Khi bước vào những tuần cuối thai kỳ, nhiều mẹ bầu lo lắng vì em bé vẫn chưa quay đầu. Một trong những phương pháp thường được bác sĩ chỉ định để hỗ trợ là thủ thuật ngoại xoay thai. Vậy thủ thuật này là gì, có an toàn không và được thực hiện như thế nào?
1. Ngoại xoay thai là gì?
Xoay thai là một thủ thuật chuyên ngành sản khoa.
Trong đó bác sĩ hoặc nữ hộ sinh nhiều kinh nghiệm sẽ thực hiện một thủ thuật nhằm đưa thai nhi từ tư thế không thuận lợi (khó sinh thường) về tư thế thuận lợi để sinh qua đường âm đạo.
Thủ thuật ngoại xoay thai là xoay em bé từ bên ngoài bụng của mẹ để nó chuyển từ ngôi mông sang ngôi đầu (vị trí đầu quay xuống dưới hướng tử cung mẹ).
Có 2 loại xoay thai chính:
- Ngoại xoay thai (xoay ngoài): Bác sĩ dùng tay xoay thai từ bên ngoài bụng mẹ, giúp bé chuyển từ ngôi mông sang ngôi đầu. Thủ thuật này thường được thực hiện sau tuần thứ 37 của thai kỳ.
- Nội xoay thai (xoay trong): Được thực hiện trong quá trình chuyển dạ, bằng cách xoay thai từ bên trong buồng tử cung.
Điểm khác biệt chính giữa hai phương pháp là thời điểm và cách thực hiện: ngoại xoay diễn ra trước khi chuyển dạ, còn nội xoay thực hiện trong lúc chuyển dạ đang diễn ra.
2. Ngoại xoay thai dành cho những đối tượng nào?
Tất cả phụ nữ có thai kỳ bình thường, chỉ gặp vấn đề với ngôi thai của em bé thì đều có thể được thực hiện thủ thuật ngoại xoay thai.
Tuy nhiên, phương pháp này không phù hợp trong các trường hợp sau:
- Mang song thai hoặc đa thai
- Đang bị chảy máu âm đạo
- Nhau tiền đạo che hoặc gần cổ tử cung
- Kết quả Non-stress test (đo tim thai và cơn co tử cung) không bình thường
- Thai quá nhỏ hoặc phát triển kém
- Ít nước ối
- Tim thai bất thường
- Vỡ ối sớm
Đối với phụ nữ từng sinh mổ, vẫn có thể cân nhắc thực hiện ngoại xoay thai, nhưng cần trao đổi kỹ với bác sĩ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Ngoại xoay thai không phù hợp với phụ nữ mang đa thai.
3. Ngoại xoay thai được thực hiện như thế nào?
Thủ thuật này cần được thực hiện bởi chuyên gia y tế có chuyên môn phù hợp, thường là bác sĩ sản khoa.
Bác sĩ đặt tay lên bụng bạn để cố gắng xoay em bé trong bụng về trạng thái ngôi đầu, đầu của thai nhi sẽ hướng xuống phía tử cung của mẹ.
Trình tự thực hiện như sau:
- Trước thủ thuật: Thai nhi sẽ được theo dõi tim thai và cơn co tử cung bằng máy CTG trong khoảng 20 - 30 phút. Còn đối với thai phụ, bạn sẽ được tiêm thuốc giãn tử cung qua đường tĩnh mạch để hỗ trợ việc xoay thai.
- Trong quá trình xoay: Bác sĩ sẽ siêu âm xác định vị trí thai nhi, sau đó cố gắng xoay em bé bằng cách ấn mạnh tay vào bụng của bạn. Thủ thuật này có thể gây cảm giác khó chịu hoặc đau nhẹ cho bạn. Nếu lần đầu không thành công, bác sĩ có thể thử lại.
- Sau thủ thuật: Thai nhi sẽ được kiểm tra tim thai lần nữa để đánh giá tình trạng sức khỏe. Toàn bộ quá trình thực hiện ngoại xoay thai thường mất khoảng 3 giờ.
Để xoay em bé, bác sĩ sẽ sử dụng lực ấn mạnh. Thai phụ có thể cảm thấy khó chịu hoặc đau đớn.
Nhiều thai phụ trải qua ngoại xoay mà không có bất kỳ loại thuốc giảm đau nào. Tuy nhiên, bác sĩ có thể cho bạn tiêm thuốc gây tê màng cứng, thuốc giảm đau khác hoặc thậm chí đưa bạn vào giấc ngủ trong suốt quá trình phẫu thuật.
Nếu ngoại xoay thai thành công, khả năng mẹ sinh thường sẽ cao hơn.
Sau khi về nhà, mẹ cần theo dõi sức khỏe và cử động thai. Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu mẹ thấy đau bụng co thắt, chảy máu âm đạo, hoặc bé cử động ít hơn hẳn so với bình thường.
Ngoại xoay thai nhìn chung là thủ thuật an toàn, nhưng vẫn tiềm ẩn một số rủi ro hiếm gặp. Một số mẹ bầu có thể cảm thấy khó chịu khi thực hiện.
Thủ thuật có thể làm thay đổi nhịp tim của bé, gây bong nhau thai một phần, hoặc vỡ ối sớm dẫn đến sinh non, dẫn đến việc cần phải mổ lấy thai ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Chính vì vậy, thủ thuật ngoại xoay thai luôn được thực hiện tại bệnh viện, nơi có đầy đủ trang thiết bị và đội ngũ y tế sẵn sàng can thiệp cấp cứu ngay tức thì khi cần.
4. Tỉ lệ thành công của ngoại xoay thai
Thủ thuật ngoại xoay thai có tỉ lệ thành công trung bình được ghi nhận trong y khoa là khoảng 50% - 65%, tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Ngay cả khi thủ thuật thành công giúp bé về ngôi đầu, vẫn có một khả năng nhỏ em bé sẽ quay trở lại vị trí ngôi mông sau đó.
Khi không thể xoay được ngôi thai, người mẹ buộc phải mổ lấy thai, đặc biệt khi người mẹ có nhau thai bám thấp, đa thai hoặc từng sinh mổ.
Tỉ lệ thành công của ngoại xoay thai phụ thuộc vào nhiều yếu tố gồm:
- Tuổi thai
- Lượng nước ối
- Số lần mang thai của mẹ
- Cân nặng thai
- Vị trí bánh nhau
- Vị trí của em bé
Ngoại xoay thai giúp điều chỉnh tư thế thai bên ngoài bụng của mẹ đem lại lợi ích cũng như một số rủi ro nhất định.
Việc thăm khám kỹ lưỡng, đánh giá đúng chỉ định của chuyển dạ sinh đường âm đạo kèm với tuân thủ nguyên tắc chuẩn xác sẽ giúp kỹ thuật đạt hiệu quả cao, đảm bảo cuộc sinh an toàn cho cả mẹ và con.