Thai 26 tuần phát triển thế nào và lời khuyên cho mẹ bầu

Vào thời điểm thai 26 tuần, mẹ đã gần bước vào giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3, chặng đua nước rút cuối cùng. Mẹ cùng đón xem bài viết để biết được rằng thai 26 tuần sẽ phát triển như thế nào và mẹ nên làm gì trong tuần này nhé!

1. Dấu hiệu thai 26 tuần khoẻ mạnh

Tuần 26 là tuần cuối cùng của tháng thai kỳ thứ 6. Thai nhi tiếp tục có những sự phát triển mới về thể trạng, cân nặng và chức năng của các bộ phận.

1.1. Kích thước và cân nặng thai 26 tuần

Chỉ số trung bình của thai 26 tuần như sau:

  • Kích thước: Dài tầm 35,6 cm tính từ đầu đến gót chân
  • Cân nặng: Nặng khoảng 760 gram

kích thước thai 26 tuần

Từ tuần này, bé con tăng cân với tốc độ rất nhanh, trên 100 gram mỗi tuần.

Đến tuần 26, mẹ có thể hình dung thai nhi có kích thước như 1 chiếc bắp cải tím trong bụng của mẹ.

1.2. Sự phát triển của các bộ phận

Ngoài tăng trưởng kích thước và cân nặng, thai nhi cũng tiếp tục hoàn thiện chức năng của các bộ phận trong cơ thể:

  • Tóc của thai nhi mọc dầy hơn.
  • Cột sống chắc khỏe hơn với 150 khớp xương, 33 vòng xương và 1000 dây chằng được hình thành.
  • Đôi mắt: Thời điểm này mắt của thai nhi sẽ mở lần đầu tiên, và tiếp theo đó bé con sẽ học cách chớp mắt. Bé con cũng bắt đầu hình thành phản xạ mở mắt khi thức và nhắm mắt khi ngủ mẹ nhé.
  • Não và thính giác phát triển: Phản ứng của thai nhi với âm thanh ngày càng tinh vi hơn khi não của bé phát triển, thai nhi có thể nghe rõ và nhận ra những giọng nói khác nhau. Vì vậy thai nhi có thể nhận ra giọng của mẹ, giúp mẹ và thai nhai gắn kết hơn khi bé chào đời.
  • Vị giác: Thời điểm này vị giác của bé đã phát triển đầy đủ, những chồi răng bắt đầu hình thành
  • Phổi: đang tiếp tục phát triển, phân nhánh các đường thở mới với các túi khí nhỏ (phế nang). Mạng lưới đường thở này còn được gọi là cây hô hấp. 
  • Hệ tuần hoàn đã có đầy đủ chức năng. Vào giai đoạn thai 26 tuần, tim đang bơm máu và các mạch máu tiếp tục mở rộng dầy đặc hơn.
  • Dây rốn của thai nhi khỏe và dày hơn để có thể cung cấp tất cả dinh dưỡng cần thiết
  • Các bộ phận sinh dục: Nếu là bé trai tinh hoàn của bé đang tiếp tục đi xuống từ xương chậu về phía bìu. Tinh hoàn thường đến bìu trong tam cá nguyệt thứ ba
Hình ảnh thai nhi 26 tuần
Hình ảnh thai nhi 26 tuần

1.3. Cử động đạp của thai nhi

Bước vào giai đoạn 26 tuần, thai đã có kích thước tương đối lớn và đã bắt đầu cảm thấy trật trội trong bụng mẹ, không còn nhào lộn vào nô đùa như trước đây.

Thời điểm này bé sẽ chọn tư thế chào đời thường là đầu xuống dưới, cũng có khi một số bé ở giai đoạn này lại nằm ngang bụng mẹ, gọi là thai ngôi ngang.

2. Những thay đổi của mẹ bầu ở tuần 26

Khi thai 26 tuần không chỉ riêng thai nhai phát triển và thay đổi, mẹ cũng sẽ có những thay đổi về cơ thể như sau:

  • Tăng cân: Mẹ sẽ tiếp tục tăng cân do cảm giác thèm ăn và nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể tăng lên. Tuy nhiên mẹ nên kiểm soát để tăng khoảng 0.5kg/tuần thôi nhé.
  • Rạn da:
    • Nguyên nhân: Thai nhi đang phát triển nên bụng mẹ lớn dần, da bắt đầu căng ra để theo kịp thế nên mẹ xuất hiện nhiều vết rạn trên bụng, ngực và đùi.
    • Giải pháp: mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ vitamin E và A, uống đủ nước. Ngoài ra, mẹ có thể sử dụng thêm các loại kem chống rạn da dành riêng cho phụ nữ mang thai
  • Các vết nám, chàm sậm màu
    • Nguyên nhân: do sự thay đổi hoocmon của cơ thể mẹ
    • Giải pháp: tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trực tiếp, có thể sử dụng các loại kem chống nắng vật lý an toàn với phụ nữ mang thai (tuy nhiên nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng).
  • Táo bón:
    • Nguyên nhân: Do sự thay đổi nồng độ hormone và áp lực của thai nhi lên đường tiêu hóa của mẹ bầu
    • Giải pháp: Tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây và các loại thực phẩm giàu chất xơ, uống đủ nước và thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng để giúp cơ thể hoạt động tốt hơn.

Ngoài những thay đổi trên mẹ còn gặp nhiều triệu chứng như:

  • Nhức đầu
  • Đi tiểu nhiều lần trong ngày
  • Đau lưng dưới do kích thước bụng lớn dần gây áp lực lên cột sống
  • Mệt mỏi và khó ngủ
  • Nướu bị sưng và chảy máu

Nhưng đừng quá lo mẹ nhé, khi thai nhi chào đời thì những triệu chứng này sẽ không còn.

Vị trí thai 26 tuần trong bụng mẹ
Vị trí thai 26 tuần trong bụng mẹ

3. Lời khuyên cho mẹ bầu tuần 26

Bước vào tuần thai thứ 26, ngoài việc đi khám thai định kỳ theo lịch của Bác sĩ, mẹ cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của mình để thai nhi được phát triển một cách toàn diện nhất mẹ nhé.

3.1. Khám thai 26 tuần

Tuần 24-28 là một trong những mốc khám thai quan trọng nhất. Nếu các tuần trước đó mẹ chưa đi khám thai thì nên đi khám ngay tuần 26 này. Cụ thể:

  • Xét nghiệm tầm soát tiểu đường thai kỳ
  • Siêu âm để kiểm tra tình trạng của thai nhi, bao gồm các bất thường nếu có. Thai 26 tuần đã có sự vận động và phối hợp vận động tốt hơn. Giới tính của bé cũng dễ xác định với độ chính xác cao hơn mẹ nhé.
Hình ảnh siêu âm thai 26 tuần

3.2. Mang thai 26 tuần nên ăn gì?

Thai nhi 26 tuần nhận nhiều chất dinh dưỡng hơn từ mẹ qua dây rốn. Vì vậy chế độ ăn uống của người mẹ càng ảnh hưởng đến con nhiều hơn. Trong tuần này, mẹ cần tiếp tục lưu ý các vấn đề dinh dưỡng sau:

  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tránh rượu, bia, thức ăn nhanh
  • Ăn theo thực đơn đa dạng nhưng ưu tiên các thực phẩm giàu sắt như thịt bò, lợn, các loại rau xanh đậm, trứng, lòng đỏ trứng, các loại hạt…để đề phòng thiếu máu
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ (như trái cây, rau và ngũ cốc..) để giảm tình trạng táo bón
  • Uống đủ nước để đảm bảo nước ối cho thai nhi
  • Hạn chế đường trong bữa (như nước ngọt, đồ tráng miệng…) để tránh tiểu đường trong thai kỳ

3.3. Chế độ sinh hoạt

  • Vận động nhẹ nhàng bằng cách đi bộ quãng ngắn 10p mỗi ngày, bơi lội, yoga cho bà bầu. Đặc biệt, mẹ bầu có thể xem xét các bài tập luyện cơ sàn chậu, sẽ giúp việc sinh nở sau này dễ dàng hơn.
Các bài tập cơ sàn chậu sẽ giúp việc sinh nở dễ dàng hơn. Tuy nhiên mẹ cần được hướng dẫn bởi các chuyên gia chuyên nghiệp
  • Mát-xa hằng ngày để mẹ được cảm thấy thoải mái hơn
  • Theo dõi sự chuyển động và số lần đạp của thai nhi hàng ngày
  • Ngủ đủ giấc mẹ nhé
  • Thai giáo hằng ngày bằng cách trò chuyện với bé, đọc truyện hoặc mở những bản nhạc nhẹ nhàng.
  • Bôi kem dưỡng ẩm đầy đủ để hạn chế các vết rạn

4. Các dấu hiệu nguy hiểm cần đến bệnh viện ngay

Trong quá trình thai 26 tuần nếu mẹ có những biểu hiện bất thường sau, mẹ không được chủ quan mà hãy tới ngay cơ sở y tế gần nhất để tìm kiếm sự giúp đỡ của các bác sĩ:

  • Thai nhi thiếu vận động, ít đạp
  • Có những cơn đau co thắt bất thường
  • Phù nề nhiều ở cổ chân và các khớp
  • Bị ớn lạnh, sốt cao
  • Bị nhức đầu, chóng mặt, ngất xỉu
  • Hiện tượng ra máu âm đạo bất thường
  • Bị tụt bụng, đây có thể là dấu hiệu sinh non

Bài viết là toàn bộ những thông tin cung cấp sự phát triển của thai nhi và sự thay đổi của mẹ bầu trong thời kỳ thai 26 tuần, hy vọng đây là thông tin hữu ích cho các mẹ bầu.