàu kali. Chẳng hạn như cải bó xôi, chuối, nước cam, đậu nành,...
- Không nên sử dụng những thức ăn nhanh như khoai tây chiên, thức ăn đóng hộp. Vì hàm lượng chất béo trong các món ăn này thường rất lớn, góp phần tăng nguy cơ phù nề ở thai phụ.
- Không dùng những đồ ăn, thức uống có chứa caffeine, nhất là cà phê và trà. Thay vào đó nên uống nhiều nước lọc hay nước ép trái cây, tốt nhất duy trì uống 2 - 3 lít nước mỗi ngày giúp cơ thể thải bớt natri và giảm tình trạng sưng.
- Kiểm soát cân nặng theo đúng chỉ dẫn bác sĩ.
>> Xem thêm: Vì sao mẹ bầu nên ăn giảm muối?
3.3. Một số cách giảm đau, thư giãn
- Ngâm chân với nước ấm (thêm một chút muối Epsom)
- Dùng tay xoa bóp nhẹ từ bàn chân lên đùi để hỗ trợ máu lưu thông. Tránh ấn quá mạnh vào vùng sưng.
Massage chân cũng giúp mẹ bầu hạn chế bị phù nề chân.
Bằng cách điều chỉnh thói quen sinh hoạt, ăn uống hợp lý và vận động nhẹ nhàng, mẹ hoàn toàn có thể kiểm soát tình trạng phù chân khi mang thai. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường như sưng đột ngột, đau đầu, mờ mắt, mẹ hãy đi khám ngay để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé nhé!