Mang thai tháng thứ 9: mẹ bầu cần chuẩn bị gì để sinh con an toàn

Ở thời điểm đã mang thai tháng thứ 9, chắc hẳn mẹ bầu nào cũng rất hồi hộp vì ngày đón bé yêu chào đời không còn xa. Đây là khoảng thời gian thai nhi đã phát triển gần như hoàn thiện, có kích thước lớn, vì vậy cơ thể mẹ bầu cũng gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt, vận động. Mẹ hãy trang bị kiến thức về giai đoạn này để vượt qua và chuẩn bị tốt cho kỳ sinh của mình nhé.

 

1. Ở tháng thứ 9, thai nhi phát triển ra sao?

Tháng thứ 9 được tính từ tuần thứ 33 đến tuần thứ 36. 

Thai nhi tháng thứ 9 đã chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển cuối cùng dể có khả năng thích ứng với môi trường bên ngoài:

  • Tóc và lông mi dài ra
  • Kích thước tay chân to lên
  • Trên khuôn mặt có thể biểu hiện cảm xúc 
  • Thai nhi “hoạt bát” hơn và đạp nhiều hơn để phản ứng lại với những kích thích từ bên ngoài
  • Chức năng của phổi gần như hoàn thiện vào tuần thứ 35, bé có thể hít và thở không khí ở bên ngoài.
  • Thai nhi lặp lại quá trình uống nước ối rồi thải ra như nước tiểu. Đây chính là sự chuẩn bị cho việc bú sữa mẹ và việc bài tiết sau khi bé sinh ra đợi.
  • Đầu thai nhi cố định tại xương chậu để sẵn sàng cho quá trình được sinh ra.
Hình ảnh thai nhi tháng thứ 9

Cuối tháng thứ 9, kích thước thai nhi đã gần bằng của một em bé sơ sinh, có thể nặng khoảng 2300g và dài trung bình 45cm

2. Những thay đổi của mẹ bầu khi mang thai tháng thứ 9

Cùng với sự phát triển của thai nhi để sẵn sàng chào đời, khi mang thai tháng thứ 9, cơ thể của mẹ bầu cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với việc chuyển dạ, bao gồm:

  • Bầu ngực chuẩn bị tiết sữa mẹ: vào thời điểm này, tuyến sữa của mẹ đã phát triển, một số mẹ bầu có thể tiết ra chất dịch lỏng màu vàng như sữa non
  • Bụng to lên gần đến dưới lồng ngực.
  • Âm đạo và cổ tử cung mềm ra để chuẩn bị cho việc sinh nở, dịch âm đạo tăng lên

Song song với những thay đổi này của cơ thể, mẹ bầu có thể gặp phải những khó khăn như:

  • Ăn ít lại do ruột, dạ dày bị chèn ép
  • Cảm giác khó chịu khi nằm do kích thước bụng lớn
  • Dễ chóng mặt, loạng choạng choạng do gần ⅙ lượng máu trong cơ thể đã tập trung về tử cung khiến máu lưu thông lên não bị thiếu.
  • Chân bị phù nề, huyết áp cao do tim phải hoạt động mạnh hơn
mang thai tháng thứ 9
Mẹ gặp nhiều khó khăn hơn trong di chuyển, vận động ở tháng thứ 9

3. Những điều mẹ nên làm ở tháng thứ 9

3.1. Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng

Vào những tháng cuối của thai kỳ, nhu cầu dinh dưỡng của cả mẹ và thai nhi vẫn rất lớn (khoảng 2500 – 2750 kcal mỗi ngày). Mẹ bầu cần ăn đầy đủ các nhóm dinh dưỡng (protein, tinh bột, canxi, sắt, rau quả…).

Nếu cảm thấy đói nhanh, mẹ có thể mang theo đồ ăn nhẹ như bánh quy, ngũ cốc… theo người để có thể ăn bất kỳ khi nào thấy đói. Mẹ cũng nên ăn nhiều rau quả để được bổ sung chất xơ, giảm táo bón.

Tuy nhiên, để chắc chắn về chế độ ăn phù hợp khi mang thai tháng thứ 9, mẹ nên đi khám bác sĩ để được tư vấn phù hợp nhất. Chẳng hạn, nếu tuần thứ 36 mà kích thước thai đã lớn gần bằng giới hạn sinh thường, bác sĩ có thể khuyên mẹ bầu chỉ duy trì chế độ ăn vừa phải.

3.2. Nằm nghiêng bên phải và sử dụng gối kê

Do kích thước bụng bầu lớn, tư thế nằm ngửa sẽ khiến mẹ khá khó chịu. Tư thế nằm ngủ phù hợp là nằm nghiêng sang trái để không làm chèn ép lê tĩnh mạch chủ nằm phía bên phải cơ thể.

Mẹ bầu cũng nên sử dụng gối ôm hoặc gối kê để tìm tư thế thoải mái nhất cho mình nhé.

tư thế nằm ở tháng thứ 9
Tư thế ngủ phù hợp cho mẹ bầu

3.3. Chuẩn bị cho kỳ sinh nở

Khi mang thai tháng thứ 9, mẹ bầu nên bắt đầu chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ, sinh con, chẳng hạn như:

  • Kiểm tra các đồ dùng cần thiết cho cả mẹ và bé
  • Luyện tập cách hít thở khi sinh (thở nhanh dần khi có cơn đau, hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng)
  • Di chuyển đến địa phương nơi bạn dự kiến sinh con trước tuần 34 để đảm bảo an toàn (chẳng hạn như những mẹ làm việc tại thành phố và muốn về quê sinh con)

3.4. Vận động nhẹ nhàng

Do kích thước bụng lớn nên mẹ bầu sẽ gặp khó khăn trong di chuyển, vận động. Mẹ cần tránh mang vác vật nặng hay chạy nhảy, đổi sang loại giầy/dép chống trơn trượt để tránh rủi ro bị ngã.

Khi mang thai thứ thứ 9, mẹ bầu cũng có thể đi bộ nhẹ nhàng, chậm rãi để tăng sức chịu đựng của cơ thể, hỗ trợ sinh con tốt hơn. 

Tuy nhiên, với các trường hợp như phụ nữ mang thai có vấn đề về cổ tử cung, bị tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp… thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về các sinh hoạt, vận động của mình, bao gồm cả việc đi lại hay có nên quan hệ tình dục hay không.

4. Dấu hiệu mẹ bầu tháng thứ 9 nên đến bệnh viện ngay

Nếu gặp phải những dấu hiệu này, mẹ bầu cần đến bệnh viện ngay lập tức:

  • Cảm giác đau vùng xương chậu hoặc khớp mu. Điều này cho thấy ngày sinh của mẹ đã rất gần rồi và xương chậu giãn ra để đáp ứng quá trình chuyển dạ
  • Bị căng cứng bụng liên tục: Trong 1h mà bụng bị căng lên nhiều lần với tần suất trên 10 phút/lần, đi kèm với các dấu hiệu như đau bụng, ra máu, đây có thể là dấu hiệu sinh non.
  • Phát hiện thấy thai nhi kém vận động: Thông qua đếm các cử động thai máy, mẹ có thể biết được khung giờ thức-ngủ của thai nhi. Nếu trong khung giờ “thức” của thai mà mẹ không cảm nhận được sự vận động nào thì nên đi khám ngay
  • Ra máu bất thường hoặc choáng váng, sốt: đây đều là các biểu hiện bất thường mà mẹ cần nhập viện để được chẩn đoán.

Chúc mẹ bầu thật khỏe mạnh để cùng đón em bé chào đời chỉ sau một thời gian ngắn nữa!