Thai tuần thứ 34 phát triển ra sao và lời khuyên dành cho mẹ bầu

1. Dấu hiệu thai nhi tuần thứ 34 phát triển khoẻ mạnh

1.1. Kích thước và cân nặng của thai tuần thứ 34

Chỉ số trung bình của thai tuần thứ 34 như sau:

- Kích thước: Dài khoảng hơn 45 cm

- Cân nặng: Nặng khoảng 2.1 kg

Mẹ có thể hình dung em bé lúc này có trọng lượng tương đương một quả dưa gang.

Những tuần cuối thai kỳ là thời điểm cân nặng của bé tăng rất nhanh, từ tuần 34-37, bé có thể tăng trung bình 250g/tuần.

kích thước và cân nặng thai 34 tuần

Kích thước và cân nặng của thai tuần thứ 34.

1.2. Sự phát triển của các bộ phận

- DaLớp sừng vernix bao phủ lên da bé đang dày lên đáng kể từ tuần thứ 34. Lớp phủ sáp trắng này giúp em bé điều chỉnh nhiệt độ và tránh cho da bị mất nước sau khi chào đời. Ngoài ra nó cũng đóng vai trò trong khả năng miễn dịch của trẻ. 

- Lớp mỡ trắng tích trữ dưới da cũng ngày càng đầy lên. Khi chào đời em bé không chỉ mập mạp, đáng yêu mà điều này còn cực kì quan trọng giúp điều chỉnh thân nhiệt sau khi sinh.

- Xương đã khá cứng cáp, ngoại trừ hộp sọ vẫn tiếp tục hoàn thiện sau khi em bé chào đời.

- Tai tiếp tục được hoàn thiện hình dáng và chức năng trong vài tuần nữa, nhưng lúc này thai đã có phản ứng rất tốt với âm thanh.

- Móng tay của em bé đã mọc dài đến hết các đầu ngón tay. 

- Hệ tiêu hóa đã hoàn thiện và có thể tự hoạt động giúp bé con có thể hấp thu sữa mẹ ngay khi vừa chào đời.

- Hệ hô hấp cũng đã phát triển đầy đủ giúp em bé có thể hít thở trong không khí.

- Cơ quan sinh dục phát triển hơn nhờ được thúc đẩy bởi các hormone giới tính.

Nếu mẹ mang thai bé trai, tinh hoàn được hình thành ở ổ bụng và đang trong giai đoạn di chuyển đến bìu. Với khoảng 3 - 4% bé trai, quá trình di chuyển tinh hoàn đến bìu diễn ra lâu hơn. Vì vậy, đừng lo lắng nếu con trai được sinh ra mà tinh hoàn vẫn chưa xuống bìu, chúng sẽ xuất hiện trước khi bé 1 tuổi.

hình ảnh thai 34 tuần

Hình ảnh thai nhi tuần thứ 34.

1.3. Cử động đạp của thai nhi

Ở tuần thứ 34, bé con đang cuộn tròn trong bụng mẹ, chân cong về phía ngực.

Không gian trong bụng mẹ ngày càng trở nên chật hơn khiến các cử động của em bé bị hạn chế. Nhưng mẹ vẫn sẽ cảm thấy em bé của mình di chuyển xung quanh và nhìn thấy bụng của bạn cũng thay đổi hình dạng.

Ở tuần thai kì thứ 34, nếu em bé vẫn chưa chịu “đổi ngôi” xoay chiều nằm chúc đầu xuống thì mẹ nên tham khảo ngay ý kiến của các bác sĩ nhé. 

2. Những thay đổi của mẹ bầu ở tuần thứ 34

Những tuần cuối thai kỳ có thể khiến mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu, vì em bé vẫn đang phát triển từng ngày trong bụng mẹ.

Mẹ hãy chú ý đến những thay đổi sau đây nhé:

- Mắt hoạt động không tốt như bình thường

+ Nguyên nhân: Do ảnh hưởng của hormon thai kì, mắt của mẹ có thể hoạt động không tốt, tầm nhìn bị mờ đi nhiều

+ Giải pháp: Mẹ hãy mang kính râm khi ra đường và sử dụng thêm một số loại thuốc nhỏ mắt. Đây là các dấu hiệu bình thường và mắt mẹ sẽ bình thường trở lại sau quá trình sinh nở. 

- Cảm giác đau nhức vùng chậu và lưng dưới

+ Nguyên nhân: Trọng lượng tăng thêm của em bé đang lớn sẽ gây thêm áp lực lên các khớp của mẹ và sự thay đổi nội tiết tố sẽ gây ra các cơn đau nhức cho mẹ từ tuần thứ 34 trở đi.

+ Giải pháp: Mẹ hãy dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, tập một vài bài thể dục nhẹ nhàng và tìm tư thế ngủ cảm thấy thoải mái nhất để giảm thiểu các cơn đau.

- Táo bón

+ Nguyên nhân: Cơ thể mẹ sản xuất nhiều Hormone Progesterone hơn. Điều này làm cho các cơ thư giãn, bao gồm cả các cơ trong đường tiêu hóa của bạn. Do đó, thức ăn di chuyển chậm hơn xuống đường tiêu hóa của bạn và điều này khiến mẹ dễ bị đầy bụng, khó tiêu. Ngoài ra, kích thước thai lớn chèn ép các cơ quan tiêu hoá cũng là nguyên nhân gây táo bón.

+ Giải pháp: Mẹ nên bổ xung thêm chất xơ trong bữa ăn và uống đủ lượng nước mỗi ngày.

- Các cơn co thắt tử cung (Braxton Hicks)

+ Nguyên nhân: Những cơn co thắt diễn ra nhằm giúp tăng lưu lượng máu đến nhau thai, đồng thời cung cấp cho em bé nhiều oxy hơn. Đây là là những lần tập dượt của cơ thể để chuẩn bị có ngày sinh sắp đến.

+ Giải pháp: Mẹ nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, đứng dậy và uống một ít nước để giảm thiểu sự khó chịu từ những "cơn co thắt thực tập" này.

Ngoài ra, mẹ bầu cũng sẽ gặp các vấn đề như đầy hơi, đau lưng, rạn da, phù chân, rò rỉ sữa non và khó ngủ như đã giới thiệu ở tuần trước đó.

vị trí thai 34 tuần trong bụng mẹ

Vị trí thai tuần thứ 34 trong bụng mẹ.

3. Lời khuyên cho mẹ bầu tuần 34

3.1. Siêu âm thai tuần thứ 34

Nếu ở tuần 32, 33 mẹ chưa đi siêu âm, hoặc khi siêu âm thai chưa chuyển ngôi thì mẹ nên đi kiểm tra lại vào tuần này.

Bác sĩ sẽ đánh giá sự phát triển của thai nhi, kiểm tra dị tật khởi phát muộn và thực hiện thêm một số xét nghiệm khác. Mẹ có thể lựa chọn siêu âm 4D để nhìn rõ hình dáng của con hơn.

3.2. Dinh dưỡng

Chế độ ăn uống cân bằng:

- Duy trì việc uống nhiều nước, ăn các loại rau củ chất xơ.

- Các thực phẩm mẹ cần tránh tuyệt đối: Các chất kích thích, caffeine, các loại cá chứa thủy ngân (cá thu, cá kiếm); thực phẩm đông lạnh, gan, đồ chiên rán nhiều giàu mỡ, chất béo,... 

- Đặc biệt, mẹ cần tham khảo bác sĩ để được tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp cho riêng mình. Nếu thai đã to, vượt quá khung cân nặng, cần giảm sử dụng các thực phẩm có quá nhiều chất dinh dưỡng khiến em bé tăng cân nhanh, làm tăng nguy cơ cao huyết áp, tiền sản giật, sinh mổ khẩn cấp,...

- Lưu ý chế độ ăn ít natri (ít muối) trong những tuần cuối của thai kì để giảm nguy cơ tiền sản giật.

>> Xem thêm: Vì sao mẹ bầu nên giảm ăn muối?

3.3. Chế độ sinh hoạt

- Sắp xếp công việc dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi

- Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, bơi lội. Điều này vừa giúp mẹ bầu giảm chứng khó ngủ, tăng lưu lượng máu và giúp giảm stress ở giai đoạn cuối thai kì. 

- Theo dõi các cử động thai máy của em bé trong bụng để sớm phát hiện nếu có bất thường.

- Mang theo thuốc nhỏ mắt và kính râm bên mình.

- Tham gia các lớp học nuôi con con nhỏ, lớp học tiền sản.

Ở tuần này, mẹ cũng nên rà soát lại xem các đồ dùng cần thiết để chuẩn bị sinh đã đầy đủ chưa nhé.

>> Xem thêm: Danh sách mua sắm đồ sơ sinh đầy đủ và tiết kiệm

4. Dấu hiệu sinh sớm ở tuần thứ 34

Trong 3 tháng cuối thai kì, sức khỏe của mẹ và bé phải được theo dõi thường xuyên.

Nếu xuất hiện các biểu hiện sau, rất có thể mẹ sẽ sinh non và cần đến bệnh viện ngay:

- Đau bụng từng cơn và cảm giác nặng ở bụng dưới.

- Ra dịch âm đạo màu hồng hoặc dịch nhầy.

- Xuất hiện các cơn co tử cung liên tục dưới 10 phút một lần.

- Vỡ ối, rỉ ối.

Riêng với các nhóm bà mẹ có nguy cơ đặc biệt, có bệnh nền thì cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ và nhập viện ngay khi có yêu cầu. 

Bài viết này tổng hợp những thông tin về sự phát triển của em bé và những thay đổi ở mẹ bầu trong tuần thai thứ 34. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích, giúp mẹ bầu chuẩn bị tốt nhất để chào đón con yêu chào đời.