Thai 22 tuần đã chính thức có hình dạng cơ bản của một trẻ sơ sinh thu nhỏ. Bên trong cơ thể, các cơ quan đang dần được hoàn thiện.
Dấu hiệu thai 22 tuần phát triển khỏe mạnh
Thời điểm thai 22 tuần thuộc giai đoạn cuối tháng thứ 5 – dấu mốc rất quan trọng chuẩn bị kết thúc 3 tháng giữa thai kỳ.
Kích thước và cân nặng của thai 22 tuần
Thai 22 tuần nặng trung bình 430g, chiều dài đầu-gót chân khoảng 278mm.
Từ cuối tháng thứ 5, thai nhi chủ yếu tăng nhanh về cân nặng, trong khi đó độ dài đầu-mông tăng trưởng chậm lại. Ở tuần 22, thai nhi có kích thước tương đương với một quả bí ngô nhỏ.
Sự phát triển của các cơ quan
Thai nhi đã phát triển hầu hết các cơ quan, bộ phận và đã chính thức có được hình dáng của một đứa trẻ sơ sinh thu nhỏ.
- Làn da: không còn trong suốt như những tuần trước nữa do chất béo trong cơ thể bé đang tụ lại dưới lớp da để hình thành lớp mỡ. Ngoài ra, tóc và lông bắt đầu mọc trên cơ thể bé.
- Các giác quan:
– Thính giác phát triển, em bé có thể nghe được những âm thanh từ bên ngoài bụng mẹ.
– Mắt của bé cũng đang tiếp tục phát triển, các bộ phận thị giác khác đều đã hình thành, bao gồm mí mắt và lông mày.
- Phổi của thai hoàn thiện hơn và bé bắt đầu tập thở trong bụng mẹ
- Cơ quan sinh dục của thai nhi tuần thứ 22 cũng đang hoàn thiện và hoàn toàn có thể nhìn rõ qua siêu âm
– Nếu thai nhi là bé trai thì tinh hoàn đã bắt đầu hạ xuống bìu.
– Nếu thai nhi là bé gái thì tử cung, buồng trứng và âm đạo đã được hình thành đúng vị trí
Cử động của thai tuần 22
- Chân tay thai nhi cứng cáp hơn và chăm chỉ vận động hơn. Mẹ hoàn toàn có thể cảm nhận được những cử động vặn mình, nhào lộn, huých, đá,… của em bé trong bụng mình.
- Em bé cũng học các hành động nắm tay, cầm nắm.
Mẹ bầu thay đổi như thế nào khi mang thai tuần thứ 22?
- Giãn tĩnh mạch & Tĩnh mạch mạng nhện
Các tình trạng này có xu hướng xuất hiện khi mang thai do cơ thể mẹ tăng lưu lượng máu và tử cung đang phát triển gây áp lực lên tĩnh mạch
- Chuột rút
Mẹ có thể bắt đầu bị chuột rút ở chân từ thai kỳ 3 tháng giữa trở đi, đặc biệt là vào ban đêm. Chuột rút ở chân là do cơ thể mẹ phải gánh thêm trọng lượng hoặc liên quan đến chứng sưng phù khi mang thai, không cần quá lo lắng.

- Đau vùng xương chậu
Khi bụng của mẹ to lên, xương chậu được đẩy về phía trước và đường cong lưng dưới của mẹ trở nên rõ ràng hơn. Điều này có thể gây áp lực cho các cơ và dây chằng trong và xung quanh xương chậu nên gây đau.
- Mụn trứng cá
Sự thay đổi hormone trong thai kỳ là nguyên nhân gây ra tình trạng này ở một số mẹ bầu. Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc trị mụn nào, mẹ phải được sự tư vấn của bác sĩ da liễu để đảm bảo rằng nó an toàn cho thai kỳ. Bởi nhiều hoạt chất hoặc phương pháp điều trị mụn trứng cá không được khuyến khích sử dụng cho phụ nữ đang mang thai vì có thể gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.
Lời khuyên cho mẹ bầu tuần 22
Siêu âm thai tuần thứ 22
Tuần 18 – 22 là mốc thời gian khám thai đặc biệt quan trọng, bởi đây là lúc có thể đánh giá chi tiết cấu trúc thai để kịp thời phát hiện các bất thường. Nếu mẹ chưa đi khám thai trong các tuần 18 – 21 thì bắt buộc phải đi khám thai vào tuần 22 này nhé.
Các siêu âm và xét nghiệm thường làm ở tuần 22
- Siêu âm 4D – 5D để phát hiện các dị tật như: dị tật tứ chi, hở hàm ếch, dị tật bẩm sinh tim, thận hay bàng quang, phổi,…
- Thông qua siêu âm thai các bác sĩ đánh giá về tình trạng nước ối, bánh nhau để phát hiện ra các khác thường và có các xử trí đúng lúc.
- Làm một số các cận lâm sàng khác như: xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm sinh hóa – Triple Test,…

Mang bầu 22 tuần nên ăn gì?
Ở tuần này, mẹ bầu sẽ có cảm giác thèm ăn nhiều hơn do em bé đang lớn nhanh và cần nhiều chất dinh dưỡng.
Nhưng mẹ bầu hãy chú ý chế độ ăn uống lành mạnh khoa học, đảm bảo tăng cân vừa phải khoảng 0.5kg/tuần.
Việc tăng cân quá nhanh trong thời gian ngắn có thể đưa đến những tình trạng không mong muốn như tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, phù nề, rạn da,….
Các loại thực phẩm nên lưu ý bổ sung khi mang thai 22 tuần:
- Thực phẩm giàu sắt như thịt bò, lợn, các loại rau xanh đậm, trứng, lòng đỏ trứng, các loại hạt… để đề phòng thiếu máu
- Thực phẩm giàu Omega 3 như các loại cá biển, các loại hạt (hạt óc chó, macca, hạt chia, đậu nành,…) để thai nhi phát triển trí não
- Rau xanh, hoa quả để giảm tình trạng táo bón và bổ sung thêm vitamin cho cơ thể mẹ bầu.
Cuối cùng, mẹ đừng quên uống đủ 2-3l nước mỗi ngày nhé.
Chế độ sinh hoạt
- Tập thể dục nhẹ nhàng, không ngồi hoặc đứng trong thời gian dài sẽ khiến tình trạng giãn tĩnh mạch nghiêm trọng thêm
- Xoa bóp cơ, đi bộ xung quanh để làm ấm cơ trước khi đi ngủ, giúp hạn chế chuột rút ở chân về đêm
- Thay đổi tư thế sang nằm nghiêng, gác chân lên, kê một chiếc gối nhỏ dưới bụng để cảm thấy thoải mái hơn.
- Nếu vùng xương chậu của mẹ quá đau, hãy thử đeo đai nịt bụng hoặc liên hệ bác sĩ để làm vật lý trị liệu
- Thoa kem dưỡng ẩm, kem chống rạn da đều đặn. Đừng quên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng nữa nhé.
- Tiếp tục “Thai giáo” đều đặn cùng bé thông qua trò chuyện, mở nhạc mỗi ngày.
Các triệu chứng bất thường cần đến bệnh viện ngay
Khi gặp phải các dấu hiệu này, rất có thể thai đang gặp vấn đề, trường hợp xấu có thể dẫn đến sảy thai nên mẹ cần đến bệnh viện ngay:
- Chảy máu âm đạo hoặc rỉ dịch bất thường
- Sốt
- Đau đầu, ngất hoặc mờ mắt.
- Bụng xuất hiện các cơn gò
- Đau bụng dưới đột ngột, kéo dài, cường độ tăng dần (là dấu hiệu của chuyển dạ)