Top 6 lưu ý khi lên kế hoạch tài chính trước khi sinh

Khi đối diện trước kế hoạch tài chính trước khi sinh con, không có chuẩn mực cho câu hỏi: Bao nhiêu là đủ? Mỗi gia đình đều có hoàn cảnh sống khác nhau và tiêu chuẩn khác nhau, việc họ đầu tư kế hoạch tài chính thai sản như thế nào hoàn toàn lệ thuộc vào điều kiện sống của gia đình.  Tuy nhiên, vẫn có những tiêu chuẩn căn bản nhất định để đảm bảo cho gia đình có thể an tâm, không sợ cảnh “thiếu trước hụt sau" hoặc “nước đến chân mới nhảy". Cả bố lẫn mẹ đều cần thuộc nằm lòng 6 lưu ý này trước khi đón bé yêu ra đời: 

 

1. Luôn có một khoản tiền tiết kiệm riêng 

Trước khi quyết định có con nhỏ, đặc biệt là sau khi đã mang thai, gia đình cần quan tâm đến khoản tiền tiết kiệm, để có nguồn chi mỗi khi gặp việc đột xuất. Bên cạnh phần tài chính dành riêng cho hạng mục thai sản, tiền tiết kiệm riêng sẽ xử lý những vấn đề ngoài ý muốn, giúp gia đình an tâm hơn nếu gặp rủi ro. 

Trong suốt quá trình mang thai, không chắc cuộc sống gia đình sẽ gặp suôn sẻ, vì vậy tiền tiết kiệm là rất quan trọng. Nếu tính đến thời điểm hiện tại, bạn vẫn chưa có nổi một tài khoản tiết kiệm ổn định, thì hãy cân nhắc về việc mang thai hoặc sinh con. Nếu bạn đang có thai, hãy gấp rút tập trung tài chính cho phần tiền tiết kiệm, vì chắc chắn bạn sẽ cần dùng đấy! 

Gia đình cần có một khoản tiết kiệm khi lên kế hoạch mang thai

2. Cân đối kế hoạch chi tiêu trước khi sinh 

Khi chưa có con, các nguồn chi tiêu của bạn đa số xoay quanh việc sinh hoạt hằng ngày của gia đình như điện nước, ăn uống, mua sắm và chi phí giao tiếp, lễ nghĩa. 

Tuy nhiên, khi bắt đầu mang thai, bạn cần thêm các hạng mục chi tiêu dành cho con nhỏ. Bạn cần chuẩn bị cho bé rất nhiều thứ, từ quần áo chỗ ngủ và cả môi trường sống tốt nhất khi bé được sinh ra. Vì vậy, chi tiêu hằng ngày cũng cần được cân đối lại sao cho hợp lý.

Ví dụ: vợ chồng bạn có thể nằm ngủ với quạt máy, nhưng bạn lại muốn bé có được không gian ngủ thoáng mát, không khí trong lành nên quyết định lắp máy lạnh. Chi phí này dao động 4 – 5 triệu, và bạn bắt buộc phải cân đối các phần chi phí khác để đảm bảo ổn định tài chính. 

Khi có kế hoạch sẵn, bạn cũng nhận ra cái gì cần mua, cái gì không cần mua, giúp tiết kiệm tiền bạc khá nhiều, tránh hao hụt không cần thiết. 

Lên kế hoạch các khoản chi tiêu khi có con

3. Dự thảo trước về chi phí chăm sóc mẹ và bé sau khi sinh 

Sau khi sinh, chi phí chăm sóc cả mẹ lẫn bé cũng là vấn đề “đau đầu” của nhiều gia đình. Gia đình cần nghiêm túc liệt kê hết tất cả các hạng mục cần chi tiêu sau sinh, đồng thời tham khảo giá cả thị trường, trừ hao chi phí lạm phát để biết trước rằng “Mình cần chi bao nhiêu tiền mỗi tháng sau khi sinh”. 

Khi liệt kê như vậy, gia đình sẽ chủ động cân đối lại các hạng mục thu chi của mình, quyết định trước rằng nên ưu tiên chi tiêu cho hạng mục nào, còn hạng mục nào có thể bỏ qua hoặc chỉ nhìn đến khi thật sự dư dả. Ví dụ: gia đình không thể cắt đi phần chi phí cho tã sữa, nhưng có thể giảm bớt chi phí về quần áo hoặc đồ chơi nếu thấy không cần thiết. 

Ngoài những chi phí cho trẻ, đừng quên những chi phí chăm sóc người mẹ sau sinh, cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Hãy mạnh dạn viết nó vào kế hoạch tài chính thai sản và cân đối tài chính để thực hiện!

4. Hãy quan tâm đến bảo hiểm y tế và bảo hiểm thai sản 

Một cách tối ưu chi phí tuyệt vời là dùng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội hoặc bảo hiểm thai sản từ các công ty bảo hiểm chính thống. Nếu bạn đang có ý định mang thai, hãy tìm hiểu thật kỹ đồng thời tham gia bảo hiểm để nhận được lợi ích cũng như sự đảm bảo an toàn theo đúng luật. 

Đối với bảo hiểm xã hội, chỉ cần bạn đóng đều đặn trong 6 tháng trước khi sinh, bạn đã có thể nhận được chế độ thai sản theo luật của Nhà nước. Sinh con rất tốn kém, vì vậy tận dụng quyền lợi từ bảo hiểm là một bước “nhìn xa trông rộng” khi bạn lên kế hoạch tài chính thai sản. 

Bảo hiểm y tế và bảo hiểm thai sản là những điều quan trọng khi mang thai và sinh con

5. Nắm rõ luật nghỉ thai sản dành cho người lao động 

Đối với người lao động có hợp đồng lao động, cần nắm rõ luật nghỉ thai sản để đảm bảo quyền lợi cho mình. Mọi thông tin cần được làm rõ cũng như chuẩn bị sẵn sàng ngay từ đầu, tuyệt đối đừng để gần sinh mới vội vàng dò hỏi, rất ảnh hưởng đến tinh thần cả mẹ và bé. 

6. Chọn bác sĩ và bệnh viện tối ưu kinh phí 

Hãy chọn bác sĩ và bệnh viện thuộc tuyến bảo hiểm của bạn để tối ưu chi phí ở mức tối đa cho việc sinh đẻ cũng như thăm khám.