Thai nhi nấc cụt trong bụng mẹ

1. Mẹ bầu có thể biết bé trong bụng nấc cụt vào thời điểm nào?

Mẹ bầu thường bắt đầu cảm thấy các cử động của thai nhi từ 16-20 tuần tuổi thai. Các yếu tố như vị trí bánh nhau, cân nặng người mẹ có thể ảnh hưởng đến việc cảm nhận cử động thai sớm hay muộn. Khi lớp mỡ thành bụng mỏng hơn, người mẹ có khả năng cảm nhận cử động thai sớm và rõ hơn.

Di chuyển xung quanh hoặc thay đổi tư thế là cách tốt nhất để xác định em bé của bạn đang đạp hay nấc cụt. Đôi khi con bạn sẽ đạp nếu chúng không thoải mái ở một tư thế hoặc khi bạn ăn bất kì đồ ngọt, nóng hay lạnh làm kích thích giác quan của chúng. Nếu bạn thấy những cử động này xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau của bụng hoặc nếu chúng dừng lại khi bạn thay đổi tư thế, đây có thể chỉ là những cử động đạp. 

Nếu sau đó bạn ngồi yên và cảm thấy có những co thắt theo nhịp từ một vùng bụng, đây có thể là hoạt động nấc cụt của em bé. Nấc cụt là cử động nhịp nhàng hơn so với các cử động khác. Hiện tượng em bé nấc trong bụng mẹ diễn ra khi hệ thần kinh trung ương của bé đã phát triển hoàn toàn để sẵn sàng cho việc thở. Mẹ có thể bắt đầu cảm nhận được thai nhi nấc cụt vào khoảng tam cá nguyệt 2 và 3. Không phải tất cả thai nhi đều có nấc cụt, do đó không có gì lạ nếu bạn không cảm nhận được hoạt động này của thai.

2. Nguyên nhân khiến em bé nấc cụt trong bụng mẹ

2.1. Chuyển động bất thường của cơ hoành

Chuyển động bất thường của cơ hoành có thể khiến bé bị nấc cụt

Cũng như người lớn, em bé trong bụng bị nấc là do sự chuyển động bất thường của cơ hoành. Vì các cơ quan chưa được hoàn thiện nên thai nhi chưa tự cân bằng được nhịp nuốt. Khi nuốt, trẻ hít vào hoặc thở ra đẩy nước ối ra ngoài tạo nên tiếng nấc cụt.

2.2. Dây rốn bị chèn ép

Vào tuần thứ 32, mẹ bầu có thể thấy em bé trong bụng hay bị nấc thường xuyên và kéo dài. Nguyên nhân có thể là do dây rốn bị chèn ép, đây là nguyên nhân nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Dây rốn bị chèn ép, lượng oxy được đưa đến bị giảm khiến cho thai nhi bị nấc trong thời gian dài.

Khi bà bầu cảm nhận thấy thai nhi bị nấc trong thời gian dài, cử động thai kém hoặc có dấu hiệu bất thường khác thì mẹ nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và có hướng điều trị tiếp theo phù hợp với bản thân.

2.3. Do bé hiếu động 

Em bé nghịch ngợm trong bụng mẹ cũng là nguyên nhân khiến bé nấc cụt

Những em bé hiếu động thường hoạt động nhiều trong bụng mẹ, gây ra tình trạng nấc cụt thường xuyên hơn. Ngoài ra, ngay từ trong bụng mẹ, em bé đã bắt đầu tập các phản xạ bú mút nên đó cũng có thể là nguyên nhân gây ra tiếng nấc.

2.4. Thiếu máu

Tình trạng thiếu máu hoặc giảm oxy trong máu cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây ra nấc cụt thai nhi.

3. Biểu hiện của thai nhi bị nấc

Em bé nấc cụt trong bụng mẹ và thai máy là hai hiện tượng dễ gây nhầm lẫn bởi cả hai đều làm cho mẹ cảm nhận được những chuyển động trong bụng bầu. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy có sự khác biệt:

Thai nhi nấc cụt khác với thai máy, mẹ cần lưu ý

3.1. Nhịp điệu

Thai nhi bị nấc cụt có biểu hiện là những cú giật nhẹ ở vùng bụng dưới. Nếu thai nhi bị nấc, bạn sẽ thấy từng cử động trong bụng có nhịp điệu đều đặn. Còn thai máy thì xảy ra một cách ngẫu nhiên, không theo một chu kỳ nhịp nhàng.

3.2. Thời gian

Thời gian trung bình của mỗi cơn nấc cụt là khoảng từ 3 đến 15 phút một cơn. Một ngày bé có thể sẽ nấc nhiều lần. Còn thai máy là hoạt động của trẻ kéo dài từ 30 phút đến 1 giờ, thời gian mà mẹ có thể cảm nhận sự cử động lâu hơn nhiều so với nấc cụt.

3.3. Mức độ

Ở ba tháng giữa thai kỳ, mức độ của thai máy và khi bé bị nấc đều nhẹ nhàng như nhau. Nhưng khi đến 3 tháng cuối thì có sự khác biệt rất lớn giữa cử động thai và khi nấc. Bé bị nấc biểu hiện vẫn nhẹ nhàng còn thai máy thì bé cử động rất mạnh, đôi khi có thể nhìn thấy dấu bàn tay, bàn chân xuất hiện trên thành bụng của mẹ.

4. Mẹ cần làm gì khi thai nhi bị nấc cụt

Các nguyên nhân gây ra tình trạng nấc cụt đều không ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi ngoại trừ nguyên nhân dây rốn bị chèn ép. Khi em bé trong bụng bị nấc cụt đột ngột giật mạnh hơn, kéo dài kết hợp với những triệu chứng bất thường khác bà bầu nên đi khám càng sớm càng tốt. Một số phương pháp giúp thai nhi đỡ nấc:

Mẹ có thể thay đổi tư thế nằm để giảm tình trạng thai nhi nấc cụt
  • Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan.
  • Duy trì một chế độ ăn uống hợp lý, nghỉ ngơi thường xuyên.
  • Nhiều người thường cho rằng thai nhi nấc cụt trong bụng mẹ là do con đói và khát nên mẹ cần cố gắng ăn nhiều một thứ gì đó. Tuy nhiên, điều này không đúng và mẹ bầu đừng làm theo nhé.
  • Nếu tần suất cơn nấc của bé tăng lên, bạn hãy thử thay đổi tư thế. Chẳng hạn, nếu bạn đang nằm nghiêng bên trái thì thử quay sang bên phải, đang ngồi làm việc thì thử đứng dậy đi lại một chút. Việc mẹ bầu thay đổi vị trí sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn và giảm thiểu tình trạng em bé trong bụng bị nấc.

5. Cách hạn chế cơn nấc cụt của bé

Mặc dù cơn nấc cụt của thai nhi có thể khiến bạn mất tập trung, nhưng nó không gây đau và thường không kéo dài quá 15 phút. Tuy nhiên có một số cách có thể giúp ích trong trường hợp thai nấc cụt nhiều khiến mẹ bầu  không thoải mái hay mất ngủ.

Mẹ bầu nên ăn uống lành mạnh để hạn chế cơn nấc ở bé
  • Nằm nghiêng bên trái khi ngủ
  • Sử dụng 1 cái gối mềm kê dưới bụng để giảm bớt áp lực lên bụng và cột sống.
  • Áp dụng chế độ ăn đa dạng và lành mạnh.
  • Thường xuyên tập các bài thể dục nhẹ hoặc yoga.
  • Uống đủ nước.
  • Nên có một giấc ngủ ngắn ban ngày và đi ngủ đúng giờ.
  • Đếm số lần thai nấc và thời gian của mỗi lần nấc trong giai đoạn cuối của thai kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. 

Nếu nhận thấy hiện tượng thai nhi nấc cụt tăng lên đột ngột với những chuyển động bất thường, mẹ nên đi khám và kiểm tra thai để bác sĩ có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích, đảm bảo cho sức khỏe của bé nhé!