Thai 36 tuần phát triển thế nào và lời khuyên dành cho mẹ bầu

Thai 36 tuần là thời điểm rất gần ngày sinh nở. Em bé đang có những hoàn thiện cuối cùng và mẹ bầu cũng cần chuẩn bị xong để sẵn sáng đón bé chào đời. Cùng xem những điều cần lưu tâm ở tuần này.

 

1. Dấu hiệu thai 36 tuần khỏe mạnh

Khi thai được 36 tuần, mẹ đang nằm trong thời gian tháng thứ 9 của thai kỳ. Thai nhi đã gần đạt đến mức độ hoàn thiện như một em bé sơ sinh.

1.1. Kích thước và cân nặng thai 36 tuần

Chỉ số trung bình của thai 36 tuần như sau:

  • Kích thước: Dài tầm 47,4 cm tính từ đầu đến gót chân
  • Cân nặng: Nặng khoảng 2,6 kg

Để mẹ dễ hình dung thì hiện tại thai nhi có kích thước như một cây xà lách Romance (loại xà lách lớn, lá dài)

kích thước thai 36 tuần

1.2. Sự phát triển của các bộ phận

  • Da: tiếp tục căng hơn, hồng hào hơn nhờ các chất béo tích tụ dưới da
  • Tóc và móng tay đã mọc nhanh và dày hơn
  • Phổi: đã sẵn sàng để thở bên ngoài bụng mẹ. Khi trẻ sơ sinh hít vào lần đầu tiên – trong vòng khoảng 10 giây sau khi sinh – phổi của trẻ sẽ nở ra và bất kỳ chất lỏng nào còn lại trong phế nang được thay thế bằng không khí.
  • Xương: đang dần cứng lại mặc dù vẫn chưa đạt mức độ như người lớn, một số sụn linh hoạt nay đã dần được thay thế bằng xương
  • Thính giác:đã phát triển rất nhạy bén, thai nhi có thể nhận ra giọng nói của mẹ
  • Hệ tiêu hóa: Các bộ phận khác của thai nhi đã phát triển đầy đủ, tuy nhiên hệ tiêu hóa của thai nhi vẫn chưa sẵn sàng, và cần thêm thời gian để trưởng thành
  • Hệ tuần hoàn và hệ miễn dịch: đã phát triển hoàn thiện và đầy đủ, giúp thai nhi được bảo vệ phần nào khi sinh ra.
  • Một số chức năng của cơ thể bé đã được hoàn thiện:
    • Khả năng bú và tiêu hóa sữa mẹ
    • Làm phân su: Thai nhi của mẹ đang rụng gần hết lớp lông tơ bao phủ (lông tơ), cũng như chất sáp (vernix caseosa) bảo vệ làn da của bé trong bụng mẹ. Thai nhi sẽ nuốt cả hai chất này cùng với các chất bài tiết khác, tạo ra một hỗn hợp hơi đen gọi là phân su mà bạn sẽ thấy trong vài lần đi đại tiện đầu tiên của bé
hình ảnh thai 36 tuần
Hình ảnh thai nhi 36 tuần tuổi

1.3. Cử động của thai 36 tuần

Với cân nặng và chiều dài ở trên thì hiện tại thai nhi sẽ cảm thấy trật trội trong túi ối của mẹ. Vì vậy thời gian này mẹ sẽ thấy thai nhi ít đạp hơn như trước, nhưng thay vào đó sẽ là những lần ngọ nguậy và cuộn mình của bé mẹ nhé.

2. Những thay đổi của mẹ bầu tuần 36

Khi thai 36 tuần, ngoài những thay đổi của các tuần trước như: táo bón, chuột rút, khó ngủ, mệt mỏi…Mẹ còn thêm những thay đổi sau:

2.1. Thay đổi về thể chất

  • Bụng: Kích thước vùng bụng vẫn tiếp tục tăng do thai nhi đang lớn dần và bụng của mẹ đang bị sa xuống do thai nhi ngày càng di chuyển xuống gần xương chậu của mẹ để chuẩn bị ra đời.
  • Phù nề tứ chi
    • Nguyên nhân: Do cơ thể mẹ phải giữ lại nhiều chất lỏng trong cơ thể hơn nên triệu chứng phù nề ngày càng rõ rệt, đôi khi còn xuất hiện trên mặt.
    • Giải pháp: Để giảm sưng, mẹ bầu nên uống nhiều nước để loại bỏ các natri dư thừa và các chất thải khác ra ngoài cơ thể

2.2. Các vấn đề phát sinh

  • Đau đầu: thời điểm này tần suất đau đầu hoặc đâu nửa đầu của mẹ bầu tăng lên
    • Nguyên nhân: Do thay đổi nội tiết tố và tình trạng khó ngủ
    • Giải pháp: Nghỉ ngơi điều độ và ăn uống đủ chất, kết hợp với tập thể dục nhẹ nhàng và tập các bài tập hít thở.
  • Chóng mặt:
    • Nguyên nhân: Tử cung đang phát triển đang gây áp lực lên các tĩnh mạch và làm chậm quá trình lưu thông máu.
    • Giải pháp: Hãy dành thời gian nghỉ ngơi, ăn uống điều độ. Đừng đứng dậy quá nhanh khi đang ngồi hoặc đang nằm.
  • Đau vùng xương chậu
    • Nguyên nhân: Do thai nhi đã di chuyển xuống vùng xương chậu
    • Giải pháp: Hãy tắm nước ấm,  áp dụng một số bài tập vận động nhẹ nhàng và mát xa vùng hông
  • Đi tiểu thường xuyên:
    • Nguyên nhân: Thai nhi di chuyển xuống vùng xương chậu càng làm tăng áp lực lên bàng quang của mẹ
    • Giải pháp: Sắp xếp phòng ngủ hoặc vị trí làm việc/nghỉ ngơi ở nơi gần nhà vệ sinh để mẹ không phải di chuyển quá xa khi đi tiểu.
hình ảnh thai 36 tuần trong bụng mẹ
Hình ảnh thai 36 tuần trong bụng mẹ

Bước vào thai 36 tuần ngoài việc đi khám thai định kỳ theo lịch của Bác sĩ, mẹ cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của mình để thai nhi được phát triển một cách toàn diện nhất mẹ nhé.

3. Lời khuyên cho mẹ bầu tuần 36

3.1. Siêu âm thai tuần 36

Trong tháng thứ 9 của thai kỳ, mẹ có thể chuyển dạ bất cứ lúc nào, vì vậy hãy đi siêu âm hàng tuần nhé. Bác sĩ sẽ đánh giá:

  • Các chỉ số của cơ bản của thai như cân nặng, chiều dài xương đùi, tim thai
  • Đo cơn gò tử cung để dự đoán thời gian chuyển dạ
  • Kiểm tra một số vấn đề nguy hiểm như: thiếu ối, rau rốn quấn cổ,…
Hình ảnh siêu âm thai 36 tuần

3.2. Dinh dưỡng

Thời gian này mẹ hãy ăn uống lành mạnh, bổ sung những thực phẩm giàu vitamin B6, vitamin K, protein và axit béo omega-3.

Ngoài ra mẹ nên tránh hút thuốc, uống rượu, các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng và thịt, trứng, thịt gia cầm và cá sống hoặc nấu chưa chín.

3.3. Chế độ sinh hoạt

Không chỉ riêng chế độ dinh dưỡng mà chế độ sinh hoạt của mẹ cũng rất quan trọng trong thời gian thai 36 tuần, thời gian này mẹ hãy:

  • Nghỉ ngơi, thư giãn, vận động nhẹ nhàng. 
  • Vẫn có thể quan hệ tình dục ở tuần 36 nhưng mẹ hãy chú ý tư thế thoải mái thôi nhé.
  • Theo dõi sự chuyển động của thai nhi hằng ngày
  • Theo dõi nhiệt độ, huyết áp, nhịp tim của cơ thể hằng ngày
  • Học cách nhận biết dấu hiệu chuyển dạ thông qua dịch nhầy âm đạo tiết ra
  • Chuẩn bị những đồ dùng cho thai nhi chuẩn bị chào đời
  • Thông báo cho người thân về việc chuyển dạ nếu có dấu hiệu

4. Dấu hiệu chuyển dạ tuần 36

Đây là thời gian nhạy cảm vì mẹ có thể sinh bất cứ lúc nào, nên nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu chuyển dạ dưới đây mẹ hãy liên hệ tới ngay cơ  sở y tế gần nhất.

  • Tử cung giãn nở
  • Xuất hiện những cơn co thắt tử cung xuất hiện với tần suất liên tục, đi kèm với đó là những cơn đau xuất hiện 5-10p/lần
  • Vỡ ối

Ngoài ra, nếu xuất hiện các biểu hiện sau mẹ cũng nên đến bệnh viện ngay vì rất có thể mẹ và bé đang gặp nguy hiểm:

  • Thai nhi thiếu vận động
  • Ra máu âm đạo bất thường
  • Chóng mặt, ngất xỉu

Chúc mẹ bầu và thai nhi thật khoẻ để sẵn sàng cho cuộc vượt cạn sắp đến nhé.