Tình trạng phù chân ở mẹ bầu

1. Phù chân khi mang thai là gì?

Phù chân là hiện tượng sinh lý bình thường ở thai phụ, có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, nhưng nhiều nhất vẫn là 3 tháng cuối thai kỳ do trọng lượng thai nhi ngày càng to, chiếm một thể tích lớn trong khoang bụng người mẹ, tạo sức ép lớn lên tĩnh mạch dưới khiến máu khó lưu thông, gây phù nề. 

Phù chân gây những khó khăn trong việc đi đứng, sinh hoạt hằng ngày. Phù chân là một dấu hiệu để bác sĩ quan tâm đến nguy cơ tiền sản giật ở mẹ bầu. Khi đã được thăm khám để loại trừ các bệnh lý nguy hiểm, phù chân được cho là hậu quả của suy giãn tĩnh mạch. Ở phụ nữ, nhất là các phụ nữ mang thai lần đầu, suy tĩnh mạch dễ dẫn đến phù chân nặng, thậm chí sưng phù. Suy giãn tĩnh mạch chân cũng có liên quan đến sự gia tăng lượng máu và nồng độ hormone cao gấp 100 lần so với bình thường.

Tình trạng phù chân biểu hiện rõ nhất từ phẩn cổ chân trở xuống, bàn chân bị sưng lên, tuy không đau đớn nhưng lại gây nhiều bất tiện và khiến mẹ bầu không thoải mái.

2. Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị phù chân

Sự rối loạn của các nội tiết tố cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng phù chân ở bà bầu

Khi mang thai cơ thể mẹ có nhiều thay đổi, trong đó có tình trạng phù chân. Sau đây là những nguyên nhân chính giải thích cho hiện tượng phù chân ở phụ nữ khi mang thai:

  • Khi mang thai, cơ thể người mẹ sản xuất nhiều máu và chất lỏng, tăng thêm 50% so với bình thường để có đủ dinh dưỡng nuôi dưỡng thai nhi. Chính điều này đã gây nên tình trạng phù nề ở mẹ bầu.
  • Sự cản trở máu trở về tim do có thai, càng về những tháng cuối thai nhi sẽ lớn dần làm tăng áp lực trong ổ bụng và tạo nên một lực ép khá lớn lên các tĩnh mạch vùng chậu, làm cho máu khó chảy trở về tim, khiến máu bị dồn nhiều ở chân và gây tình trạng phù nề. Trong đó, bàn chân và mắt cá chân là hai vị trí dễ phù nề nhất.
  • Sự rối loạn của các nội tiết tố phụ nữ trong thời kỳ mang thai cũng làm giãn thành của tĩnh mạch, góp phần vào sự ứ trệ tuần hoàn và làm máu về tim khó khăn hơn, gây ứ đọng máu ở chân làm xuất hiện của các triệu chứng: chân nặng, sưng phù, ngứa ran hoặc chuột rút. 
  • Một số nguyên nhân gây phù chân khác ở bà bầu như: Do đứng lâu, chế độ ăn ít kali (Kali giúp duy trì chất lỏng và chất điện giải trong tế bào cơ thể), tiêu thụ nhiều caffeine, ăn nhiều natri (muối), làm việc quá sức, thời tiết nóng bức cũng góp phần làm phù nề chân ở mẹ bầu.

3. Phù chân khi mang thai có phải bất thường?

Hiện tượng phù chân khi mang thai là triệu chứng bình thường ở hầu hết phụ nữ trong giai đoạn những tháng cuối của thai kỳ. Tuy nhiên, các mẹ bầu không nên chủ quan với những dấu hiệu bất thường khi bị phù nề chân vì nó có thể là biểu hiện của một vài bệnh lý nguy hiểm.

Nếu có những triệu chứng bất thường khi kèm phù chân, thai phụ cần đến bác sĩ để khám kịp thời

Sau đây là một số triệu chứng mà mẹ bầu cần ghi nhớ để dễ dàng nhận biết và thăm khám bác sĩ kịp thời:

  • Sưng phù dài ngày, dù bạn đã nghỉ ngơi nhưng vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm
  • Tay và mặt cũng bị phù
  • Dấu hiệu sưng, phù tăng dần, lớn hơn so với ban đầu
  • Đau đầu nặng
  • Có vấn đề về thị giác như nhìn lờ mờ
  • Đau dữ dội ngay dưới xương sườn
  • Nôn với bất kỳ tác nhân nào

Đây là những dấu hiệu cảnh báo cho tiền sản giật. Tiền sản giật là hội chứng huyết áp cao do thai kỳ, đi kèm với sự tăng protein trong nước tiểu. Chứng này thường xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể gây ra chứng co giật (sản giật) gây biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con. Yếu tố chính giúp kiểm soát tiền sản giật đó là thường xuyên theo dõi huyết áp người mẹ và nhịp tim thai nhi. 

Nếu một chân của bạn có vẻ sưng nhiều hơn so với chân còn lại, đó có thể là gợi ý cho biết bạn đang gặp vấn đề về tĩnh mạch, chẳng hạn như huyết khối tĩnh mạch sâu. Đây là hiện tượng đông máu thường xuất hiện ở các tĩnh mạch sâu dưới chân, ở phụ nữ mang thai thì nguy cơ mắc sẽ cao hơn.

4. Cách phòng tránh phù chân khi mang thai

Trong giai đoạn mang bầu 3 tháng cuối, hiện tượng phù nề chân ở thai phụ gây ra những cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của mẹ bầu. Mặc dù, các triệu chứng này sẽ tự động mất đi sau khi sinh con nhưng thai phụ vẫn nên lưu ý một số điều sau để phòng tránh hoặc giảm bớt tình trạng sưng phù chân

4.1. Chế độ sinh hoạt và vận động

Massage chân cũng giúp mẹ bầu hạn chế bị phù nề chân
  • Tránh ngồi hoặc đứng quá lâu mà thay vào đó hãy dành thời gian cho đôi chân nghỉ ngơi, thư giãn.
  • Không nên ngồi vắt chéo chân vì sẽ cản trở sự lưu thông của máu. Tốt nhất nên duỗi thẳng chân khi ngồi hoặc kê chân cao bằng đầu gối khi nằm.
  • Vận động nhẹ nhàng, tập thể dục bàn chân, massage chân cũng giúp mẹ bầu hạn chế bị phù nề chân. Đồng thời, giúp quá trình vận chuyển máu diễn ra dễ dàng, giảm thiểu nguy cơ bị chuột rút.phù chân khi mang thai nên luyện tập thể dục
  • Khi ngủ nên nằm nghiêng sang trái nhằm giảm thiểu áp lực cho những tĩnh mạch chủ trong quá trình vận chuyển máu từ chi dưới lên tim. 
  • Không mang giày cao gót hoặc giày có quai hậu quá chật. Những đôi dép bệt sẽ giúp mẹ bầu dễ dàng đi lại hơn. 
  • Tránh mặc những quần áo quá chật, quá ôm vào người vì chúng sẽ khiến quá trình lưu thông máu bị cản trở. 
  • Không nên mang tất nhiều, đặc biệt không mang những đôi tất có phần bo ở mắt cá chân hoặc bắp chân. Nếu sử dụng tất, các mẹ bầu nên lựa chọn những đôi tất dành riêng cho phụ nữ mang thai nhé!
  • Tập yoga, đi bộ nhẹ nhàng hoặc các bài tập thể dục đơn giản dành cho mẹ bầu để cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng và lưu thông máu tốt hơn.

4.2. Chế độ ăn 

Mẹ bầu cần có chế độ ăn lành mạnh để hạn chế sự phù chân
  • Mẹ bầu cần hạn chế những thức ăn mặn, giảm hàm lượng muối trong đồ ăn.
  • Nếu nguyên nhân dẫn đến hiện tượng phù chân khi mang thai là do thiếu kali thì có thể bổ sung chất này bằng các nguồn thực phẩm giàu kali. Chẳng hạn như cải bó xôi, chuối, nước cam, đậu nành,…
  • Không nên sử dụng những thức ăn nhanh như khoai tây chiên, thức ăn đóng hộp. Vì hàm lượng chất béo trong các món ăn này thường rất lớn, góp phần tăng nguy cơ phù nề ở thai phụ.
  • Không nên dùng những đồ ăn, thức uống có chứa cafein, nhất là coffee và trà. Thay vào đó nên uống nhiều nước lọc hay nước ép trái cây.

Phù chân ở tháng cuối thai kỳ có thể là hiện tượng bình thường cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm như tiền sản giật. Nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của thai phụ. Vì vậy, bạn nên khám thai thường xuyên để có thể đánh giá sức khỏe toàn diện cho cả mẹ và bé.