Thai 21 Tuần Phát Triển Ra Sao Và Lời Khuyên Cho Mẹ Bầu

Mang thai 21 tuần, mẹ bầu đã đi được phân nửa chặng đường. Tuần này, em bé trong bụng năng động hơn, mẹ sẽ cảm nhận được rõ ràng những cử động của thai nhi như đá, đạp, nhào lộn.

1. Dấu hiệu thai 21 tuần phát triển khỏe mạnh

Nếu bạn đang mang thai 21 tuần, điều đó đồng nghĩa với việc mẹ đã bước vào giữa tháng thứ 5 của thai kỳ. Đây là giai đoạn em bé phát triển rất mạnh mẽ.

1.1. Kích thước thai 21 tuần

Chỉ số trung bình của thai 21 tuần như sau:

  • Cân nặng: khoảng 360g
  • Chiều dài đầu mông (CRL): khoảng 25.6cm

kích thước thai 22 tuần

Cân nặng trung bình tăng 20% so với tuần 20, còn chiều dài đầu mông của thai tăng đến 50%. Thai 21 tuần có kích thước tương đương với một củ cà rốt. 

1.2. Sự phát triển của các cơ quan 

  • Khuôn mặt: lông mày, môi, mí mắt đã được nhận biết rõ ràng hơn. Bên dưới lợi các chồi răng đang được hình thành
  • Da: hiện tại khá nhăn nheo, có thể thấy mạch máu đỏ nổi trên làn da trong mờ.
  • Thị giác: Thai nhi chưa mở mắt nhưng đã có thể cảm nhận được ánh sáng và bóng tối. 
  • Hệ thống thần kinh: phát triển và mở rộng.
  • Tuyến tụy: đang phát triển với vai trò tạo ra một số nội tiết tố quan trọng của thai nhi. 
  • Hệ tiêu hóa: đang dần hoàn thiện, lượng phân su tích luỹ trong cơ thể bé cũng tăng lên theo thời gian. 
hình ảnh thai nhi 22 tuần
Hình ảnh thai nhi 22 tuần – có thể thấy rõ các mạch máu dưới da, mắt của bé vẫn nhắm nhưng đã có thể cảm nhận được ánh sáng

1.3. Cử động của thai 21 tuần

  • Phản xạ mút tay của bé bắt đầu phát triển và bé có thể mút ngón tay cái. 
  • Em bé trong bụng mẹ “năng động” hơn khi ở tuần thứ 21 của thai kỳ. Mẹ có thể cảm nhận những cú đá, huých, lộn nhào của bé dễ dàng khi đặt tay lên bụng. 
  • Bé có hành động uống dịch ối và có thể nếm được mùi vị thức ăn mà mẹ đã ăn. 

2. Mẹ bầu thay đổi như thế nào khi mang thai tuần 21?

Ở tuần thứ 21, Mẹ có thể cảm nhận rõ bụng nhô to lên và vòng eo biến mất, rốn bắt đầu lồi ra ngoài một chút. Cùng với đó là nhiều hiện tượng mới sẽ xuất hiện mà mẹ bầu cần lưu tâm như:

  • Dễ bị mất thăng bằng:
    • Nguyên nhân: Bụng của mẹ bầu lớn lên khiến trọng tâm cơ thể thay đổi 
    • Giải pháp: Mẹ bầu nên di chuyển chậm rãi, cẩn thận, sử dụng giày phù hợp, không quá cao để giúp duy trì thăng bằng
  • Táo bón, bệnh trĩ: Tình trạng này có thể xuất hiện từ khi mẹ mới mang thai và có thể ngày càng khó chịu hơn từ nửa sau của thai kỳ
    • Nguyên nhân: do kích thước thai lớn hơn, nội tiết tố thay đổi làm giảm mức độ hoạt động của nhu động ruột, đi kèm với đó là tăng áp lực từ tử cung lên ruột khiến việc tiêu hoá khó khăn hơn.
    • Giải pháp: Mẹ nên ăn thêm nhiều chất xơ, hoa quả và uống nhiều nước
  • Khó chịu ở đường tiết niệu:
    • Nguyên nhân: do trọng lượng của tử cung đè lên bàng quang gây cản trở dòng nước tiểu, khiến mẹ đi tiểu nhiều hơn và có thể gặp tình trạng tiểu buốt, đau vùng mu.
    • Giải pháp: Mẹ bầu nên đi tiểu đều đặn, không chịu đựng quá lâu, uống nhiều nước ban ngày và giảm uống vào buổi tối trước khi ngủ. Nếu có biểu hiện nhiễm trùng đường tiết niệu, như đau khi đi tiểu, nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
vị trí thai 21 tuần trong bụng mẹ
Vị trí thai 21 tuần trong bụng mẹ

3. Lời khuyên cho mẹ bầu tuần 21

3.1. Khám thai tuần 21

  • Nếu đã đi khám thai đầy đủ ở mốc tuần 17-20 thì tuần này bạn có thể không cần đi siêu âm thai, ngoại trừ trường hợp có chỉ định theo dõi riêng của bác sĩ nha.
  • Còn nếu mốc tuần 17-20 mẹ chưa đi khám thai thì nên đi khám ngay trong tuần này nhé. Đây là thời điểm thích hợp để:
    • Tầm soát các dị tật bẩm sinh của thai và các nguy cơ không mong muốn
    • Xét nghiệm tiểu đường nhằm phát hiện nguy cơ tiểu đường thai kỳ.
    • Theo dõi cân nặng của mẹ bầu để đánh giá tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi.

3.2. Mẹ bầu nên ăn uống như thế nào? 

Tuần thứ 20, bước sang tháng thứ 6, mẹ bầu cần chú ý khẩu phần ăn tăng 250kcal so với trước khi mang thai để đảm bảo mẹ bầu tăng 0.5kg mỗi tuần. Thực đơn nên có đầy đủ các nhóm chất và đa dạng các loại thực phẩm khác nhau. 

Trong đó, mẹ cần lưu ý bổ sung các loại thực phẩm giàu các chất sau:

  • Chất sắt

Trong giai đoạn này, mẹ rất dễ gặp nguy cơ thiếu máu, vì vậy nên chú ý bổ sung các thực phẩm giàu chất sắt như: thịt nạc đỏ, thịt heo, các loại đậu đỗ, rau bina, trái cây sấy, cháo bột yến mạch, các loại ngũ. 

  • Axit Folic

Acid Folic rất quan trọng cho sự phát triển não bộ thai nhi trong giai đoạn tháng thứ 6 này. Các thực phẩm giàu Axit Folic gồm: bánh mì, ngũ cốc, bí ngô, vừng, đậu Hà Lan,…

  • Chất xơ

Tình trạng táo bón sẽ ngày càng khó chịu hơn, vì vậy mẹ hãy chú ý tăng cường chất xơ bằng cách ăn nhiều hoa quả, rau xanh. Điều này cũng giúp bổ sung nguồn vitamin đa dạng cho sự phát triển của thai nhi.

dinh dưỡng tuần 21

Ngoài ra, mẹ bầu có thể bổ sung các vitamin và khoáng chất qua viên uống tổng hợp, tuy nhiên cần tham khảo chỉ dẫn của bác sĩ trước khi dùng.

Đừng quên uống đủ 2l nước mỗi ngày để đảm bảo đủ nước ối cho thai nhi nữa nhé.

3.3. Chế độ sinh hoạt

  • Sinh hoạt điều độ, hạn chế thức khuya
  • Hạn chế leo cầu thang hoặc mang vác vật nặng
  • Thay đổi tủ đồ: chuyển sang các trang phục rộng rãi, đổi sang loại giầy dép chống trơn trượt
  • Bôi kem dưỡng ẩm, kem chống rạn da đều đặn
  • Tập thể dục thường xuyên với các bài tập có cường độ nhẹ nhàng, giúp giảm đau lưng và tăng cường lưu thông máu.
  • “Thai giáo” đều đặn hằng ngày bằng cách nói chuyện với thai nhi, mở các bản nhạc nhẹ nhàng.
  • Lên danh sách các đồ dùng cần chuẩn bị cho kỳ sinh nở.
Hãy tích cực thoa kem chống rạn da từ tuần này vì bụng bầu sẽ tăng kích thước rất nhanh

4. Các triệu chứng bất thường cần đến bệnh viện ngay

  • Chảy máu âm đạo bất thường
  • Tăng tiết dịch âm đạo
  • Sốt, ớn lạnh
  • Đau khi đi tiểu
  • Đau bụng dưới hoặc chuột rút
  • Bụng xuất hiện các cơn gò cứng dồn dập

Ngoài ra, việc quan tâm đến sức khỏe thể chất và cảm xúc của mẹ bầu cũng rất quan trọng. Nội tiết tố, sự khó chịu về thể chất và quản lý công việc đều có thể gây ra căng thẳng cho mẹ bầu. Xuất hiện một số căng thẳng là bình thường nhưng nếu mẹ bầu có dấu hiệu căng thẳng kéo dài, có những cảm xúc khác lạ hãy trao đổi với bác sĩ trong quá trình khám thai để nhận được những lời khuyên hữu ích nhé!

Mang thai tuần thứ 21, mẹ đã đi được nửa chặng đường của thai kỳ. Đây cũng là lúc bắt đầu suy nghĩ về những gì mẹ sẽ cần khi em bé chào đời. Cảm thấy đã chuẩn bị sẵn những vật dụng cần thiết, kế hoạch sinh nở và sau sinh có thể giúp mẹ bầu thư giãn về mặt tinh thần.