1. Dấu hiệu thai nhi tuần thứ 37 khỏe mạnh
Tuần thứ 37 là thuộc tháng thứ 9 của thai kỳ, thai đã phát triển gần như hoàn thiện cả về thể chất và chức năng của các bộ phận.
1.1. Kích thước và cân nặng thai nhi
Chỉ số trung bình của thai tuần thứ 37 như sau:
- Kích thước: Dài tầm 48,6 cm tính từ đầu đến gót chân
- Cân nặng: Nặng khoảng 2,9 kg
Để mẹ dễ hình dung thì hiện tại thai nhi của mẹ đang giống như một quả dưa hấu trung bình trong bụng mẹ.
Kích thước của thai tuần thứ 37.
1.2. Sự phát triển của các bộ phận
- Da: căng, hồng. Chất béo dưới da tiếp tục dầy lên và như một tấm đệm mỡ giúp em bé giữ ấm khi chào đời. Nhìn em bé lúc này đã khá mũm mĩm.
- Tóc: dày lên trông thấy. Có nhiều thai nhi khi chào đời đã có mái tóc dày, óng mượt.
- Hệ tiêu hóa: Trong ruột của thai nhi đã hình thành phân su.
- Phổi: đã gần hoàn thiện, tuy nhiên phải cần thêm thời gian để sẵn sàng cho việc chào đời. Nếu em bé ra đời ở tuần 37, bé đã có thể tự thở được nhưng còn yếu và cần được chăm sóc đặc biệt.
- Hệ miễn dịch: đang dần hoàn thiện và sẽ tiếp tục phát triển sau khi chào đời.
- Các chi (chân, tay): Các ngón tay của em bé đã linh hoạt hơn, bé có thể cầm nắm các bộ phận trên cơ thể mình. Em bé cũng đang tập mút tay để chuẩn bị cho cuộc sống sau khi chào đời.
Ngoài ra, để chuẩn bị cho việc chào đời, em bé cũng đã tập luyện trong túi ối bằng cách tập hít thở, chớp mắt, mở mắt và xoay người. Bé cũng có thể cau mày và mỉm cười.

Hình ảnh thai nhi tuần thứ 37.
1.3. Cử động đạp của thai nhi
Ở tuần thứ 37, tuy đang cảm thấy khá chật chội trong bụng của mẹ nhưng thai nhi vẫn chuyển động hằng ngày và mẹ vẫn cảm nhận rõ những cú đạp của thai nhi.
Lúc này, hầu hết thai nhi đã di chuyển xuống khá sâu ở vị trí xương chậu của mẹ để chuẩn bị cho việc chào đời.
Nếu ở tuần này mà bé vẫn chưa quay đầu, tức là ngôi thai ngược, mẹ bầu cần trao đổi với bác sĩ để có sự chuẩn bị tốt nhất cho quá trình sinh sắp tới.
2. Những thay đổi của mẹ bầu ở tuần thứ 37
Bước sang tuần thứ 37, ngoài những khó chịu quen thuộc từ các tuần trước như chuột rút, phù nề, mất ngủ, đầy hơi, mẹ bầu còn có thể gặp thêm những thay đổi sau:
2.1. Thay đổi về thể chất
- Cân nặng: Thay vì tăng cân nhanh như các tuần trước trong tam cá nguyệt thứ 3, ở thời điểm tuần 37 này mẹ bầu sẽ tăng cân chậm lại do thai nhi đã đạt được trạng thái gần hoàn thiện và không cần tăng trưởng nhiều về cân nặng nữa.
- Bầu ngực: phát triển lớn và núm vú to hơn, sẫm màu hơn. Đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể mẹ đang chuẩn bị cho quá trình cho bú khi thai nhi chào đời.
- Bụng của mẹ tụt xuống dưới (cảm giác to hơn ở phần dưới) do thai nhi đã di chuyển sâu xuống phía xương chậu.
2.2. Các vấn đề thường gặp
- Hay quên
+ Nguyên nhân: Do tâm lý lo lắng, suy nghĩ nhiều và căng thẳng dẫn đến việc mẹ bầu hay quên.
+ Giải pháp: Hãy ghi chú lại những việc cần làm, hoặc nhờ đến sự giúp đỡ của người thân nhắc bạn.
- Suy giãn tĩnh mạch: biểu hiện thường thấy là những vết tĩnh mạch nổi dài trên chân, bụng, đùi.... Mặc dù đã xuất hiện ở những tuần trước đó nhưng suy giãn tĩnh mạch có thể nặng nề hơn ở giai đoạn sát ngày sinh.
+ Nguyên nhân: Vì phải nuôi dưỡng thai nhi nên lượng máu của mẹ tăng nên do đó tạo áp lực đối với các tĩnh mạch ở chân.
+ Giải pháp: Hãy kê cao phần chân bằng cách đặt một chiếc gối dưới chân, hoặc mẹ bầu có thể nằm nghiêng sang bên trái. Mẹ cũng có thể dùng vớ y khoa hoặc ngâm chân vào nước nóng.
- Đau vùng xương chậu
+ Nguyên nhân: Do thai nhi đã di chuyển xuống vùng xương chậu.
+ Giải pháp: Hãy tắm nước ấm, áp dụng một số bài tập và matxa.
- Dịch âm đạo có lẫn máu: Dịch nhầy tiết ra từ âm đạo có màu hồng hoặc nâu
+ Nguyên nhân: do mạch máu ở cổ tử cung vỡ khi cổ tử cung giãn ra, chuẩn bị cho việc thai nhi chào đời.
+ Giải pháp: Đây là một dấu hiệu cho thấy ngày sinh đang đến rất gần. Mẹ hãy quan sát kết hợp với các dấu hiệu chuyển dạ khác để đến bệnh viện kịp thời.
- Các cơn co thắt giả (Braxton Hicks) xuất hiện thường xuyên hơn, mẹ sẽ thấy các cơn gò cứng bụng kéo dài hơn những tuần trước đó và khiến mẹ bị nhầm với cơn chuyển dạ.
+ Nguyên nhân: Đây là cơ chế của luyện tập của cơ thể để chuẩn bị cho ngày sinh gần kề.
+ Giải pháp: Mẹ hãy nằm xuống nghỉ ngơi ngay khi thấy bụng gò cứng. Ngoài ra nên hỏi ý kiến bác sĩ sản khoa để được hướng dẫn chi tiết phân biệt cơn chuyển dạ và cơn co thắt giả.

Vị trí của thai tuần thứ 37 trong bụng mẹ đã tụt sâu xuống vùng xương chậu.
3. Lời khuyên cho mẹ bầu tuần 37
Tuần thứ 37 đồng nghĩa ngày chuyển dạ của mẹ đang đến gần, mẹ hãy chú ý tới dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt để thai nhi ra đời khỏe mạnh nhé.
3.1. Siêu âm thai tuần 37
Bắt đầu từ tháng thứ 9, mỗi tuần mẹ cần đi siêu âm thai 1 lần để chuẩn bị tốt cho kỳ sinh nở sắp đến.
Khi siêu âm thai trong giai đoạn này, bác sĩ sẽ thực hiện các đánh giá sau:
- Đo kích thước, cân nặng của thai và các chỉ số cơ bản khác. Kiểm tra ngôi thai.
- Đánh giá các bất thường của thai nhi mà chưa phát hiện được ở các lần siêu âm trước, tuy nhiên tỉ lệ dị tật khởi phát muộn trong giai đoạn này khá thấp, chỉ khoảng 0.5% - 0.7%
- Dự đoán nguy cơ tiền sản giật hoặc tử cung chậm tăng trưởng.
Dựa trên những đánh giá này, bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp để mẹ chuẩn bị cho kỳ sinh nở, chẳng hạn như mẹ nên điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt như thế nào, mẹ nên sinh thường hay sinh mổ,...

Hình ảnh siêu âm thai nhi tuần thứ 37.
3.2. Chế độ dinh dưỡng
- Ăn uống lành mạnh, bổ sung các vitamin cần thiết (theo chỉ dẫn của bác sĩ), ăn nhiều rau xanh, trái cây.
- Hạn chế ăn đồ ăn chế biến sẵn, béo và mặn thay vào đó hãy ăn nhiều trái cây và rau xanh để hạn chế việc bị táo bón, ăn những thức ăn giàu sắt như (thịt bò, đậu, cá…).
- Không hút thuốc lá, rượu bia, trà và những đồ uống có chứa caffeine.
- Uống nhiều nước hằng ngày để đảm bảo nước ối.
3.3. Chế độ sinh hoạt
Ngoài chế độ dinh dưỡng mẹ cùng cần chú ý tới chế độ sinh hoạt lành mạnh như:
- Lựa chọn một số bài tập nhẹ nhàng cho mẹ bầu.
- Ngủ đủ giấc và thư giãn.
- Luôn giữ tinh thần thoải mái, không bị stress.
- Theo dõi sự chuyển động của thai nhi hằng ngày.
- Nắm rõ kiến thức về việc chuyển dạ.
- Thông báo cho người thân về việc chuyển dạ nếu có dấu hiệu.
- Chuẩn bị sẵn tâm lý và đồ đạc cá nhân để đi sinh.
>> Xem thêm: Danh sách mua sắm đồ sơ sinh đầy đủ và tiết kiệm
4. Các dấu hiệu chuyển dạ cần đến bệnh viện ngay
Đây là thời gian nhạy cảm vì mẹ có thể sinh bất cứ lúc nào, nên nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu chuyển dạ dưới đây mẹ hãy liên hệ tới ngay cơ sở y tế gần nhất.
- Tử cung giãn nở.
- Xuất hiện những cơn co thắt tử cung xuất hiện với tần suất liên tục, đi kèm với đó là những cơn đau xuất hiện 5-10 phút/lần.
- Vỡ ối.
Ngoài ra mẹ cần tới ngay cơ sở y tế gần nhất nếu xuất hiện những dấu hiệu sau:
- Chảy máu âm đạo.
- Thai nhi thiếu chuyện động.
- Chóng mặt, ngất xỉu.
- Xuất hiện những cơn co thắt bất thường.
Bài viết này tổng hợp những thông tin về sự phát triển của em bé và những thay đổi ở mẹ bầu trong tuần thai thứ 37. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích, giúp mẹ bầu chuẩn bị tốt nhất để chào đón con yêu chào đời.