Cẩm nang mang thai 3 tháng giữa: những lưu ý cho mẹ bầu

Mang thai 3 tháng giữa là thời điểm dễ chịu nhất trong cả quá trình thai kỳ. Giai đoạn này thai nhi đang phát triển ổn định mỗi ngày. Các triệu chứng ốm nghén đã giảm bớt khiến mẹ thấy thoải mái hơn. Tuy nhiên, mẹ vẫn cần chú ý những điểm dưới đây để giữ sức khỏe và giúp thai nhi phát triển tốt.

 

1. Dấu hiệu thai phát triển tốt 3 tháng giữa

Ở giai đoạn này, mẹ sẽ cảm thấy niềm hạnh phúc vỡ oà khi lần đầu tiên cảm nhận được bé cử động, bé phát triển nhanh cả về kích thước lẫn hoàn thiện các cơ quan. 

1.1. Thai kỳ tháng thứ 4

Thai nhi phát triển rất nhanh do bé đã nhận được chất dinh dưỡng và oxy từ mẹ thông qua nhau thai. Lúc này, các đường nét trên khuôn mặt của bé đã được hiện rõ. Bé có thể co duỗi được chân tay. 

Sự phát triển của bé ở tháng thứ 4:

  • Cử động linh hoạt hơn
  • Xương và các cơ quan nội tạng đang phát triển nhanh và dần hoàn thiện
  • Mọc lông tơ
  • Bộ máy tiêu hoá bắt đầu hoạt động

>> Xem thêm: Mang thai tháng thứ 4: Top những điều mẹ bầu phải nằm lòng 

1.2. Thai kỳ tháng thứ 5

Nhiều chức năng trong cơ thể thai nhi đã bắt đầu hoạt động. Tay chân của bé đã hình thành và có thể cử động linh hoạt, bé bắt đầu cử động hăng hái hơn, có thể xoay người trong nước ối và đá vào thành tử cung tạo ra “thai máy” mà mẹ có thể cảm nhận được. 

Sự phát triển của thai nhi ở tháng thứ 5:

  • Lông mi và lông mày bắt đầu dài ra
  • Mạng lưới dây thần kinh đang dần phát triển
  • Bắt đầu tích phân su cho thấy sự phát triển của hệ tiêu hóa

>> Xem thêm: Mang thai tháng thứ 5: Mẹ cần lưu ý gì để thai nhi phát triển tốt?

1.3. Thai nhi tháng thứ 6

Ở tháng này, tim của bé hoạt động mạnh mẽ hơn, các bộ phận trên khuôn mặt trở nên rõ nét hơn, tay và chân dài ra tạo cho bé thân hình mảnh khảnh. Chức năng “ghi nhớ” và “suy nghĩ” phát triển rõ rệt. 

Sự phát triển của thai nhi tháng thứ 6:

  • Sự phát triển rõ rệt của 5 giác quan
  • Cơ quan hô hấp phát triển
  • Thần kinh trung ương và ngoại biên kết nối với nhau thành mạng lưới

>> Xem thêm: Mang thai tháng thứ 6: Mẹ bầu phải cẩn trọng những điều gì?

thai nhi 3 tháng giữa
Hình ảnh thai nhi 3 tháng giữa thai kỳ

Cuối giai đoạn mang thai 3 tháng giữa, thai nhi có kích thước trung bình 30cm và nặng khoảng 600g

2. Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào khi mang thai 3 tháng giữa?

Từ tháng thứ 4 trở đi, hầu hết mẹ bầu cho biết các cảm giác khó chịu do ốm nghén đã giảm bớt, thể trạng của mẹ dần ổn định hơn và bắt đầu cảm thấy ngon miệng hơn. Bụng mẹ bầu bắt đầu nhô ra và to dần. Lúc này mẹ đã cảm nhận được sự cử động của con thông qua dấu hiệu “thai máy”.

Một số triệu chứng mẹ có thể gặp phải:

  • Bụng và ngực to lên do kích thước tử cung tăng lên nhanh chóng tăng lên nhanh chóng, rốn của mẹ hướng ra ngoài. Ở cuối giai đoạn mang thai 3 tháng giữa (tháng thứ 6) mẹ tăng khoảng 5-6kg so với lúc chưa mang thai.
  • Tim đập nhanh hơn do vừa phải cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi vừa phải đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể ngày càng nặng hơn của mẹ. Vì vậy, mẹ bầu dễ cảm thấy uể oải, dễ mệt mỏi hơn. 
  • Các triệu chứng tiêu hoá do do tử cung đang phát triển lớn dần lên chiếm không gian trong khoang bụng và gây áp lực lên một số cơ quan lân cận. Mẹ sẽ gặp phải những triệu chứng như: ợ hơi, ợ chua, táo bón, đi tiểu thường xuyên.
  • Dễ cảm thấy đau lưng do cơ thể mẹ đang chuẩn bị cho sinh nở, xương chậu sẽ trở nên lỏng lẻo hơn. Đồng thời, khối lượng phía thân trước nặng hơn khiến cơ thể bị mất cân bằng, xương phải chịu nhiều áp lực hơn.
  • Phù chân và các vết rạn da do những rối loạn nội tiết khi mang thai, tăng lưu lượng máu và việc tăng kích thước bụng bầu cản trở máu chảy về tim, nhiều mẹ bầu cảm thấy bị mỏi bắp chân hoặc phù chân. Các vết rạn da cũng bắt đầu xuất hiện ở bụng, đùi, mông, ngực do mẹ tăng cân nhanh. 
rạn da khi mang thai 3 tháng giữa
Vết rạn da khi mang thai

3. Những lưu ý dành khi mang thai 3 tháng giữa

3.1. Mang thai 3 tháng giữa nên ăn gì?

3 tháng giữa là giai đoạn thai nhi phát triển nhanh, vì vậy mẹ cần tăng đáp ứng năng lượng, đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học với đa dạng, đầy đủ các nhóm chất. 

Mức năng lượng khuyến nghị hàng ngày khi có thai 3 tháng giữa thai kỳ, khẩu phần ăn nên tăng 250 kcal/ngày (tương đương 1 bát cơm và thức ăn hợp lý). 

Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng – Bộ Y tế

Giai đoạn 3 tháng giữa của thai kỳ là giai đoạn phát triển về khung xương, chiều cao của trẻ nên chú ý ăn các thực phẩm giàu canxi, kẽm như: tôm, cua, trứng, sữa, thủy sản. Cần bảo đảm cung cấp đủ canxi 1200mg/ngày, vì thế ngoài chế độ ăn thông thường mẹ cần uống thêm 6 đơn vị sữa/ngày. 

Một đơn vị ăn của sữa và chế phẩm sữa cung cấp 100mg canxi tương đương: 

  • 1 miếng phô mai có trọng lượng bằng 15g.
  • 1 hộp sữa chua 100g. 
  • 1 cốc sữa dạng lỏng 100ml. Sữa dạng lỏng có thể là sữa tươi, sữa tiệt trùng 

hoặc sữa bột pha có hàm lượng canxi là 100mg canxi trong 100ml sữa.

mang thai 3 tháng giữa nên ăn gì
Thực phẩm tốt cho mẹ bầu mang thai 3 tháng giữa

Mẹ vẫn tiếp tục uống bổ sung viên sắt/acid folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn của bác sĩ

Ngoài ra, trong bữa ăn hằng ngày, mẹ cũng nên chú ý ăn nhiều rau xanh, hoa quả để giảm tình trạng táo bón.

3.2. Những lưu ý trong sinh hoạt

  • Chọn quần áo thoải mái: bụng của mẹ giai đoạn này đã lớn và nhô hẳn ra ngoài, mẹ nên chọn mặc quần áo thoải mái, rộng rãi để tránh chèn ép vào bụng, ngực và giúp mẹ rễ vận động hơn. 
  • Tư thế nằm: mẹ bầu nên nằm nghiêng trái giúp thở tốt hơn và làm giảm áp lực lên tử cung, tiếp thêm chất dinh dưỡng và máu đến nhau thai. Mẹ có thể kê thêm một chiếc gối giữa 2 chân. 
tư thế ngủ cho bà bầu
  • Chăm sóc vùng da dễ bị rạn: mẹ nên chú ý ăn uống để tránh tăng cân quá nhanh. Bôi kem dưỡng ẩm hàng ngày lên các vùng da bị rạn hay các vùng da dễ bị rạn. Ngoài ra mẹ hãy thường xuyên massage để chống rạn da. 
  • Thai giáo 3 tháng giữa: thai nhi đã có thể lắng nghe và cảm nhận được mọi thứ xung quanh, ba mẹ hãy tích cực trò chuyện với bé và áp dụng một số các biện pháp thai giáo như: nghe nhạc nhẹ nhàng vui tươi, đọc sách, tập thiền hoặc yoga,…
thai giáo 3 tháng giữa
Thai giáo từ sớm giúp con phát triển tốt hơn
  • Chế độ vận động: tập luyện đều đặn, rèn luyện cơ sàn chậu bằng các bài tập Kegel, yoga hay đi bộ đúng cách. 
  • Khám thai định kỳ: 4 tuần một lần và tiêm chủng đầy đủ các mũi vacxin trong thai kỳ.

3.3. Những điều cần kiêng kị khi mang thai 3 tháng giữa

  • Không mang vác vật nặng hoặc gắng sức
  • Không mang giày cao gót; Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ;
  • Không bỏ bữa hoặc ăn quá nhiều trong một bữa;
  • Không uống rượu bia, hút thuốc lá, hạn chế các đồ uống như trà, cafe, nước tăng lực.

4. Dấu hiệu bất thường khi mang thai 3 tháng giữa

  • Ra máu âm đạo bất thường (máu màu đỏ tươi, số lượng nhiều)
  • Đau bụng dữ dội hơn bình thường 
  • Tăng cân quá nhiều hoặc quá ít (dưới 1kg hoặc trên 3kg mỗi tháng)
  • Da chuyển sang màu vàng
  • Thường xuyên bị chóng mặt
  • Bị chuột rút trong thời gian dài, bàn tay bàn chân sưng to
  • Không thấy thai máy (sau tháng thứ 5)
  • Đi tiểu nhiều, tiểu buốt, tiểu rắt. 

Khi có một trong các biểu hiện trên, rất có thể mẹ hoặc thai nhi đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Mẹ bầu hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời.

Mặc dù 3 tháng giữa là thời điểm dễ chịu nhất của mẹ trong thời kỳ mang thai, mẹ bầu vẫn cần chú ý chăm sóc bản thân thật tốt để cho thai nhi phát triển an toàn, khỏe mạnh nhé!