Trẻ sơ sinh nôn trớ sau khi bú: nguyên nhân và cách khắc phục

1. Hiện tượng nôn trớ ở trẻ sơ sinh

Nôn trớ là biểu hiện thức ăn trong dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản rồi trào ra miệng. Hiện tượng nôn trớ thường gặp hầu hết ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là khi trẻ ăn no, vặn mình. Nôn trớ sinh lý ở trẻ sơ sinh thường không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, thường tự hết sau mỗi 6 – 24 tiếng mà không cần được điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, nôn trớ cũng là biểu hiện của một bệnh lý, và thường đi kèm với những dấu hiệu khác như:

  • Khóc thét khi đang bú
  • Bụng chướng
  • Đau quặn bụng, ưỡn bụng
  • Rơi vào trạng thái lơ mơ
  • Có hiện tượng co giật
  • Mất nước, khô miệng
  • Bãi nôn có xuất hiện máu hoặc có màu vàng, màu xanh

Nôn trớ khi bú có thể là biểu hiện của một số bệnh lý như tắc ruột, lồng ruột, thiếu canxi,… Do vậy, không nên chủ quan, cần theo dõi biểu hiện, cân nặng của trẻ. Ngoài ra, cần lưu ý thực đơn của trẻ xem có thiếu một số chất nào không để có thể bổ sung kịp thời.

2. Nguyên nhân trẻ nôn trớ sau bú

Có hai nguyên nhân gây nôn trớ ở trẻ sơ sinh:

a. Nôn trớ sinh lý

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh nôn trớ là do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, dạ dày nằm ngang và cơ thắt tâm vị còn yếu. Do đó, khi trẻ ăn no thường dễ dẫn tới hiện tượng nôn trớ. Ngoài ra, có thể do cách chăm sóc của bà mẹ chưa đúng như:

  • Cho trẻ ăn quá nhiều, ép bú quá mức
  • Trẻ bú không đúng tư thế, bú bình không đúng cách khiến trẻ nuốt nhiều khí vào dạ dày.
  • Trẻ vừa ăn no đã cho trẻ nằm
  • Quấn tã hoặc băng rốn quá chặn
  • Mùi vị thức ăn không phù hợp
Mùi vị không hợp cũng là nguyên nhân gây nôn ói ở trẻ sơ sinh

b. Nôn trớ bệnh lý

Nôn trớ bệnh lý sẽ thường kèm theo một số triệu chứng khác như chướng bụng, đau bụng, nôn có lẫn máu, co giật,…

Một số bệnh lý nội khoa gây ra triệu chứng nôn trớ ở trẻ sơ sinh như:

  • Các bệnh về đường tiêu hóa: Chậm nhu động ruột, tiêu chảy
  • Viêm đường hô hấp trên
  • Tăng áp lực nội sọ: Xuất huyết não do giảm tỷ lệ prothrongbil
  • Nhiễm trùng thần kinh như viêm màng não mủ
  • Hội chứng sinh dục thượng thận
  • Rối loạn thần kinh thực vật: Co thắt môn vị

Nôn trớ trong bệnh lý ngoại khoa

  • Nôn do dị vật đường tiêu hóa: Hẹp tá tràng bẩm sinh, hẹp phì đại môn vị, teo thực quản, thoát vị hoành. Trẻ thường có biểu hiện nôn trớ những ngày đầu sau sinh.
  • Nôn do xoắn ruột, tắc ruột: Thường có kèm theo nhiễm trùng toàn thân, bí trung đại tiện, bụng chướng và đi ngoài có lẫn máu, dịch dạ dày có màu đen.

3. Cách xử trí khi bé bị nôn trớ

Khi bị nôn trớ, bé sẽ bị mất nước nên mẹ cần giúp bé bổ sung lại lượng chất lỏng này. Dưới đây là những điều mẹ nên làm khi bé bị nôn trớ:

  • Khi bé nôn, mẹ nên đỡ bé ngồi dậy để tránh chất nôn sẽ tràn vào khí quản, làm bé bị sặc rất nguy hiểm. Sau khi bé nôn xong, mẹ hãy làm sạch cho bé theo thứ tự miệng trước, họng và mũi sau. Mẹ có thể thấm hết chất nôn trớ trong miệng của trẻ bằng cách hút hoặc quấn khăn gạc vào ngón tay. Làm sạch xong, mẹ nhớ vỗ nhẹ lưng bé để trấn an vì chắc chắn bé nôn xong sẽ rất sợ hãi.
  • Mẹ nên chờ cho bé bớt nôn trớ, hãy cho uống một lượng nhỏ nước chín hoặc dung dịch Oresol, bé bị mất nước nhiều nên sẽ khát, khi đưa nước bé sẽ có khuynh hướng uống nhiều, dễ bị nôn thốc tháo, do đó nên cho uống bằng muỗng nhỏ hoặc từng ngụm một .
  • Nếu bé đã ngừng nôn trớ, mẹ hãy cho bé uống một lượng nhỏ nước lọc hoặc nước điện giải sau mỗi 30 – 60 phút.
  • Trường hợp bé tiếp tục trớ, mẹ hãy cho bé uống luân phiên 50ml nước oresol/ 50ml nước lọc sau mỗi nửa giờ. Sau đó, khi bé ngừng nôn trớ, mẹ hãy hay cho bé bú với số lượng tăng dần từ 80 – 100ml sau mỗi 3 – 4 giờ.
  • Sau 12 – 24 giờ mà bé không còn nôn, mẹ có thể cho bé ăn uống như bình thường bắt đầu từ những món ăn dễ tiêu hóa như sữa chua, ngũ cốc nhưng vẫn phải đảm bảo cho bé uống nhiều nước, mẹ nhé!
  • Giấc ngủ cũng sẽ giúp bé hồi phục, thoải mái hơn nên mẹ hãy cố gắng dỗ bé ngủ.
  • Lưu ý rằng mẹ không nên tự ý cho bé dùng bất cứ loại thuốc chống nôn trớ nào khi không được sự chỉ định

4. Cách khắc phục trẻ nôn trớ sau bú

Trẻ nôn trớ nhiều có thể dẫn tới mất nước, suy dinh dưỡng, một số trường hợp có thể bị sặc chất nôn gây nguy hiểm cho trẻ. Do đó, các bà mẹ cần lưu ý và biết cách xử trí khi trẻ nôn trớ. Một số biện pháp xử trí bao gồm:

a. Cho trẻ bú đúng cách

Dựa vào cấu tạo, vị trí giải phẫu của dạ dày, nên cho trẻ bú bên trái trước vì lúc này lượng dịch dạ dày còn ít. Sau đó, khi dạ dày chứa nhiều sữa cần chuyển cho trẻ bú phải vì bé cần nằm nghiêng trái. Như vậy sữa sẽ dễ dàng xuống và lưu lại trong dạ dày mà không trào ngược lại.

Ngoài ra, khi đang bú, trẻ có quấy khóc nên dừng ngay việc bú lại để tránh sặc. Không nên cho trẻ bú quá nhiều, cần chia làm nhiều bữa ăn, mỗi bữa cách nhau 2-4 giờ.

b. Giữ đúng tư thế sau khi bú

Sau khi bú xong, bà mẹ cần bế trẻ cao đầu trong khoảng 15-20 phút, không cho trẻ nằm. Vỗ nhẹ lưng để đẩy không khí từ dạ dày ra, giúp trẻ ợ hơi tốt.

Mẹ cũng nhớ không bao giờ để bé bú hoặc ăn trong tư thế nằm nhé. Thay vào đó, bé nên được bú trong tư thế cao đầu. Sau khi bé ăn hoặc bú, mẹ cũng không được nâng bé lên xuống, thay đổi tư thế bé đột ngột hay khiến bé cười lớn nhé.

Mẹ nên cho con ăn trong tư thế cao đầu để hạn chế nôn trớ

c. Nới lỏng quần áo

Quần áo, tã quá chặt khiến cho thành bụng và dạ dày bị chèn ép nên trẻ rất dễ nôn trớ. Do đó, mẹ nên nới lỏng quần áo của trẻ, mặc quần áo rộng rãi càng thoáng càng tốt, đặc biệt là khu vực quanh bụng.

Ngoài ra, nếu trẻ nôn trớ sau khi bú, bà mẹ cần nghiêng đầu trẻ sang một bên để tránh sặc chất nôn. Làm sạch chất nôn trong mũi, miệng và họng trẻ bằng cách hút hoặc lấy khăn gạc thấm. Khi hết cơn nôn, cho trẻ uống nước ấm, oresol từ từ. Cuối cùng đánh giá chất nôn, và tiếp tục theo dõi trẻ.

d. Khắc phục nguyên nhân về dinh dưỡng

Nếu bé bị nôn trớ do chế độ dinh dưỡng sai cách, mẹ cần chú ý không ép bé bú vì sẽ làm bé sợ hãi và nôn trớ nhiều hơn, hãy tạo cảm hứng để giúp bé cảm thấy vui vẻ khi bú hoặc uống sữa. Mẹ chỉ nên cho bé ăn vừa đủ, không để bé ăn quá no.

Mẹ chỉ nên cho bé ăn vừa đủ, không để bé ăn quá no

Nôn trớ sau khi bú ở trẻ sơ sinh là hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh. Nếu như bé chỉ nôn trớ thông thường thì mẹ không nên quá lo lắng mà hãy bình tĩnh, xử lý theo những lời khuyên ở trên. Nhưng nếu bé nôn trớ kèm các triệu chứng bất thường như: đau bụng, co giật, có máu thì mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế ngay lập tức bởi rất có thể bé đang mắc phải bệnh lý nguy hiểm.

*Nguồn tham khảo:

  1. vinamilk.com

https://www.vinamilk.com.vn/sua-bot-vinamilk/vi/bai-viet/mach-me-meo-chua-non-tro-o-tre-so-sinh/

2. vinmec.com

https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/tre-so-sinh-non-tro-sau-khi-bu-nguyen-nhan-va-cach-khac-phuc/