1. Dấu hiệu thai nhi tuần thứ 40 phát triển khoẻ mạnh
1.1. Kích thước và cân nặng của thai tuần thứ 40
Tuần 40 là tuần cuối cùng của tháng thứ 9, cũng là tuần cuối của thai kỳ tiêu chuẩn. Một số em bé có thể đã ra đời trước đó một vài tuần, một số khác lại đến tuần 41, 42 mình được sinh ra.
Mỗi em bé khi chào đời thường có cân nặng và kích thước khác nhau, tuy nhiên chỉ số trung bình thường là:
- Kích thước: Dài khoảng khoảng 51cm
- Cân nặng: Nặng khoảng 3,462kg
Thai nhi lúc này như một quả bí ngô trong bụng mẹ. Các bác sĩ thường khuyên thai phụ nên điều chỉnh chế độ ăn uống để cân nặng của thai ở những tuần cuối dưới 3.5kg, điều này sẽ giúp đẻ thường thuận lợi hơn.

Kích thước thai nhi tuần thứ 40.
1.2. Sự phát triển của các bộ phận
- Da: Khi chào đời, em bé sơ sinh thường có làn da màu đỏ tím và chuyển sang màu đỏ hồng sau một vài ngày. Màu hồng đến từ các mạch máu màu đỏ có thể nhìn thấy qua da của em bé. Bên cạnh đó, lớp sáp nhờn bảo vệ da của em bé trong bụng mẹ đã tan hết ở tuần thứ 40. Vì vậy, da của bé sau khi sinh có thể bị khô ở một số chỗ.
- Hộp sọ: Hộp sọ của em bé không phải là một khối xương như của người lớn mà vẫn đang là những xương riêng biệt được nối với nhau bằng các mô linh hoạt. Điều này giúp phần đầu của bé chui ra khỏi tử cung người mẹ dễ dàng hơn. Sau khi bé con chào đời, mẹ sẽ có thể cảm nhận được những điểm mềm giữa các xương, được gọi là thóp, trên đỉnh và sau đầu của em bé,...
- Thị giác: Khi được sinh ra, tầm nhìn của bé con chỉ tập trung được khoảng cách tương đương 2.5 cm, em bé có thể nhìn thấy mẹ với hình ảnh khá mờ nhạt. Trong vài tháng tới, tầm nhìn của em bé sẽ ngày càng được hoàn thiện dần.
- Các bộ phận khác trên cơ thể: Các bộ phận trong cơ thể em bé đã hoàn thiện, sẵn sàng cho quá trình chuyển dạ và chào đời.

Ở tuần thứ 40, hầu hết các bộ phận của thai đã hoàn thiện chức năng.
1.3. Cử động đạp của thai nhi
Bước vào những ngày cuối của thai kỳ, mẹ có thể cảm nhận rõ sự chuyển động ngày càng nhiều của em bé. Bé con ngày càng “nghịch ngợm” và đã sẵn sàng chào đón cuộc sống bên ngoài.
Mẹ cũng cần lưu ý số lần chuyển động của em bé từng ngày, nếu thấy em bé chuyển động ít hơn bình thường phải đến bác sĩ ngay để được tư vấn nhé.
2. Những thay đổi của mẹ bầu ở tuần thứ 40
Tuần này, mẹ bầu có thể trải qua nhiều cảm xúc lẫn lộn.
Từ tuần thứ 40 trở đi, mẹ bầu cần chú ý đến từng thay đổi nhỏ nhất của cơ thể để nhận biết dấu hiệu chuyển dạ. Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng sẽ cảm thấy hồi hộp và lo lắng khi sắp được gặp con yêu.
Trong thai tuần 40, mẹ có thể có những thay đổi về thể chất như sau:
- Các cơn co thắt
+ Nguyên nhân: Cổ tử cung của mẹ mỏng đi (tròn ra) và mở rộng (giãn ra) để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ, tạo nên các cơn co thắt
+ Giải pháp: Mẹ hãy chú ý theo dõi các cơn co thắt này, nếu tình trạng này xảy ra trong khoảng thời gian đều đặn và thường xuyên thì hãy đến bệnh viện ngay vì rất có thể là mẹ đang chuẩn bị chuyển dạ.
- Đau nhiều ở vùng xương chậu
+ Nguyên nhân: Khi em bé tiếp tục tụt xuống thấp hơn để chuẩn bị chào đời, mẹ có thể nhận thấy đau và nhiều áp lực ở vùng xương chậu hơn.
+ Giải pháp: Mẹ hãy nghỉ ngơi, chườm đá và tìm cho mình những tư thế ngồi thoải mái hơn để giúp giảm các cơn đau này.
- Đau lưng
+ Nguyên nhân: Trọng lượng của em bé cộng với số cân tăng thêm từ nhau thai, chất lỏng và bầu ngực của mẹ sẽ tiếp tục gây thêm áp lực cho cột sống của mẹ.
+ Giải pháp: Mẹ có thể thử tập một số bài thể dục nhẹ nhàng, một vài liệu trình thư giãn massage và đi bộ có thể giúp bạn giảm bớt sự khó chịu.
- Các vấn đề phát sinh: Mất ngủ, khó ngủ
+ Nguyên nhân: Giai đoạn cuối thai kỳ cộng thêm các cơn đau lưng, đau vùng chậu và tâm trạng lo lắng khi ngày sinh nở cận kề sẽ khiến mẹ thường xuyên mất ngủ và khó ngủ.
+ Giải pháp: Mẹ hãy tranh thủ tận dụng mọi khoảng thời gian trong ngày để có thể chợp mắt, lựa chọn những chiếc gối bầu giúp giấc ngủ ngon hơn. Hãy cố gắng nghỉ ngơi thật nhiều trong giai đoạn này.

Hình ảnh thai nhi tuần thứ 40 trong bụng mẹ.
3. Một số lời khuyên cho mẹ bầu tuần thứ 40
3.1. Siêu âm thai
Tuần thứ 40 của thai kỳ đã nằm trong khoảng dự sinh của mẹ, nên mẹ có thể nhờ bác sĩ siêu âm 2 lần/tuần để theo dõi nhịp tim và chuyển động của em bé.
Việc này nhằm mục đích đảm bảo em bé vẫn đang phát triển bình thường và nhận được đủ lượng oxy cần thiết.
3.2. Dinh dưỡng
- Hạn chế các sản phẩm không tốt cho dạ dày như: đồ uống có ga, socola, trái cây và nước trái cây họ cam quýt, cà chua, mù tạt, giấm, các sản phẩm bạc hà, thịt chế biến và thực phẩm béo, cay, chiên hoặc nhiều gia vị,...
- Uống đủ lượng nước mà bác sĩ chỉ định.
- Đừng để mình bị đói hoặc khát. Để ngăn ngừa lượng đường trong máu thấp (một tác nhân gây đau đầu phổ biến), mẹ hãy ăn nhiều bữa nhỏ thường xuyên.
3.3. Chế độ sinh hoạt
- Nếu các cơn co thắt thường xảy ra vào ban đêm, mẹ hãy cố gắng ngủ “bù” càng nhiều càng tốt. Điều này rất tốt cho việc sinh nở và cổ tử cung của mẹ sẽ giãn ra trong khi ngủ.
- Tập luyện một vài bài thể dục nhẹ nhàng tốt cho quá trình chuyển dạ như: Đung đưa trên một quả bóng đỡ đẻ,... Tuy nhiên, mẹ cần được hướng dẫn bởi chuyên gia nhẹ.
- Tắm nước ấm hoặc tắm vòi hoa sen – đây là một phương pháp giảm đau đã được thử nghiệm và kiểm chứng.
- Chuẩn bị sẵn sàng đồ đạc khi sinh để nếu có dấu hiệu chuyển dạ lập tức nhập viện ngay.
4. Dấu hiệu sinh con ở tuần 40
Từ tuần thứ 40 trở đi, mẹ cần đặc biệt chú ý đến những dấu hiệu chuyển dạ để kịp thời đến bệnh viện:
- Sa bụng bầu, tụt bụng bầu
- Các cơn co thắt tử cung liên tục và thường xuyên
- Dịch nhầy ở cổ tử cung thay đổi
- Bị chuột rút nhiều hơn, đau lưng hơn
- Ngừng tăng cân, thậm chí giảm cân
- Vỡ ối - dấu hiệu chuyển dạ rõ rệt nhất
5. Thai tuần thứ 40 chưa chuyển dạ phải làm sao?
- Các mẹ bầu thường rất lo lắng nếu đến tuần thứ 40 mà chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Tuy nhiên, việc sinh sớm hoặc muộn 1-2 tuần là điều rất bình thường. Vì vậy, mẹ bầu và gia đình hãy bình tĩnh theo dõi đến tuần thứ 41.
- Nếu sau tuần thứ 41 mà vẫn chưa có các dấu hiệu sinh, các rủi ro sản khoa sẽ xuất hiện do nhau thai bị già đi, không đủ để cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi trong bụng. Lúc này, bác sĩ sẽ xem xét tình hình thai và đưa ra chỉ định phù hợp như kích sinh hoặc sinh mổ lấy thai.
- Để đảm bảo sức khoẻ cho cả mẹ và bé, mẹ cần luôn chú ý theo dõi các biểu hiện bất thường của cơ thể và cử động đạp của con, đồng thời khám thai, siêu âm theo đúng chỉ định của bác sĩ để kịp thời phát hiện nguy hiểm nếu có nhé.
Chúc các mẹ bầu vượt cạn thành công và sớm đón bé yêu chào đời nhé!