Rối loạn đông máu khi mang thai và những điều mẹ bầu cần biết

Vào 3 tháng cuối thai kỳ, nhiều mẹ bầu có thể gặp rối loạn đông máu do thiếu các yếu tố VIII, IX, XI. Tình trạng này không chỉ nguy hiểm cho sức khỏe thai phụ mà còn ảnh hưởng đến thai nhi. Vậy cụ thể, rối loạn đông máu khi mang thai đe dọa như thế nào?

1. Rối loạn đông máu là gì? 

Rối loạn đông máu là tình trạng cơ thể thiếu hụt các yếu tố cần thiết để máu đông lại, khiến máu chảy kéo dài và khó cầm hơn bình thường.

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh này, nhưng với phụ nữ mang thai, rối loạn đông máu có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi.

Tùy theo loại yếu tố đông máu bị thiếu hụt, bệnh được chia như sau:

- Hemophilia A (thiếu yếu tố VIII): chiếm khoảng 85% trường hợp.

- Hemophilia B (thiếu yếu tố IX): chiếm gần 14% trường hợp.

- Hemophilia C (thiếu yếu tố XI - tiền thromboplastin huyết tương): ít gặp hơn.

Dựa trên mức độ thiếu hụt yếu tố VIII, rối loạn đông máu được chia thành:

- Thể nặng: yếu tố VIII dưới 1%.

- Thể trung bình: yếu tố VIII từ 1 - 5%.

- Thể nhẹ: yếu tố VIII từ 5 - 30%.

Rối loạn đông máu xảy ra khi cơ thể có quá ít tiểu cầu, tiểu cầu hoạt động kém, hoặc thiếu hụt các yếu tố đông máu.

2. Những ai có nguy cơ cao mắc rối loạn đông máu khi mang thai? 

Dù bất kỳ mẹ bầu nào cũng có thể gặp phải tình trạng rối loạn đông máu, nhưng một số đối tượng dưới đây có nguy cơ cao hơn:

- Phụ nữ từng bị sảy thai không rõ nguyên nhân từ 3 - 5 lần trước tuần thai thứ 10, hoặc sảy thai sau tuần thứ 10.

- Phụ nữ từng bị thai chết lưu.

- Phụ nữ sinh non trước 34 tuần do tiền sản giật hoặc bất thường ở nhau thai.

- Phụ nữ từng bị huyết khối trong thời gian mang thai.

Nếu thuộc nhóm nguy cơ cao, mẹ bầu nên thông báo cho bác sĩ để được xét nghiệm, chẩn đoán và theo dõi kỹ lưỡng. 

Việc phát hiện và can thiệp sớm sẽ giúp đảm bảo thai kỳ an toàn cho cả mẹ và bé.

>> Xem thêm: Tiền sản giật và những điều mẹ bầu cần biết

3. Triệu chứng của rối loạn đông máu khi mang thai 

Các dấu hiệu nhận biết rối loạn đông máu ở mẹ bầu có thể bao gồm:

- Chảy máu cam thường xuyên và kéo dài.

- Chảy máu bất thường mà không rõ nguyên nhân.

- Dễ chảy máu chân răng.

- Cảm giác mệt mỏi, đau tức ngực, sưng hoặc đau đột ngột ở tay chân.

- Có máu lẫn trong phân hoặc nước tiểu.

- Mạch máu nổi rõ ở vùng chân và đùi.

Nếu tình trạng rối loạn đông máu nặng hơn, mẹ bầu có thể bị chảy máu khi va chạm hoặc chấn thương, tim đập nhanh, huyết áp hạ và có nguy cơ suy tim.

4. Biến chứng của rối loạn đông máu khi mang thai 

Rối loạn đông máu ở mẹ bầu là tình trạng nguy hiểm, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả mẹ và thai nhi nếu không được điều trị kịp thời. 

Dưới đây là những biến chứng thường gặp:

- Thai chậm phát triển: Em bé có thể bị thiếu dưỡng chất và oxy, dẫn đến sinh ra nhỏ hơn bình thường.

- Xuất huyết bất thường: Sự thiếu hụt fibrinogen trong máu đông, tổn thương ở tử cung và bánh rau do rối loạn đông máu gây ra có thể đe dọa tính mạng mẹ và bé.

- Tắc mạch nước ối: Một biến chứng rất nguy hiểm, thường chỉ được phát hiện sau khi thai nhi đã tử vong. Biến chứng này có thể xảy ra khi chọc ối, sinh mổ hoặc lấy thai ra. Dấu hiệu là mẹ bị tụt huyết áp, tim đập nhanh, khó thở do nghẽn mạch ở phổi.

- Suy nhau thai: Nhau không thể cung cấp đầy đủ dưỡng chất và oxy cho thai nhi, khiến bé bị thiếu hụt và không phát triển tốt.

- Tiền sản giật: Thường xảy ra ở mẹ bầu có tiền sử cao huyết áp, gây suy giảm chức năng gan, thận.

- Nguy cơ sinh non: Bé có thể chào đời trước tuần thứ 37, dẫn đến nhiều biến chứng về sức khỏe.

- Nguy cơ sảy thai và nhiễm trùng: Thai lưu trước 28 tuần có thể dẫn đến hoại tử mô, gây nhiễm trùng cho mẹ.

Rối loạn đông máu nguy hiểm cả mẹ và thai nhi. 

5. Chẩn đoán rối loạn đông máu khi mang thai 

Trước khi mang thai, phụ nữ nên đi khám tại các cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra sức khỏe tổng quát và phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến rối loạn đông máu nếu có. 

Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm sau:

- Xét nghiệm công thức máu

- Xét nghiệm thời gian chảy máu

- Xét nghiệm đông máu cơ bản

- Xét nghiệm các yếu tố đông máu cụ thể

- Đánh giá khả năng kết dính và ngưng kết của tiểu cầu

- Xét nghiệm đánh giá tình trạng máu dễ đông

- Xét nghiệm D-dimer

Nếu phát hiện bị rối loạn đông máu trong thai kỳ, mẹ bầu sẽ đối mặt với nguy cơ khó cầm máu khi chuyển dạ. 

Việc thực hiện các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ giúp chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra trong suốt thai kỳ.

6. Cách điều trị rối loạn đông máu khi mang thai 

Khi mẹ bầu được chẩn đoán mắc rối loạn đông máu, bác sĩ thường chỉ định sử dụng thuốc tiêm thay vì thuốc uống. 

Lý do là vì thuốc uống có thể bị phân hủy bởi axit trong dạ dày, đi qua nhau thai và ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Do đó, phương pháp điều trị phổ biến hiện nay là tiêm thuốc chống đông máu. 

Hai loại thuốc thường được sử dụng là Heparin và Heparin trọng lượng phân tử thấp. Những loại thuốc này được tiêm dưới da, vào lớp mỡ dưới da, giúp hạn chế tối đa việc thuốc truyền qua nhau thai, đảm bảo an toàn cho thai nhi.

Phụ nữ mang thai được chỉ định tiêm thuốc heparin để ngăn ngừa đông máu.

Rối loạn đông máu là một bệnh lý nguy hiểm trong thai kỳ, có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của cả mẹ và bé. Vì vậy, mẹ bầu cần đi khám thai định kỳ đúng lịch, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cần thiết theo chỉ định của bác sĩ để kịp thời phát hiện và điều trị nếu có dấu hiệu bất thường.

Tags: