Cách xử trí khi mẹ gần sinh nhưng thai không quay đầu

Khi đến gần ngày sinh mà thai nhi vẫn chưa quay đầu, mẹ bầu có thể đối mặt với nguy cơ khó sinh thường hoặc phải sinh mổ. Tuy nhiên, vẫn có những cách hỗ trợ thai quay đầu an toàn và hiệu quả. Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ hiểu rõ cách xử trí trong tình huống này.

1. Khi nào thai nhi sẽ quay đầu? 

Thời điểm quay đầu của thai nhi phụ thuộc vào sự phát triển của bé và độ giãn nở tử cung, thường diễn ra trong khoảng tuần 32 - 36. Cụ thể:

- Mang thai lần đầu: Thai thường quay đầu vào tuần 34 - 35.

- Mang thai lần hai: Bé thường quay đầu muộn hơn (tuần 36 - 37).

- Một số trường hợp: Có thể quay đầu sớm từ tuần 28.

Khi thai nhi quay đầu, mẹ bầu sẽ cảm nhận rõ bụng dưới trở nên nặng nề hơn, đặc biệt là khi càng gần ngày dự sinh. 

Nếu đến gần cuối thai kỳ mà thai nhi vẫn chưa quay đầu, mẹ có thể tham khảo một số phương pháp hỗ trợ từ bác sĩ để giúp bé xoay chuyển vị trí thuận lợi cho quá trình chuyển dạ.

2. Dấu hiệu thai nhi quay đầu 

- Khi ấn nhẹ vào vùng xương mu, nếu cảm thấy một khối cứng, tròn thì có thể đó là đầu em bé. Ngược lại, nếu phần này mềm thì có thể là mông bé, tức bé chưa quay đầu.

- Nhịp tim thai nghe rõ ở vùng bụng dưới thường cho thấy thai nhi đã quay đầu đúng vị trí.

- Mẹ cảm thấy bé đạp mạnh ở bụng trên và đập nhẹ ở bụng dưới. 

- Siêu âm giúp xác định rõ tư thế thai nhi, từ đó bác sĩ có thể tư vấn cách hỗ trợ nếu bé chưa quay đầu (ví dụ: bài tập nghiêng khung chậu).

3. Các phương pháp xử trí khi thai chưa quay đầu

Nếu thai nhi chưa quay đầu, mẹ bầu cũng không cần quá lo lắng. Nhiều mẹ có thai ngôi ngược từ tuần 30 - 37 đã áp dụng các mẹo dưới đây và cho biết khá hiệu quả. 

Tuy nhiên, trước khi thực hiện, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn phương pháp phù hợp với cơ địa của mình.

3.1. Phương pháp tự nhiên 

Luyện tập thể dục 

+ Bài tập 1:

Nằm ngửa trên giường, kê một cái gối dưới hông để nâng cao khoảng 30 cm. Giữ tư thế này trong 10 - 15 phút và thực hiện 2 - 3 lần mỗi ngày. 

Bài tập này giúp mở rộng không gian ở phần dưới tử cung, khuyến khích thai nhi xoay đầu xuống.

+ Bài tập 2: 

Chúc đầu xuống dưới và dùng hai tay đỡ, đồng thời co gối và đẩy phần mông lên cao. 

Tư thế này sẽ mở rộng phần dưới tử cung, tạo không gian cho đầu bé quay xuống. Thực hiện 2 lần mỗi ngày, mỗi lần từ 5 - 15 phút.

+ Bài tập 3:

Tương tự, dùng tay đỡ phần đầu chúc xuống, đặt đầu gối trên ghế hoặc giường cao hơn. Tư thế này giúp thư giãn xương chậu. Giữ vị trí này tối đa 30 giây và lặp lại 3 - 4 lần mỗi ngày.

Tư thế nằm nghiêng 

Mẹ bầu cần xác định vị trí đầu thai (có thể hỏi bác sĩ hoặc cảm nhận chỗ cứng trên bụng). Nếu đầu thai ở bên phải, nằm nghiêng phải; nếu ở bên trái, nằm nghiêng trái.

Tư thế này tận dụng trọng lực để thai di chuyển xuống dưới. Đây là cách đơn giản nhưng được nhiều mẹ bầu áp dụng và cho thấy kết quả tích cực.

Đi bộ nhẹ nhàng

Đi bộ đều đặn mỗi ngày (khoảng 20 - 25 phút, 2 lần/ngày) trong tam cá nguyệt cuối không chỉ tốt cho sức khỏe mẹ mà còn hỗ trợ bé xoay đầu về đúng vị trí thuận lợi.

Bơi lội

Bơi lội cũng là một cách hiệu quả để giúp em bé trong bụng di chuyển. Áp lực của nước giúp thư giãn các cơ bắp của mẹ, tạo điều kiện thuận lợi cho thai nhi xoay chuyển.

Thai giáo bằng âm thanh và ánh sáng 

Đặt tai nghe phát nhạc nhẹ nhàng hoặc đèn pin nhỏ ở phần dưới bụng. Nhờ đó, thai nhi có thể phản ứng với kích thích và di chuyển về phía âm thanh hoặc ánh sáng.

Đặt đậu đông lạnh lên bụng 

Thai nhi thường thích cảm giác ấm áp hơn là lạnh. Do đó, việc sử dụng một bịch đậu đông lạnh và đặt lên bụng gần đáy tử cung có thể giúp kích thích em bé tự xoay lại vị trí nằm.

Nhiều mẹ bầu cho biết mẹo này hiệu quả hơn khi thực hiện trong bồn tắm nước ấm.

Mẹ có thể thực hiện thường xuyên vì đậu đông lạnh không phải là thủ thuật y tế, nên không gây hại cho bé. Đây là một phương pháp dân gian giúp thai nhi quay đầu hiệu quả.

3.2. Phương pháp y khoa 

Nếu thai phụ đã bước sang tuần thứ 37 mà các phương pháp tự nhiên ở trên không hiệu quả, bác sĩ sản khoa có thể thực hiện thủ thuật ngoại xoay thai (External Cephalic Version - ECV) để giúp thai nhi quay đầu. 

Đây là thủ thuật mà bác sĩ sẽ dùng tay ấn và xoay nhẹ từ bên ngoài bụng mẹ để đưa bé về ngôi đầu. Nếu thành công, mẹ có thể sinh thường qua ngả âm đạo.

Tuy nhiên, ngoại xoay thai không phải lúc nào cũng được chỉ định. Trước khi thực hiện, bác sĩ cần kiểm tra kỹ tình trạng sức khỏe của mẹ và bé. Thủ thuật này không được thực hiện nếu rơi vào các trường hợp sau:

- Mang song thai hoặc đa thai

- Tử cung có dị tật

- Nhau tiền đạo

- Thai nhi có bất thường về sức khỏe

Tỷ lệ thành công của ngoại xoay thai vào khoảng 50%, và cao hơn ở những mẹ từng sinh thường. Tuy nhiên, dù đã xoay thành công, thai nhi vẫn có thể quay lại ngôi ngược. 

Vì có nguy cơ gây bong nhau non hoặc vỡ tử cung, nên thủ thuật này thường ít được bác sĩ lựa chọn và chỉ áp dụng khi điều kiện phù hợp và đảm bảo an toàn.

Thủ thuật “ngoại xoay thai”

>> Xem thêm: Thủ thuật ngoại xoay thai 

Trong trường hợp thai nhi vẫn nằm ngôi mông và không thể quay đầu tự nhiên, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định sinh mổ chọn lọc để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con. 

Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp ngôi mông đều bắt buộc phải sinh mổ. Nếu mẹ và thai nhi có các điều kiện phù hợp, vẫn có thể sinh thường.

Bác sĩ có thể chỉ định sinh thường nếu:

- Thai là ngôi mông đủ hoặc ngôi mông thiếu kiểu mông

- Khung chậu mẹ đủ rộng và cổ tử cung mở tốt

- Đầu thai cúi tốt

- Thai nhi nặng dưới hoặc bằng 3,2kg

Ngược lại, sẽ chỉ định sinh mổ nếu có các yếu tố sau:

- Thai nhi ở tư thế ngôi mông thiếu kiểu chân (chân bé ra trước)

- Chuyển dạ kéo dài

- Khung chậu mẹ hẹp

- Đầu thai không cúi tốt

- Có vết mổ cũ trên tử cung

- Sinh con lần đầu mà thai nặng trên 3,2 kg

Với các trường hợp ngôi thai ngược, mẹ bầu cần được theo dõi thai kỳ thường xuyên, đặc biệt ở những tuần cuối, để bác sĩ đánh giá kỹ lưỡng và đưa ra phương án sinh an toàn nhất cho mẹ và bé.

Việc thai nhi chưa quay đầu gần đến ngày sinh không phải lúc nào cũng nguy hiểm, nhưng mẹ cần được theo dõi sát sao và tư vấn kịp thời từ bác sĩ. Áp dụng đúng phương pháp xử trí sẽ giúp mẹ sinh nở an toàn và thuận lợi hơn. Đừng quên thăm khám định kỳ và giữ tinh thần thoải mái mẹ nhé!