1. Dấu hiệu thai tuần thứ 12 phát triển khỏe mạnh
Tuần thứ 12 là tuần cuối cùng của 3 tháng đầu thai kỳ, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình mang thai của mẹ.
Tin vui là nguy cơ sảy thai đã giảm đi đáng kể sau giai đoạn này. Lúc này, em bé đã phát triển gần như đầy đủ các cơ quan của một cơ thể người.
1.1. Kích thước thai tuần thứ 12
Chỉ số trung bình của thai tuần thứ 12 như sau:
- Cân nặng: khoảng 14g
- Chiều dài đầu mông (CRL): khoảng 5.4cm
Lúc này, bé có kích thước xấp xỉ 1 quả mận bắc.
Kích thước thai tuần thứ 12.
1.2. Tim thai
Tim thai tuần thứ 12 đã gần như hoàn thiện, nhịp tim khoảng 120-160 lần/phút và có thể lên tới 180 lần/phút nếu có kích thích. Nhịp tim thai nhi đã có thể được nghe rõ ràng khi siêu âm.
1.3. Bộ phận sinh dục của thai tuần thứ 12
Cơ quan sinh dục ngoài (dương vật ở bé trai, âm vật và âm hộ ở bé gái) đang bắt đầu phát triển, hormone sinh dục cũng đã tiết ra và hoạt động. Tuy nhiên, vẫn chưa thể nhận biết được chính xác giới tính của bé cho đến tuần thai thứ 16-18.
1.4. Các phát triển khác
- Não: Tuyến yên trong não bắt đầu chế tiết nội tiết tố.
- Khuôn mặt: hoàn thiện hơn, hai mắt di chuyển lại gần nhau hơn và hai tai di chuyển về phía sau so với tuần 11. Mắt bé vẫn nhắm chặt và miệng bé có thể mút. Cổ bé đã phát triển rõ hơn, khiến phần đầu và thân không còn trông giống như đang dính liền vào nhau nữa.
- Xương: được tạo thành từ mô và cứng lại thành xương. Tủy xương dần sản sinh bạch cầu - hàng rào bảo vệ của cơ thể trước các bệnh nhiễm trùng sau khi chào đời.
- Các ngón tay, ngón chân: hoàn toàn không còn màng nối và lờ mờ xuất hiện vân tay. Bé có thể co duỗi ngón tay, ngón chân. Miệng bắt đầu xuất hiện phản xạ mút tay.
- Tế bào thần kinh: phát triển một cách nhanh chóng.
- Ruột: ruột non và ruột già phát triển nhanh chóng và bắt đầu kéo dài hơn. Các nhu động ruột bắt đầu xuất hiện.
- Thận: bắt đầu bài tiết nước tiểu.
- Nhau thai: của mẹ đã vào tử cung, vị trí nhau bám thường là mặt trước và mặt sau của thân tử cung.
Ở tuần thứ 12, bé vận động tích cực hơn tuy nhiên vẫn còn quá nhỏ để mẹ cảm nhận được “thai máy”.

Hình ảnh thai nhi tuần thứ 12.
2. Mẹ bầu thay đổi thế nào khi mang thai tuần thứ 12?
Khoảng thời gian này, các triệu chứng ốm nghén đã giảm hẳn và cơ thể mẹ bắt đầu ổn định hơn, khẩu vị và tâm trạng của mẹ thoải mái hơn.
Kết thúc tuần thứ 12 tức kết thúc 3 tháng đầu của thai kỳ, mẹ thường tăng khoảng 1kg, bụng mẹ tròn hơn nhưng vẫn chưa lộ ra hẳn.
Cùng với đó, cơ thể mẹ bầu sẽ có những thay đổi sau:
- Ngoại hình trở nên đầy đặn, bụng bắt đầu lộ to ra
Đối với những mẹ bầu mang thai lần đầu, bụng có thể chưa to rõ ở tuần thứ 12. Trong khi đó, những mẹ bầu mang thai lần thứ hai hoặc thứ ba thường thấy bụng to hơn vì cơ bụng đã giãn ra từ những lần mang thai trước.
- Thay đổi ở vùng ngực: Ngực căng tức, núm vú sẫm màu hơn.
+ Nguyên nhân: do nhu mô tuyến vú tăng sinh, ảnh hưởng bởi các hormone estrogen và progesteron.
+ Giải pháp: Mẹ tránh sử dụng áo ngực chật chội, hãy sử dụng áo ngực rộng rãi cho bà bầu, có lớp đệm mềm mại.
- Chóng mặt: mẹ bầu có thể cảm thấy lâng lâng và choáng váng nếu đứng dậy quá nhanh sau khi cúi xuống hoặc sau khi ngồi lâu.
+ Nguyên nhân: do hệ nhịp tim tăng lên, tim bơm nhiều máu hơn mỗi phút và lượng máu trong cơ thể tăng từ 30 đến 50%.
+ Giải pháp: Ngồi xuống từ từ để tránh ngã bất ngờ. Hãy đứng dậy từ từ, vì những chuyển động đột ngột sẽ làm tình trạng chóng mặt trở nên tồi tệ hơn. Hãy nằm nghiêng để tối đa hóa lưu lượng máu đến cơ thể và não.
- Thường xuyên bị ợ hơi:
+ Nguyên nhân: do sự thay đổi nồng độ hormon progesterone, làm chậm quá trình tiêu hóa và giãn các cơ trơn trong dạ dày, dẫn đến tích tụ khí và ợ hơi.
+ Giải pháp: Ăn chậm, nhai kỹ và tránh ăn quá no; Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa nhẹ nhàng; Tránh ăn đồ ăn gây khó tiêu và chứa nhiều gas.

Vị trí thai tuần thứ 12 trong bụng mẹ.
3. Lời khuyên cho mẹ bầu tuần thứ 12
3.1. Khám thai và siêu âm thai tuần thứ 12
Khám thai tuần thứ 12 là một trong ba cột mốc quan trọng nhất của thai kỳ. Đây là thời điểm thai nhi phát triển rõ ràng, đặc biệt là tim thai, hệ thần kinh và các phản xạ của cơ thể.
- Siêu âm thai: tuần thứ 12 là thời điểm vàng để siêu âm thai đo độ mờ da gáy. Cận lâm sàng này có thể được thực hiện khi thai 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày nhằm mục đích sàng lọc nguy cơ mắc hội chứng Down.
Ngoài ra, siêu âm thai tuần thứ 12, bác sĩ có thể đánh giá cấu trúc thai nhi, theo dõi tim thai và dự kiến ngày sinh.
- Các xét nghiệm: Ở tuần thứ 12, mẹ sẽ được thực hiện các xét nghiệm công thức máu, nước tiểu, xét nghiệm đường huyết, xét nghiệm viêm gan B, HIV để theo dõi thể trạng của mẹ, phát hiện nguy cơ bệnh tật và có hướng điều trị thích hợp.
- Các chỉ định khác: Ngoài ra, tùy từng tình hình thai nhi mà mẹ bầu sẽ được chỉ định làm thêm một số sàng lọc dị tật bẩm sinh khác như: xét nghiệm Double Test, Triple test, xét nghiệm Rubella IgM và IgG, siêu âm Doppler thai,...

Hình ảnh siêu âm thai tuần thứ 12.
3.2. Mang thai tuần thứ 12 nên ăn gì?
Mẹ bầu giai đoạn này vẫn tiếp tục bổ sung thêm 50Kcal mỗi ngày so với lúc chưa mang thai.
- Thực phẩm giàu sắt
Mẹ bầu vẫn tiếp tục bổ sung thực phẩm giàu chất sắt để đề phòng thiếu máu. Sắt có nhiều trong các loại thực phẩm như gan, thịt bò, thịt gà, lòng đỏ trứng gà, các loại động vật có vỏ… và được cơ thể hấp thụ dễ dàng.
Ngoài ra, hãy uống thêm nước ép các loại trái cây giàu vitamin C để tăng cường hấp thu sắt.
Từ tuần thứ 12 trở đi, mẹ bầu cần bổ sung DHA và Canxi.
- Thực phẩm giàu Omega-3
Những thực phẩm giàu axit béo omega-3 và DHA (cá biển, các loại hạt, rau bina,...) giúp hỗ trợ quá trình phát triển não bộ của trẻ.
- Thực phẩm giàu Canxi
Thời điểm này xương của thai nhi trở nên cứng cáp hơn, mẹ hãy bổ sung các thực phẩm giàu canxi như: sữa, đậu hũ, phô mai, cá mòi,...
Tuy nhiên, nếu chỉ bổ sung qua các thực phẩm như trên thì chưa đủ bởi hàm lượng các dưỡng chất dành cho bà bầu cần nhiều hơn thế.
Vì vậy, mẹ bầu hãy bổ sung thêm từ viên uống để đảm bảo đủ chất cho cả mẹ và bé.
>>> Xem thêm: Cách uống sắt, Canxi và DHA cho bầu tốt nhất
3.3. Có quan hệ tình dục được không?
Khi mang thai được 12 tuần, nếu cơ thể mẹ đã ổn định hơn và có ham muốn thì mẹ có thể quan hệ tình dục. Tuy nhiên, khi mang thai mẹ không nên quan hệ tình dục quá mạnh bạo.
Ngoài ra, điều này cũng tuỳ thuộc vào tình trạng sức khoẻ của mỗi mẹ bầu và thai nhi, vì vậy đừng ngần ngại tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa.
3.4. Chế độ sinh hoạt
- Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga dành cho bà bầu, hoặc bơi lội. Tránh tập luyện quá sức và các môn thể thao nguy hiểm.
- Duy trì giấc ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm. Tạo môi trường ngủ thoải mái, tránh ánh sáng mạnh và ồn ào.
- Tắm rửa hàng ngày, chú ý vệ sinh vùng kín để tránh viêm nhiễm do thời gian này mẹ bầu bị tiết nhiều khí hư.
- Thay quần áo sạch sẽ, chọn chất liệu thoáng mát và thoải mái.
- Thực hành các phương pháp thư giãn như hít thở sâu, nghe nhạc nhẹ hoặc thiền.
4. Các dấu hiệu bất thường cần đến bệnh viện ngay
- Đau bụng hoặc thắt lưng dữ dội.
- Chuột rút thường xuyên trong ngày.
- Chảy máu bất thường.
- Xuất hiện nhiều vết thâm bầm kéo dài.
- Sốt và các dấu hiệu nhiễm trùng.
- Ốm nghén trầm trọng: nôn mửa nhiều lần trong ngày, không ăn uống được gì, không tiểu tiện được, mệt mỏi lờ đờ, bị sút cân nặng.
Khi có các dấu hiệu bất thường mẹ hãy đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Trên đây là những lưu ý quan trong trọng khi mang thai tuần thứ 12. Mẹ đã vượt qua được giai đoạn đầu đầy khó khăn và sắp đón 3 tháng giữa của thai kỳ nhẹ nhàng hơn. Mẹ hãy chăm sóc sức khỏe bản thân và đừng quên đi khám thai định kỳ nhé!