1. Dấu hiệu thai tuần thứ 15 khỏe mạnh
Tuần thứ 15 của thai kỳ đánh dấu bước sang tháng thứ 4. Lúc này, mẹ bầu thường cảm thấy dễ chịu hơn vì đã qua giai đoạn ốm nghén nặng nề. Đồng thời, em bé trong bụng cũng đang phát triển rất nhanh.
Ở tuần thứ 15, em bé tiếp tục hoàn thiện các bộ phận và phát triển thêm nhiều chức năng của các cơ quan. Mẹ bầu cũng có thể cảm nhận rõ ràng hơn những thay đổi liên tục của em bé trong bụng.
1.1. Kích thước thai tuần thứ 15
Chỉ số trung bình của thai tuần thứ 15 như sau:
- Cân nặng: Khoảng 70g
- Chiều dài đầu mông (CRL): khoảng 10.1cm
Trong thời gian từ tuần 13 - 15, thai nhi có thể tăng kích thước gần gấp đôi sau mỗi tuần.
Bé lúc này có kích thước của một quả táo và hình dáng bên ngoài đang dần giống với hình ảnh của một em bé thu nhỏ.

Kích thước thai tuần thứ 15.
1.2. Về tim thai
Thai phát triển ổn định, tăng về kích thước so với những tuần trước. Nhịp tim giữ ở mức ổn định 120-160 lần/phút. Nếu trẻ cựa quậy nhịp tim của bé có thể tăng lên 180 lần/phút.
1.3. Bộ phận sinh dục của thai tuần thứ 15
Tò mò về giới tính của thai nhi là tâm lý chung của các mẹ bầu. Tuy nhiên, ở thời điểm trước tuần thứ 18, bộ phận sinh dục của thai còn quá nhỏ, trạng thái nằm của thai có thể che lấp.
Vì vậy mặc dù bộ phận sinh dục của thai đã hình thành nhưng vẫn khó quan sát một cách chính xác qua siêu âm.
1.4. Các phát triển khác của thai nhi tuần thứ 15
- Khuôn mặt của thai nhi đã trông giống một “em bé tí hon” với đầy đủ ngũ quan, mí mắt, lông mày, lông mi, tóc.
+ Tai đã nằm đúng vị trí ở 2 bên đầu thay vì nằm nằm ở cổ như những tuần thai trước
+ Mắt của em bé đang di chuyển từ hai bên đầu vào giữa khuôn mặt, khoảng cách giữa hai mắt cũng trở nên cân đối hơn. Tuy nhiên, mắt bé vẫn nhắm và sẽ mở ra ở những tuần tiếp theo.
+ Mí mắt, lông mày, lông mi, mũi, miệng và môi của bé cũng rõ ràng hơn. Cơ mặt của bé cũng đã có thể thể hiện một số cảm xúc như vui, cười, giận dỗi hoặc làm mặt xấu.
- Móng tay, móng chân của bé cũng đã phát triển. Bé cũng có thể thực hiện các động tác như mút ngón tay, ngáp, vươn vai hay nhăn mặt.
- Thai nhi đang hình thành các “nụ vị giác” và các dây thần kinh bắt đầu kết nối chúng với não. Từ nay cho đến tuần thứ 20, vị giác của bé sẽ được hình thành đầy đủ.
- Chân của thai nhi đã dài hơn cánh tay và bé có thể cử động tất cả các khớp và tứ chi. Bé cũng có thể thực hiện các động tác như mút ngón tay, ngáp, vươn vai hay nhăn mặt.
Ở giai đoạn này, em bé rất năng động và thường xuyên cử động trong bụng mẹ. Bé có thể vặn mình, duỗi người hoặc đạp nhẹ vào thành bụng.
Chỉ vài tuần nữa thôi, mẹ sẽ bắt đầu cảm nhận được những cử động đáng yêu này của con.

Hình ảnh thai tuần thứ 15.
2. Các thay đổi của mẹ khi mang thai tuần thứ 15
- Tăng cân: Từ giai đoạn 3 tháng giữa, mẹ sẽ cảm thấy cơ thể tròn trịa hơn, bụng bắt đầu lộ rõ.
+ Nguyên nhân: mẹ đã hết triệu chứng nghén và bắt đầu thèm ăn trở lại
+ Lưu ý: mẹ nên giữ mức độ tăng cân ở mức 0.3Kg - 0.5Kg mỗi tuần, không nên tăng cân quá nhanh. Nếu tăng cân quá nhanh hoặc không tăng cân, mẹ cần đến gặp bác sĩ sản khoa để được tư vấn.
- Nghẹt mũi hay viêm mũi thai kỳ
+ Nguyên nhân: Hàm lượng estrogen tăng cao khiến niêm mạc mũi sưng lên, tạo nhiều chất nhầy hơn bình thường, dẫn đến tình trạng nghẹt mũi ở bà bầu.
+ Giải pháp: Các triệu chứng này thường vô hại, mẹ hãy làm giảm bớt triệu chứng bằng cách: nhỏ nước muối sinh lý, xông hơi, kê cao gối khi ngủ, uống nhiều nước và bổ sung vitamin C.
- Trào ngược dạ dày, thực quản: cảm giác ợ chua, nóng rát ở ngực thường xảy ra sau khi ăn hoặc vào ban đêm.
+ Nguyên nhân: do nồng độ hormone progesterone trong cơ thể bà bầu thay đổi cùng với sự phát triển to lên của tử cung gây chèn ép dạ dày.
+ Giải pháp: Không nên ăn quá no, tránh các thức ăn chua, cay, có chứa nhiều ga hoặc các thức ăn chiên rán.
- Sưng nướu hay viêm nướu thai kỳ
+ Nguyên nhân: do sự thay đổi nội tiết tố khiến nướu nhạy cảm hơn với vi khuẩn trong mảng bám.
+ Giải pháp: mẹ hãy vệ sinh răng miệng thật cẩn thận trong thời gian mang thai nhé.
- Chóng mặt
+ Nguyên nhân: Do sự thay đổi hormone làm giãn mạch máu và giảm huyết áp, cùng với việc tăng lưu lượng máu để nuôi dưỡng thai nhi.
Hạ đường huyết do cơ thể sử dụng nhiều năng lượng hơn và thiếu máu cũng là những nguyên nhân phổ biến.
Ngoài ra, tư thế nằm, thay đổi tư thế đột ngột, môi trường nóng bức và căng thẳng cũng có thể góp phần gây ra tình trạng này.
+ Giải pháp: Nếu mẹ bầu cảm thấy chóng mặt hoặc có dấu hiệu muốn ngất xỉu, hãy nằm xuống ngay lập tức.
Nếu không có chỗ để nằm, hãy ngồi xuống và cúi đầu giữa hai đầu gối.
Trong trường hợp không thể ngồi hoặc nằm, hãy quỳ xuống và cúi đầu về phía trước để tránh bị ngất xỉu và ngã gây thương tích.
- "Não cá vàng": hay quên đồ vật, không thể nhớ những việc bình thường
+ Nguyên nhân: Hiện tượng hay quên ở mẹ bầu tuần 15 là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm thay đổi hormone, thiếu ngủ, căng thẳng và lo lắng, thay đổi trong não bộ và sự phân tâm.
+ Giải pháp: Để tránh quên những việc quan trọng, mẹ bầu có thể sử dụng bất kỳ công cụ nào có sẵn, ví dụ như giấy ghi chú, điện thoại hoặc máy tính bảng, để ghi lại và sắp xếp mọi việc.

Vị trí thai tuần thứ 15 trong bụng mẹ.
3. Lời khuyên cho mẹ mang thai tuần thứ 15
3.1. Khám thai
Mẹ bầu vừa trải qua mốc siêu âm thai quan trọng ở tuần 11-14. Vì vậy ở tuần 15 này, nếu không có gì bất thường hoặc yêu cầu từ bác sĩ, mẹ có thể không cần đi khám nhé.
3.2. Mẹ bầu tuần thứ 15 nên ăn gì?
- Ăn đa dạng, đầy đủ nhóm chất
Ở tuần 15, mẹ cần ăn đầy đủ các nhóm chất để đảm bảo sự phát triển của em bé.
Các loại thực phẩm nên bổ sung thường xuyên như:
+ Thịt nạc: thịt bò, heo, gia cầm
+ Các loại cá và hải sản nấu chín
+ Sữa ít chất béo
+ Hoa quả
+ Rau xanh
+ Các loại ngũ cốc và các loại hạt giàu omega 3 như hạt hạnh nhân, hạt óc chó.
Những thực phẩm này sẽ cung cấp cho mẹ bầu các chất dinh dưỡng bổ sung như protein, canxi, axit folic và các vitamin khác để thích hợp cho thai nhi phát triển khoẻ mạnh.
- Ăn các thực phẩm giàu canxi
Giai đoạn 3 tháng giữa là thời gian thai nhi tăng trưởng rất mạnh về hệ xương, vì vậy nhu cầu canxi là rất lớn. Mẹ nên ăn nhiều tôm, cua, trứng, thuỷ sản và uống thêm 6 đơn vị sữa mỗi ngày.
- Uống nhiều nước
Trong khoảng thời gian này, mẹ cũng nên đảm bảo uống khoảng 8 ly nước mỗi ngày để giữ cho cơ thể đủ nước, giúp giảm táo bón và nguy cơ tiền sản giật.
Bên cạnh bổ sung dưỡng chất từ thực phẩm, mẹ bầu có thể lựa chọn bổ sung thông qua viên uống để đạt hiệu quả tối ưu hơn.
>> Xem thêm: Bổ sung dinh dưỡng thai kỳ sao cho đúng cách?
3.3. Chế độ sinh hoạt
- Bắt đầu thói quen tập thể dục khi mang thai: Tuần 14, 15 là thời điểm thích hợp để mẹ bầu bắt đầu tập luyện thường xuyên. Mẹ có thể tham gia một lớp học bơi hoặc yoga cho bà bầu để tập các bài tập theo đúng chỉ dẫn.

Tập Yoga sẽ giúp mẹ nâng cao sức khoẻ cho cuộc vượt cạn sắp tới.
- Viết nhật ký mang thai: như cân nặng, các dấu hiệu thai kỳ, cảm xúc trong ngày... vừa để mẹ theo dõi quá trình thai nghén vừa là cách giúp kết nối mẹ và em bé đang nằm trong bụng mình.
- Chế độ sinh hoạt và làm việc phù hợp: không nên thức khuya hay làm việc quá sức
- Trang phục: Nên dùng giày đế bệt, tránh nơi trơn trượt và hạn chế chỗ đông người. Ngoài ra, hãy sử dụng những bộ đồ rộng rãi hơn để tránh gây áp lực lên vùng bụng.
- Quan hệ Tình dục khi mang thai: Ở tuần thứ 15, thai nhi đã phát triển ổn định hơn, vì vậy mẹ bầu có thể quan hệ tình dục một cách an toàn. Tuy nhiên, mẹ bầu nên lựa chọn những tư thế phù hợp để đảm bảo sự thoải mái và an toàn cho cả mẹ và bé.
>> Xem thêm: Top 5 Thảm tập yoga cho bà bầu tốt nhất hiện nay
4. Các dấu hiệu bất thường cần đến gặp bác sĩ
- Chuột rút hoặc đau bụng dữ dội.
- Khó thở.
- Khí hư tiết ra kèm theo mùi hôi khó chịu, màu sắc khí hư thay đổi, dịch nhầy tạo thành từng mảng hoặc trở nên đặc quánh thành cục.
- Vùng kín bị ngứa, đau, rát hoặc ửng đỏ, sưng tấy.
- Tiểu buốt, tiểu rắt.
- Xuất hiện các cơn gò kèm theo triệu chứng đau bụng.
Tuần thứ 15 cơ thể mẹ cũng đã thích nghi với việc mang thai. Tuy nhiên, cơ thể mẹ luôn thay đổi để đáp ứng nhu cầu phát triển của thai nhi. Vì vậy, mẹ nên tìm hiểu kỹ những vấn đề có thể gặp phải để có cách phòng tránh, bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và con.