1. Dấu hiệu thai tuần thứ 28 khoẻ mạnh
Tuần thứ 28 là tuần đầu tiên của tháng thứ 7. Mẹ đã "chia tay" giai đoạn 3 tháng giữa dễ chịu nhất và bước vào những tháng nước rút cuối cùng.
Thời điểm này, tốc độ phát triển thể chất và chức năng các cơ quan của thai càng mạnh mẽ hơn.
Dù còn hơn 12 tuần nữa em bé mới chào đời nhưng mẹ hãy bắt đầu chuẩn bị từ bây giờ nhé.
1.1. Kích thước và cân nặng của thai tuần thứ 28
Chỉ số trung bình của thai tuần thứ 28 như sau:
- Kích thước: Dài khoảng 37,6 cm tính từ đầu đến gót chân.
- Cân nặng: Nặng khoảng 1,1kg
Để mẹ dễ hình dung thì hiện tại thai nhi của mẹ đang như 1 quả cà tím trong bụng của mẹ.

Kích thước của thai tuần thứ 28.
1.2. Sự phát triển của các bộ phận
Ngoài kích thước và cân nặng, mẹ cùng xem thai tuần thứ 28 có những bước phát triển nào khác nhé!
- Não: Trong tam cá nguyệt này, não của thai nhi sẽ nặng gấp 3 lần. Đại não sẽ phát triển các rãnh sâu, phức tạp, cung cấp thêm diện tích bề mặt mà không chiếm thêm không gian trong hộp sọ.
- Mắt: Mắt của thai nhi ở giai đoạn này vẫn tiếp tục phát triển để nhạy cảm với ánh sáng hơn.
- Các giác quan: Thính giác, khứu giác và xúc giác của thi nhai được phát triển và hoạt động mạnh mẽ hơn. Thai nhi bắt đầu nhận biết những âm thanh quen thuộc và cảm nhận được mùi vị.
- Hệ thần kinh: Hệ thống thần kinh tự trị của thai nhi (điều khiển các cử động không chủ ý) đang đảm nhận các nhiệm vụ mới. Cụ thể, nó bắt đầu kiểm soát nhiệt độ cơ thể của thai nhi và quản lý các chuyển động thở nhịp nhàng, giúp phát triển và củng cố phổi của thai.
Ngoài ra, ở tuần thứ 28, thai nhi bắt đầu có những điều thú vị như: có thể bắt đầu nằm mơ khi ngủ, biết dùng cơ mặt để thể hiện cảm xúc (nhăn mặt, cười..., thậm chí là lè lưỡi (để nếm nước ối) rồi đó.

Hình ảnh thai tuần thứ 28.
1.3. Cử động đạp của thai tuần thứ 28
Ở tuần thứ 28, thai nhi đang chuẩn bị tư thế cho lúc sinh, một là nằm chéo với đầu, hướng xuống đùi trái của mẹ và mặt hướng vào mông mẹ, hoặc hướng mặt vào đùi phải của mẹ.
Mặc dù vẫn đang thay đổi tư thế, vặn mình, “nhào lộn” trong bụng mẹ, nhưng thai nhi đang dần ổn định vị trí cho ngày chào đời rồi mẹ nhé.
Khi thai nhi của mẹ phát triển khỏe mạnh, mẹ sẽ cảm nhận được những cú đạp và nhiều chuyển động khác trong tam cá nguyệt thứ 3.
2. Những thay đổi của mẹ bầu tuần 28
Ngoài những thay đổi và phát triển của thai nhi, mẹ bầu ở tuần 28 cũng có nhiều thay đổi.
2.1. Thay đổi về thể chất
- Bụng: ngày một lớn hơn tương ứng với kích thước của em bé.
- Tăng cân
+ Nguyên nhân: do nhu cầu của cơ thể tăng lên, mẹ sẽ thèm ăn hơn và tăng cân nhanh hơn trong giai đoạn này.
+ Tuy nhiên, mẹ nên kiểm soát để chỉ tăng khoảng 400-500g mỗi tuần, tránh nguy cơ tiểu đường thai kỳ.
- Sưng phù chân
+ Nguyên nhân: Tử cung tăng kích thước gây chèn ép tĩnh mạch chủ dưới, máu dồn xuống chân nhiều gây hiện tượng sưng phù.
+ Giải pháp: Mẹ nên mát xa, xoa bóp chân trước khi đi ngủ. Điều này cũng giúp hạn chế tình trạng chuột rút khá phổ biến trong giai đoạn này.
- Xuất hiện các vết rạn da quanh vùng bụng, tay, chân.
+ Nguyên nhân: do kích thước thai lớn hơn, các vùng da bị căng ra, gây đứt gẫy các mô liên kết dưới lớp trung bì của da, tạo thành các vết rạn với màu sắc ngày càng sẫm màu hơn.
+ Giải pháp: mẹ nên bôi kem dưỡng ẩm, kem chống rạn thường xuyên để cải thiện độ đàn hồi của da.
>> Xem thêm: Top 5 Kem chống rạn da cho bà bầu tốt nhất hiện nay

Hình ảnh thai tuần thứ 28 trong bụng mẹ.
2.2. Các vấn đề phát sinh
- Rò rỉ sữa non
+ Nguyên nhân: Cơ thể mẹ đang "tập dợt" sản xuất sữa để nuôi bé con sau khi bé chào đời. Tuy nhiên, điều này cũng khá phiền hà cho mẹ khi áo bị ướt ở khu vực nhạy cảm.
+ Giải pháp: Mẹ có thể lót thêm một tấm khăn thấm hút tốt trong áo ngực và đổi sang các loại áo ngực có khả năng thấm hút tốt.
- Các vấn đề về tiêu hoá như táo báo, bệnh trĩ, ợ chua, buồn nôn
+ Nguyên nhân: kích thước thai lớn gây chèn ép lên các cơ quan tiêu hoá, khiến việc tiêu hoá trở nên khó khăn hơn
+ Giải pháp: Mẹ hãy cố gắng chia nhỏ bữa ăn, ăn thêm nhiều rau xanh, trái cây để bổ sung chất xơ giúp thức ăn được tiêu hoá dễ dàng hơn.
- Đau lưng: Mẹ bầu sẽ chịu những cơn đau do áp lực lên cột sống, xương sườn và phần trên dạ dày.
+ Nguyên nhân: Thai nhi lớn hơn, nặng hơn, cùng với khối lượng của nước ối làm tăng trọng tâm phía trước của cơ thể mẹ, khiến xương và cột sống phải gánh nhiều áp lực hơn.
+ Giải pháp: Mẹ hãy hạn chế làm các công việc nặng, đi lại hoặc đứng quá lâu. Khi thấy lưng đau mỏi, mẹ hãy nằm xuống để nghỉ ngơi một chút nhé.
- Gặp những giấc mơ kỳ lạ: Thời điểm này do thay đổi nội tiết tố cộng với giấc ngủ bị gián đoạn nên mẹ bầu dễ gặp những giấc mơ kỳ lạ.
Đây là những thay đổi phổ biến trong thời kỳ tam cá nguyệt thứ 3, nên mẹ không cần quá lo lắng mẹ nhé.
3. Lời khuyên cho mẹ bầu tuần 28
Sau đây là một số lưu ý cho mẹ về chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt trong tuần 28, các mẹ hãy ghi lại nhé.
3.1. Siêu âm thai tuần thứ 28
Mốc 24-28 tuần là thời điểm rất quan trọng để khám thai: xét nghiệm tiểu đường thai kỳ và siêu âm sàng lọc các dị tật khởi phát muộn.
Vì vậy nếu các tuần trước đó mẹ chưa đi khám thai thì cần đi ngay trong tuần này nhé.
>> Xem thêm: Tiểu đường thai kỳ và quy trình xét nghiệm
Ngoài ra, khi khám thai ở tuần thứ 28, mẹ bầu nên hỏi bác sĩ về chứng tiền sản giật, đặc biệt là tiền sản giật nhẹ.
Bệnh này có thể trở nặng đột ngột mà không có dấu hiệu rõ ràng, vì vậy mẹ cần nắm rõ các triệu chứng sớm như huyết áp tăng cao hoặc phù nề.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra nhóm máu Rh. Hầu hết mọi người có Rh dương tính.
Nếu mẹ bầu có Rh âm tính và em bé có Rh dương tính, em bé có thể gặp vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là trong lần mang thai sau. Bác sĩ sẽ tiêm globulin miễn dịch Rh để ngăn ngừa điều này.
Mẹ bầu cũng cần tiêm vắc xin phòng cúm, vắc xin Tdap (uốn ván - bạch hầu - ho gà) hoặc tiêm nhắc lại nếu cần.
3.2. Mang thai tuần thứ 28 nên ăn gì?
- Mẹ hãy ăn nhiều các thực phẩm giàu protein, sắt, canxi và vitamin K là những chất rất quan trọng trong giai đoạn này. Mẹ nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ nếu cần sử dụng thêm các viên uống bổ sung nhé
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, hạn chế đồ ăn đồ ăn chế biến sẵn, nói không với rượu, bia và caffeine.
- Uống 1,5 - 2l nước mỗi ngày để đảm bảo đủ nước ối cho thai.

3.3. Chế độ sinh hoạt
Ngoài chế độ ăn uống, mẹ cũng cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh:
- Tập những bài thể dục nhẹ nhàng cho bà bầu.
- Luôn giữ tinh thần thoải mái, không stress.
- Theo dõi sự chuyển động của thai nhi hàng ngày.
- Lên kế hoạch nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc vì nó ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi.
- Lựa chọn tư thế ngồi và nằm thật thoải mái.
- Lựa chọn những bộ trang phục mà mẹ bầu cảm thấy thoải mái khi nhất, và đặc biệt thoải mái với vòng bụng của mẹ.
- Tìm hiểu cách chăm sóc em bé và cho con bú từ các nữ hộ sinh.
4. Các dấu hiệu nguy hiểm cần đến bệnh viện ngay
Trong tuần thai thứ 28, nếu mẹ bầu gặp những dấu hiệu bất thường sau đây, đừng chủ quan mà hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và hỗ trợ kịp thời:
- Chứng tiền sản giật như tăng huyết áp, sưng phù nề.
- Thai nhi thiếu cử động hoặc cử động quá nhiều so với hàng ngày.
- Ra máu âm đạo bất thường.
- Bị chuột rút nhiều.
- Rò rỉ chất lỏng như bị vỡ ối.
Bài viết trên đã tổng hợp những thông tin về sự phát triển của em bé và những thay đổi ở mẹ bầu trong tuần thai thứ 28. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho các mẹ bầu.