Thai 17 tuần phát triển ra sao và lời khuyên cho mẹ bầu

Tại thời điểm thai 17 tuần, các hệ cơ quan trong cơ thể thai nhi gần như đã sẵn sàng hoạt động, máu được bơm qua hệ tuần hoàn, thận bắt đầu lọc máu. Ngoại hình của bé cũng đang được hoàn thiện từng ngày. 

1. Dấu hiệu thai 17 tuần phát triển khỏe mạnh

Ở tuần thứ 17, mẹ đang ở cuối tháng thứ 4 của thai kỳ. Mẹ sẽ cảm nhận rất rõ sự thay đổi của chính mình và thai nhi trong giai đoạn này.

1.1. Kích thước thai 17 tuần

Thông thường, thai 17 tuần sẽ nặng trung bình khoảng 140g chiều dài đầu mông (CRL) là 130 mm và đường kính lưỡng đỉnh (BPD) 36mm. Thai 17 tuần đã phát triển các chỉ số thể chất gấp rưỡi so với tuần 16.

kích thước thai 17 tuần

Bé có kích thước tương đương một củ cải tròn.

1.2. Bộ phận sinh dục của thai 17 tuần

  • Nếu thai nhi là bé trai, ở tuần 17 này, bộ phận sinh dục đã phát triển rất nhanh, có thể nhìn thấy khi siêu âm.
  • Nếu thai nhi là bé gái, ống dẫn trứng và tử cung bắt đầu hình thành, tuy nhiên khi siêu âm chúng ta khó quan sát hơn so với bé trai.

1.3. Các phát triển khác của thai nhi 17 tuần

  • Dây rốn: Dây rốn là dây nối giữa nhau thai và cơ thể bé. Dây rốn cung cấp chất dinh dưỡng cho em bé của bạn và vận chuyển các chất thải. Ở tuần 17, dây rốn đang phát triển khỏe và dày hơn. Vào cuối thai kỳ, nó sẽ dài khoảng 23cm và dày 2.5cm. 
  • Hệ xương: Bộ xương của bé ở dạng sụn mềm đang dần cứng lại ở dạng xương đặc.
  • Da: Các tuyến mồ hôi đang bắt đầu phát triển. Và đến tuần sau, các lớp da của bé sẽ được hình thành đầy đủ.
  • Tích mỡ nâu: Lớp chất béo bắt đầu hình thành và dày lên ở những tuần tiếp theo. Lớp mỡ này giúp điều hòa thân nhiệt của bé sau khi bé được sinh ra. 
  • Các cơ quan nội tạng: Phổi thở ra nước ối, hệ tuần hoàn và tiết niệu được hình thành và thực hiện những chức năng đầu tiên. 

1.4. Thai nhi tuần thứ 17 đã biết đạp chưa?

Thai nhi càng ngày càng năng động, bé có thể đạp, cử động tay chân, nhào lộn,… Mẹ bầu đã bắt đầu cảm nhận được cử động của thai nhi (thai máy) những vẫn còn khá nhẹ nhàng. Ở những tuần tiếp theo, thai nhi lớn hơn, hiện tượng thai máy sẽ rõ ràng hơn. 

2. Các Thay Đổi Của Mẹ Khi Mang Thai 17 Tuần

  • Chóng mặt: Mẹ có thể thường xuyên cảm thấy hơi lâng lâng do những thay đổi tim mạch bình thường liên quan đến thai kỳ như: nhịp tim cao hơn, các mạch máu lớn hơn để chứa lượng máu tăng lên và những thay đổi tạm thời trong tuần hoàn).
  • Ngứa da, rạn da: Ngứa nhẹ là một vấn đề về da bình thường khi mang thai. Ngoài ra, mẹ bầu còn có thể cảm thấy da bị kéo căng ở xung quanh ngực và bụng, có thể xuất hiện vết rạn da. Đây là do kích thước thai đã bắt đầu lớn, vùng da bụng căng hơn để chứa được bào thai bên trong, dẫn đến da ở các vùng khác bị ảnh hưởng.
vị trí thai 17 tuần
Vị trí của thai trong bụng mẹ khi được 17 tuần
  • Những giấc mơ kỳ lạ: Nếu gặp phải những giấc mơ lạ như tình dục, đồ ăn, ác mông… hoặc nhiều khi không rõ nội dung thì mẹ cũng không cần quá lo lắng. Đây là hiện tượng bình thường trong giai đoạn giữa thai kỳ do sự thay đổi hormone và cảm xúc.  
  • Táo bón: Tình trạng này sẽ diễn ra mạnh hơn từ tháng thứ 5 do sự thay đổi nội tiết tố và tử cung mở rộng. 
  • Đau dây thần kinh tọa: Nếu mẹ bầu bị đau nhói liên tục tỏa ra từ một trong hai chân, thì đó có thể là mẹ bầu bị đau dây thần kinh tọa, có thể là do áp lực mà em bé đang lớn trong bụng gây ra cho dây thần kinh. Mẹ hãy điều chỉnh tư thế nằm ngủ sang bên không bị đau để giảm bớt cơn đau này nhé. 

3. Lời Khuyên Cho Mẹ Bầu Tuần 17

3.1 Siêu âm và khám thai tuần thứ 17

Đây là thời điểm quan trọng cần tiến hành siêu âm thai để kiểm tra tình trạng sức khỏe tổng quát cho cả mẹ và bé. Nếu tuần 16 mẹ chưa đi khám thai thì nên đi sớm trong tuần này nhé.

Siêu âm thai tuần thứ 17 đã xác định được giới tính của thai nhi. Qua siêu âm, bố mẹ có thể nhìn thấy những cử động của bé như: đạp, duỗi tay chân hay mút ngón tay,… Những hành động nhỏ này khiến mẹ cảm thấy rất vui và yên tâm về sự phát triển của thai nhi.

Hình ảnh siêu âm thai 17 tuần
Hình ảnh siêu âm thai 17 tuần

3.2. Mang bầu 17 tuần nên ăn gì?

Ăn uống đầy đủ trong khi mang thai là rất quan trọng để bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể mẹ và hỗ trợ em bé đang lớn lên từng ngày. Trong thai kỳ 3 tháng giữa mẹ nên bổ sung dinh dưỡng để đảm bảo tăng 0.5kg mỗi tuần. 

Mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ các nhóm thực phẩm:

  • Thực phẩm giàu chất đạm: thịt nạc, thịt gà, sữa, trứng, cá hồi tôm, các loại đậu. 
  • Thực phẩm giàu sắt: thịt bò, thịt lợn, lòng đỏ trứng, cải bó xôi, bí đỏ, các loại hạt,…
  • Thực phẩm giàu canxi: sữa và chế phẩm từ sữa, cua biển, tôm, rau có màu xanh đậm, quả kiwi… Nhóm này có thể ưu tiên hơn do 3 tháng giữa là giai đoạn thai nhi phát triển rất mạnh về hệ xương nên nhu cầu canxi cao.
  • Thực phẩm giàu DHA: cá da trơn, sữa, các loại hạt (macca, óc chó, điều, hạnh nhân,..) lạc, ngũ cốc nguyên hạt,…
  • Thực phẩm giàu vitamin: các rau và trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, nước dừa,…

3.3. Chế độ sinh hoạt

  • Hãy tập một số bài tập thư giãn: mẹ bầu hãy tập hít thở sâu, tưởng tượng có hướng dẫn, tập yoga và xoa bóp trước khi sinh. Đồng thời mẹ hãy thư giãn cơ dần dần, giúp cơ thể giữ được trạng thái cân bằng và thậm chí ngủ ngon hơn.
  • Duy trì thói quen sinh hoạt điều độ, lành mạnh: khi mang thai mẹ bầu hãy đi ngủ sớm, ít sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử hơn, tránh xa thuốc lá và đồ uống có cồn, mặc quần áo rộng rãi dành cho bà bầu, đi dép thấp, tránh nơi đông người và không làm việc quá sức. 
  • Thai giáo: bố mẹ thường xuyên trò chuyện với bé, bật nhạc nhẹ nhàng, đọc sách, thiền, hay tập thể dục là cách để kích thích trẻ tư duy từ ngay trong bụng mẹ. Ngoài ra, thai giáo còn giúp kết nối tình cảm giữa bố mẹ và em bé. 
  • Thay đổi tư thế nằm:Mẹ hãy thử nằm nghiêng khi ngủ với một chiếc gối giữa đầu gối và mắt cá chân. Khi kích thước bụng bầu ngày càng lớn và đôi lúc mẹ bị đau dây thần kinh toạ, điều này sẽ giúp mẹ cảm thấy dễ chịu hơn.

Tư thế nằm ngủ khi mang bầu

  • Quan hệ tình dục: Ở tuần này mẹ có thể quan hệ tình dục nếu như có ham muốn, quan hệ tình dục nhẹ nhàng với tần suất vừa phải, tư thế thích hợp sẽ khiến lưu thông máu huyết đến vùng xương chậu rất tốt cho quá trình mang thai. 

4. Những triệu chứng bất thường khi ở tuần thứ 17

Mặc dù khả năng sảy thai của mẹ đã giảm vào thời điểm này, nhưng vẫn có rủi ro. Nếu mẹ bị chảy máu âm đạo, dịch âm đạo bất thường (có mùi lạ hoặc thay đổi màu sắc), bị đau bụng dữ dội, nhìn mờ, nhìn đôi, ngất xỉu, sốt,… mẹ hãy liên hệ ngay với bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. 

Thai kỳ tuần thứ 17, bé yêu đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ, mẹ cũng cần chú ý đến những thay đổi về cơ thể, chế độ dinh dưỡng cũng như chế độ tập luyện để bé khỏe mạnh và phát triển một cách tốt nhất nhé.