Thai 18 tuần phát triển ra sao và lời khuyên cho mẹ bầu

Khi mang thai 18 tuần, mẹ sẽ cảm nhận được một điều kỳ diệu đó là hiện tượng “thai máy” một cách rõ ràng và thai nhi cũng bắt đầu nhận biết được âm thanh rõ ràng hơn.

Dấu hiệu thai 18 tuần phát triển khỏe mạnh

Tuần 18 thuộc tuần đầu tiên thai kỳ tháng thứ 5, là thời gian em bé phát triển rất mạnh về hệ xương và các giác quan. Vì vậy, nếu đi siêu âm định kỳ, bạn sẽ thấy thai nhi đang lớn rất nhanh qua mỗi tuần.

Kích thước thai 18 tuần

Thai 18 tuần có cân nặng trung bình khoảng 190g (tăng khoảng 30% so với tuần 17), chiều dài đầu mông (CRL) 142mm.

Thai 18 tuần có kích thước tương đương với một quả ớt chuông vàng.

Bộ phận sinh dục của thai nhi 18 tuần

Ở tuần 18, bộ phận sinh dục của thai đã hình thành rõ và đã có thể nhận biết thông qua siêu âm.

  • Thai nhi là bé gái: ống dẫn trứng đã hình thành và ở đúng vị trí.
  • Thai nhi là bé trai: bộ phận sinh dục ngoài đã lộ rõ. 

Các phát triển khác của thai nhi 18 tuần

  • Tai: vành tai ngoài đã phát triển và lộ ra khỏi đầu, em bé bắt đầu cảm nhận được âm thanh, có thể nghe thấy tiếng mẹ trò chuyện. 
  • Khuôn mặt: 2 mắt lại gần nhau hơn, hướng về phía trước, dù bé vẫn nhắm mắt nhưng đã có thể cảm nhận được ánh sáng. Lông mày, lông mi đã được hình thành. 
  • Hệ thần kinh: phát triển nhanh chóng. Một chất được gọi là myelin lúc này bao phủ các dây thần kinh của bé, giúp gửi thông điệp từ tế bào thần kinh này sang tế bào thần kinh khác.
  • Phổi: phổi bé bắt đầu phân nhánh, các ống nhỏ nhất (tiểu phế quản) bắt đầu phát triển.  Ở phần cuối của những ống nhỏ này, các túi hô hấp xuất hiện. Vào thời điểm em bé chào đời, những túi này sẽ được bao bọc bởi các mạch máu nhỏ cho phép oxy và carbon dioxide lưu thông vào và ra.

Vận động của thai nhi

Tuần thai thứ 18 đánh dấu cột mốc thai nhi đã đủ lớn, mẹ bầu có thể cảm nhận được những chuyển động của bé – thai máy: xoay, lật, rặn, ưỡn người,nhào lộn… 

Mẹ bầu thay đổi như thế nào khi mang thai tuần 18?

  • Tăng khẩu vị

Đói bụng, cảm giác thèm ăn tăng lên là điều phổ biến khi mang thai 18 tuần. Tình trạng đói khi mang thai là do cơ thể mẹ đang làm việc chăm chỉ để hỗ trợ em bé phát triển. Điều đó đòi hỏi nhiều năng lượng hơn. 

  • Sưng phù tay chân

Việc mẹ bầu bị sưng phù ở chân và mắt cá chân hay sưng nhẹ ở bàn tay và ngón tay là điều bình thường. Tuy nhiên, tình trạng sưng phù đột ngột có thể báo hiệu một vấn đề nghiêm trọng như tiền sản giật hoặc huyết khối sâu. Mẹ hãy đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. 

  • Chuột rút ở chân

Do tình trạng phù nề và tăng cân, mẹ bầu có thể thường xuyên gặp chuột rút. Khi gặp hiện tượng này, mẹ hãy kéo căng cơ bắp chân bằng cách duỗi thẳng chân và gập ngón chân về phía ống chân. Sau khi duỗi, hãy xoa bóp cơ và/hoặc chườm nóng, chẳng hạn như miếng đệm sưởi hoặc chai nước nóng. 

  • Hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay là triệu chứng gặp phải ở 62% phụ nữ có thai, gây ra bởi một dây thần kinh ở cổ tay bị nén và dẫn đến ngứa ran, tê và đau ở bàn tay và cánh tay. 

  • Nhức mỏi cơ thể

Đau nhức cơ thể, chẳng hạn như đau lưng, háng hoặc đùi, có thể gặp khai từ thai kỳ 3 tháng giữa trở đi do cơ thể mẹ đang thay đổi nhanh chóng. Khi tử cung mở rộng và đẩy dạ dày ra ngoài, trọng tâm cân bằng của mẹ sẽ thay đổi, điều này khiến mẹ bị đau lưng. Cân nặng của em bé tăng lên cũng có thể gây thêm áp lực lên xương chậu của mẹ. 

Bụng bầu 18 tuần
Kích thước thai nhi tăng nhanh tạo ra nhiều sự thay đổi ở cơ thể mẹ bầu.
  • Các triệu chứng khác

Các triệu chứng mẹ bầu hay gặp phải trong suốt thai kỳ như ợ nóng, đầy hơi, chướng bụng và đi tiểu thường xuyên. Mẹ cũng có thể gặp các vấn đề về mũi và nướu, bao gồm nghẹt mũi, sưng nướu hoặc chóng mặt trong thai kỳ tuần 18.

Lời Khuyên Cho Mẹ Bầu Tuần 18

Siêu âm thai & khám thai 18 tuần

Trong thai kỳ 3 tháng giữa, thai nhi phát triển hơn rất nhiều, đây là thời điểm thích hợp để mẹ bầu thực hiện một số xét nghiệm, thủ thuật nhằm tầm soát các dị tật bẩm sinh và các nguy cơ không mong muốn. Ở tuần thai thứ 18, các bác sĩ thường khuyên thai phụ lưu ý những vấn đề như:

  • Siêu âm 4D nhằm kiểm tra nguy cơ dị tật thai nhi toàn diện.
  • Xét nghiệm tiểu đường nhằm phát hiện nguy cơ tiểu đường thai kỳ.
  • Theo dõi cân nặng của mẹ bầu để đánh giá tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi. 
  • Những mẹ bầu mang đa thai hoặc có tiền sử sảy thai, sinh non,… nên chủ động tìm hiểu những dấu hiệu động thai, dọa sảy thai,… Từ đó, mẹ bầu có thể phòng tránh và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường để có hướng xử trí kịp thời. 
hình ảnh siêu âm thai 18 tuần
Hình ảnh siêu âm 4D thai 18 tuần tuổi

Mang bầu 18 tuần nên ăn gì?

  • Để giữ cho mức tăng cân của bạn ở mức khỏe mạnh (0,5kg mỗi tuần), hãy tiếp tục ăn một chế độ ăn uống cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng bao gồm chất đạm, chất đường bột, chất béo, vitamin và khoáng chất.
  • Ngoài ra, mẹ bầu nên bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu canxi và sắt, thực phẩm giàu axit folic, chẳng hạn như rau lá xanh và trái cây họ cam quýt. 
  • Để thỏa mãn cơn đói của mẹ bầu và tối đa hóa dinh dưỡng, hãy ăn những bữa ăn nhỏ hoặc ăn cách nhau  giờ  3 tiếng. 
  • Nếu mẹ thèm đồ ngọt, hãy ăn trái cây tươi như nho, chuối, táo, cam quýt,… thay vì bánh ngọt hoặc đồ ngọt đã qua chế biến.
  • Tránh thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ. Phụ nữ thừa cân có chỉ số BMI từ 30 trở lên có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cao hơn, vì vậy cần có chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học. 

Chế độ sinh hoạt

  • Tránh ngồi lâu để giảm nhức mỏi, phù nề: không đứng quá lâu, không nên ngồi lâu quá 1 giờ để tránh chuột rút, đau lưng, nhức mỏi. Tốt nhất nên vận động sau nửa ngồi, mẹ có thể đi lại để thư giãn các khớp và cơ.
  • Điều chỉnh lại vị trí để các đồ dùng trong nhà để phù hợp với tầm với và cơ thể của mẹ bầu.
  • Chườm nóng, lạnh hoặc xoa bóp tại các vùng cơ thể bị nhức mỏi.
  • Tìm hiểu về chế độ thai sản: đây là thời điểm phù hợp để mẹ bắt đầu chuẩn bị các thủ tục, giấy tờ để hưởng quyền lợi thai sản và chuyển giao bớt các công việc nặng nhọc
  • Tắm nước ấm, kéo căng cơ bắp chân, cuộn mắt cá chân và ngọ nguậy các ngón chân thường xuyên trong ngày. Bổ sung magie đầy đủ cũng có thể làm giảm tình trạng chuột rút.
  • Lưu ý trong quan hệ tình dục: mang thai tuần thứ 18 mẹ có thể quan hệ tình dục bình thường nếu có nhu cầu. Lưu ý quan hệ nhẹ nhàng, không nên quan hệ thô bạo hoặc các tư thế khó gây áp lực lên vùng bụng. 

Khi nào cần đến gặp bác sĩ sản khoa?

  • Chảy máu âm đạo bất thường
  • Tăng tiết dịch âm đạo hoặc tiết dịch có mùi
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Đau khi đi tiểu
  • Chuột rút vùng chậu vừa đến nặng hoặc đau bụng dưới.
  • Phù nề nhiều và đột ngột, nhìn mờ, nhìn đôi, ngất xỉu. 

Bước sang thai kỳ tuần 18, sự phát triển của thai nhi rõ ràng, nhiều bộ phận trên cơ thể được hình thành rõ ràng hơn. Mẹ hãy chuẩn bị thêm kiến thức về mang thai và sinh sản để chuẩn bị cho thai kỳ chu đáo hơn nhé!